Như đã phân tích, tài sản cố định trong quá trình sử dụng sẽ bị hao mòn dần cho đến khi hết thời hạn sử dụng. Phần giá trị hao mòn của tài sản cố định được tính vào chi phí sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Ở các doanh nghiệp có giá trị tài sản cố định cao thì chi phí khấu hao tài sản cố định chiếm tỷ trọng không nhỏ trong tổng chi phí của doanh nghiệp. Hơn nữa, phần giá trị hao mòn được tích lũy trong quỹ khấu hao của doanh nghiệp để sẵn sàng thay thế tài sản cố định cũ khi đã hết thời hạn sử dụng. Vì vậy, việc tính toán đúng và đủ mức khấu hao tài sản cố định có vai trò quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Đối với công ty TNHH Đầu tư Thương mại và Dịch vụ Hòa Bình, việc tính toán và sữ dụng quỹ khấu hao hợp lý đang là một yêu cầu và điều kiện quan trọng để cải thiện và nâng cao hiệu quả sử dụng vốn nói chung cũng như hiệu quả sử dụng vốn cố định của công ty nói riêng.
Trong công tác khấu hao TSCĐ, hiện công ty đang áp dụng phương pháp khấu hao đường thẳng đối với tất cả TSCĐ. Có nghĩa là công ty ấn định thời gian sử dụng cho mỗi tài sản cố định từ đó xác định mức khấu hao hàng năm theo nguyên giá và thời hạn sử dụng. Việc xác định thời hạn sử dụng của tài sản cố định chủ yếu dựa trên các thông số kỹ thuật cũng như định mức cùa công việc mà chưa quan tâm đến mức độ và cường độ sử dụng TSCĐ tại công ty. Phương pháp khấu hao này có ưu điểm là việc tính toán mức khấu hao hàng năm, hàng quý, hàng tháng khá đơn giản, chi phí sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp ổn định không bị đột biến. Nhưng với mức trích khấu hao đều như vậy đã không phản ánh được mức độ sử dụng của TSCĐ, do đó thời điểm kết thúc trích khấu hao TSCĐ không trùng với thời điểm TSCĐ bị hao mòn hết tính năng và công suất. Một số TSCĐ do có cường độ sử dụng cao nên nhanh hỏng, chúng hết giá trị sử dụng trong khi vẫn được trích khấu hao hoặc có một số TSCĐ dùng ít nên có thể kéo dài được thời gian sử dụng nhưng trong khi chúng vẫn còn giá trị sử dụng thì đã trích khấu hao xong. Trích khấu hao không chính xác như vậy khiến cho chi phí sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp không phản ánh đúng thực trạng sử dụng TSCĐ tại công ty. Hơn nữa tính toán không chính xác thời gian sử dụng TSCĐ khiến mức tích lũy khấu hao (quỹ khấu hao TSCĐ) có thể không đủ để thay thế tài sản cố định cũ khi chúng hết hạn sử dụng thật sự.
77
Bên cạnh đó, công ty đặt ra định mức khấu hao cho các TSCĐ theo kế hoạch năm. Điều này giúp công ty theo dõi sát sao công tác thu hồi vốn cố định, dự tính trước được chi phí phát sinh trong kỳ để có biện pháp hợp lý tăng cường hiệu quả sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, dựa vào mức khấu hao kế hoạch năm, công ty thường có xu hướng coi đây là mức khấu hao khuôn mẫu để tính toán phân bổ mức khấu hao hàng năm cho các TSCĐ. Điều đó không phản ánh đúng tác dụng của việc tính toán và lập quỹ khấu hao cũng như không đảm bảo phản ứng linh hoạt trước những thay đổi nguyên vật liệu, thị trường cũng như các yếu tố khác ảnh hưởng đến chi phí sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Vì vậy, trong thời gian sắp tới công ty cần chú trọng tới công tác tính toán mức khấu hao TSCĐ theo hướng sau:
- Vẫn áp dụng khấu hao theo đường thẳng nhưng việc tính toán thời gian sử dụng TSCĐ cần điều chỉnh lại. Các loại trang thiết bị có cường độ làm việc cao thì được ấn định số năm thu hồi nguyên giá ít và ngược lại thiết bị có cường độ làm việc thấp thì ấn định thời gian thu hồi vốn dài hơn. Việc xác định cường độ làm việc của thiết bị dựa trên các báo cáo về tình hình sử dụng TSCĐ của các đội thi công, kế hoạch công việc định kỳ của phòng kế hoạch cũng như những định mức kinh tế - kỹ thuật khác. Ví dụ việc áp dụng khấu khao theo phương pháp đường thẳng như sau:
Công ty TNHH Đầu tư Thương mại và Dịch vụ Hòa Bình đầu tư mua một máy lắp ráp quạt (mới 100%) xuất xứ từ Nhật Bản với nguyên giá là 450 triệu VND, chi phí vận chuyển là 10 triệu đồng, chi phí lắp đặt, chạy thử là 20 triệu đồng. Máy lắp ráp trên có tuổi thọ kỹ thuật ước tính là 5 năm. Máy được đưa vào sử dụng vào ngày 01/1/2013. Ta có:
Nguyên giá TSCĐ = 450 + 10 + 20 = 480 triệu VND Mức trích KHTB hàng năm = 480 : 5 = 60 triệu VND/năm Mức trích KHTB hàng tháng = 60 : 12 = 5 triệu VND/tháng
Hàng năm, công ty sẽ trích 60 triệu VND/năm chi phí khấu hao tài sản cố định đó vào chi phí kinh doanh. Dự tính sau 4 năm sử dụng, công ty sẽ tiến hành nâng cấp máy lắp ráp quạt trên với tổng chi phí là 100 triệu VND, thời gian sử dụng được đánh giá lại là 3 năm (tăng 2 năm so với thời gian sử dụng đã đăng ký ban đầu), ta có:
Nguyên giá TSCĐ = 480 + 100 = 580 triệu VND Số khấu hao luỹ kế đã trích = 60 × 4 = 240 triệu VND Giá trị còn lại trên sổ kế toán = 580 – 240 = 340 triệu VND Mức trích KHTB hàng năm = 340 : 3 = 113,33 triệu VND/năm Mức trích KHTB hàng tháng = 113,33 : 12 = 9,44 triệu VND/ tháng
Như vậy, từ năm 2017 trở đi công ty sẽ trích 113,33 triệu VND/năm chi phí khấu hao tài sản cố định đó vào chi phí kinh doanh đối với máy vừa nâng cấp. Như vậy, việc công ty điều chỉnh lại giá trị khấu hao một cách hợp lý trong quá trình sử dụng TSCĐ là việc làm rất cần thiết.
- Công ty nên áp dụng phương pháp khấu hao nhanh đối với một số TSCĐ quan trọng, thời gian làm việc lớn và cường độ làm việc cao để có thể thu hồi vốn đầu tư nhanh và đảm bảo phản ánh đúng mức độ sử dụng của TSCĐ. Việc xác định cường độ làm việc của TSCĐ dựa trên số lượng công việc cần thiết bị đó cũng như số lượng thiết bị tương ứng hiện có tại doanh nghiệp. Hiển nhiên rằng với một máy móc thiết bị được sử dụng với cường độ cao thì tính năng và công suất của nó giảm nhanh hơn so với cùng thiết bị đó nhưng được sử dụng ít hơn. Với cách xác định như vậy, mức khấu hao sẽ phản ánh đúng mức độ dịch chuyển giá trị của TSCĐ vào sản phẩm và quỹ khấu hao được đủ để bù đắp chi phí cho việc thay thế TSCĐ cũ đã hết thời hạn sử dụng.
- Ngoài ra, đối với các máy móc thiết bị đầu tư mới bằng vốn vay ngân hàng, công ty phải trả lãi và gốc trong một thời hạn quy định, thường là ngắn hơn thời hạn sử dụng của TSCĐ được đầu tư. Về nguyên tắc, số tiền trích khấu hao thu được phải được dùng để trả lãi và vốn vay. Vì vậy công ty nên áp dụng phương pháp khấu hao nhanh để trả cho ngân hàng.
- Công ty chỉ nên điều chỉnh khấu hao của kỳ thực tế theo những định mức khấu hao đã đặt ra. Như đã phân tích việc tính toán trước khấu hao (mức khấu hao theo kế hoạch) là một phần trong việc xác định trước chi phí sản xuất kinh doanh nhằm dự báo lợi nhuận. Đây chỉ nên là định mức kế hoạch cho công ty chứ không phải là chuẩn khấu hao để tiến hành trích lập định kỳ. Mức khấu hao thực tế có thể lớn hơn hay nhỏ hơn mức khấu hao kế hoạch tùy theo tình hình sử dụng TSCĐ trong kỳ mà vẫn dự tính trước được chi phí khấu hao hợp lý. Xác định được điều này thì tính chính xác trong việc theo dõi giá trị TSCĐ của công ty chắc chắn sẽ được nâng cao.