Chủ trương, chính sách của Việt Nam về xuất khẩu lao động

Một phần của tài liệu Xuất khẩu lao động của Việt Nam sang thị trường Trung Đông (Trang 52)

Sau khi tái thống nhất đất nước, nước ta đối mặt với những khó khăn, thách thức to lớn về cả kinh tế, xã hội, ngoại giao. Hàng triệu người lao động không có việc làm, nhu cầu giải quyết việc làm và đào tạo nghề cho người lao động để phát triển kinh tế, xây dựng lại đất nước là những nhiệm vụ hết sức cấp bách.

Ngày 29/11/1980, Chính phủ ra Nghị quyết số 362/CP về việc đưa một bộ phận lao động Việt Nam ra nước ngoài làm việc có thời hạn và bồi dưỡng tay nghề. Từ năm 1984, Chính phủ Việt Nam chủ trương mở rộng sự hợp tác lao động ra một số nước phi xã hội chủ nghĩa.

Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI tháng 12/1986 chủ trương “mở rộng họp tác lao động với nước ngoài kết hợp với đào tạo nghề cho thanh niên và nâng cao trình độ cho chuyên gia; cùng với nước sở tại chăm sóc đời sống vật chất, văn hóa của những người đi lao động ở nước đó; tổ chức chu đáo việc gửi tiền, hàng hóa về cho gia đình; sắp xếp việc làm cho những người đã làm việc, học nghề ở nước ngoài về…”

Thực hiện chính sách “Đổi mới”, ngày 30/6/1998, Hội đồng Bộ trưởng ra chỉ thị số 108/HĐBT, trong đó lần đầu tiên cho phép các tổ chức kinh tế hoạt động dịch vụ việc làm ngoài nước dưới hình thức hợp tác trực tiếp với các xí nghiệp, giữa ngành với ngành. Tuy nhiên, việc đưa lao động ra nước

ngoài làm việc chủ yếu vẫn thực hiện theo cơ chế tập trung thông qua Hiệp định liên Chính phủ.

Cuộc chiến Vùng Vịnh 1991-1992 làm cho tình hình thế giới thay đổi sâu sắc. Ở các nước tiếp nhận nhiều lao động Việt Nam, hàng loạt doanh nghiệp tuyên bố phá sản, thất nghiệp tràn lan, nhu cầu sử dụng lao động nước ngoài giảm sút, thị trường lao động bị thu hẹp. Chính phủ Việt Nam tạm thời ngừng đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài, đồng thời nghiên cứu, tìm các giải pháp xuất khẩu lao động mới phù hợp với thị trường lao động quốc tế.

Ngày 9/11/1991, Hội đồng Bộ trưởng ra Nghị định 370/HĐBT ban hành quy chế về đưa người lao động Việt Nam đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài là một hướng giải quyết việc làm, tạo thu nhập cho người lao động và tăng nguồn thu ngoại tệ cho đất nước, góp phần tăng cường hợp tác kinh tế - văn hóa, khoa học – kỹ thuật giữa Việt Nam với những nước sử dụng lao động theo nguyên tắc bình đẳng, hai bên cùng có lợi, tôn trọng pháp luật và truyền thống dân tộc của nhau. Đây cũng là lần đầu tiên ta chủ trương xuất khẩu lao động theo cơ chế thị trường.

Ngày 23/6/1994, Quốc hội thông qua Bộ luật Lao động, trong đó có các quy định về việc đưa lao động và chuyên gia Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài. Năm 2002, Bộ luật Lao động được sửa đổi, bổ sung một số điều, trong đó các quy định về xuất khẩu lao động được sửa đổi, bổ sung nhiều nhất. Hàng loạt các văn bản quy phạm pháp luật khác điều chỉnh hoạt động xuất khẩu lao động như: Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Quỹ hỗ trợ xuất khẩu lao động; Nghị định số 141/2005/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài; các thông tư của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội và liên Bộ Tài chính – Lao động – Thương binh và Xã hội cùng các ban, ngành liên quan hướng dẫn việc thực hiện các văn bản trên.

Ngày 29/11/2006, tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XI đã thông qua “Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng”, có hiệu lực từ ngày 1/7/2007, trong đó quy định về hoạt động đưa người lao động đi làm việc tại nước ngoài theo hợp đồng; quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp, tổ chức sự nghiệp đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng và các tổ chức, cá nhân có liên quan. Luật này cũng quy định điều kiện đối với người lao động đi làm việc ở nước ngoài.

Có thể nói, hệ thống chính sách, pháp luật của Việt Nam trong lĩnh vực xuất khẩu lao động đã tương đối đầy đủ, điều chỉnh được phần lớn quan hệ xã hội quan trọng phát sinh trong lĩnh vực này, tạo lập cơ sở pháp lý cho hoạt động xuất khẩu lao động; tháo gỡ một phần những vướng mắc, bức xúc trong thực tiễn nhằm đẩy mạnh việc đưa lao động Việt Nam sang tất cả các thị trường, trong đó có thị trường Trung Đông.

Một phần của tài liệu Xuất khẩu lao động của Việt Nam sang thị trường Trung Đông (Trang 52)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(157 trang)