Nghiên cứu về chất lượng dịch vụ nói chung và chất lượng dịch vụ ngân hàng nói riêng là một vấn đề được các nhà nghiên cứu cả trong và ngoài nước quan tâm. Những nghiên cứu của họ góp phần không nhỏ trong việc xây dựng, bổ sung, khẳng định lý thuyết về Chất lượng dịch vụ khách hàng và việc lựa chọn thang đo thích hợp. Trong quá trình thực hiện đề tài và nhằm xây dựng một mô hình nghiên cứu thích hợp, đã tham khảo, tìm hiểu một số nghiên cứu tương tự có liên quan như: “Đánh giá chất lượng dịch vụ tại Ngân hàng Thương mại Cổ phần Á Châu – Chi nhánh Khánh Hòa” – Luận văn thạc sĩ của tác giả Nguyễn Duy Hải (Trường Đại học Nha Trang) năm 2010. Nghiên cứu này kết luận có bốn yếu tố tác động đến sự thỏa mãn của khách hàng về dịch vụ tín dụng của ngân hàng là Yếu tố giá, Phương tiện hữu hình, Đảm bảo và Đồng cảm.
“Đánh giá sự hài lòng của khách hàng đối với chất lượng dịch vụ tín dụng của Ngân hàng BIDV – Chi nhánh Khánh Hòa” – Luận văn thạc sĩ của tác giả Đỗ Lý Hoàng Ngọc (Trường Đại học Nha Trang) năm 2012. Nghiên cứu này kết luận
có năm yếu tố tác động đến sự thỏa mãn của khách hàng về dịch vụ tín dụng của ngân hàng là Đồng cảm và phục vụ, Yếu tố giá, Tin cậy và đáp ứng, Sự hữu hình, Uy tín thương hiệu và Sự thuận tiện.
Nguyễn Thị Mai Trang (ĐHQG – Tp HCM), 2006 đã sử dụng thang đo SERVQUAL đo lường mô hình 5 thành phần của Parasuraman để đánh giá chất lượng dịch vụ, sự thỏa mãn và lòng trung thành của khách hàng siêu thị tại thành phố Hồ Chí Minh.
Nghiên cứu “Sử dụng chỉ số hài lòng của khách hàng trong hoạch định chiến lược kinh doanh ngân hàng: cách tiếp cận mô hình lý thuyết” của tác giả Lê Văn Huy (TrườngĐại học kinh tế, Đại học Đà Nẵng) năm 2007 đã xây dựng mô hình lý thuyết về chỉ số hài lòng của khách hàng trong lĩnh vực ngân hàng và ứng dụng chỉ số đó trong hoạch định chiến lược kinh doanh của ngân hàng.
“Nghiên cứu sự hài lòng của khách hàng doanh nghiệp đối với sản phẩm, dịch vụ của Ngân hàng HSBC – Chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh” – Luận văn thạc sĩ của tác giả Đỗ Tiến Hòa (Trường Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh) năm 2007. Kết quả nghiên cứu có sáu yếu tố tác động đến sự hài lòng của khách hàng, đó là Phong cách phục vụ của nhân viên ngân hàng, Sự thuận tiện, Sự tín nhiệm, Sự hữu hình, Hình ảnh doanh nghiệp, Tính cạnh tranh về giá. Trong đó có bốn yếu tố thuộc mô hình chất lượng dịch vụ của Parasuraman.
Qua các kết quả nghiên cứu trên cho thấy, tất cả các nghiên cứu khi đánh giá chất lượng dịch vụ đa số đều sử dụng mô hình 5 thành phần chất lượng dịch vụ của Parasuraman .