Đặc trƣng ngữ nghĩa-ngữ dụng của quán ngữ biểu thị tình thái phản thực hữu

Một phần của tài liệu Khảo sát các phương tiện biểu thị tình thái phản thực hữu (counter - factive) trong tiếng Việt (Trang 32)

2.1.2 Đặc trƣng ngữ nghĩa- ngữ dụng của quán ngữ biểu thị tình thái phản thực hữu phản thực hữu

Quán ngữ tình thái là một khái niệm được xem xét từ góc độ phương tiện biểu thị tình thái trong ngôn ngữ, gắn với bình diện dụng học. Do vậy, nghĩa của các đơn vị quán ngữ tình thái nói chung và các đơn vị quán ngữ phản thực hữu nói riêng thuộc phạm trù ngữ nghĩa- chức năng, bình diện hoạt động của hệ thống ngôn ngữ. Có nghĩa là nghĩa của các quán ngữ biểu thị tình thái thiên về bộc lộ những tác động giữa người nói, người nghe với tất cả các nhân tố giao tiếp và phụ thuộc rất cao vào ngữ cảnh. Nếu nhìn nhận theo bình diện chức năng, mang tính dụng học như thế thì nội dung của các quán ngữ biểu thị tình thái phản thực hữu thuộc về loại nghĩa phi miêu tả. Tuy nhiên, như Lyons (1995), chúng tôi hiểu thuật ngữ ngữ nghĩa học theo nghĩa rộng, bao hàm cả bộ phận nghĩa học có tính chất miêu tả và bộ phận nghĩa mang tính chất dụng học, phi miêu tả. Trong mục này chúng tôi xem xét đặc trưng ngữ nghĩa- chức năng của các quán ngữ tình thái phản thực hữu nhằm nhấn mạnh ngữ nghĩa của các quán ngữ này là thuộc phạm vi của ngữ nghĩa chức năng, chịu sự chi phối chủ yếu của các nhân tố dụng học.

Tất cả các quán ngữ tình thái phản thực hữu đều mang nét nghĩa cơ bản là “(P) phản thực hữu” nghĩa là đều chỉ ra rằng sự tình (P) là không chân thực, giả dối, không có trong hiện thực. Nhưng bên cạnh những nội dung chỉ ra tình thái nhận thức đó, các quán ngữ tình thái còn dung hợp các sắc thái đánh giá tích cực, tiêu cực, trung hoà, đáng mong muốn, không mong muốn… của người nói về sự tình được truyền đạt. Các sắc thái đánh giá đó là những nhân tố cụ thể thuộc bình diện dụng học.

Tính chất chỉ ra sự tình phản thực hữu khiến cho các quán ngữ tình thái có thể giống nhau về phần nghĩa tình thái nhận thức nhưng phần nghĩa dụng học của các quán ngữ có những biểu hiện khác nhau theo từng nhóm đồng nghĩa cụ thể. Dựa vào nghĩa tường minh và nghĩa dụng học của quán ngữ, chúng tôi phân chia các quán ngữ tình thái phản thực hữu đồng nghĩa và gần nghĩa vào từng nhóm nhỏ và có sự phân biệt với các nhóm khác ở các tiểu nhóm nhỏ sau nhằm thể hiện ý đồ và lí do lựa chọn của người bản ngữ khi sử dụng mỗi thành tố của quán ngữ trong các tiểu nhóm.

- Nhóm 1: Phải chi (P), ước gì (P), ước sao (P), giá mà (P), giá như( P)... Nội dung sự tình ở (P) là một điều mong ước, mong muốn của người nói không có thật ở hiện tại và quá khứ, hoặc thậm chí ở tương lai. Điều được nói đến (P) trong trường hợp này là một giả định phi hiện thực với sắc thái đánh giá “P phù hợp mong muốn, có lợi, tích cực” và “người nói mong ước (P) diễn ra trong thực tế nhưng P đã không diễn ra”.

Ví dụ:

1) Chúng tôi gặp những ông già ngồi chơi với cháu, thằng Điền ...bảo: “Phải chi đây là ông nội mình, thương đỡ chơi, hen Hai”. [44. 188] 2) Tôi ước gì cha tôi hiểu, để mà thanh thản... [44. 212]

3) Giá như người khác, là người biết ngoan ngoãn tuân phục một thứ tôn giáo nào, chắc hẳn lúc này, lão đã lập tức quỳ sụp xuống mà hối hả đọc

kinh,...Đằng này là một kẻ vô đạo, lão Khúng chỉ biết lật mình ngồi dậy trên tấm phản gỗ. [34. 852]

Do đặc tính thể hiện mong ước không có thật nên các quán ngữ thuộc nhóm này đã được mở rộng ở khả năng xuất hiện trong các kiểu câu ghép điều kiện- kết quả: Giá mà (P) thì (Q), ước gì (P) thì (Q), Phải chi (P) thì (Q),...các kiểu câu ghép này sẽ được chúng tôi xem xét như một phương tiện ngữ pháp biểu thị tình thái phản thực hữu ở chương tiếp theo.

- Nhóm 2: Lẽ ra (P), đáng ra (P), đáng lí (P), đáng lẽ ra thì (P), đáng lí ra thì (P), đáng lí ra (P), đáng lẽ (P), biết thế này (P) còn hơn, ít ra (P)...

Nội dung sự tình (P) mà người nói thể hiện ở đây có sắc thái đánh giá “(P) là hợp lí, có lợi hơn sự tình tồn tại trong thực tế, tích cực” và thái độ của người nói chủ yếu là tiếc nuối, hối tiếc hoặc hối hận vì (P) đã không diễn ra, không có thực hoặc có khi người nói trách móc, phê phán vì (P) đã không có thực. Các tác tử của nhóm này cũng có thể xuất hiện trong các câu ghép điều kiện kết quả như ở nhóm 1 (lẽ ra (P) thì (Q), đáng lẽ (P) thì (Q).

Ví dụ:

1) Lẽ ra phải nói với Dỉ rằng mình sẽ đợi, nhất định sẽ đợi. Nhưng Nhẽo lại chỉ khóc. [49. 80]

2) Tôi tiếc đã không nghe lời vợ. Đáng lý nên trả vé, đừng theo chuyến này. Ngày xấu, giờ xấu, thời tiết xấu. [41. 161]

3) Đáng lẽ ra thì phải bắt giam ông ngay. Nhưng mà nhà nước sẵn lòng tha thứ cho những người biết nhận lỗi và biết hối hận. Vậy thì tôi cứ kí giấy tạm tha cho ông. [47. 92]

4) Vả lại mang tiếng là con ông Nghị Hách(...) mà con lại chỉ có mỗi một cái nhà. Gia tài con đáng được hưởng ít ra cũng phải trên chục nóc nhà chứ? [47. 261]

5) Đáng nhẽ làng xử mày tội chết, nhưng làng tha cho mày được sống và nộp vạ. [38. 97]

6) Lẽ ra thì đấy không phải là lần cuối cùng, bởi vì lẽ ra thì tôi đã trở về được ngôi nhà ấy, vào lại được căn phòng hồi đêm ấy và gặp lại được người con gái ấy của tôi. [41. 181]

- Nhóm 3: Y như (P), tựa như (P), như thể (P), làm như thể (P), cứ như thể (P), cứ như là (P), làm như (P)...

Nét nổi bật của các tác tử trong nhóm này là thường có dùng từ so sánh “Như” kết hợp các từ khác làm thành các cấu trúc so sánh để chỉ ra điều (P) không có trong thực tế. Sắc thái đánh giá có thể “(P) tiêu cực hoặc tích cực, phù hợp mong muốn hoặc trái với mong muốn, có thể bất lợi hoặc không bất lợi” với thái độ của người nói rất phong phú tuỳ theo hoàn cảnh nói : có thể là ngạc nhiên, sửng sốt hoặc phê bình, mỉa mai, khen nịnh. Ngoài ra, cũng có thể xếp tựa hồ vào nhóm này (mặc dù không có từ Như nhưng có ý nghĩa như tựa như)

Ví dụ:

1) Chàng mân mê cuốn sách tựa như có thể tìm thấy trong đó câu trả lời. [36. 117]

2) Nhẽo im lặng, mở nồi măng khô, vớt ra rổ, ngồi xe. Chốc chốc lại quay ra chụm củi, thổi lò cháy to. Làm như không có Khún ngồi bên cạnh. [49. 71]

3) Tim như thể đứng dừng lại, lại như thể đập loạn xạ, tôi ngây người. [41. 172]

4) Thấy chị và Hoài Thương chiều con nhị thể thái quá, anh mát mẻ:

“Hai mẹ con làm như nó là thành viên thứ 4 trong nhà không bằng”.[49. 157] 5) Chuyện bé, chuyện to của một nhà qua một đêm là cả bản đều biết. Biết rõ từ gốc đến ngọn y như ngồi trong góc nhà người ta mà nghe vậy. [49. 99]

6) Bà đồ phải nghĩ việc đồng áng để ở nhà bếp nước thết khách, Mấy bà già mấy cô gái ở trom xóm cũng sang làm giúp, y như nhà có giỗ vậy. [47. 15]

- Nhóm 4: Suýt nữa (P), suýt nữa thì (P), tí nữa thì (P), tí nữa (P), Chút nữa thì (P)...

1) Trong cái mỏ ở Quảng Yên của con vừa rồi, suýt nữa thì có bọn phu đình công. [47. 44]

2) Đồng thời, suýt nữa quan bác chết hụt. Chút nữa thì hoả thiêu. [47. 243] 3) Tí nữa thì Dỉ lộn nhào xuống cái hố trâu đằm sau lưng. [49. 87]

4) Thằng Lân chạy ra trước nhất, suýt nữa vấp vào cửa bức màn. [36. 274] 5) Tí nữa thì tôi được cuộc thắng ông mình làng đây, bà ạ!

(Nguyễn Đình Lạp, dẫn theo Nguyễn Văn Hiệp 1998, tr 274)

Các quán ngữ này đều biểu thị nghĩa hàm ẩn “(P) phản thực hữu” : Sự tình được nói đến là không chân thực, sai lầm như các nhóm khác, tuy nhiên điểm khác biệt là ở chỗ các quán ngữ này đều biểu thị đánh giá tình thái: “Sự tình (P) có những dấu hiệu, những khả năng xảy ra nhưng đã không xảy ra”. Về sắc thái đánh giá, “suýt nữa thì, tí nữa, chút nữa thì” có hai nét nghĩa khả năng, thường gặp nhất là có nét nghĩa “(P) không hay, bất lợi” như ở ví dụ 2, 3 và 4. Tuy nhiên, cần lưu ý sự bất lợi hoặc không bất lợi này là theo quan điểm của người nói, như ở ví dụ 1) : Cụ Nghị Hách đã cho rằng việc bọn phu đình công là bất lợi cho việc cai trị của cụ. Vì vậy, sắc thái đánh giá chủ yếu với thái độ khác nhau trong các quán ngữ này rõ ràng chịu sự chi phối do tính chủ quan của người nói.

Nét nghĩa thứ nhất như trên với quán ngữ “suýt nữa, suýt nữa thì, tí nữa thì...” có những điểm giống nhau về ngữ nghĩa của vị từ tình thái hàm hư “suýt”

(một loại phương tiện ngữ pháp) vì về thực chất suýt nữa, suýt nữa thì là sự phát triển số thành tố của các vị từ suýt (vốn là một vị từ tình thái) để trở thành một tổ hợp mang nghĩa hình thái. Nhưng các quán ngữ này đứng trước sự tình (P), còn các vị từ lại đứng ở các vị trí khác trong câu (giữa câu, sau chủ ngữ...) mà không thể đứng đầu câu.

Nét nghĩa thứ hai, ít gặp hơn là nét nghĩa “Có khả năng người nói đạt được mong muốn nào đó nhưng đã không thực hiện được” như ở ví dụ 4, ví dụ này được diễn giải là: Tôi mong được cuộc thắng ông mình làng đây nhưng tôi đã không

- Nhóm 5:(P) làm sao được, (P) thế nào được, làm gì có (P), (P) cái cóc khô gì, có trời mới (P) được, (P) thế quái nào được, làm gì có (P), có gì mà (P), Nào (P) cho cam, (P) gì cho cam,...

Nhóm này thể hiện sự tình (P) có nội dung xung đột với sự tình, hành động, trạng thái, tính chất đã được nhắc tới trước đó. Sự tình được (P) chỉ ra mang ý nghĩa phản thực, không chân thực. Về hình thức, nhóm này phân biệt với các nhóm khác nhờ sự có mặt của các từ phiếm chỉ đâu, nào, gì, sao trong cấu trúc quán ngữ.

Ví dụ:

1) Lưỡi lão ríu lại rồi, còn nói làm sao được. [33. 29] 2) Làm gì có nhiều mật mà ngọt. [33. 7]

3) Bà xem chỗ nào nên gả thì gả, không phải hỏi tôi làm gì. [36. 193] 4) Nào anh có biết đâu những nỗi ở nhà. [47. 150]

5) Nào tôi có trách gì cô! [36. 15]

6) Nhưng đâu có phải chờ lão giục, con bò đã vươn dài cổ kéo chiếc xe bánh lốp đã mòn vẹt lọc cọc lăn qua. [34. 865]

- Nhóm 6: Những tưởng (P), đằng thẳng ra (P)... Đặc trưng nổi bật nhất khi dùng những quán ngữ những tưởng, đằng thẳng ra là cái hiện thực, sự tình...tồn tại, xảy ra trong thực tế nào đó là hoàn toàn trái ngược với mong muốn, dự đoán, ý đồ ...của người nói, thể hiện bởi (P). Người nói nhìn nhận, đánh giá rằng sự tình, sự trạng đi kèm (P) là hợp lí, hợp tình hơn sự trạng tồn tại trong thực tế.

Ví dụ:

1) Những tưởng Định sẽ chiếu cố, những tưởng một khi mình đã thành thực vậy rồi thì mình sẽ được khoan hồng, những tưởng khi buổi phỏng vấn kết thúc rồi, rời khỏi phòng hỏi cung là sẽ được tha về với Quỳnh. Nào ngờ lại phải tra tay vào còng vào nằm trại tạm giam. [41. 187]

2) Đằng thẳng ra, người khác chỉ học có ba năm. [27. 273] - Nhóm 7: Họa là (P), hoạ chăng là (P), dễ tưởng (P),...

Ví dụ:

1) Có họa tôi có tiền tỉ trong nhà chắc. 2) Họa chăng là anh đang mê ngủ rồi.

3) Mặt chàng cau lại một cách khinh bỉ: - Dễ tưởng những cái này đẹp đẽ, sang trọng lắm đấy! [36. 231]

Sự phân chia các nét nghĩa trên chỉ có tính chất tương đối vì tất cả quán ngữ biểu thị tình thái phản thực có nét nghĩa chung là để chỉ sự tình (P) không chân thực, giả dối. Vì vậy việc xếp một đơn vị thuộc về nhóm này hay nhóm kia thường chỉ có tính chất thiên về nhóm này hay nhẹ về nhóm kia một chút và ngược lại. Chúng ta chỉ có thể lựa chọn các sự phân nhóm nghĩa phù hợp nhất là dựa vào ngữ cảnh và tình huống thể hiện sự tình (P) với mục tiêu quan trọng nhất là xác định nội dung quan niệm của người bản ngữ khi lựa chọn và sử dụng mỗi quán ngữ của từng nhóm để biểu thị tình thái phản thực.

Một phần của tài liệu Khảo sát các phương tiện biểu thị tình thái phản thực hữu (counter - factive) trong tiếng Việt (Trang 32)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(129 trang)