Hội đền Quán Thánh

Một phần của tài liệu Khảo sát truyền thuyết và lễ hội của các di tích Thăng Long tứ trấn (Trang 76)

6. Kết cấu của luận văn

3.1. Hội đền Quán Thánh

Nằm trên con đường Cổ Ngư xưa cổ kính và thơ mộng, bên Hồ Tây xanh biếc lấp lánh của Thủ đô là ngôi đền Quán Thánh uy nghiêm và sừng sững. Trong thời gian đi điền dã tại đền vào mùa thu năm 2011, chúng tôi có hỏi thăm một số người cao tuổi đã từng sinh sống lâu năm xung quanh đền về những nghi thức trong lễ hội đền Quán Thánh xa xưa. Tuy nhiên, không người nào còn nhớ được về những lễ hội từ xa xưa của đền Quán Thánh nữa. Lý giải về điều này, chúng tôi được ông Bùi Hồng Sơn, Ban quản lý di tích Đền Quán Thánh cho biết: “Do chiến tranh và không có người đứng ra tổ chức nên lễ hội truyền thống xưa kia của đền dần bị mai một. Mặt khác, những người gốc của làng đã già, mất đi nên những phong tục cổ truyền đã không còn lưu giữ được nữa. Từ sau năm 1975, hội mùng 3 tháng 3 và mùng 9 tháng 9 là các lễ hội xa xưa của đền đã không còn được tổ chức nữa, chỉ còn lại một số hoạt động dân gian vào mùng 1 tháng Giêng tức là mùng 1 Tết Nguyên Đán. Thay vào đó, các hoạt động ở đền Quán Thánh đều do nhà nước quản lý. Đền Quán Thánh nay là một địa điểm tham quan, du lịch nổi tiếng trong cả nước, được coi là một di tích cấp Quốc gia.” Có thể nói, trong 4 ngôi đình/ đền của tứ trấn Thăng Long thì lễ hội cổ truyền của đền Quán Thánh bị mai một nhiều nhất. Theo chúng tôi, cũng có thể do di tích này đã trở thành một di tích phục vụ tham quan nhiều hơn là hoạt động tín ngưỡng, mặt khác, quy mô của di tích cũng mở rộng ra diện quốc gia,

thoát khỏi quy mô làng nên những hoạt động lễ hội làng truyền thống đã không còn tồn tại.

Để tìm hiểu về lễ hội truyền thống xưa kia của đền Quán Thánh, chúng tôi

đã sưu tầm một số tư liệu trong các công trình nghiên cứu Lễ hội Việt Nam của

Lê Trung Vũ, Lê Hồng Lý đồng chủ biên, Nguyễn Minh Tiến hiệu đính (Nxb

Văn hóa thông tin, 2005), Nhớ nghĩ chiều hôm của Đào Duy Anh (Nxb.Trẻ, 1989) và cuốn Đạo giáo với văn hóa Việt Nam của Nguyễn Đăng Duy (Nxb Hà

Nội, 2001).

Cuốn Lễ hội Việt Nam do Lê Trung Vũ và Lê Hồng Lý đồng chủ biên cho

biết, xưa, lễ hội được tổ chức vào 2 ngày là mùng 1 tháng Giêng và chính hội là mùng 3 tháng 3. Các nghi lễ truyền thống gồm có: Giáng bút, cầu mộng và cầu lộc [49, tr. 143]. Trang 146 sách viết: “…nhưng đáng lưu ý là tượng Tử đồng Văn Xương đế quân. Đây là vị thần theo quan niệm Đạo giáo, coi về văn chương thi cử. Uy tín của thần rất lớn đối với các nho sinh. Khoảng đầu thế kỷ này, các thầy đồ, thầy khoá cứ vào các ngày mồng 1, ngày mồng 16 âm lịch hàng tháng thường mang vàng hương lễ vật đến khấn cầu rất thành kính, rồi ngủ lại đền chờ thần báo mộng xem cuộc thi sắp tới đỗ hay không đỗ. Nhất là những năm, tháng có khoa thi thì đền càng tấp nập. Sở dĩ có lệ ấy là do tương truyền thuyết, thần từng giáng bút cho biết, vì thấy nước Nam là nước văn hiến nên hàng tháng cứ vào hai ngày ấy thần sẽ tới báo mộng cho sĩ tử…” [49, tr.146].

Tìm hiểu kỹ hơn về lễ giáng bút, qua các tài liệu, chúng tôi được biết như sau: Lễ giáng bút là một trong những nghi lễ của người Việt. Cho đến nay vẫn chưa xác định được nó ra đời vào thời điểm nào, ở cả trên thế giới và ở nước ta. [37, tr. 547]. Đây là một hiện tượng văn hoá tâm linh đặc sắc, tức là cầu Thánh - Thần - Tiên - Phật cho mình những bài thơ, thông qua một người có năng lực đặc biệt. Giáng bút là hiện tượng “nhập thần” trong đó thực hiện nghi lễ cầu cúng để mong muốn có sự phán truyền dạy dỗ của thần linh thông qua văn tự (Hán Nôm) mà thư viện Viện Hán Nôm hiện đang lưu trữ 254 cuốn thơ văn

giáng bút, với hàng vạn bài thơ, bài văn (Trong đó, liên quan đến đền Quán

Thánh thì đáng chú ý phải kể đến cuốn Văn Xương đế quân cứu kiếp bảo sinh kinh (in năm 1911). Đào Duy Anh cho rằng: "Đây không phải là một hiện tượng

thần bí gì, chỉ là một hiện tượng tự nhiên mà khoa học chân chính, tức khoa học trên cơ sở duy vật chưa giải thích hay chưa xem là đối tượng nghiên cứu." [3, tr. 200]. Tuy nhiên, ông cũng nói thêm "phải nhận là có sự tham gia của tập thể một cách hơi lạ lùng" (sách đã dẫn trang 201). Các bài thơ văn giáng bút được in trong một quyển sách và chúng không phải là văn bản có được sau một cuộc giáng bút cầu văn. Hay nói khác đi, nó chỉ như một cuốn danh ngôn mà những người tu đạo tâm niệm. Do vậy nội dung mang tính chung chung. Văn giáng bút ở đây đều bằng chữ Hán, được diễn đạt bằng thơ luật.

Sách Đạo giáo với văn hóa Việt Nam của Nguyễn Đăng Duy có mô tả chi

tiết về nghi thức này. Theo đó “người ta tạo một cái bút gọi là Hạc bút, có hình giống như con hạc (con hạc biểu hiện cho sự trường sinh), thân bút làm bằng tre đan giống như hình cái nơm, sơn son, trên lưng thân bút vẽ hình âm dương biểu hiện thái cực, cũng biểu hiện vũ trụ, đầu và cổ hạc làm bằng gỗ đào gắn vào thân bút (đào là cây gắn với vườn đào tiên ngự). Khi cầu tiên giáng bút, người ngồi đồng điều khiển bút hạc, làm cho đầu mỏ hạc viết thành những dòng thơ trên mâm cát, hoặc mâm gạo, những dòng thơ đó coi như lời tiên phán bảo cho con người về tiền vận, sức khỏe, xuất hành…” [10, tr.124]

Cách lập đàn giáng bút được miêu tả trong cuốn Nhớ nghĩ chiều hôm của

Đào Duy Anh như sau: Phía trên hết, chính giữa đặt tôn vị Ngọc Hoàng. Ngoài cửa cấm môn, đặt hương án thờ các vị thần ở điện Thông Minh. Bên tả ở ban trên thờ Trần Hưng Đạo, Phù Đồng Thiên Vương. Ban giữa thờ thần Tản Viên và Lý Phục Man, ban dưới thờ nhị thập bát tú. Bên hữu ở ban trên thờ Dao Trì Vương Mẫu, ban giữa thờ Quan Âm Bồ Tát và Vân Hương Thánh Mẫu (Liễu Hạnh), ban dưới thờ các công chúa nước Nam (những phụ tá của Mẫu). Ngoài sân bày một hương án để thờ các thần trung nghĩa âm dương (trai gái). Kê bút

thì dùng một cành đào mọc ở phương đông dài ba thước (ta) chu vi ba tấc (ta); đầu lấy ba vuông sô vàng bọc lại, trên xuyên một lỗ lấy tơ ngũ sắc bện dây xâu qua cho hai đầu ra hai bên, mỗi bên tả hữu cho một tiểu đồng cầm đầu dây. Ở dưới bút đặt cái long kỷ cao 3 thước, trên kỷ đặt bàn gỗ đào bọc vải đỏ, trước mặt chừa một lỗ nhỏ. Quan Thánh Đế cầm thanh long đao đứng hầu bên kê bút để nhận chữ (viết trên gạo hay cát) để trên bàn gỗ đào. Văn Lã Nhị Đế (Văn Xương và Lã Đồng Tân) đứng hầu tả hữu. Bên hữu cửa cầm môn, Đồng Vương cầm gươm dài đứng hầu [3, tr.205].

Có thể nói, trong các sinh hoạt văn hoá, văn nghệ dân gian, thì kê đàn giáng bút là một hoạt động tín ngưỡng đặc biệt. Ở đó con người giao tiếp với thế giới của Thánh - Thần - Tiên - Phật qua một người có biệt năng. Người này sẽ chuyển các thông điệp bằng văn thơ có nội dung khuyên bảo, răn dạy, kêu gọi của Thánh, Thần cho con người trên cõi trần gian. Hơn nữa giáng bút lại là một hoạt động tín ngưỡng ngưng kết nhiều thành tố đặc sắc của văn hoá dân gian như: thơ ca dân gian, múa dân gian, nghi thức tín ngưỡng...Tham gia vào giáng bút là tham gia vào tín ngưỡng, tham gia vào sáng tạo văn hoá văn nghệ dân gian nhằm tiếp xúc với một tiên giới trong tâm tưởng [60].

Ngoài ra, trong hội, còn có nghi lễ cầu mộng và cầu lộc. Trong chuyến điền dã vào tháng 10/2011, chúng tôi được bà Trần Lệ Thúy, Ban quản lý di tích đền Quán Thánh cho biết: trong lễ cầu mộng và cầu lộc, người dân không chỉ có mong ước về đường học vấn mà còn có nhiều ước nguyện khác như: những người hiếm muộn thì cầu con cái, một số người cầu công danh, tài lộc .v.v.

Một nghi lễ cũng rất đặc biệt trong lễ hội xưa của đền Quán Thánh là màn rước “thần hồ”. Nghi lễ này được bắt nguồn từ truyền thuyết, trong bốn trấn thì trấn phương Bắc này phải vĩnh viễn trấn áp mọi loài yêu quái ở Hồ Tây, nên từ đời Lê, dân làng Yên Quang (sát Hồ Tây) hàng năm hai lần phải cử hành lễ rước “thần Hồ” theo bờ Hồ Tây, để biểu tượng uy quyền của thánh và sức mạnh của dân, áp đảo các thế lực hắc ám. Trước khi rước, có lệ tuyên đọc sắc chỉ của vua.

Mồng 3 tháng Ba là ngày chính hội có rước từ đền Quán Thánh tới đền Thụy

Khuê [54]. Về màn rước thần Hồ, trong cuốn Đạo giáo trong văn hóa Việt Nam

của Nguyễn Đăng Duy cho biết: “Hàng năm, lễ hội diễn ra hai ngày, ngày 3 tháng 3 âm lịch gọi là ngày thánh đản - ngày Trấn Vũ được sinh ra ở nước Tĩnh Lạc trên trời và ngày 9 tháng 9 Trấn Vũ giáng trần diệt hồ tinh cứu dân. Lễ hội quán Trấn Vũ diễn ra cũng như lễ hội ở mọi đình đền khác, cúng tế thần, rồi diễn ra các trò vui thi sức thi tài. Chỉ có đền Trấn Vũ là người trên trời, không ăn cỗ mặn nên lễ vật tế thần chỉ có hoa quả, đèn nhang. Và có thêm tiết mục như ở mọi làng ven sông ven hồ khác là cũng rước nước hồ Tây về cúng thần, biểu hiện sự cầu nước cầu mưa của cư dân nông nghiệp. Kiệu rước nước được khênh ra bến Ngự, rồi đưa bình đựng nước phủ vải đi lên thuyền chèo ra giữa hồ Tây lấy nước. Múc đầy bình nước, thuyền quay trở lại bến Ngự, bình nước đưa lên kiệu, rước về quán” [10, tr. 207]. Tuy nhiên, từ khi tượng thần Văn Xương chuyển ra thờ ở đền Ngọc Sơn (hồ Hoàn Kiếm) thì lệ tục này cũng không còn. [54]

Cũng trong chuyến điền dã vào mùa thu năm 2011 chúng tôi đã thu thập được một số thông tin về việc tổ chức lễ hội đền Quán Thánh hiện nay. Ông Bùi Hồng Sơn, Ban quản lý di tích đền Quán Thánh đã cho chúng tôi biết: Việc tổ chức lễ hội đền Quán Thánh hiện nay đã có nhiều thay đổi. Về cơ bản, những nghi lễ truyền thống xưa như cầu mộng, cầu lộc, giáng bút, rước thần hồ không còn. Các dịp lễ vào mùng 3 tháng 3 và mùng 9 tháng 9 cũng đã bị giản lược đi. “Đền hiện nay chỉ còn giữ lại các hoạt động tín ngưỡng, vui chơi trong 3 ngày Tết cổ truyền, trong đó ngày mùng 1 tháng Giêng là lớn nhất. Những năm tổ chức lớn, có một số hoạt động như: đu quay, chọi gà, cờ tướng, cờ người .v.v.” – ông Sơn cho biết.

Để tìm hiểu rõ hơn về điều này, mùng 1 tháng Giêng Tết nguyên đán năm 2012, chúng tôi có tới thăm đền. Theo quan sát của chúng tôi, vào dịp này đền khá tấp nập. Khách thập phương tới đền có nhiều thành phần, cả thanh niên và

người cao tuổi, cả khách trong nước và nước ngoài. Khách nước ngoài khá nhiều. Tuy nhiên, số thanh niên từ 20 – 40 tuổi vẫn là nhiều nhất (khác với khách thập phương các đền khác, người già là thành phần chủ yếu). Lý giải cho điều này, ông Bùi Hồng Sơn, Ban quản lý di tích đền Quán Thánh cho biết: “Người già ít hơn do tâm lý sợ đông đúc. Người cao tuổi hầu hết đi lễ những ngày bình thường hoặc ngày rằm, mùng một hàng tháng. Cao điểm, có những ngày rằm, mồng một, đền Quán Thánh có đến 1000, 2000 lượt khách tham quan, lễ bái.” Ông cũng cho chúng tôi biết thêm: “Hoạt động tâm linh vào dịp cuối năm do lễ tạ cũng khá đông đúc. Ngoài ra, vào các ngày rằm tháng 7 hàng năm, đền Quán Thánh cũng rất đông khách thập phương đến lễ đền. Người dân đến với đền Quán Thánh mang rất nhiều ước vọng như cầu sức khỏe, tiền tài, danh vọng, đỗ đạt v.v. Quán Thánh vẫn được xem là một ngôi đền linh thiêng, thỏa mãn nhu cầu tâm linh, giúp người dân tìm đến với những ước mơ, nguyện vọng của riêng mình.”

Ngoài ra, trong các lần điền dã, chúng tôi cũng được cho biết một số thông tin về nghi lễ tắm tượng – được coi là một trong các ngày truyền thống của nhà đền. Theo đó, ngày tắm tượng, diễn ra vào ngày 23 tháng Chạp hàng năm, trùng với lễ Ông Công, Ông Táo. Trong ngày này diễn ra các hoạt động như: lễ tế thánh, lễ đun nước trầm, tắm cho thánh, mời khách tham dự. Tuy nhiên, hiện nay, các hoạt động đã đơn giản đi nhiều. Khách không còn được mời tham dự nữa mà chỉ có nội bộ trong đền. Những hoạt động còn lại là thắp hương hoa, đun nước trầm và tắm cho tượng thánh được tiến hành trong một không khí trang nghiêm và sùng kính.

Một phần của tài liệu Khảo sát truyền thuyết và lễ hội của các di tích Thăng Long tứ trấn (Trang 76)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(119 trang)