8. Cấu trúc luận văn
3.2.1 Đối với cơ quan quản lý báo chí
3.2.1.1 Có cách thức nhìn nhận đầy đủ hơn và quan tâm hơn đến sự phát triển của dòng tạp chí giải trí – chỉ dẫn ở Việt Nam
Cơ quan quản lý báo chí trước hết cần nhận thức đầy đủ, toàn diện và hệ thống đối với sự phát triển của thị trường tạp chí giải trí – chỉ dẫn trong nước, đồng thời xác định cụ thể xu hướng phát triển trong tương lai của dòng tạp chí mới mẻ này ở Việt Nam. Mặt khác, cần tránh việc thiếu cân bằng, duy ý chí trong việc xem nhẹ dòng tạp chí này, coi nặng dòng tạp chí khác, hoặc thả lỏng, buông lơi việc quản lý, giám sát hoạt động của các tạp chí mới.
Đồng thời, các cơ quan quản lý báo chí cần nắm rõ quy mô và sức ảnh hưởng, mối quan hệ của dòng tạp chí giải trí – chỉ dẫn đối với các dòng tạp chí khác, cũng như với báo chí nói chung, và đặc biệt là với công chúng tiếp nhận thông tin. Các cơ quan quản lý báo chí phải nắm rõ được đặc điểm của dòng tạp chí này và bước đầu điều tra cụ thể công chúng của dòng tạp chí giải trí – chỉ dẫn, để từ đó có những bước đi đầu tiên trong việc tiếp cận một cách hệ thống sự thay đổi trong tâm lý và cách thức tiếp nhận thông tin của công chúng Việt.
3.2.1.2 Đổi mới hành lang pháp lý nhằm tạo cơ hội cho sự phát triển của dòng tạp chí giải trí – chỉ dẫn.
Hành lang pháp lý ở đây được hiểu là các văn bản pháp luật, cụ thể là Luật báo chí và các văn bản dưới luật như nghị quyết, nghị định, quyết nghị, thông tư chỉ thị, văn bản hướng dẫn thực hiện luật… Đối với báo chí, hành lang pháp lý có thông thoáng, phù hợp thì hoạt động của các cơ quan báo chí mới thực sự hiệu quả, nhu cầu thông tin của công chúng mới được đảm bảo. Nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho hoạt động của các tạp chí giải trí – chỉ dẫn nói riêng, và báo chí nói chung, nhiều văn bản pháp luật nên chăng cần có sự đổi mới hoặc điều chỉnh để phù hợp hơn với tình hình phát triển hiện nay của làng báo Việt Nam.
Chẳng hạn, điều 13 Luật báo chí thông qua ngày 28/12/1989 quy định về người đứng đầu cơ quan báo chí phải “có đủ các tiêu chuẩn chính trị, đạo đức và nghề nghiệp báo chí do Nhà nước quy định”. Trong điều 5 Thông tư quy định chi tiết và hướng dẫn việc cấp giấy phép hoạt động báo chí in, xuất bản số phụ, xuất bản phụ trương, xuất bản đặc san (19/7/2010) của Bộ Thông tin – truyền thông về điều kiện cấp giấy phép hoạt động báo chí in nêu rõ: “Có người đủ các điều kiện sau đây để bổ nhiệm tổng biên tập, phó tổng biên tập cơ quan báo chí:
- Có bằng tốt nghiệp từ đại học trở lên;
- Có trình độ lý luận chính trị cao cấp trở lên;
- Đã qua lớp đào tạo về nghiệp vụ quản lý báo chí được Bộ Thông tin và Truyền thông cấp chứng chỉ.
- Có thẻ nhà báo đang có hiệu lực do cơ quan có thẩm quyền cấp;
- Không trong thời gian thi hành hình thức kỷ luật từ khiển trách trở lên;
- Đối với các tổ chức tôn giáo, Viện nghiên cứu khoa học cơ bản chuyên ngành xin phép hoạt động báo chí in và những trường hợp đặc biệt khác sẽ do Bộ Thông tin và Truyền thông xem xét, quyết định.”
Tuy nhiên, thực tế hiện nay cho thấy ở một số tòa soạn tạp chí giải trí – chỉ dẫn Việt Nam, không phải bất cứ một Tổng biên tập hay phó Tổng biên tập nào cũng thỏa mãn đầy đủ các điều kiện trên. Nhưng họ vẫn đủ khả năng và năng lực lãnh đạo, cũng như quản lý cơ quan báo chí về mọi mặt, bảo đảm thực hiện tuân thủ tôn chỉ, chức năng, nhiệm vụ của cơ quan báo chí đó. Nên chăng cần có sự cởi mở hơn đối với các quy định về chức danh này ở các tòa soạn tạp chí giải trí – chỉ dẫn nhằm tạo cơ hội cho những ai thật sự tài năng?
Các văn bản pháp luật quy định về quảng cáo trên báo chí cũng cần có nhiều thay đổi nhằm phù hợp hơn với tình hình phát triển của báo chí hiện nay, đặc biệt là với các tạp chí giải trí – chỉ dẫn. Hiện nay, hầu hết các đơn vị phải hạch toán độc lập, phải tự nuôi bộ máy của mình, tự cân đối thu chi, vì vậy không nên hạn chế quảng cáo để các báo có nguồn thu cho mình. Mặt khác, nếu càng ngăn cấm thì các tình trạng vi phạm, lách luật lại càng xảy ra thường xuyên, ảnh hưởng đến chất
lượng tờ báo. Pháp lệnh quảng cáo (16/11/2001) do Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam thông qua quy định rõ “Báo in được quảng cáo không quá 10% diện tích, trừ báo chuyên quảng cáo; mỗi đợt quảng cáo cho một sản phẩm quảng cáo không quá 5 ngày đối với báo hàng ngày hoặc 5 số liên tục đối với báo phát hành theo định kỳ; các đợt quảng cáo cách nhau ít nhất 5 ngày đối với báo hàng ngày hoặc ít nhất 4 số liên tục đối với báo phát hành theo định kỳ; không quảng cáo hoạt động kinh doanh, hàng hoá, dịch vụ trên trang một, bìa một” . Quảng cáo cũng là một hình thức thông tin hàng hóa, dịch vụ, sản phẩm hoặc đơn vị nào đó. Nếu giới hạn số lượng quảng cáo thì sẽ hạn chế rất lớn nhu cầu thông tin của công chúng, cũng như không tạo cơ hội để các doanh nghiệp quảng bá sản phẩm để phát triển thị trường, để tăng trưởng sản xuất kinh doanh trong giai đoạn phát triển kinh tế thị trường hiện nay. Chúng tôi đề xuất việc quy định số lượng quảng cáo sẽ do các Tổng biên tập quyết định, bởi hơn ai hết họ sẽ phải có được cách thức hợp lý nhằm dung hòa giữa lợi ích của tờ báo và lợi ích của công chúng.
Như vậy, rõ ràng để áp dụng một cách hiệu quả vào thực tiễn, các văn bản pháp luật về báo chí hiện nay cần có nhiều đổi mới nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các bên liên quan.
3.2.1.3 Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và sàng lọc chặt chẽ
Sự thông thoáng hơn trong hành lang pháp lý không đồng nghĩa với việc buông lỏng khâu kiểm tra, giám sát các tạp chí giải trí – chỉ dẫn. Bước đầu của việc tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và sàng lọc chặt chẽ là xây dựng hệ thống tiêu chí hoàn thiện dành cho các dòng tạp chí giải trí – chỉ dẫn. Bên cạnh Luật báo chí và các văn bản pháp luật liên quan, hệ thống tiêu chí này sẽ là cơ sở nền tảng cho các nhà quản lý báo chí thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mình. Công tác kiểm tra, giám sát phải bắt nguồn từ khâu cấp giấy phép xuất bản cho đến các khâu vận hành, hoạt động của tòa soạn, chất lượng xuất bản phẩm… Trên thực tế, các tạp chí giải trí – chỉ dẫn hiện nay có nhiều sai phạm trong quản lý, trong nội dung và hình thức xuất bản phẩm cũng là có nguồn gốc từ việc buông lỏng quản lý của các cơ quan chức năng. Hiện nay, việc xin giấy phép xuất bản báo chí in không còn khó khăn như trước, chỉ cần có cơ quan chủ quản (là Các tổ chức của Đảng, cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội (gọi chung là tổ chức có đủ điều kiện) là hoàn toàn có thể
xin được. Do đó, một cơ quan chủ quản lại có thể cho ra đời nhiều tạp chí khác nhau như: Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam với các trung tâm của mình xuất bản tới 15 tạp chí và 2 báo in. Trong đó, có tới 7 tạp chí giải trí - chỉ dẫn (Sống mới, Du thuyền, Mốt và cuộc sống, Mẹ và bé, Ô tô – xe máy Việt Nam, Autonet, Thương hiệu Việt). Do đó, chắc chắn việc quản lý các tạp chí này đối với Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam đã khó, thì với các cơ quan chức năng lại càng khó khăn hơn.
Ngoài ra, trong quá trình kiểm tra, giám sát chặt chẽ các tạp chí, cần có biện pháp xử lý nghiêm khắc đối với các cá nhân, tập thể vi phạm và tái phạm. Công tác kiểm tra, giám sát này cần có sự vào cuộc của các ban ngành liên quan như các cơ quan văn hóa, an ninh… để mang lại hiệu quả cao nhất.
3.2.1.4 Hạn chế sự lũng đoạn của tư nhân đối với các tạp chí giải trí – chỉ dẫn
Đây vốn dĩ là một vấn đề khá nhạy cảm, do đó cần có sự linh hoạt trong việc xử lý. Hơn nữa, sự xuất hiện của các công ty tư nhân trong các tòa soạn tạp chí giải trí – chỉ dẫn là một điều tất yếu, theo đúng quy luật phát triển, góp phần nâng cao tính chuyên nghiệp trong các khâu quảng cáo, phát hành, xuất bản. Nhưng, sự tham gia của tư nhân ở mức độ và trong giới hạn nào mới là điều quan trọng nhất, đòi hỏi sự vào cuộc của các cơ quan chức năng. Dòng tạp chí giải trí – chỉ dẫn hiện nay ở nước ta phát triển còn chưa có quy củ, cho nên sự tham gia của tư nhân vẫn rất khó để có thể nắm bắt và quản lý kịp thời. Do đó, cơ quan quản lý báo chí cần phải quản lý chặt chẽ khâu cấp phép hoạt động cho các tòa soạn tạp chí giải trí – chỉ dẫn. Sau khi cấp phép đòi hỏi sự kiểm tra, giám sát thường xuyên mọi hoạt động của các tạp chí này, cũng như tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hoạt động các tòa soạn tạp chí giải trí – chỉ dẫn nói chúng. Nên chăng thời gian gia hạn giấy phép hoạt động của các tạp chí giải trí – chỉ dẫn nên ngắn hơn 10 năm để hạn chế phần nào những hoạt động tiêu cực? Ngoài ra, việc hạn chế sự ảnh hưởng của tư nhân đối với các tạp chí giải trí – chỉ dẫn không đơn thuần chỉ là nghiêm cấm hay bắt buộc, mà đòi hỏi phải có được hành lang pháp lý thuận lợi, kín kẽ.
Thương mại hóa trên các tạp chí giải trí – chỉ dẫn Việt Nam cần xem xét và điều chỉnh phù hợp, đặc biệt là đối với quảng cáo. Bên cạnh pháp lệnh về quảng cáo, cơ quan quản lý báo chí cần có những quy định dành riêng cho quảng cáo trên
tạp chí, vì hiện nay sự “lách luật” của một số tạp chí giải trí – chỉ dẫn về quảng cáo là rất rõ ràng như các bài viết “trá hình” nhằm PR, quảng cáo cho doanh nghiệp. Một hình thức “trá hình” quảng cáo khá phổ biến hiện này là thông qua hình ảnh, ví dụ ở các tạp chí giải trí – chỉ dẫn chuyên về phương tiện, các doanh nghiệp “được” gắn tên của mình vào các biển số xe được chụp trong hình một cách công khai. Do vậy, các cơ quan chức năng cần đề ra các mức xử phạt hợp lý, cũng như cần có sự xử phạt nghiêm khắc các trường hợp vi phạm.