7. Bố cục luận văn
2.3.2 Sức mạnh biểu đạt ý nghĩa của nhịp điệu trong Thơ mới
Như chúng ta đã biết, văn chương nói chung, Thơ mới nói riêng vốn phản ánh cuộc sống thông qua những rung động tình cảm. Như nhịp đập của con tim khi xúc động, ngôn ngữ văn chương có cái nhịp riêng của nó. Thế giới nội tâm của người nghệ sĩ không chỉ biểu hiện bằng ý nghĩa của từ ngữ mà còn bằng cả âm thanh, nhịp của từ ngữ ấy. Các nhà nghiên cứu ngôn ngữ thơ văn đều xem tính có nhịp là một đặc trưng cơ bản của ngôn ngữ nghệ thuật. Âm và nhịp làm tăng thêm hàm nghĩa cho từ, gợi ra những điều mà từ ngữ không thể nói ra hết, góp phần làm sáng tỏ những khía cạnh tinh vi của tình cảm con người. Chính vì thế, khi sử dụng ngôn ngữ nghệ thuật, nhà văn rất có ý thức tạo ra một nhịp như mong muốn. Tạo nhịp đã trở thành một biện pháp tu từ ngữ âm nhằm tăng tính hiệu quả cho sự diễn đạt của ngôn ngữ nghệ thuật, nhằm tạo ra một hình thức ngữ âm cân đối nhịp nhàng, uyển chuyển có tác dụng tạo nên những ấn tượng thẩm mỹ gợi hình, gợi cảm, tăng sức mạnh biểu đạt cho tình ý nội dung mà chuỗi ngôn từ không nói hết được. Từ kết quả nghiên cứu, chúng tôi thấy rằng tất cả kiểu loại nhịp được các tác giả dùng đều có khả năng biểu hiện giá trị nội dung và cảm xúc của mỗi tác giả gửi gắm trong thơ. Đó là các kiểu nhịp như: 2/3, 3/2, 2/2/2, 2/2/2/2, 2/2/3, 4/3, 3/5, 5/3, 1/2/5, 1/7, 3/3/2, 3/2/3, 1/4, 2/4, 3/1/1/2, 1/1/5, 3/3/3... Ví dụ:
Yêu,/ là chết ở trong lòng một ít// Vì mấy khi yêu/ mà/ chắc được yêu?//
Cho rất nhiều,/ song/ nhận chẳng bao nhiêu:// Người ta phụ,/ hoặc thờ ơ,/ chẳng biết.///
(Yêu - Xuân Diệu)
Thế giới thơ Xuân Diệu là thế giới của chữ “tình”. Thế giới nghệ thuật của
Xuân Diệu, vì vậy, thường là một hệ thống gồm ba hình tượng cơ bản Tôi - Em - Thế giới. Tôi là một tình nhân, em là một giai nhân và thế giới là mảnh vườn tình. Tình yêu nam nữ là niềm giao cảm bậc nhất của con người. Việc đưa ra một định
nghĩa về tình yêu là một thách thức lớn đối với tất cả các nhà nghiên cứu. Sở dĩ như vậy là do tình yêu cũng như thơ ca, nghệ thuật... là những hiện tượng đầy bí ẩn mà loài người đến nay vẫn chưa định nghĩa được cho thấu đáo.
Trong Xuân Diệu có con người tình nhân và con người triết nhân. Con người tình nhân mải mê yêu đương, yêu cuống quýt, vội vàng và hay thường xuyên vấp ngã; còn con người triết nhân thường ngẫm nghĩ, đúc kết và thận trọng quan sát để rút ra những bài học, những kinh nghiệm nhân sinh.
Là con người triết nhân, Xuân Diệu hay băn khoăn, đi tìm bản chất, nguồn
cội của tình yêu, sức mạnh, giới hạn và ý nghĩa của ái tình: “Yêu,/ là chết ở trong
lòng một ít// Vì mấy khi yêu/ mà chắc được yêu?”. Một tình yêu hết sức cô độc và
mang đầy chết chóc, sầu bi. Trong 3 khổ thơ, Xuân Diệu đã tập trung đi tìm và giải
thích cho bản chất của tình yêu. Và ở cả 3 khổ thơ thì điệp khúc “Yêu,/ là chết ở
trong lòng một ít/ Vì mấy khi yêu/ mà/ chắc được yêu?” đều được lặp lại. Mở đầu
bài thơ là một câu định nghĩa về yêu: “Yêu,/ là chết ở trong lòng một ít” theo cấu
trúc diễn dịch. Đến cuối bài thơ, mặc dù kết thúc theo kiểu quy nạp nhưng cũng lại
quay về với câu “Yêu, là chết ở trong lòng một ít”. Trong câu thơ này, nhịp 1/7 đã
tách “yêu” ra thành một nhịp riêng để phân biệt rõ một vế là chủ thể “yêu” và một vế giải thích cho nhận định về chủ thể. Để giải thích cho triết lý về tình yêu, tác giả đã dẫn dắt người đọc đến với từng dẫn chứng:“Vì mấy khi yêu/ mà/ chắc được yêu?//Cho rất nhiều,/ song/ nhận chẳng bao nhiêu// Người ta phụ,/ hoặc thờ ơ,/
chẳng biết.///”. Bốn câu thơ của một khổ thơ với bốn cách ngắt nhịp khác nhau:
nhịp 1/7, 4/1/3, 3/1/4, 3/3/2. Nhịp 4/1/3 ở câu thơ thứ 2 thể hiện sự phân vân, băn khoăn khi mới bước vào tình yêu. Nhịp 3/1/4 ở câu thứ 3 đổi ngược nhịp với câu
thứ hai, nhịp giữa lại chia đôi hai vế nhấn mạnh vào sự tương phản giữa “cho” và
“nhận”, “ít” và “nhiều” của những cặp tình nhân khi yêu trao cho nhau. Cái “cho”
và “nhận” ở đây có nội hàm nghĩa rất rộng. Kết thúc khổ thơ nhịp lại đổi sang nhịp
3/3/2, tăng thêm thái độ hoài nghi, sự phản bội trong tình yêu. Hai tiết nhịp đầu, số lượng âm tiết dồn nén như từng hơi thở dài đứt quãng của tác giả cố gắng diễn giải cho triết lý của mình. Để rồi nhịp cuối 2 âm tiết bột phát ra não nề vì tình yêu của mình đã trao nhầm chỗ, đã bị phản bội mà không hay biết. Bốn câu thơ trong một khổ thơ với bốn cách ngắt nhịp khác nhau nhằm lý giải một cách rõ ràng nhất về triết lý một tình yêu đầy hoài nghi và tuyệt vọng.
Chúng ta cùng tìm hiểu một ví dụ khác về khả năng biểu đạt nội dung ý nghĩa của nhịp điệu trong Thơ mới:
Ta không muốn/ đợi ngày hơi thở tắt// Cánh Thời Gian/ bay chậm quá,/ người ơi!// Ngày cứ xuân,/ tủy cứ nóng,/ máu cứ tươi,/ Biển Trần Gian,/ thuyền hồn/ không gặp bến,/ Mà sầu não/ khổ đau/ nào ngớt đến?///
(Máu Xương - Chế Lan Viên)
Năm dòng thơ khổ 1 của bài thơ ngắt thành 4 kiểu nhịp: 3/5, 3/3/2, 3/3/3, 3/2/3 cùng thay tác giả giãi bày tâm trạng nôn nóng khi thấy dòng thời gian trôi đi quá chậm vì thế cái chết cũng đến muộn hơn. Trong khi đó sầu não, khổ đau, buồn tủi, cô đơn lại không ngừng bám riết lấy cuộc sống nên tác giả không thể chỉ ngồi đợi cái chết đến, mà mang một tâm thế chủ động tìm kiếm và đón nhận nó. Nhịp 3/3/2 đặc tả dòng chảy thời gian nặng nề, chậm chạp tưởng như có thể cảm nhận, nhìn thấy và đếm được mỗi bước đi của nó. Nếu như với Xuân Diệu, thời gian luôn là một thứ gì đấy rất ngắn ngủi và trôi đi rất nhanh nên ông rất tiếc thời gian, ông luôn sống gấp gáp vội vàng chạy đua với thời gian thì Chế Lan Viên lại than thở vì cảm thấy thời gian dài, trôi đi chậm. Nhịp 3/3/3 ở câu 3 liệt kê theo cấp độ tăng tiến nhịp sống thiên nhiên và nhịp sống con người vẫn không ngừng tuôn chảy, nóng ấm theo thời gian. 2 câu kết cùng nhịp 3/2/3 khắc họa tâm trạng cô đơn, lẻ loi của tác
giả đang phải chống chọi với muôn vàn “sầu não”, “khổ đau”. Đây chính là thực
tại phũ phàng khiến tác giả muốn thời gian trôi thật nhanh, cái chết đến thật gần để có thể thoát ly, giải thoát cho cuộc đời mình. Thoát ly thực tại bằng cách thoát ly vào thơ và làm cho thơ thoát ly hiện thực là đặc điểm cốt lõi nhất của phong trào thơ mới. Mỗi nhà Thơ mới tự chọn cho mình những điểm đến như Thế Lữ đi vào cõi tiên, Lưu Trọng Lư đi vào cõi Mộng, Hàn Mặc Tử về với thánh thần và thượng đế, Xuân Diệu say sưa với cõi Tình, Huy Cận buồn thương cùng Vũ Trụ, Chế Lan Viên thoát ly vào cõi Âm, bãi tha ma, vũ trụ.
Nhắc tới Thơ mới, là nhắc tới một phong trào thơ thể hiện ý thức hệ tư sản
mà ở đó cái “tôi” cá nhân chủ nghĩa mang tâm trạng buồn tủi, bế tắc, cô đơn... tự
bó mình lại, tách rời khỏi cuộc sống xung quanh, tách rời khỏi cuộc đấu tranh của
dân tộc. Và nhịp điệu góp phần rất hữu hiệu vào việc thể hiện tâm trạng cái “tôi”
nhỏ bé, cô đơn đó.
Nắng xuống,/ trời lên,/ sâu chót vót// Sông dài,/ trời rộng,/ bến cô liêu.///
Nhịp 2/2/3 ngắt dòng thơ thành 3 câu thơ độc lập kết hợp với sự đối lập về thanh điệu bằng - trắc ở các tiết nhịp góp phần mở rộng chiều dài của sông nước, của không gian trên cả ba chiều kích: chiều rộng, chiều sâu, chiều cao. Nhịp 1
“nắng xuống”, nhịp 2 “trời lên” kéo dãn không gian, nắng và trời cách nhau bởi
khoảng “sâu chót vót”. Nhịp 3, dồn âm tiết về nhấn mạnh vào độ sâu nhưng là cao
đến “chót vót”. Cái bề sâu ấy được biểu hiện dưới một nỗi buồn rộng khắp và thấm
thía. Buồn vì kiếp người nhỏ bé, hữu hạn trước vũ trụ bao la vô tận. Câu thơ thứ hai cũng nhịp 2/2/3 mở rộng không gian trời và sông về chiều dài và rộng. Từng nhịp 2 như từng “nhát cắt” dứt khoát chia không gian rộng lớn trên nhiều chiều. Tất cả tạo
nên một không gian lớn đến vô cùng và trên nền ấy chỉ có một “bến cô liêu” nhỏ
bé, hoang vắng và cô độc. “Bến cô liêu” nằm ở nhịp 3 với 3 âm tiết trong khi 2 nhịp đầu chỉ 2 âm tiết một lần nữa làm tăng cái sự đối lập cái tôi nhỏ bé với sự rộng lớn đến vô cùng của không gian. Như vậy, trong hai câu thơ đều sử dụng nhịp 2/2/3 đã
làm nổi bật cái “tôi” cá nhân luôn cảm thấy cô đơn, lạc lõng, quá bé nhỏ giữa cuộc
đời của các nhà Thơ mới bấy giờ. TIỂU KẾT
Trên đây chúng tôi đã trình bày về các phương thức phổ biến cho việc tạo nhịp trong các bài Thơ mới. Những phương thức này cũng có thể sử dụng trong các thể loại văn xuôi khác như truyện ngắn, tiểu thuyết, ký... nhưng đối với Thơ mới thì chúng đặc biệt quan trọng. Cho nên, nhịp của ngôn từ trong thơ mới là một yếu tố không những của hình thức mà của cả nội dung. Do vậy, chúng ta dễ dàng hiểu rằng phương thức cơ bản để tạo nối kết, làm cho bài thơ mạch lạc, gắn kết chặt chẽ chính là nhịp điệu.
Thơ mới với những hình thức phổ biến và ổn định về mặt kết cấu của thanh điệu, nhịp điệu, vần thơ được gói gọn trong 6 thể thơ sau: thể bốn từ, thể năm từ, thể bảy từ, thể tám từ, lục bát và tự do. Mỗi thể thơ mà các tác giả sử dụng đều có cách ngắt nhịp đặc trưng. Một số trường hợp, khi ta tiếp xúc văn bản thơ, thường ngắt nhịp dựa trên áp lực của thể thơ nhưng cái quan trọng chính là căn cứ ý nghĩa để ngừng nhịp cho đúng. Chẳng hạn thể 7 từ thường ngắt nhịp là 2/2/3, 4/3 nhưng một số dòng thơ lại không theo quy luật đó mà có thể là 3/4.
Các phương thức phổ biến trong việc tạo nhịp gồm. Sử dụng các loại dấu câu như một dấu hiệu hình thức để chế định nhịp; mô hình luật bằng trắc; lặp từ vựng; lặp độ dài cấu trúc đoản ngữ, lặp độ dài cấu trúc đề - thuyết và lặp độ dài cấu trúc
chủ - vị theo mô hình trùng điệp; phép lặp vòng trong phạm vi tổ chức một bài thơ; hiện tượng vắt dòng (dòng thơ trên tràn xuống dòng thơ dưới); sử dụng các danh từ riêng ở những vị trí đặc biệt và danh từ, động từ, tính từ được viết hoa một cách hữu ý trong câu thơ. Đây là những phương thức vô cùng quan trọng góp phần hình thành nên những kiểu nhịp điệu riêng của Thơ mới.
Tạo nhịp điệu đã trở thành một biện pháp tu từ nhằm tăng tính hiệu quả cho sự diễn đạt của ngôn ngữ nghệ thuật và góp phần biểu đạt ý nghĩ nội dung tác phẩm cũng như cảm xúc của tác giả. Giá trị nghệ thuật cơ bản của nhịp điệu trong Thơ mới là: tạo nên nhạc điệu cho ngôn ngữ Thơ mới; tạo nên sự khúc chiết, tính liên kết, mạch lạc cho Thơ mới; diễn tả sự vận động đời sống tâm hồn, gia tăng cảm xúc tình cảm. Trong đó, nhịp điệu có khả năng tạo nên nhạc điệu cho Thơ mới là giá trị nghệ thuật đặc sắc nhất.
Chƣơng 3
DẤU ẤN TÁC GIẢ TRONG TẠO NHỊP