Đền Quán Thánh và việc trấn giữ phía Bắc kinh thành

Một phần của tài liệu Khảo sát truyền thuyết và lễ hội của các di tích Thăng Long tứ trấn (Trang 28)

6. Kết cấu của luận văn

1.3.1. Đền Quán Thánh và việc trấn giữ phía Bắc kinh thành

Trong 4 ngôi đình/đền nổi tiếng của Thăng Long – Hà Nội, có thể nói, Quán Thánh là ngôi đền có vị thế đẹp nhất. Trước đây, vào đầu thế kỷ XX, đền nằm soi bóng xuống hồ Tây xanh biếc. Ngày nay, mặt trước đền là một vườn hoa nhỏ mà về văn hoá lại như cái cầu chuyển tiếp từ đền xuống mặt hồ không bị hẫng hụt. Khuôn viên đền khá rộng, trong sân đền nhiều cây muỗm cổ thụ, tạo một không gian xanh sạch đẹp và rất thanh bình. Khi bước chân vào sân đền, ngoài vườn cây cổ thụ, du khách còn bị thu hút bởi những chậu cây cảnh và hòn non bộ tuyệt đẹp.

Kiến trúc chính của đền gồm hai toà bái đường và chính điện song hành, bên trong gắn với nhau thành một không gian nội thất thống nhất nhưng phân ra các khu vực để thờ cúng các đối tượng khác nhau. Những toà nhà này được dựng nửa sau thế kỷ XIX, bộ khung thanh thoát, gờ soi chỉ chạy với mộng mẹo sít sao, dành phần hiên rộng làm sảnh với nhiều hình chạm điêu luyện phủ khắp các vách gỗ mặt tiền làm cho kiến trúc trở nên nhẹ nhàng và vui tươi. Cổng

ngoài của đền Quán Thánh có bốn cột trụ với tượng bốn con phượng hoàng đấu lưng với nhau và con nghê trên đỉnh. Ở hai bên là hai bức bình phong đắp nổi hình mãnh hổ hạ sơn. Phía trên là tượng đắp nổi hình cá hóa rồng.

Sau cổng ngoài là tam quan có cấu tạo như một phương đình. Điều đặc biệt, giống như cổng của đền Bạch Mã, phía trên cổng giữa của tam quan đắp nổi tượng thần Rahu – vị thần trong thần thoại Ấn Độ đã nuốt mặt trăng và mặt trời gây nên nhật thực và nguyệt thực. Tam quan có 3 cổng và 2 tầng. Trên gác tam quan có quả chuông đồng cao 1,5m, nặng 1 tấn do ông trùm Trọng đúc nên. Đây chính là quả chuông mà tiếng của nó đã in dấu trong ca dao “Tiếng chuông Trấn Vũ, canh gà Thọ Xương”.

Ban chính điện thờ thần Huyền Thiên Trấn Vũ là một pho tượng bằng đồng đen cao 3,07m, nặng 4 tấn – một công trình thể hiện nghệ thuật đúc đồng đặc sắc của nhân dân ta vào thế kỷ 17. Hiện nay trong đền vẫn còn tấm bảng ghi rõ tiểu sử và lai lịch của pho tượng quý giá này. Phía bên phải điện thờ ông trùm Trọng bằng đá – người trông coi việc đúc tượng đồng Huyền Thiên Trấn Vũ. Ngoài ra, trong đền còn có nhà bia có lưu văn bia do Tiến sĩ Lê Hy Vinh (nguyên Học chính tỉnh Thanh Hóa) soạn, Nguyễn Văn Ninh (lệ mục huyện Thọ Xương) trông coi việc khắc bia về thời điểm trùng tu đền. Phía sau nhà bia, nằm sát đường Quán Thánh là đền thờ liệt sĩ.

Di vật trong đền, ngoài bia đá, chuông và pho tượng Huyền Thiên Trấn Vũ còn có một chiếc khánh đồng đúc vào thời chúa Trịnh (TK 17 – 18) chiều ngang 1,25m, cao 1,1m. Ngoài ra, còn có nhiều đồ thờ tạo một không khí thâm nghiêm mà người người vào thăm cũng đều kính cẩn.

Một phần của tài liệu Khảo sát truyền thuyết và lễ hội của các di tích Thăng Long tứ trấn (Trang 28)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(119 trang)