Để trả lời câu hỏi đặt ra khi xác định suất chiết khấu ở phần tình hình thị trường tài chính Việt Nam hiện nay: thị trường tài chính Việt Nam hiện nay còn cần làm gì để phát triển hơn nữa và đủ điều kiện tính toán được mô hình CAPM và mô hình chiết khấu cổ tức? Hoặc hiện nay, trong lúc đợi thị trường tài chính Việt Nam hoàn chỉnh, thì cần làm gì để khắc phục? Có hai giải pháp: trong lúc đợi thị trường tài chính Việt Nam hoàn chỉnh thì có thể khắc phục việc xác định suất chiết khấu bằng giải pháp tình thế; giải pháp dài
115
hạn mà tác giả đưa ra sau đây sẽ giúp thị trường tài chính Việt Nam phát triển hơn nữa và đủ điều kiện để xác định suất chiết khấu theo mô hình CAPM.
Thứ nhất, giải pháp tình thế xác định suất chiết khấu. Sử dụng hệ số beta theo ngành của một số nước có sự phát triển về ngành tương tự. Sử dụng hệ số beta đó để tính chi phí sử dụng vốn. Sau đó có thể so sánh với các cách tính khác để có thể lựa chọn được hệ số beta phù hợp trong giai đoạn thị trường tài chính Việt Nam chưa hoàn thiện kịp.
Thứ hai, một số giải pháp dài hạn phát triển thị trường tài chính Việt Nam để sử dụng tốt mô hình DCF là một điều hết sức cần thiết cho nhà đầu tư có một công cụ phân tích và dự báo một cách hiệu quả, như sau:
3.5.1.1. Hoàn thiện hệ thống báo cáo tài chính và chuẩn mực kế toán Việt Nam cho phù hợp với quốc tế
Thứ nhất, sự khác nhau giữa báo cáo tài chính và chuẩn mực kế toán của Việt Nam và quốc tế nên gây nên nhiều cách hiểu khác nhau dẫn đến những con số khác nhau. Lấy một ví dụ nhỏ về khác biệt tại Mỹ và Việt Nam khi tính WACC. Cấu trúc vốn khi tính WACC như sau:
Cấu trúc vốn= vốn cổ đông + nợ = E+D
Để tính WACC thì phải tính chi phí vốn chủ sở hữu và chi phí của nợ. Chi phí vốn chủ sở hữu thì cách tính như nhau cả ở Mỹ và Việt Nam. Tính toán chi phí nợ có vẻ phức tạp hơn. Tại Mỹ thì nợ là khoản nợ dài hạn còn những khoản nợ ngắn hạn được gộp chung vào khoản phải trả ngắn hạn. Mỹ không coi khoản nợ ngắn hạn là một khoản vay nợ mà coi là khoản phải trả. Điều khác biệt ở chỗ tại Việt Nam thì nợ bao gồm cả nợ ngắn hạn và nợ dài hạn. Trên lý thuyết, nợ chỉ tính nợ vay dài hạn, tuy vậy ở Việt Nam các khoản vay ngắn hạn thường được đảo nợ hàng năm, nên được xem như vay dài hạn. Trong nhiều tài liệu thì nhiều nhà phân tích đồng nhất thành phần nợ trong cấu trúc vốn của doanh nghiệp với khoản mục vay và nợ dài hạn trên bảng
116
cân đối kế toán. Tuy nhiên, có nhiều nhà phân tích lại cho rằng nợ là bao gồm tất cả các khoản nợ phải trả. Cho nên điều này vẫn chưa được thống nhất tại Việt Nam. Vì tính chi phí của nợ nên các khoản phải trả không có trong mục này bởi đó là khoản chiếm dụng vốn hợp pháp mà doanh nghiệp không cần bỏ ra một khoản chi phí nào. Nên theo ý kiến tác giả, khi tính nợ tại Việt Nam thì nên tính tổng nợ bao gồm nợ ngắn hạn và nợ dài hạn. Tránh trường hợp áp dụng máy móc công thức tính (sử dụng nợ dài hạn) sẽ gây ra sai lệch WACC. Đây là một điều hết sức quan trọng cần lưu ý bởi không ít các trường hợp tính sai và không hiểu rõ về WACC.
Do không có một chuẩn mực kế toán toàn cầu nên việc hạch toán khác nhau ở các nước khác nhau là rất phổ biến. Vì có sự khác nhau giữa báo cáo tài chính và chuẩn mực kế toán nên gây nên nhiều cách hiểu khác nhau dẫn đến những con số khác nhau. Việt nam chưa có một hệ thống tài chính mạnh nên chủ yếu sử dụng cách phân tích tài chính của nước ngoài. Chuẩn mực kế toán việt nam và nước ngoài khác nhau mà lại sử dụng hệ thống phân tích tài chính nước ngoài dẫn đến nhiều bất cập trong quá trình phân tích quản trị tài chính. Vì thế cần hiểu rõ những sự khác nhau để cân nhắc sử dụng cho phù hợp với điều kiện Việt Nam.
Thứ hai là chế độ kế toán, báo cáo tài chính, chuẩn mực kế toán cần phải hoàn thiện hơn nữa để đáp ứng nhu cầu hội nhập với thế giới. Báo cáo tài chính là một loại báo cáo rất quan trọng cung cấp các thông tin cho chủ doanh nghiệp, nhà đầu tư, cơ quan quản lý, khách hàng, tổ chức tín dụng... Đây là một trong những công cụ hữu hiệu trong quản lý bởi nó phản ánh kết quả sản xuất kinh doanh và là cơ sở quan trọng để tính toán các chỉ tiêu hiệu quả giúp kiểm tra giám sát tình hình sử dụng vốn, khả năng huy động vốn. Phân tích các chỉ tiêu trong báo cáo tài chính giúp ban lãnh đạo doanh nghiệp đưa ra được chiến lược kinh doanh, kế hoạch tài chính, các quyết định đầu tư, quyết
117
định tài chính chi phối hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Như vậy, thấy được rõ vai trò của báo cáo tài chính. Song ở nước ta hiện nay mẫu biểu và phương pháp xác định các chỉ tiêu trong báo cáo tài chính chưa thống nhất. Mỗi đối tượng khác nhau áp dụng mẫu biểu và chế độ hạch toán riêng, ví như báo cáo tài chính dành cho doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài... Mỗi bộ có kết cấu, chỉ tiêu và cách lập, cách đọc khác nhau. Đây là một trong những nhược điểm lớn khiến cho việc so sánh và tổng hợp giữa các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn. Những điều này nói lên chế độ kế toán doanh nghiệp bị chắp vá, thiếu gắn kết. Vì thế có nên chăng cần phải thống nhất một chế độ chung và gắn liền với nó là bộ báo cáo tài chính thống nhất cho các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế. Điều này không chỉ quan trọng với người làm kế toán mà còn quan trọng đối với nhà quản trị. Hơn nữa bộ báo cáo cần đơn giản để đảm bảo ai cũng cần cũng có thể tự đọc được báo cáo. Vì vậy, chế độ kế toán, báo cáo tài chính, chuẩn mực kế toán vẫn đã và đang trên con đường hoàn thiện.
3.5.1.2. Đối với thị trường chứng khoán
Theo tác giả thì cần có một số giải pháp sau để hoạt động đầu tư thuận tiện trong thị trường chứng khoán:
Thứ nhất, thông tin trong thị trường phải minh bạch, không bị rò rỉ thông tin. Một điều đáng ngạc nhiên là sự khác biệt giữa báo cáo tài chính trước và sau kiểm toán. Ví dụ trong báo cáo kiểm toán năm 2008 có gần 200/357 công ty có kết quả khác biệt so với công bố từ trước. Trong đó có nhiều doanh nghiệp chênh lệch trọng yếu từ vài chục tới hàng trăm tỷ đồng, biến lãi thành hòa vốn hoặc thậm chí lỗ. Ví dụ như báo cáo của NKD - Công ty cổ phần chế biến thực phẩm kinh đô miền Bắc - năm 2008: lợi nhuận trước thuế và trước kiểm toán là 48,3 tỷ; lợi nhuận trước thuế sau khi kiểm toán là 1,5 tỷ; như vậy chênh lệch 46,8 tỷ VNĐ được công ty giải thích nguyên nhân
118
là do trích lập khoản dự phòng giảm giá đầu tư tài chính dài hạn. Như vậy, câu hỏi đặt ra là liệu doanh nghiệp đã tự giác trích lập dự phòng rủi ro chưa? Hay một ví dụ nữa về mã SAM - công ty cổ phần Cáp và Vật liệu viễn thông - tại thời điểm 3/12/2008, công ty có khoản đầu tư tài chính dài hạn là 1.058 tỷ đồng (góp 280 tỷ đồng vào Quỹ Tầm nhìn SSI, đầu tư hơn 40 tỷ đồng vào cổ phiếu ALP - công ty cổ phần Alphanam, đầu tư hơn 345 tỷ đồng vào cổ phiếu HPG - công ty cổ phần tập đoàn Hòa Phát, góp hơn 42 tỷ đồng vào công ty cổ phần bất động sản Sacomland...). Vì thế, cuối năm 2008, SAM đã phải trích lập dự phòng giảm giá chứng khoán đầu tư dài hạn 244,8 tỷ đồng, dẫn đến con số thua lỗ 67,3 tỷ đồng trong cả năm 2008 và cổ phiếu SAM bị đưa vào kiểm soát. Báo cáo cuối 2008 đã khác biệt hoàn toàn so với kết quả kinh doanh những quý trước đó do trích lập dự phòng. Qua nghiên cứu các báo cáo tài chính 2008 những công ty có đầu tư tài chính nhiều thì hầu như rơi vào tình trạng hòa vốn hoặc thua lỗ do những khoản trích lập dự phòng giảm giá đầu tư tài chính. Mặc dù báo cáo 11 tháng đầu năm là lãi, song toàn bộ chi phí được đưa vào tháng cuối cho nên báo cáo quý 4 rất xấu. Điều này gây hoang mang cho các nhà đầu tư. Vậy làm thể nào để bảo vệ lợi ích của nhà đầu tư? Làm thế nào để thông tin được công bố kịp thời và nhà đầu tư có thể biết được liệu vốn của mình có được sử dụng đúng mục đích hay không? Hai ví dụ trên cho thấy có hai nguyên nhân chính dẫn đến sai lệch báo cáo trước và sau kiểm toán: nguyên nhân khách quan và nguyên nhân chủ quan. Khách quan có thể kể đến là sự chưa hoàn thiện của hệ thống chuẩn mực. Nguyên nhân chủ quan là trình độ yếu kém, hoặc cố tình làm sai vì mục đích ngắn hạn của doanh nghiệp. Vì vậy, cần thiết phải có hệ thống kiểm soát giám sát chặt hơn về thông tin thị trường như là báo cáo quý, tháng phải chuẩn xác như báo cáo năm, không thể để tình trạng dồn hết chi phí cho quý cuối cùng của năm như năm 2008. Ngoài việc đảm bảo thông tin chính xác và minh bạch thì
119
thông tin phải đảm bảo không bị rò rỉ để đảm bảo công bằng cho các nhà đầu tư. Như vậy, thông tin không bị rò rỉ và minh bạch là điều kiện tiên quyết để phát triển thị trường chứng khoán. Đây chính là nguyên tắc công khai, được coi là một nguyên tắc quan trọng nhất của thị trường chứng khoán.
Thứ hai, nội dung thông tin trên báo cáo thường niên của các doanh nghiệp cần phải đầy đủ để cung cấp đủ thông tin cho nhà đầu tư. Thực tế hiện nay với đa số công ty, báo cáo thường niên vẫn chỉ là nộp cho có lệ và thường chỉ nêu những ưu điểm và thành tích của công ty nên tư tưởng che dấu vẫn còn thể hiện đối với các doanh nghiệp Việt Nam. Một vấn đề quan trọng là báo cáo thường niên thì quá tổng quát và phần thuyết minh còn sơ sài, không chi tiết dẫn đến nhà đầu tư thiếu thông tin về doanh nghiệp, đặc biệt là các khoản đầu tư, thường không được chi tiết trong đó.