6. CẤU TRÚC ĐỀ TÀI
2.1.2. Mẫu chất và địa hình
Dựa vào bản đồ địa chất thị xã Sơn Tây (tỷ lệ 1: 50.000), khu vực nghiên cứu có các thành tạo mẫu chất sau:
- Đá biến chất tuổi Proteozoi thống hạ, hệ tầng Thái Ninh, thành phần giàu biotit xen ít lớp quaczit, thấu kính amphibol, gơnai biotit. Thành phần vật chất trong hệ tầng này là điều kiện tiên quyết trong việc hình thành đá ong. Trong khu vực nghiên cứu, đá biến chất lộ ra ở phần đỉnh của dải đồi Giàng, đồi Thông, đồi Mốc thuộc xã Xuân Sơn.
- Trầm tích phù sa cổ phân bố chủ yếu toàn khu vực, có thành phần chủ yếu là cuội, sạn, sỏi, cát thô đa khoáng, càng chuyển lên trên kích thước hạt trầm tích càng nhỏ dần cho đến sét, bột sét. Về mặt nguồn gốc, trầm tích có thể chia ra làm 2 loại: trầm tích sông và trầm tích đồng bằng châu thổ (có sự kết hợp giữa sông và biển). Trầm tích tạo nên các địa hình đồng bằng gò thoải có bề mặt lượn sóng, độ cao từ 15 - 30m.
- Trầm tích sông, chiếm phần lớn diện tích của khu vực, nằm theo hướng tây bắc - đông nam, và phân bố dọc hai bên sông Hang. Trầm tích sông có các nham tướng lòng sông và nham tướng bãi bồi. Các trầm tích tướng lòng sông gồm cuội sỏi cát có thành phần và kích thước rất khác nhau. Các trầm tích tướng bãi bồi bao gồm các thành tạo phù sa (cát, bột, sét), phân thành tầng lớp dày vài mét đến chục mét. Có 2 kiểu bãi bồi: trong đê và ngoài đê. Các thành tạo bãi bồi trong đê, chiếm diện tích lớn, còn nhiều dấu vết lòng sông cổ, các hồ móng ngựa và các đầm lầy.
31
Các trầm tích bãi bồi ở ngoài đê chủ yếu cấu tạo bởi tầng cát bột dày lẫn sét, có chiều dày thay đổi tuỳ thuộc vào hoạt động dòng chảy của sông. Các trầm tích sông hiện nay chủ yếu hình thành nên các dạng bãi bồi cao thấp và dạng địa hình tích tụ hỗn hợp sông hồ thích hợp cho trồng cây nông nghiệp.
- Trầm tích hiện đại được hình thành khi bồn hồ bị thoái hóa, trở nên khô cạn. Đồng bằng này được phân bố ở phía nam của khu vực nghiên cứu thuộc hệ tầng Hải Hưng (bQ21-2hh3). Thành phần trầm tích hồ - đầm lầy chủ yếu là sét, bột, ít cát chứa tàn tích thực vật, lớp mỏng than bùn.
Địa hình chung khu vực là đồng bằng dạng gò thoải, đôi nơi có đồi sót xu hướng thấp dần từ bắc tới nam, được chia thành các dạng sau:
- Địa hình bóc mòn: bản chất là đồng bằng bóc mòn nổi lên những gò đồi sót tương đối thoải phân bố theo hướng tây bắc - đông nam. Bề mặt đỉnh có độ cao trong khoảng 25 - 60m, đỉnh cao đến gần 100m nằm ở xã Xuân Sơn. Độ dốc là nguyên nhân xảy ra quá trình bào mòn vật chất từ đỉnh và sườn xuống phía dưới hình thành bề mặt san bằng ở chân sườn (hay còn gọi là pediment) độ cao từ 20 - 30m. Trên bề mặt san bằng này, quá trình bóc mòn xảy ra tương đối yếu, kéo dài theo hướng tây bắc - đông nam và phân bố chủ yếu ở phía tây xã Xuân Sơn, toàn bộ phía bắc đến vùng trung tâm của phường Xuân Khanh và khu vực trung tâm của xã Thanh Mỹ. Ngoài ra, bề mặt sườn cũng được phân ra theo các cấp độ dốc khác nhau thích hợp cho từng loại hình sử dụng đất nông lâm nghiệp.
- Địa hình nguồn gốc sông: gồm thềm bậc II, thềm bậc I, bãi bồi cao, bãi bồi thấp, lòng sông và bãi bồi hiện đại. Các bậc thềm sông có giá trị khai thác rất lớn vì đó là khu vực thuận lợi canh tác nông nghiệp, xây dựng giao thông, đô thị, các công trình thủy lợi và công nghiệp. Thềm bậc II có độ cao trên 20m nên không bị ngập, hoàn toàn thoát khỏi ảnh hưởng của sông vào mùa lũ. Thành phần cấu tạo gồm cuội, sỏi là điều kiện thuận lợi cho quần cư và cơ sở hạ tầng. Thấp hơn là thềm sông bậc I được cấu tạo bởi trầm tích cát, bột, sét xám vàng thích hợp cho trồng màu, trồng lúa. Về nguyên lý, thềm bậc I không bị ngập nước, nhưng do hoạt động đắp đê của địa phương dẫn đến tình trạng ứ nước gây ngập định kỳ không chỉ bãi bồi mà cả thềm bậc I. Dải địa hình hướng tây bắc - đông nam kèm theo địa hình phía nam khu vực nghiên cứu có độ cao chủ yếu trong khoảng 12 - 17m, bị chia cắt ngang bởi
32
sông Hang và một số đoạn sông cổ. Dọc theo sông là bãi bồi của lòng sông, cấu tạo bởi trầm tích Đệ Tứ hệ tầng Thái Bình. Bãi bồi cao chỉ bị nước lũ tràn ngập vài năm một lần, hoặc thậm chí mấy chục năm một lần; bãi bồi thấp bị nước lũ tràn ngập hàng năm và bao giờ cũng hẹp hơn bãi bồi cao.
- Địa hình tích tụ hỗn hợp: gồm các dạng địa hình tích tụ hỗn hợp sông - hồ, sông - sườn tích. Địa hình tích tụ hỗn hợp do dòng chảy tạm thời được hình thành do các dòng chảy hoạt động khi có mưa lớn cũng như địa hình tích tụ hỗn hợp do sông, hồ. Trên bề mặt thường có nhiều trầm tích bở rời và chúng được phân bố ở cả phía bắc và phía nam khu vực nghiên cứu.