Đình Kim Liên và việc trấn giữ phía nam kinh thành

Một phần của tài liệu Khảo sát truyền thuyết và lễ hội của các di tích Thăng Long tứ trấn (Trang 29)

6. Kết cấu của luận văn

1.3.2. Đình Kim Liên và việc trấn giữ phía nam kinh thành

Từ trung tâm Hà Nội (Hồ Gươm) tới Cửa Nam, rẽ trái theo đường Lê Duẩn (đường Nam Bộ cũ), đi thẳng tới ngã tư Kim Liên thì rẽ phải khoảng gần 1km thì thấy hai trụ cột đình Kim Liên ngay bên đường.

Theo những tài liệu mà chúng tôi được xem trong quá trình điền dã ngày 16/8/2011, đình Kim Liên được mô tả như sau: “Đình được xây dựng trên một gò đất cao trông ra đầm Kim Liên (đầm này nay không còn do bị lấp đi để làm đường vành đai 1), quay mặt về hướng Nam. Kiến trúc của đình là kết cấu chữ “Đinh” gồm bái đường và hậu cung”. Kết cấu đình bao gồm hai phần tương đối rõ: phần phía trước gò có một cổng trụ biểu, hai dãy dải vũ hai bên sân gạch rộng và phần kiến trúc chính của di tích nằm trên gò đất cao. Đi hết khoảng sân trên thì qua chín bậc gạch cao được xây bằng những viên gạch vồ có kích thước lớn thời Lê Trung Hưng nối hai bộ phận kiến trúc trên.

Nghi môn là một nếp nhà ba gian, xây kiểu tường hồi bít đốc. Bốn bộ vì đỡ mái được làm theo kiểu chồng rường giá chiêng, cột trốn. Trên các bộ phận kiến trúc các họa tiết trang trí được thể hiện sinh động, công phu mang phong cách nghệ thuật thời Nguyễn. Nhà đại bái gồm 5 gian mới được thành phố tôn tạo trong dịp kỷ niệm 990 năm Thăng Long-Hà Nội, với kiểu dáng kiến trúc truyền thống. Phần khung, cột được sơn son thếp vàng, có nhiều bức chạm với kỹ thuật tinh xảo, với nhiều đề tài phong phú. Hậu cung là một nếp nhà ba gian dọc, xây gạch trần mái lợp ngói ta, trong nhà xây vòm cuốn.

Đình có năm gian và bốn lớp. Lớp mái có cấu tạo như nơi chuẩn bị mũ áo tế lễ vào đình. Lớp thứ hai là tiền đình – nơi để cử hành nghi thức lễ bái. Lớp thứ ba là trung đình (ban thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh, Tam phủ). Lớp thứ tư là hậu cung – nơi thờ Cao Sơn Đại Vương, hai bên cạnh Thần có hai nữ thần thờ phối hưởng đó là Thủy Tinh đệ tam – Tôn nữ Đông Hồ Trưng Vương (công chúa con gái vua Lê) và Huệ Minh công chúa. Cạnh chính điện là khu vực thờ Mẫu, thờ Tam tòa Thánh Mẫu. Phía trên ban thờ là tượng ba vị Thánh Mẫu (Thiên, Địa, Thủy). Ở giữa là vua cha và Ngọc hoàng thượng đế, phía dưới có ban thờ Quan Âm Dinh hình con linh miêu. Bên hông có bàn thờ cô cậu. Ngoài ra còn có ban thờ Động Sơn Lâm Sơn Trang. Ban đầu đền thờ Mẫu ở phía hồ

Bảy Mẫu, đến năm 1960 được rước thờ ở đây. Trong khu vực này còn có ban thờ Thần Triều Đại Vương (Đức thánh Trần Hưng Đạo).

Góc phải của đình hiện nay vẫn còn giữ một di sản rất quý, đó là tấm bia lớn mang tên Cao Sơn Đại Vương Thần Từ Bi Minh, cao 2,43m, rộng 1,57m, dày 0,22m. Tấm bia ghi về thần tích và bài minh ca ngợi thần, do Sử thần Lê Trung soạn năm Canh Ngọ - Hồng Thuận thứ 3 (1510) và được dựng ngày 1 tháng Trung thu năm Nhâm Thìn niên hiệu Cảnh Hưng thứ 33 (1722). Bia được phần rễ cây cổ thụ ôm lấy như để giữ gìn, bảo vệ và chở che. Bên cạnh đó, đình cũng còn lưu giữ được 39 sắc phong về thần Cao Sơn Đại Vương.

Một phần của tài liệu Khảo sát truyền thuyết và lễ hội của các di tích Thăng Long tứ trấn (Trang 29)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(119 trang)