7. Kết cấu luận văn
1.3.2. Sự thay đổi sức mạnh tổng hợp của các chủ thể
Trước hết, cục diện thế giới, khu vực được tạo nên bởi các chủ thể quan hệ quốc tế, tương quan lực lượng giữa các chủ thể, nhất là các chủ thể chủ chốt. Sức mạnh tổng hợp của các chủ thể thay đổi, đương nhiên sẽ dẫn đến sự biến động của cục diện. Lịch sử quan hệ quốc tế đã chứng minh sức mạnh tổng hợp của các chủ thể khi thay đổi thì bao giờ cũng kéo theo sự thay đổi của cục diện thế giới, thậm chí cả trật tự thế giới. Ta có thể đơn cử vài ví dụ, chiến tranh thế giới lần thứ nhất kết thúc (tháng 11-1918) với sự thất bại của liên minh Đức, Áo - Hung, Thổ, Bungari và thắng lợi của Anh, Pháp, Mỹ… đã làm thay đổi nhanh chóng, cơ bản cục diện thế giới lúc bấy giờ. Hệ thống (trật tự) Versailles - Washington được thiết lập đã phân chia lại khu vực ảnh hưởng dựa trên tương quan lực lượng mới sau chiến tranh. Trong trật tự này, vai trò chính thuộc về Mỹ, Anh, Pháp. Trật tự trên lại một lần nữa thay đổi nhanh chóng khi Đức, với sự giúp đỡ của Mỹ đã khôi phục và phát triển mạnh ở châu Âu và cùng với việc Nhật Bản nổi lên ở châu Á thực hiện chủ nghĩa phát xít, chủ nghĩa quân phiệt, chuẩn bị chiến tranh đòi chia lại thế giới. Với kết quả của cuộc chiến tranh thế giới thứ hai, Đức, Ý, Nhật bị đánh bại, các cường quốc như Anh, Pháp bị kiệt quệ sau chiến tranh. Mỹ và Liên Xô nổi lên, đã hình thành trật tự thế giới mới: trật tự hai cực Ianta do Mỹ và Liên Xô chi phối.
29
Trong những năm 90 của thế kỷ XX, Liên Xô tan rã, chế độ xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu, Mông Cổ sụp đổ đưa đến sự thay đổi đột biến của tương quan lực lượng thế giới. Trật tự hai cực Xô-Mỹ cũng sụp đổ theo. Thế giới chuyển sang cục diện nhất siêu, đa cường và đang quá độ chuyển sang trật tự mới. Đây là xu thế chủ yếu, quan trọng nhất của sự thay đổi cục diện chính trị khu vực Đông Á. Hiện nay, sức mạnh quốc gia của Trung Quốc, Liên bang Nga - những quốc gia lớn trong khu vực Đông Á… sẽ tiếp tục tăng lên nhanh chóng. Sau 30 năm cải cách mở cửa, GDP của Trung Quốc từ 205 tỷ USD (1978) đã 3425.3 tỷ USD (2007), tăng gần 16 lần, tăng 11.4% so với năm 2006. [94] Hiện nay, nền kinh tế Trung Quốc đã vượt lên hàng thứ 3 thế giới, chỉ sau Mỹ, Nhật; theo những số liệu dự báo mới nhất, nếu trong năm 2009 Trung Quốc đạt được tốc độ tăng trưởng như dự kiến là 8,5% thì nền kinh tế nước này rất có thể sẽ vươn lên vị trí thứ hai thế giới, vượt qua nền kinh tế Nhật Bản. Hơn nữa, Trung Quốc là nước có dự trữ ngoại tệ đứng đầu thế giới. Nhiều dự báo chiến lược đều khẳng định, Trung Quốc sẽ tiếp tục phát triển. Liên Bang Nga cũng là cường quốc đang trỗi dậy và đang tích cực khôi phục lại vị thế nước lớn của mình sau gần 10 năm cầm quyền của Tổng thống V. Putin. Hiện nay, Nga là một trong 10 nền kinh tế lớn nhất thế giới, năm 2007 GDP của Nga đạt hơn 1300 tỷ USD. [111]
Như vậy, thay đổi tương quan lực lượng là nhân tố có sức nặng nhất trong việc thay đổi cục diện cũng như trật tự thế giới và khu vực. Việc thay đổi so sánh lực lượng có thể thông qua chiến tranh như chiến tranh thế giới thứ nhất, chiến tranh thế giới thứ hai hoặc không thông qua chiến tranh như việc Liên Xô tan rã, các chế độ xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu sụp đổ.