Quan hệ TrungQuốc Mỹ

Một phần của tài liệu Cục diện chính trị khu vực Đông Á những năm đầu thế kỷ XXI (Trang 74)

7. Kết cấu luận văn

2.2.5. Quan hệ TrungQuốc Mỹ

Đây là mối quan hệ đặc biệt quan trọng không chỉ trong khu vực mà còn đang dần dần trở thành mối quan hệ mang tính toàn cầu. Khác với quan hệ Nhật - Mỹ là quan hệ đồng minh chiến lược và đã là truyền thống, quan hệ Trung - Mỹ rất phức tạp, được chuyển từ trạng thái đối đầu, đối địch thời kỳ chiến tranh lạnh sang trạng thái vừa hợp tác vừa đấu tranh, vừa can dự vừa kiềm chế ở giai đoạn hiện nay. Về quan hệ Mỹ - Trung có thể khái quát thành 16 chữ “đối tác kinh tế, đối thủ tiềm tàng, kiềm chế tiếp xúc, Đông Á ổn định”. [61, tr. 23]

Có thể thấy thế mạnh của Trung Quốc là nằm trong sức mạnh tổng hợp đang ngày càng phát triển không ngừng, là thế của nước lớn nhất châu Á và của nước là thành viên thường trực Hội đồng bảo an LHQ.

73

Những thành công về kinh tế mà Trung Quốc đạt được nhờ chính sách mở cửa và hiện đại hóa trong những thập niên gần đây đã làm cho đất nước khổng lồ này càng khẳng định được vị thế của mình. GDP của Trung Quốc năm 2004 đạt 13.651,5 tỷ nhân dân tệ (tương đương 1.665 tỷ USD). Năm 2008, GDP của Trung Quốc đã chiếm đến 13% GDP toàn cầu, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc đạt 9%.

Quan hệ Trung - Mỹ luôn trải qua những thăng trầm, vào thời điểm khi Tổng thống George W. Bush mới lên cầm quyền thì ý tưởng về quan hệ đối tác chiến lược với Trung Quốc từng được bàn luận trong thời kỳ cầm quyền của Tổng thống Bill Clinton đã bị gạt ra ngoài. Chính quyền Bush đã chủ trương thực hiện một chính sách khắt khe với Trung Quốc, coi Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh và là mối đe dọa tiềm tàng đối với Mỹ ở châu Á - Thái Bình Dương. Tuy nhiên, thái độ đó đã được thay đổi sau vụ đụng độ máy bay giữa hai bên vào tháng 4 năm 2001 và đặc biệt là sau sự kiện khủng bố ở Mỹ ngày 11/9/2001. Tổng thống Bush đã chủ trương xây dựng và hợp tác với Trung Quốc. Quan hệ Trung Quốc - Mỹ do đó đã được cải thiện rất nhiều.

Có thể thấy rõ một điều là Mỹ và Trung Quốc rất cần đến nhau. Trung Quốc cần từ Mỹ nhiều thứ như vốn, công nghệ, kỹ thuật, đồng thời Trung Quốc muốn hóa giải từng bước vòng vây của Mỹ. Còn Mỹ cần sự ủng hộ của Trung Quốc trong cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố quốc tế, phối hợp với Mỹ về các vấn đề quốc tế và đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế, các quan hệ buôn bán, kinh doanh với Trung Quốc là mối lợi khổng lồ đối với Mỹ. Kim ngạch mậu dịch song phương năm 2007 vượt mức 300 tỷ USD, trong đó kim ngạch xuất khẩu của Mỹ chiếm 35%. [67, tr. 15] Tuy cần đến nhau, song hai nước cũng luôn có nhiều mâu thuẫn. Mâu thuẫn đặc biệt phức tạp hiện nay là vấn đề Đài Loan. Đây là vấn đề gay cấn nhất trong quan hệ an ninh chính trị hai nước. Mỹ vẫn muốn dùng Đài Loan để kiềm chế Trung Quốc. Tuy nhiên, trong 8 năm qua, khi lực lượng chủ trương “Đài Loan độc lập” do Trần Thủy Biển cầm

74

đầu thống trị Đài Loan, vấn đề Đài Loan đã làm cho quan hệ Trung - Mỹ lâm vào thế “tiến thoái lưỡng nan”. [41, tr. 103]

Chính sách vừa kiềm chế vừa tiếp xúc với Trung Quốc được coi là nội dung mang tính đặc thù trong quan hệ của Mỹ với Trung Quốc. Một học giả Mỹ cho rằng việc Mỹ đưa ra chính sách này vì ba lí do: muốn ngăn ngừa Trung Quốc phát triển trở thành thù địch của Mỹ; tránh để Trung Quốc trở thành nước thách thức lợi ích chiến lược của Mỹ; duy trì một triển vọng lạc quan trong khi tiếp xúc với Trung Quốc. Ba nguyên nhân này sẽ giữ Trung Quốc không phát triển theo hướng nguy hiểm, tổn hại đến lợi ích của Mỹ. Trong 8 năm cầm quyền của chính quyền Bush, Mỹ ngày càng cần Trung Quốc trong các vấn đề quốc tế, đặc biệt cần sự giúp đỡ của Trung Quốc trong việc ổn định khu vực Đông Á. Việc Washington đặt vấn đề hạt nhân của CHDCND Triều Tiên lên bàn đàm phán 6 bên ở Điếu Ngư Đài là minh chứng hùng hồn cho điều này. [61, tr. 23]

Trong vấn đề hạt nhân ở CHDCND Triều Tiên, Mỹ và Trung Quốc cùng có chung quan điểm trên cơ sở lợi ích chung là bảo đảm một bán đảo Triều Tiên phi hạt nhân. Nhưng giải pháp nhằm thực hiện mục tiêu đó thì hai bên còn tồn tại bất đồng. Đó là một trong những lý do quan trọng làm cho đàm phán 6 bên diễn ra như trò chơi ú tim [51, tr. 50] và bị ngưng trệ liên tục.

Quan hệ Trung - Mỹ những năm đầu thế kỷ XXI bị tác động mạnh bởi quan hệ Mỹ - Nhật, khi hai nước này thắt chặt hợp tác quân sự trên cơ sở Hiệp ước an ninh, nhất là khi phạm vi hiệu lực của Hiệp ước đó bao gồm cả vùng biển Đài Loan. Báo chí Trung Quốc bình luận rằng “Khái niệm đồng minh Nhật - Mỹ có sự thay đổi về chất… trong điểm là ngăn chặn Trung Quốc. [51, tr. 51]

Khu vực Đông Nam Á, trong đó có Biển Đông, cũng là nơi Trung Quốc và Mỹ đang cạnh tranh ảnh hưởng. Nỗ lực của trung Quốc là nhằm giải quyết vấn đề tranh chấp trên Biển Đông trong khuôn khổ quan hệ Trung Quốc

75

- ASEAN, không để vấn đề đó được quốc tế hóa, tạo cơ hội cho Mỹ, Nhật can thiệp. Mỹ không đứng về bên nào trong tranh chấp Biển Đông. Nhưng dư luận quốc tế cho rằng, Biển Đông cũng là “điểm nóng tiềm tàng mà Mỹ có thể khai thác phục vụ cho mục đích kiềm chế Trung Quốc. Với việc tuyên bố rằng không cho phép sử dụng vũ lực trong tranh chấp Biển Đông, và nhấn mạnh quyền tự do hàng hải trong khu vực, Mỹ đã đánh tín hiệu cho thấy họ không khoanh tay bỏ mặc Đông Nam Á… Một Biển Đông nguyên trạng là phù hợp với lợi ích của Mỹ trong khu vực… Do vậy, nếu xảy ra xung đột ở Biển Đông, chắc chắn Mỹ sẽ không đứng ngoài cuộc… Mỹ đang tìm thấy ở ARF một diễn đàn phù hợp để thảo luận về vấn đề Biển Đông” (Theo tạp chí Security Dialogue (Singapore) số 34, tháng 3 năm 2003). Khó mà nói ảnh hưởng của Mỹ hay của Trung Quốc lớn hơn đối với Đông Nam Á. Về quân sự, Mỹ có đồng minh chính thức ở Đông Nam Á, Trung Quốc thì không. Về kinh tế, Trung Quốc có cơ chế ASEAN + 1 (Trung Quốc) và khu vực thương mại tự do Trung Quốc - ASEAN. Nhưng Mỹ lại đóng góp vai trò quan trọng trong APEC và thông qua các hiệp định song phương có quan hệ kinh tế chặt chẽ với các nước ASEAN.

Tóm lại, điểm xuyên suốt trong quan hệ Trung - Mỹ là: hợp tác - kiềm chế, phối hợp - cạnh tranh, bạn bè - đối thủ dựa trên mẫu số chung là không để quan hệ đổ vỡ. Dù là đối tác chiến lược hay đối thủ chiến lược, Trung Quốc và Mỹ khá hiểu nhau, nước này luôn đánh giá cao vị trí, vai trò của nước kia trong bài toán ngoại giao của mình. Trên cơ sở những phân tích trên có thể khẳng định rằng, mặc dù có lúc hòa dịu song quan hệ Trung - Mỹ vẫn luôn luôn chứa đựng các mâu thuẫn tiềm tàng. Giải quyết các mâu thuẫn đó như thế nào sẽ luôn tác động trực tiếp tới toàn bộ cục diện chính trị và an ninh của khu vực Đông Bắc Á nói riêng, Đông Á nói chung.

76

Một phần của tài liệu Cục diện chính trị khu vực Đông Á những năm đầu thế kỷ XXI (Trang 74)