6. Kết cấu của luận văn
1.3.3. Đền Voi Phục và việc trấn giữ phía tây kinh thành
Nằm dưới những vòm lá xanh mát của công viên Thủ Lệ là đền Voi Phục. Đúng như tên gọi, ngay phía ngoài cổng chính của đền (từ đường Kim Mã đi lên) là cặp tượng voi phục hiền từ, thân thiện được đặt thờ riêng trong hai ngôi đền nhỏ. Tương truyền đây là cặp voi đã cùng Linh Lang Đại Vương dẹp giặc giúp dân. Đi sâu vào một chút là tam quan, được dựng gần như phương đình với ba gian: gian giữa lớn tương ứng với cánh cổng lớn, hai bên tương ứng với hai cánh cửa nhỏ. Nóc tam quan có lưỡng long tranh châu, hai cột ngoài có hình con nghê đúc bằng xi măng đầu lân.
Ngoài ra, cũng có thể vào đền theo cổng phụ, đi từ công viên phía đường Bưởi vào. Nếu đi theo cổng này thì ta sẽ thấy đường lên sân có ba lối, chính giữa có 12 bậc đá rộng, nơi chỉ để rước kiệu trong ngày lễ, bình thường đi hai lối bên. Trước mặt lối giữa là một giếng vuông mang ý nghĩa tụ thuỷ tụ phúc, nơi xưa kia lấy nước cúng (có lẽ giếng đã được sửa thành vuông trong thời gian gần đây). Ý nghĩa cầu nước và cầu no đủ còn được thể hiện ở đôi rồng mây “chạm tròn” bằng đá, một sản phẩm khoảng giữa thế kỷ XIX và đôi hổ phù gắn hai bên tường cửa chính được chạm nổi, mang nét chuẩn mực.
Kiến trúc của đền Voi Phục có dạng chữ Công. Tiền tế 5 gian, kết cấu vì chồng rường, mái lợp ngói mũi hài cổ. Chái bên trái đền là một cái đền nhỏ, thờ
hai con ngựa: một đỏ, một trắng được thắng cương và đeo yếm rất đẹp, tương ứng với hai pho tượng đồng của nhị vị đại vương ở trong đền chính. Chái bên phải đền có ban thờ Quản Tiền, Quản Hậu với tượng quản tượng ngồi trên lưng voi ở tư thế xông trận. Trên bàn thờ có tượng hai con voi nhỏ đứng chầu hai bên. Ở hai góc ngoài của bàn thờ có tượng hai con nghê gỗ ôm lấy trái cầu như để bảo vệ bình an cho đất nước. Trung đường 1 gian chạy dọc vào phía trong nối với hậu cung. Tại tòa này được đặt ngai lớn chạm khắc hình rồng, hoa lá tỉ mỉ, các nét chạm mang nghệ thuật thế kỷ XIX. Dưới ngai thờ thần là tượng 2 vị tuỳ tướng quỳ chầu. Gian giữa của bái đường là nơi đặt bàn thờ, hương án, cũng là nơi chuẩn bị nghi thức tế lễ. Hai bên của bái đường có trống hội và bàn tiếp khách.
Hậu cung cũng 5 gian, gian chính giữa được sơn son thếp vàng và chạm trổ công phu, ở vị trí sâu và cao nhất là pho tượng đức Linh Lang Đại vương với nét mặt thanh tú, cao sang. Hai bên có đôi hạc đồng ngậm cành hoa sen như nói lên sự cao quý và trường tồn của thần. Phía trước pho tượng Ngài là một hòn đá lớn được đặt trong hộp kính. Hòn đá có vết lõm, tương truyền thần đã từng gối đầu trên hòn đá này. Hai bên hòn đá là tượng 2 vị phụ tá đứng chầu. Ngoài ra trong hậu cung còn có bàn thờ Ban Quan Tả và Ban Quan Hữu.
Ban thờ công đồng nhị vị Đức ông được đặt trang trọng trong chính điện. Bài vị được đặt trên ngai và có buông rèm hai bên. Phía trước là giá để hai cây kiếm có bao được chạm khắc tinh vi.
Phía cuối đền là điện Mẫu gồm chính điện thờ Tam vị Thánh Mẫu (Thượng Thiên, Thượng Ngàn, Thoải Phủ), Thánh Mẫu Hạo Nương (mẹ của Linh Lang Đại Vương) và 2 vị thân phụ của Thánh Mẫu. Trong điện còn có khu vực thờ Công Đồng và hai bên Tả Hữu.
Trong đền, ngoài các pho tượng còn có hoành phi, câu đối, nhang án, long ngai, cửa võng bát bửu cùng các đồ tế khí đều được sơn son thếp vàng lộng lẫy.