Trong lịch sử nghiên cứu tiếng Việt, các tiểu từ tình thái thường được nhắc đến với tên gọi khác nhau là trợ từ, phụ từ, ngữ khí từ, tiểu từ tình thái... Nhìn nhận các tiểu từ tình thái như một phương tiện biểu thị tình thái, ngữ pháp học đã nhấn mạnh đến vai trò của các tiểu từ tình thái trong việc hình thành hiệu lực tại lời của phát ngôn. Hầu hết các tác giả đều thấy rằng khi thêm các từ à, ư, nhỉ...vào cuối câu trần thuật sẽ biến câu trần thuật thành câu hỏi, còn thêm đi, đã sẽ biến câu trần thuật thành câu cầu khiến, thêm các tiểu từ tình thái vào các ngữ đoạn sẽ biến các ngữ đoạn trở thành câu...
Tuy nhiên, mặc dù đã được quan tâm từ rất sớm nhưng tình hình nghiên cứu và phân loại các tiểu từ tình thái vẫn còn có rất nhiều điểm chưa rõ ràng, như Nguyễn Văn Hiệp [2001, tr 55]: đã nhận xét: “bức tranh miêu tả và phân loại các tiểu từ tình thái tiếng Việt vẫn đang còn dừng lại ở mức độ khái quát, tản mạn và nhiều chỗ chồng chéo”. Thực tế nghiên cứu như vậy đã tồn tại hiển nhiên trong tiếng Việt, ngay cả đối với một chuyên luận nghiên cứu từ tình thái toàn diện nhất trong tiếng Việt là luận văn tiến sĩ tác giả Phan Mạnh Hùng năm 1982 thì cũng chỉ dừng lại nghiên cứu đơn vị này ở mức độ từ loại.
Gần đây nhất, năm 2001, hai tác giả Lê Đông và Nguyễn Văn Hiệp đã đề nghị một hướng đi mới trong nghiên cứu tiểu từ tình thái: xem xét các đơn vị này ở bình
trọng đến vai trò của tiểu từ tình thái như một phương tiện để thực tại hoá câu. Cách hiểu về tiểu từ tình thái của hai tác giả này cho đến nay vẫn được xem là cách nhìn nhận hợp lí nhất về tiểu từ tình thái [Lê Đông, Nguyễn Văn Hiệp, 2001].
Chúng tôi tán đồng quan niệm trên và dựa trên cơ sở đó để diễn đạt tường minh khái niệm tiểu từ tình thái như sau: “Tiểu từ tình thái là phương tiện quan trọng để thực tại hoá câu (cùng với trật tự từ và ngữ điệu), biến nội dung mệnh đề dưới dạng nguyên liệu, tiềm năng trở thành một phát ngôn có công dụng giao tiếp trong một tình huống nhất định”.
Việc xem xét những thông tin phi miêu tả cũng là những cơ sở chính để Nguyễn Văn Hiệp [2001, tr 62] đưa ra bảng phân loại các tiểu từ tình thái thành 3 nhóm:
(1) Các tiểu từ tình thái được dùng khá ổn định trong một số hành vi nào đó: Các tiểu từ tình thái chuyên dùng trong câu hỏi: à, ư, nhỉ, phỏng, sao, hả, hẳn, chắc, hà (hề); Các tiểu từ chuyên dùng trong câu cầu khiến: đi, xem, với; các tiểu từ chuyên dùng trong câu trần thuật: thật, đấy, đây rồi, đấy.
(2) Các tiểu từ tình thái không có sự ổn định về kiểu hành vi mà chúng biểu thị là tuỳ theo nội dung mệnh đề đi kèm( và tất nhiên tuỳ theo tình huống được sử dụng) chúng có thể biểu thị các hành vi đã được nêu ở nhóm (1), thuộc nhóm này là các tiểu từ tình thái cuối câu như chứ, đã, nhé, vậy, thôi, cơ, kia.
(3) Các tiểu từ tình thái không tham gia vào việc hình thành mục đích phát ngôn mà chỉ thể hiện những nét nghĩa liên quan đến sự thúc giục nói chung hoặc quan hệ giữa người nói và người nghe: tiểu từ thôi, ạ.
Tiểu từ tình thái phản thực hữu- đối tượng nghiên cứu của chúng tôi là những đơn vị có chức năng biểu thị những nội dung sự tình được coi là không chân thực, vì vậy chúng tôi lựa chọn những tiểu từ có chức năng biểu thị những ý nghĩa phủ định- bác bỏ các hành vi, thái độ đối với hiện thực, bao gồm: ư, đâu, nào, sao, chứ, gì.
Tiêu chí phân loại của chúng tôi vừa dựa trên vai trò biểu thị mục đích hiệu lực phát ngôn và bao quát hơn là dựa trên tầm tác động tình thái phản thực hữu mà tiểu từ tình thái biểu thị. Điều này lí giải vì sao các đơn vị của chúng tôi có thể vừă thuộc các đơn vị của nhóm (1) (như ư, sao, chứ) vừa có thể thuộc nhóm (2) (như
đâu, nào) của bảng phân loại. Sự miêu tả cụ thể khả năng và vị trí phân bố và ngữ nghĩa- ngữ dụng của các tiểu từ tình phản thực hữu sẽ là những nội dung chính mà luận văn đề cập.