7. Bố cục luận văn
2.3.1 Giá trị nghệ thuật của nhịp điệu trong Thơ mới
Văn chương nghệ thuật nói chung đều phản ánh cuộc sống thông qua những rung động tình cảm. Thế giới nội tâm của người nghệ sĩ không chỉ biểu hiện bằng ý nghĩa của từ ngữ mà bằng cả âm thanh, nhịp điệu của các từ ngữ ấy. Maiacốpxki từng nói Nhịp điệu là sức mạnh chủ yếu, là năng lượng chủ yếu của câu thơ. Do đó, các nhà thơ văn khi sáng tác đều rất có ý thức tạo lập nhịp điệu cho các tác phẩm của mình. Nhịp điệu đã trở thành một phương tiện tu từ ngữ âm được sử dụng, tạo lập trong những tác phẩm văn chương để đem lại những giá trị nhất định. Nói chung, nhịp điệu giống như những nốt nhạc trong một bản đại hòa ca là bài thơ, có lúc dìu dặt nhẹ nhàng nhưng cũng có lúc dồn dập, hối hả theo dòng cảm xúc của tác giả.
Phong trào Thơ mới đã mang đến những biến đổi có tính chất nhảy vọt trong thơ ca. Thơ mới là lối thơ không theo quy định của lối thơ cũ, chỉ ưu tiên cho vần và điệu, không bị hạn chế về số câu, số chữ và niêm luật, nhà thơ mặc sức để cảm xúc, ý tưởng tuôn trào, ảnh hưởng của Nho - Đạo - Phật cũng không còn nặng nề, họ chủ động đón nhận những cơn gió phóng khoáng của trời Tây đang ào ào thổi tới. Thơ mới đã đột phá về ngôn ngữ thơ theo hướng tự do hóa. Các nhà Thơ mới đã rất chú
trọng vào nhịp điệu và thổi vào đó những cảm xúc lãng mạn, tự do. Có thể nói, nhịp điệu là một đặc trưng cơ bản làm nên phong cách riêng ở Thơ mới.
Qua nghiên cứu, chúng tôi thấy nhịp điệu trong Thơ mới có một số giá trị nghệ thuật cơ bản sau:
2.3.1.1 Nhịp điệu góp phần tạo nên nhạc điệu cho Thơ mới
Trong thơ có họa, có nhạc. Tính nhạc giữ vai trò đặc biệt quan trọng, quyết định giá trị nghệ thuật của thơ. Theo giáo sư Mai Ngọc Chừ thì những yếu tố cơ bản tạo nên tính nhạc của thơ và nhạc gồm: âm vực (sự đối lập về cao độ), âm điệu và ngữ điệu, nhịp điệu, trường độ, hiện tượng gieo vần, hiện tượng điệp âm. Trong 6 yếu tố trên thì nhịp điệu là yếu tố cơ bản mà cả âm nhạc và thơ đều cần phải có. Không có nhịp, bản nhạc đó, bài thơ đó chỉ là những con chữ vô hồn xếp bên nhau theo trật tự cứng nhắc của quy luật xuất hiện âm thanh. Xét về khởi nguồn thì nhịp trước hết liên quan đến nhạc, vì vậy có thể nói nhịp thơ cũng là biểu hiện của tính nhạc trong thơ. Trong chương một, chúng tôi đã làm rõ khái niệm và tính chất của
nhịp điệu, theo đó “Nhịp điệu là sự lặp lại một cách tuần hoàn các âm mạnh và nhẹ
sắp xếp theo những hình thức nhất định”. Như vậy, sự lặp lại một cách tuần hoàn là
đặc trưng của nhịp điệu, cả trong âm nhạc lẫn trong thơ ca.
Nói nhịp điệu góp phần tạo nên nhạc điệu cho Thơ mới tức là nhấn mạnh đến vai trò của nhịp điệu. Cùng với vần và thanh điệu, nhịp điệu tạo nên giai điệu, tính nhạc, âm hưởng cho câu thơ. Với mỗi cách ngắt nhịp khác nhau, một câu thơ sẽ có nhiều cách hiểu tương ứng. Các nhịp dài/ ngắn, nhanh/ chậm, cao/ thấp, bổng/ trầm, mạnh/ nhẹ..., sự phối thanh, hòa âm trong các nhịp và giữa các nhịp đều đã tác động và làm nảy sinh những nốt nhạc, khiến các câu thơ, bài thơ nghe không khác gì câu hát. Sự ngắt nhịp, phân dòng trong từng dòng thơ, khổ thơ, toàn bài thơ cũng tương tự như sự tổ chức tiết tấu, chia phách trong âm nhạc, các thanh điệu của tiếng Việt trong cấu tạo âm tiết cũng có nhiều cung bậc biểu hiện giống như cung bậc âm thanh. Như vậy, nhịp điệu là một yếu tố căn bản để tạo nên tính nhạc của thơ. Sau mỗi lần lặp lại theo chu kỳ tuần hoàn của nhịp điệu, thì chúng được đánh dấu bằng một chỗ ngừng, tức sự ngắt nhịp. Mỗi lần ngắt nhịp tạo kiểu nhịp cũng như đổi nhịp là một lần nhạc tính trong thơ có sự thay đổi. Dưới đây là ví dụ về kiểu nhịp điệu và cách ngắt nhịp điệu tạo nhạc trong thơ. Ví dụ:
Đêm mưa/ làm nhớ/ không gian,//
Tai nương/ nước giọt/ mái nhà//
Nghe trời/ nặng nặng,/ nghe ta/ buồn buồn/// Nghe đi/ rời rạc/ trong hồn//
Những chân/ xa vắng/ dặm mòn/ lẻ loi…/// Rơi rơi…/ dìu dịu/ rơi rơi…///
Trăm muôn/ giọt nhẹ/ nối lời/ vu vơ…/// Tương tư/ hướng lạc,/ phương mờ…///
Trở nghiêng/ gối mộng,/ hững hờ/ nằm nghe./// Gió về,/ lòng rộng/ không che,/
Hơi may/ hiu hắt/ bốn bề/ tâm tư…///
(Buồn đêm mưa - Huy Cận)
Buồn đêm mưa là bản nhạc hòa ca giữa nỗi sầu và cảnh vật. Đó là nỗi buồn vô cớ, xuyên suốt không gian, như một mạch ngầm có sức thẩm thấu ngấm ngầm, mạch ngầm xuyên suốt lan chảy theo nước mưa thấm vào lòng người. Những yếu tố âm nhạc và thi ca ở đây kết hợp với nhau như một bản nhạc thơ được phổ nhạc. Tiếng buồn nảy nở từ không gian ẩm ướt, lạnh lẽo của đêm mưa và tiếng mưa như từng nốt nhạc gợi nhớ một nỗi nhớ vu vơ. Tất cả câu thơ đều theo nhịp 2/2/2 và
2/2/2/2 đều đều. Đối tượng của nỗi nhớ là không gian giá buốt chứa một “nỗi hàn
bao la”... càng nằm, càng nghe, càng lạnh, điệu nhạc mưa càng tung hoành, làm
khắc khoải lòng người, làm đờ đẫn tâm can. Cái “nằng nặng” của trời kết hợp với
cái “buồn buồn” của lòng người để nhận thấy tâm hồn đang bước đi với những
bước rời rạc, chậm rãi theo nhịp rơi của mưa. Đó là một nỗi sầu vô cớ, sầu lang thang, sầu không nhà không cửa, sầu dọc chiều dài thời gian và sầu mênh mông trong không gian vô tận. Từng giọt sầu hòa cùng từng giọt mưa, rơi đều đều, dịu dàng. Nhịp 2/2/2 và 2/2/2/2 cho thấy tính chất tuần hoàn đều đặn của dòng âm thanh, chúng giống như một bản nhạc mưa sầu, sầu trong hồn hòa trong ướt át, lạnh lẽo gió mưa, nhẹ nhàng và êm ái...
2.3.1.2 Nhịp điệu góp phần tạo nên sự khúc chiết, tính liên kết, mạch lạc cho Thơ mới
Các tác phẩm văn thơ Việt Nam nói chung và Thơ mới nói riêng có thể liên kết chặt chẽ với nhau trong một thể thống nhất là nhờ nhịp điệu. Một bài thơ mà khi ta đọc ra đều đều, không có âm hưởng trầm/ bổng, nhấn/ lướt, lên cao/ xuống thấp...
thì sẽ rất tẻ nhạt, đơn điệu, khó nhận thức được nội dung, dụng ý mà tác giả muốn gửi gắm. Thế nhưng, một bài thơ sẽ trở nên có hồn, có xúc cảm lay động mạnh mẽ tâm hồn người đọc nếu nó có vần, có điệu, được ngắt nhịp đúng chỗ.
Như Hoàng Cao Cương đã nói, “Thi ca là cách phát biểu khác về thế giới
mà mình đang sống. Chính vì vậy công việc của nhà thơ ngoài việc tìm cách điễn đạt chính xác các thực tế trải nghiệm thông qua hệ thống từ rời và ẩn dụ, còn cần phát hiện ra cách nối kết các phát ngôn vốn là rời rạc và cách biệt trong lối tư duy của nhà thơ, thành những chuỗi ngôn từ đẹp đẽ, tự nhiên và có linh hồn. Những chuỗi kết nối đó vượt qua mức tầm thường, phẳng bẹt của các nối kết ứng dụng đầy rẫy trong giao tiếp lời của đời sống thường nhật, để đạt đến những kết nối đa nhịp và có sức biểu cảm càng trực tiếp với thế giới riêng của nhà thơ càng có sức lay
động với những người tiếp nhận nó”. Cách kết nối các phát ngôn rời rạc và cách
biệt trong lối tư duy của nhà thơ mà tác giả nhắc đến ở đây phải chăng chính là những yếu tố nằm sâu trong cấu trúc phát ngôn như nhịp điệu, cách thức sử dụng các chuỗi từ ngữ, kiểu câu. Nhưng yếu tố góp phần làm cho toàn hệ thống liền mạch, mạch lạc với nhau, nối kết những mảng vụn vỡ, rời rạc, là nhờ nhịp điệu. Thực tế đã chứng minh, rất nhiều bài Thơ mới nhờ nhịp điệu mà những dòng cảm xúc cứ tự do, phóng khoáng dường như không có điểm dừng cuối cùng vẫn quay lại với ý tứ thơ ban đầu. Ví dụ:
Đây thôn Vĩ dạ
Sao anh/ không về/ chơi thôn Vĩ?// Nhìn nắng hàng cau/ nắng mới lên./// Vườn ai/ mướt quá,/ xanh như ngọc// Lá trúc che ngang/ mặt chữ điền./// Gió theo lối gió,/ mây đường mây,// Dòng nước/ buồn thiu/ hoa bắp lay..../// Thuyền ai/ đậu bến/ sông Trăng đó,// Có chở trăng về/ kịp tối nay?///
Mơ khách đường xa,/ khách đường xa// Áo em trắng quá/ nhìn không ra.../// Ở đây sương khói/ mờ nhân ảnh// Ai biết/ tình ai/ có đậm đà?///
Nhìn vào 3 khổ thơ của bài thơ này ta rất khó thấy được sợi dây nối kết liền mạch giữa chúng. Bài thơ có vẻ đứt đoạn, mạch liên tưởng không đồng nhất. Mỗi khổ thơ diễn tả một nội dung khác nhau. Khổ 1: một chuỗi hình ảnh mô tả vẻ đẹp lộng lẫy của mảnh vườn thôn Vĩ với tư cách người đang ở tít xa ngóng về. Khổ 2: tất cả mọi thứ nhòe dần, tan đi theo gió, theo mây, theo dòng nước để một ước mong vừa lóe lên nhưng lại trở thành hoài niệm ngay. Khổ 3: tác giả quay về với thực tại đầy bất hạnh của mình với giấc mơ về một người con gái đang nhòa đi trong nước mắt tuyệt vọng của nhà thơ. Như vậy, tưởng như chúng là những mảng rời rạc, không có mối quan hệ nào với nhau. Thế nhưng cả 3 khổ thơ lại được xâu chuỗi với nhau liền mạch bởi một sợi dây ngầm: 3 khổ đều chứa hàm chứa 3 câu
hỏi về một đối tượng mà tác giả gọi là “ai”: “Vườn ai/ mướt quá,/ xanh như ngọc//”,
“Thuyền ai/ đậu bến/ sông Trăng đó,//”, “Ai biết/ tình ai/ có đậm đà?///”. Và khi
chúng ta đưa 3 khổ thơ này vào trong cấu trúc thơ rồi thể hiện nhịp điệu thì sợi dây liên kết lại càng hiện lên rõ nét. Ba khổ thơ lập thành ba mạch, sự tương đương trùng điệp về âm thanh đã làm nổi lên những tương đương về số lượng âm tiết trong cùng một cấu trúc nhịp.
Vườn ai/ mướt quá,/ xanh như ngọc// Lá trúc che ngang/ mặt chữ điền./// Thuyền ai/ đậu bến/ sông Trăng đó,// Có chở trăng về/ kịp tối nay?/// Ở đây sương khói/ mờ nhân ảnh// Ai biết/ tình ai/ có đậm đà?///
Hai câu kết thúc các khổ có kiểu nhịp 2/2/3 và 4/3, 2/2/3 và 4/3 (khổ 2), 4/3 và 2/2/3. Như vậy, số lượng âm tiết trong các ngữ đoạn bằng nhau. Nhịp điệu kết hợp với các biện pháp tu từ đã nối kết và làm cho bài thơ liền mạch tròn một thể thống nhất để cùng thể hiện niềm đau thương của cuộc đời và một tình yêu tuyệt vọng.
2.3.1.3 Nhịp điệu góp phần diễn tả sự vận động đời sống tâm hồn, gia tăng cảm xúc
Nhịp điệu gắn liền với sự vận động của đời sống tâm hồn. Các yếu tố lặp lại trong nhịp điệu nối tiếp nhau tạo thành mạch vận động lưu chuyển nhịp nhàng. Các tác giả khi sáng tác thơ văn thường gửi gắm những tình cảm đời sống tâm hồn của mình vào trong từng trang văn, trang thơ. Quá trình sáng tạo là quá trình nhà văn
trải nghiệm cuộc sống, trải nghiệm chính bản thân mình. Những biến động của đời sống thẩm thấu vào tư duy, tình cảm con người hình thành mạch suy nghĩ, nhận thức về cuộc sống và những dòng xúc cảm, tâm tư. Khi những cảm xúc ấy được đẩy lên thành cảm hứng sáng tạo thì nó lại được thể hiện ra bên ngoài trên những trang viết trong một nhịp điệu nhất định. Nhịp điệu tâm trạng buồn bã, nhịp xúc cảm khi mênh mang, khi dồn nén, lúc vui nhộn nhịp, lúc não ruột tràn trề. Bảo sao người ta vẫn nói, đọc thơ biết người là vậy. Chỉ đọc thơ thôi ta cũng hiểu tâm trạng, đời sống tâm tư tình cảm của tác giả lúc đó như thế nào. Nhiều năm đã qua đi, nhưng thế hệ trẻ thưởng thức thơ văn bây giờ vẫn hiểu được những ước mong, suy nghĩ của các tác giả Thơ mới. Sở dĩ làm được như vậy là do các tác giả đã thổi hồn mình vào thơ thông qua những con chữ có vần, điệu, nhịp điệu. Ví dụ:
Nguyệt cầm
Trăng nhập/ vào dây/ cung nguyệt lạnh,// Trăng thương,/ trăng nhớ,/ hỡi trăng ngần./// Đàn buồn,/ đàn lặng,/ ôi đàn chậm.///
Mỗi giọt/ rơi tàn/ như lệ ngân.///
(Xuân Diệu)
Đây là khổ thơ mở đầu trong bài Nguyệt cầm của Xuân Diệu. Nội dung của
nó là diễn tả quá trình giao thoa, cộng hưởng giữa trăng và đàn. Cảm hứng thơ ca về nguyệt cầm của Xuân Diệu xuất phát từ cảm nhận mối giao hòa giữa trăng và đàn. Từ việc nhìn thấy, cảm thấy thế giới huyền bí được tạo ra bởi trăng và đàn và nỗi đau sâu sắc mà trăng - đàn ẩn chứa nên tác giả đã thể hiện ra bên ngoài bằng những
cấu trúc nhịp điệu của ngôn ngữ. Thế giới nhạc của Nguyệt cầm bắt đầu sống cái
sinh mệnh của đàn từ lúc trăng bắt đầu nhập vào dây cung. Hồn trăng từ trên trời xa
sà xuống nhập vào thế giới âm u, bí mật của đàn “Trăng thương” - “ trăng nhớ”- “
trăng ngần” nhập với “Đàn buồn” - “ đàn lặng” - “đàn chậm”. Hai câu thơ thất
ngôn ngắt rời thành 3 nhịp, mỗi nhịp có số lượng âm tiết bằng nhau 2/2/3 và mỗi nhịp vừa là một tiết tấu của câu lớn, vừa là một câu có tính độc lập. Mô hình lặp cấu trúc chủ - vị nằm trong lặp cấu trúc cả câu. Ba chủ thể câu trên “trăng”, ba chủ thể câu dưới “đàn”. Cấu trúc nhịp trùng điệp liên tục kết hợp với biện pháp liệt kê, lặp từ vựng đã thể hiện cảm xúc của tác giả tăng tiến dần. Từng trạng thái của trăng và đàn khi nhập với nhau được liệt kê theo tuyến tính, tựa như tác giả mô phỏng một
chuỗi âm thanh có nhạc điệu tấu lên từ Nguyệt cầm, nốt sau cao hơn, thiết tha hơn,
hợp tuyệt vời. Rồi khi đã hòa quyện lại chúng trở thành những giọt đàn và giọt đàn vô hình ấy trở thành hữu hình khi nó biến thành giọt lệ gõ vào không gian thành những tiếng âm vang. Giọt lệ này được ứa ra từ mối hận muôn đời của những kiếp cầm ca tài hoa bạc mệnh, của những nàng nương tử đã chết đêm rằm theo nước xanh. Tác giả bằng tất cả sự quan sát nhạy bén, tinh tế đã cảm nhận được mối hận của những bậc hồng nhan chơi đàn kí thác vào đàn để từ đó đồng cảm, thương xót cho thân phận của họ.