6. Kết cấu của luận văn
2.1.1.3. Truyền thuyết về Linh Lang Đại Vương
Linh Lang Đại Vương là vị thần được nhân dân yêu mến, tôn thờ ở khá nhiều đền, đình khác nhau trên mảnh đất Thăng Long như Kim Mã, Cống Vị, Liễu Giai… và ở các tỉnh khác như Hà Tây, Hải Phòng, Thanh Hóa… Sự yêu mến, tôn thờ này cho thấy sức ảnh hưởng mạnh mẽ đến đời sống văn hóa, tâm linh con người Việt Nam của thánh Linh Lang từ xưa đến nay, từ truyền thuyết cho đến hiện thực.
Khi nghiên cứu những truyền thuyết nói về thần, có thể thấy rằng, xung quanh vị thần này là một tấm màn huyền tích dày đặc với nhiều dị bản khác nhau. Hầu như mỗi nơi thờ thần đều có bản thần tích riêng với nhiều chi tiết biến hóa ly kì.
Theo thống kê trong kho sách của thư viện Viện nghiên cứu Hán Nôm, thì tại đây đã lưu giữ bảo quản hơn 70 vạn bản thần tích ghi chép sự tích thần Linh Lang. [63] Trong đó, có bản ghi thần là con trai thứ tư vua Lý Thánh Tông (ngọc phả), có bản ghi là con của Lạc Long Quân và Âu Cơ đầu thai làm Hoàng
tử đời Trần Thánh Tông (theo Việt điện u linh của Lý Tế Xuyên), có bản ghi là
con của ông Trần Đức Huân – một bậc công thần tôn thất và vợ là Trương Thị Bình, hiệu là Thiện Trí Đức Linh phu nhân (văn bản lưu tại đình thôn Thanh Cù, xã Ngọc Thanh, huyện Kim Thi, tỉnh Hưng Yên, năm Vĩnh Khánh, 1730) [48, tr. 650]. Có bản truyền thuyết kể về lai lịch thần hoàn toàn khác hẳn, như trong
cuốn Người và cảnh Hà Nội (NXB Hà Nội, 1982) của Hoàng Đạo Thuý. Ông
ghi: "Sự thật, Linh Lang là ông hoàng Bẩy đời Lý. Mẹ ông đi mò ốc ở hồ Tây, bị vua chấm. Đến lúc có mang lại bỏ. Bà về nuôi con khôn lớn, làm nhà cho con học ở Tào Sách, trên quán La, bờ hồ Tây. Khi giặc Tống đến, ông đi đánh, lập công to. Bấy giờ vua mới nhận và phong cho là Dâm Đàm Vương. Dâm Đàm là tên cũ của hồ Tây. Nhưng ông hoàng không thích giàu sang, vẫn cứ sống đời bình thường. Khi ông mất, nhà vua trao cho một trại giữ lệ cúng giỗ, vì thế trại
lấy tên là Thủ Lệ. Nay khu đền thành công viên" [40, tr.65]. Với rất nhiều dị bản như vậy, hiện nay, những tài liệu lưu lại cho đời sau giới thiệu về thần Linh Lang còn lại trong đền là theo cuốn thần tích ghi chép sự tích, công lao của Linh Lang Đại Vương vẫn được nhân dân giữ gìn, trường Viễn Đông Bác Cổ đã cho sao chép lại. Văn bản này hiện được lưu giữ, bảo quản tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm mang ký hiệu AE a2/38, khổ 21cm x 30cm, 18 trang, mỗi trang 9 dòng, mỗi dòng 19 chữ. Văn bản gốc do ông họ Nguyễn chép lại từ phần khảo cứu của một văn bản trước đây vào năm Tự Đức 8 (1855). Phần khảo cứu gồm: Sự tích ra đời của thần Linh Lang, và công lao sự nghiệp của thần.
Về sự tích ra đời của thần, trong Ngọc phả Linh Lang đại vương có ghi:
Linh Lang là hoàng tử thứ tư của vua Lý Thánh Tông. Sự tích kể rằng: Ở làng Đông Đoàn, xã Bồng Lai, huyện Từ Liêm, phủ Quốc Oai, xứ Sơn Tây có gia đình họ Nguyễn hiền lành chất phác, nhưng muộn con. Một buổi bà mơ thấy rắn mây đuổi theo mặt trăng, sau đó có mang sinh được một gái, nhằm ngày 15 tháng 3 Đinh Sửu. Cha mẹ đặt tên là Hạo, cha mất sớm, mẹ phải ôm con về sống với bà dì ở thị trại thành Thăng Long (Thủ Lệ ngày nay). Lớn lên, nàng Hạo vô cùng xinh đẹp, đoan trang nết na. Một hôm, Lý Thánh Tông ngự giá qua đây, đã gặp nàng Hạo. Nhà vua cảm mến cho đón nàng vào cung. Được vài năm, mẹ mất, nàng Hạo xin vua về làm lễ mai táng và ở lại chăm sóc phần mộ. Một hôm nàng ra bờ hồ Tây tắm rửa, thì một con giao long lao tới quấn chặt lấy bà, phun dãi đầy người, hương thơm sực nức, bà hoảng sợ phát ốm, khiến nhà vua phải đón về cung từ đó bà có thai tới mười bốn tháng. Một hôm mơ thấy con Long Vương tên là Hoàng Lang tới trước mặt thưa rằng sẽ thác sinh làm con bà. Hôm ấy ngày 13 tháng chạp Giáp Thìn, trời nổi cuồng phong, hương thơm ngào ngạt, Nàng Hạo sinh được một nam tử, thể mạo khôi kỳ - ngày 20 tháng chạp, vua mở tiệc mừng rồi cho hai mẹ con về ở cung sở tại thuộc thị trại. Một tháng sau khi về thị trại, thì giặc Vĩnh Trinh xâm lược, theo tiếng gọi cầu của nhà vua, Hoàng Lang vụt lớn xin đi đánh dẹp. Bằng lá cờ thần lớn, một voi lớn và nghĩa binh thị
trại, Hoàng Lang đại thắng. Đất nước yên ổn, Hoàng Lang hoá rắn trắng (có bản ghi hóa giao long, hóa rồng, hóa thuồng luồng…) bò về hồ Tây. Từ đó dân quê mẹ ở Bồng Lai và Thị Trại (Thủ Lệ) cùng nhiều nơi, nhất là ven sông Tô Lịch, đã lập đền thờ ngài. [48, tr. 634 – 644]
Về công lao của thần, ngọc phả còn ghi lại: Khi ấy có tướng giặc Tống là Triệu Tiết, Quách Quỳ thống lĩnh 9 tướng: Hồng, Châu, Vũ, Nhị, Dư, Tĩnh, Hoàng, Vĩnh, Trinh phối hợp với quân Chiêm kéo đến xâm lược nước ta. Quân giặc tới miền Quốc Oai, thế giặc rất mạnh, kinh thành náo động, nhà vua lo lắng. Vua đã sai sứ đi chiêu mộ người tài đi đánh giặc. Sứ giả đến trại Thủ Lệ, vương lúc này đang nằm, nghe tiếng sứ giả, đã xin mẹ mời sứ giả vào. Vương xin nhà vua sắm cho một ngọn cờ hồng, một cây giáo dài, một thớt voi đực. Nhà vua không những chuẩn ý theo lời đề nghị của vương, mà còn cấp thêm hơn mười vạn binh lính, vương lại mộ thêm nghĩa sĩ của bản trại được 121 người. Sắp đặt quân tướng xong, vương hạ lệnh ba quân xông lên. Đến phủ Phú Lương, ngọn cờ đào vừa vùng lên, quân giặc đã tan vỡ… Sau khi thắng trận, Linh Lang trở về đất cũ, được ít lâu thì hoá ở đấy. Đời sau nhớ ơn ngài lập tới 269 ngôi đền thờ từ
Hà Nội đến Thanh Hóa. (Theo Truyền thuyết Thánh Linh Lang của làng Thủ Lệ - Thần tích Hà Nội và tín ngưỡng thị dân của Nguyễn Vinh Phúc và Nguyễn
Duy Hinh)
Ngoài truyền thuyết về sự tích ra đời của thần Linh Lang, và công lao sự nghiệp của thần, trong dân gian còn lưu nhiều câu chuyện khác liên quan đến ngôi đền Voi Phục linh thiêng. Chẳng hạn như chuyện thần hóa:
Sau khi dẹp giặc, vua muốn nhường ngôi cho nhưng Linh Lang từ chối. Hoàng tử bị bệnh đậu mùa rồi từ trần, hóa thành con rồng (có bản ghi là con rắn hoặc thuồng luồng) cuốn quanh phiến đá rồi đi xuống hồ Tây biến mất. Trong đền có hòn đá, có hai vết lõm, như thể chứng thực huyền tích nói rằng khi Linh Lang sắp hóa kiếp đã nằm gối đầu lên tảng đá đó.
Một truyền thuyết khác giải thích tên gọi của ngôi đền: Khi giặc kéo đến, hoàng tử xin vua một đôi voi giết giặc. Nhà vua bèn chuẩn bị các thứ như ý chàng. Mọi thứ chuẩn bị xong xuôi, chàng nhảy lên lưng voi, con voi liền quỳ xuống đỡ lấy hoàng tử. Đôi voi này đã cùng chàng đánh tan quân giặc. Nhớ đến công lao của đôi voi nên dân làng Thủ Lệ đã đắp tượng voi ngay trước cửa đền. Và từ đó đền mới có tên là Voi Phục. Cũng có thuyết nói: Sau khi thắng giặc, thánh Linh Lang về trời, con voi chiến của ngài buồn rầu về nằm phủ phục trước đền ngài, do vậy đền có tên là đền Voi Phục.
2.1.1.4. Truyền thuyết về thần Tô Lịch – Long Đỗ - Bạch Mã
Tìm hiểu những truyền thuyết về đền Bạch Mã, chúng tôi thấy, ở đây có sự đan xen của truyện kể về ba vị thần: thần sông (Tô Lịch) và thần đất (Long Đỗ) và thần Bạch Mã. Đáng chú ý là sự sát nhập của hai vị thần Tô Lịch và Long Đỗ. Về hiện tượng này, có các thuyết như sau:
Tài liệu giới thiệu về đền Bạch Mã do Ban quản lý đền lưu giữ cho người đời hôm nay giới thiệu vắn tắt về lai lịch vị thần được tôn thờ này: “Thần Long Đỗ, họ Tô tên Lịch. Xuất hiện vào thế kỷ thứ IV sau công nguyên, Tô Lịch là người đứng đầu một ngôi làng Hà Nội gốc, nổi tiếng nhân đức, hiếu thuận, được mọi người mến phục, tôn sùng. Do đấy, làng và cả dòng sông chảy trước làng cũng được mang tên là Tô Lịch, truyền đến ngày nay.
Vì làng Tô Lịch tựa vào núi Long Đỗ (còn được gọi là Nùng Sơn – Núi Nùng, nay là khu vực điện Kính Thiên, nằm trong Hoàng Thành Thăng Long) nên cũng có tên là “Hương Long Đỗ”. Và Tô Lịch, người đứng đầu “Hương Long Đỗ” khi về cõi vĩnh hằng được thờ làm Thần Làng; vì thế cũng được gọi là Thần Long Đỗ. Trong thời đại Bắc thuộc và chống Bắc thuộc, Thần Long Đỗ đã nhiều lần hiển linh, làm khiếp vía kẻ đô hộ ngoại bang.”
Nhiều tài liệu cho rằng, Tô Lịch không chỉ là một nhân vật chỉ có trong
truyền thuyết mà còn là một người có thật. Theo Giao Châu Ký và Báo Cực Truyện thì Tô Lịch làm quan lệnh (tức huyện lệnh NDH) ở Long Độ (Long Đỗ),
đời Tấn đã được khen là người có hiếu, đặt tên làng là làng Tô Lịch (nay còn sông Tô Lịch. NDH). Lý Nguyên Gia xây dựng phủ lỵ trên nền nhà cũ của Tô Lịch. Tô Lịch ứng mộng khuyên Nguyên Gia dạy dân. Cũng có tư liệu khác mô tả Tô Lịch là thủy thần sông Tô Lịch, chống đối với Cao Biền. [18, tr. 31]
Cuốn Việt điện u linh của Lý Tế Xuyên coi hai vị thần sông Tô Lịch và thần đất Long Đỗ là hai vị khác nhau, chép ở hai truyện riêng là Bảo quốc Trấn linh Định bang Quốc đô thành hoành đại vương và Quảng Lợi thánh hựu uy tế phu ứng đại vương.
Trong khi đó, Lĩnh Nam chích quái (Truyện sông Tô Lịch) lại coi hai vị
Tô Lịch và Long Đỗ là một. Truyện có đoạn viết: “...Cao Biền thông hiểu thiên văn địa lý, xem hình thế đất mà xây thành Đại La ở phía tây Lô Giang, chu vi 30 dặm để ở. Có dòng sông con từ Lô Giang chảy vào phía Tây Bắc, cuốn quanh phía nam, ôm lấy thành Đại La rồi lại nhập vào sông cái. Hồi đó đang giữa tháng sáu nước mưa lên cao: Biền cưỡi thuyền nhẹ thuận dòng vào tiểu giang đi khoảng một dặm, bỗng thấy một cụ già râu tóc bạc phơ, dung mạo dị kỳ, tắm ở giữa dòng sông, cười nói tự nhiên. Biền hỏi họ tên. Đáp: ta họ Tô tên Lịch. Biền lại hỏi: Nhà ở đâu? Đáp: Nhà ở trong sông này. Dứt lời, lấy tay đập nước bắn tung mù mịt, bỗng nhiên không thấy đâu nữa. Biền biết là thần, bèn đặt tên sông là Tô Lịch.
Một buổi sớm khác, Biền ra đứng ở bờ sông Lô Giang, phía đông thành Đại La, thấy trận gió lớn nổi lên, sóng nước cuồn cuộn, mây trời mù mịt, có một dị nhân đứng trên mặt nước, cao hơn hai trượng, mình mặc áo vàng, đầu đội mũ tím, tay cầm hốt vàng rực rỡ một khoảng trời, chập chờn lên xuống trên khoảng không. Mặt trời cao ba con sào, khí mây hãy còn mù mịt, Biền rất kinh dị, muốn yểm thần. Đêm nằm mộng thấy thần nhân tới nói rằng: "Chớ yểm ta, ta là tinh ở Long Đỗ, đứng đầu các địa linh, ông xây thành ở đây, ta chưa được gặp, cho nên tới xem đó thôi, ta có sợ gì bùa phép?" Biền kinh hãi. Sáng hôm sau, Biền lập đàn niệm chú, lấy kim đồng thiết phù để yểm. Đến hôm ấy, sấm động ầm ầm,
gió mưa dậm dật, đất trời u ám, thần tướng hò reo, kinh thiên động địa. Trong khoảnh khắc, kim đồng thiết phù bật ra khỏi đất, biến thành tro, bay tan trên không. Biền càng kinh hãi, than rằng: "Xứ này có thần linh dị, ở lâu tất chuốc lấy tai vạ”. Sau Ý Tông triệu Biền về, quả nhiên Biền bị giết và Cao Tầm được cử sang thay. [32, tr. 89,90]
Tác giả Nguyễn Duy Hinh cũng cho rằng, hai vị thần này không phải là một mà chỉ là “có nhiều điểm giống nhau”, giống nhau ở hai chữ Long Đỗ (Long Độ). Ông cho rằng, trong ba truyện thì truyện thần Bạch Mã có thể xuất hiện muộn hơn. Chắc chắn Tô Lịch được hai quan đô hộ đời Đường phong Đô Thành hoàng còn thần Bạch Mã ra đời thời Lý Thái Tổ, có thể liên quan đến Phật giáo – con ngựa trắng Kanthaka của Thích Ca Mầu Ni” [18, tr.33].
Ngoài ra có ngôi đình ở Hà Nội như đình Tân Khai (44 Hàng Vải, quận Hoàn Kiếm) lại thờ riêng cả hai vị thần Tô Lịch và Bạch Mã. Tuy nhiên, nhà sử học Lê Văn Lan và một số nhà nghiên cứu cũng như các tài liệu hiện nay truyền lại trong đền cho rằng, thật ra, thần Tô Lịch và thần Long Đỗ là một. Ông cho rằng tên gốc của thần là Tô Lịch, vốn là vị già làng của một thôn làng bên bờ sông Tô, một "làng Hà Nội gốc", được gọi là "hương Long Đỗ". Cư dân hương Long Đỗ đã chọn ngọn Núi Nùng và dòng sông Tô Lịch làm nơi dựa phong thủy ở chính giữa trời đất. Người đứng đầu làng sau đó đã trở thành phúc thần, che chở cho cả vùng đất rồng thiêng ngày càng mở rộng quanh chỗ rốn Rồng. [55].
Về truyền thuyết thứ ba, truyền thuyết về thần Bạch Mã, người dân kể câu chuyện về con ngựa trắng như là một truyền thuyết chính khiến cho ngôi đền mang tên vị thần này. Truyện kể rằng: “Khi vua Lý Thái Tổ xây thành Thăng Long, cứ xây xong lại đổ. Vua cho người đến đền Bạch Mã cầu thần thì có một con ngựa trắng từ trong đền đi ra chạy một vòng trong khép kín ngược chiều kim đồng hồ rồi vào đền rồi biến mất. Vua cứ theo vết chân ngựa xây thành thì quả nhiên thành công. Sau đó, vua cho sửa lại đền và phong thần là Quảng Lợi Bạch Mã tối linh thượng đẳng thần.” [51, tr.158]
Ngày nay, có nhiều bản khác nhau về câu chuyện này, cũng như mỗi khi truyền tai kể cho nhau nghe về câu chuyện nổi tiếng xưa, người ta lại thêm vào vài tình tiết ly kì cho thật hấp dẫn. Mặt khác, cũng có thể thấy rằng, truyền thuyết về vị thần được thờ ở đền Bạch Mã đã được chồng lên nhiều lớp, là thần sông, thần mặt trời, thành hoàng làng và sau đó là “Quốc đô thành hoàng”. Đó cũng là con đường đi quen thuộc của sự hình thành và vận động của truyền thuyết trong thời gian.
---
Như vậy, qua quá trình khảo sát cốt truyện các truyền thuyết về Thăng Long tứ trấn, ta có thể thấy một số điểm như sau:
- Hầu hết nhân vật chính trong các truyền thuyết – cũng chính là các vị thần được thờ ở trong các ngôi đình/đền như: thần Cao Sơn, thần Linh Lang, thần Tô Lịch, đều được nhân dân truyền tụng với tên họ, gốc tích, lai lịch khá rõ ràng. Đây chính là xu hướng lịch sử hóa các nhân vật huyền thoại trong truyền thuyết. Điều này thể hiện những mong muốn được hiện thực huyền thoại và niềm tin của người xưa vào các vị thần. Nó cũng thể hiện tâm lý của dân gian muốn đưa các vị thần trở nên gần gũi hơn.
- Các nhân vật trong truyền thuyết đều là những người có công với đất nước, họ đã giúp dân diệt trừ yêu quái, kẻ xấu hay nạn xâm lược. Điều đó một lần nữa cho thấy tinh thần yêu nước, đoàn kết và ý chí chống giặc ngoại xâm của nhân dân ta thể hiện qua những câu chuyện truyền thuyết lung linh, kỳ ảo. Những vị thần được nhân dân hết sức mến mộ, tôn trọng và hưởng ứng. Tất cả các truyền thuyết đều kết thúc ở đỉnh cao chiến thắng và vinh quang (được vua sắc phong, nhân dân lập đình/đền đời đời nhớ ơn), sự mất mát được nhân dân chuyển hóa bằng cách đưa họ về trời.
- Các truyền thuyết đều có những tình tiết hoang đường, những yếu tố kỳ ảo. Đây cũng là một trong số những đặc trưng của thể loại truyền thuyết. Những