Các hoạt động của Kiểm sát viên tại phiên tòa xét xử hình sự sơ thẩm

Một phần của tài liệu Thực trạng và giải pháp nâng cao chất lượng tranh tụng của Kiểm sát viên tại phiên tòa hình sự sơ thẩm trên địa bàn thành phố Hải Phòng (Trang 27)

sự sơ thẩm

Hoạt động của KSV tại phiên tòa xét xử HSST được chia thành các giai đoạn như sau:

- Giai đoạn trước khi KSV tiến hành tranh tụng

Ở giai đoạn này, chủ tọa phiên tòa tiến hành các thủ tục cần thiết trước khi tiến hành tranh tụng như: Kiểm tra sự có mặt, vắng mặt (lý do vắng mặt) của những người được triệu tập tham gia vào quá trình chứng minh tại phiên tòa, đề nghị của các bên về hoãn phiên tòa, triệu tập thêm người làm chứng, bổ sung chứng cứ mới…

Theo quy định của Luật tổ chức VKSND năm 2002 thì KSV tham gia phiên tòa với trách nhiệm THQCT và kiểm sát việc tuân theo pháp luật của HĐXX, của những người tham gia tố tụng. Do vậy, KSV phải kiểm sát các thủ tục tố tụng tại phiên tòa của HĐXX, của thư ký tòa án và những người tham gia tố tụng, về sự có mặt của bị cáo, sự vắng mặt của người bào chữa đúng quy định của pháp luật.

26

Theo quy định tại Điều 206 BLTTHS thì trước khi tiến hành xét hỏi KSV đọc bản cáo trạng và trình bày ý kiến bổ sung (nếu có). Những ý kiến bổ sung nhằm làm rõ nội dung của bản cáo trạng đã truy tố như vấn đề về chứng cứ, vấn đề dân sự trong vụ án hình sự… Tuy nhiên, KSV không được tình bày những ý kiến bổ sung về tội danh của bị can đã nêu trong bản cáo trạng hay bổ sung thêm người phạm tội mà chưa được đề cập tại bản cáo trạng. Nội dung của bản cáo trạng phải căn cứ vào kết quả điều tra và quá trình nghiên cứu hồ sơ vụ án và phải thể hiện đầy đủ hành vi phạm tội, động cơ, mục đích, hậu quả và các tình tiết quan trọng khác, người đã thực hiện hành vi phạm tội đã phạm vào điều khoản nào của Bộ luật hình sự. Quyết định tố tụng này thể hiện vai trò cơ bản của VKS trong việc THQCT để đưa một người có hành vi phạm tội ra xét xử trước Tòa án. Tác giả Nguyễn Thái Phúc cho rằng: "Cáo trạng do Viện kiểm sát truy tố trước Tòa án không chỉ là lý do hình thức tồn tại của giai đoạn xét xử sơ thẩm mà là đối tượng trung tâm diễn ra trong giai đoạn này" [33] vì đây là căn cứ để giới hạn việc xét xử của Tòa án và cũng là căn cứ để đảm bảo quyền bào chữa của bị cáo. Như vậy: "Bản cáo trạng là văn bản áp dụng pháp luật, trong đó Viện kiểm sát quyết định truy tố một (hoặc nhiều) bị can, về một tội (hoặc nhiều) hành vi phạm tội mà có căn cứ cho rằng bị can (hoặc nhiều bị can) đó đã thực hiện ra trước Tòa án để xét xử" [39, tr. 339] và KSV là người đại diện cho VKS được Viện trưởng ủy quyền để THQCT trước Tòa án.

Kiểm sát viên đọc cáo trạng hoặc quyết định truy tố theo thủ tục rút gọn và quyết định khác của VKS liên quan đến việc giải quyết vụ án và trình bày ý kiến bổ sung làm rõ thêm nội dung cáo trạng (nếu có). Trong giai đoạn này, KSV thực hiện nhiệm vụ xét hỏi những người tham gia tố tụng, xuất trình tài liệu, chứng cứ nhằm bảo vệ quan điểm truy tố của VKS. Chính vì vậy KSV phải chủ động, tích cực tham gia xét hỏi bị cáo và những người tham gia tố tụng khác. Việc tích cực tham gia xét hỏi của KSV ngoài mục đích làm rõ các tình tiết của vụ án còn để thẩm tra lại lời khai của những người tham gia tố tụng để phục vụ cho việc luận tội và đối đáp trong giai đoạn tranh luận.

27

Kiểm sát viên là người đại diện VKS tham gia xét hỏi tại phiên tòa sơ thẩm. Đây là một đặc trưng cơ bản vì KSV là người đại diện Nhà nước THQCT để truy tố bị cáo Việc xét hỏi của KSV tại phiên tòa là thể hiện rõ nhất chức năng buộc tội bởi lẽ muốn bảo vệ được quan điểm truy tố của VKS thì KSV cần phải tham gia xét hỏi bị cáo và những người tham gia tố tụng khác. Căn cứ theo Điều 207 BLTTHS về trình tự xét hỏi, thì KSV tham gia xét hỏi sau khi chủ tọa phiên tòa, các Hội thẩm đã hỏi xong. Sở dĩ pháp luật tố tụng quy định về trình tự xét hỏi bởi vì xuất phát từ trách nhiệm chứng minh, xác định sự thật khách quan của vụ án là thuộc về HĐXX do vậy trong giai đoạn này quyền công tố của VKS được thể hiện thông qua việc xét hỏi của KSV để làm rõ hơn và kiểm chứng một cách công khai các chứng cứ mà Cơ quan điều tra đã thu thập được trong quá trình điều tra vụ án, hơn nữa việc xét hỏi của KSV cũng để bảo vệ cáo trạng mà VKS đã truy tố bị can ra trước Tòa án để xét xử đồng thời việc xét hỏi của KSV cũng làm cơ sở để đánh giá lại một cách khách quan, toàn diện các chứng cứ mà VKS đã dùng để buộc tội bị can thông qua việc hỏi bị cáo và những người tham gia tố tụng khác, đồng thời là căn cứ để KSV đề xuất mức hình phạt và các biện pháp xử lý khác đối với vụ án trong việc luận tội bị cáo tại phiên tòa HSST.

- Giai đoạn KSV thực hành tranh tụng

Nội dung tranh tụng được các bên thể hiện trong lời luận tội của KSV, lời bào chữa của Luật sư (lời tự bào chữa của bị cáo), ý kiến tranh luận của người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người bị hại, cho người có quyền và nghĩa vụ liên quan hoặc của chính bản thân họ và lời đối đáp qua lại giữa các bên nhằm làm sáng tỏ những quan điểm còn mâu thuẫn để bảo vệ quan điểm của mình.

Theo quy định tại Điều 217 BLTTHS năm 2003 thì sau khi kết thúc việc xét hỏi, KSV trình bày lời luận tội. Với tư cách là người đại diện cho VKS THQCT nhà nước, KSV thể hiện quan điểm của mình về việc đánh giá

28

hành vi phạm tội, tính chất, mức độ, hậu quả của tội phạm, các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ TNHS của bị cáo… để đề xuất mức hình phạt cần thiết áp dụng đối với bị cáo. Có thể hiểu:

Luận tội là quan điểm của Viện kiểm sát do Kiểm sát viên thực hành quyền công tố Nhà nước phát biểu tại phiên tòa về việc đánh giá chứng cứ, đánh giá tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của tội phạm, hậu quả nguy hiểm do hành vi phạm tội gây ra; vai trò trách nhiệm và nhân thân của bị cáo, các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự[51, tr. 36].

Để chất lượng bản luận tội đạt hiệu quả cao thì trước khi tham gia phiên tòa KSV phải viết bản dự thảo luận tội. Luận tội phải có căn cứ, khách quan, cụ thể, phải có tính thuyết phục, được viết với văn phong trong sáng, dễ hiểu; bố cục chặt chẽ, từ chuẩn xác. Nội dung của luận tội phải phân tích, đánh giá chứng cứ; phân tích, đánh giá tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội, vai trò của bị cáo, đề xuất quan điểm, đường lối xử lý vụ án. Tại phiên tòa KSV phải ghi chép những tài liệu, chứng cứ đã được kiểm tra và ý kiến của bị cáo, người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích cho đương sự và những người tham gia tố tụng khác để bổ sung, sửa chữa bản dự thảo luận tội. Sau khi kết thúc việc xét hỏi, KSV trình bày luận tội, đề nghị kết tội bị cáo theo toàn bộ hay một phần nội dung cáo trạng hoặc kết luận về tội nhẹ hơn. Luận tội của KSV phải căn cứ vào những tài liệu, chứng cứ đã được kiểm tra tại phiên tòa, đề xuất việc áp dụng hình phạt chính, hình phạt bổ sung với bị cáo, các vấn đề khác về xử lý vật chứng và trách nhiệm bồi thường dân sự nếu có.

Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 quy định KSV phải "trình bày lời luận tội" chứ không phải "đọc" bản luận tội đã có sẵn. Khi trình bày lời luận tội, KSV phải sử dụng phương pháp "nói" là chủ yếu chứ không sử dụng phương pháp "đọc" là chủ yếu. KSV nói phải rõ ràng, mạch lạc; cách diễn đạt sao cho lôi cuốn, thuyết phục người nghe.

29

Hiện nay có ý kiến cho rằng, luận tội và buộc tội là hai khái niệm khác nhau, vì họ cho rằng, trong luận tội không những chỉ buộc tội mà còn có cả yếu tố gỡ tội. Tuy nhiên, nếu nhìn nhận ở góc độ tranh tụng để bảo vệ quan điểm truy tố ta thấy bản chất của luận tội là để buộc tội, là để hiện thực hóa chức năng THQCT. Do vậy, việc xem xét toàn bộ nội dung vụ án một cách khách quan toàn diện có ý nghĩa xác định nội dung vụ án rõ ràng hơn để củng cố yếu tố buộc tội mà thôi. Bên cạnh đó luận tội phải đánh giá được tình tiết, mức độ, hậu quả của hành vi phạm tội mà bị cáo đã gây ra, những căn cứ kết tội đối với bị cáo, nguyên nhân, điều kiện, hoàn cảnh, động cơ, mục đích phạm tội của bị cáo, phân tích đánh giá các tình tiết định khung tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của bị cáo được áp dụng… trên cơ sở phân tích, đánh giá đó đại diện VKS đề xuất đường lối xử lý đối với bị cáo về trách nhiệm hình sự, trách nhiệm dân sự qua đó giúp cho HĐXX xác định rõ hơn giới hạn của việc xét xử, giúp HĐXX ra một bản án đúng người, đúng tội, đúng các quy định của pháp luật

Nhiệm vụ quan trọng của KSV là tranh luận và đối đáp. Theo quy định tại Điều 217, 218 BLTTHS thì bị cáo, người bào chữa và những người tham gia tố tụng khác có quyền trình bày ý kiến về luận tội của KSV và đưa ra ý kiến của mình; KSV phải đưa ra những lập luận của mình đối với từng ý kiến. Đối đáp là quyền, không phải là nghĩa vụ của người tham gia tranh luận nhưng đối với KSV thì đối đáp là quyền đồng thời là nghĩa vụ. Việc tranh luận và đối đáp của KSV phải đảm bảo các yêu cầu sau: Tôn trọng sự thật khách quan; tôn trọng quyền bào chữa của bị cáo, Luật sư và những người tham gia tố tụng khác; bảo đảm văn hóa ứng xử trong đối đáp tranh lụận và đối đáp, tranh luận cần phải đảm bảo yếu tố có căn cứ, thuyết phục và hợp lý... Theo quy định tại Điều 217 và Điều 218 BLTTHS, khi những người tham gia tố tụng có ý kiến đối với luận tội của KSV thì KSV phải đưa ra những lập luận của mình đối với từng ý kiến và Chủ tọa phiên tòa có quyền đề nghị KSV phải đáp lại những ý kiến có liên quan đến vụ án của người bào

30

chữa và những người tham gia tố tụng khác mà những ý kiến đó chưa được KSV tranh luận. KSV phải căn cứ vào kết quả điều tra được thể hiện trong hồ sơ và kết quả điều tra công khai tại phiên tòa để lập luận, đối đáp trở lại. Khi tranh luận KSV phải bình tĩnh, khách quan và tôn trọng ý kiến của những người tham gia tố tụng.

- Giai đoạn đánh giá và công bố kết quả tranh tụng

Đây là giai đoạn có vai trò quyết định toàn bộ quá trình tranh tụng. Giai đoạn này được bắt đầu từ thời điểm HĐXX nghị án và kết thúc sau khi tuyên án. HĐXX thực hiện hoạt động này một cách độc lập tại phòng nghị án. Tại đây các thành viên của HĐXX thảo luận về tính hợp pháp, tính liên quan và tính khách quan của các chứng cứ đã được kiểm tra, xác minh tại phiên tòa; xem xét các yêu cầu, đề nghị và quan điểm của các bên về vụ án trên cơ sở các quy định của pháp luật tố tụng và pháp luật nội dung như BLTTHS, Bộ luật hình sự, Bộ luật dân sự, Luật thương mại… Sau khi thảo luận HĐXX tiến hành biểu quyết theo đa số về từng vấn đề cụ thể của vụ án.

Hội đồng xét xử chấp nhận hay không chấp nhận quan điểm, đề nghị, yêu cầu của các bên buộc tội, bên bào chữa và quyết định các vấn đề cụ thể cần giải quyết trong vụ án như về tội danh, về điều khoản, điểm của BLHS cũng như các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ TNHS cần được áp dụng đối với bị cáo và mức hình phạt, mức bồi thường thiệt hại. Hoặc HĐXX tuyên bị cáo không phạm tội. Việc đánh giá chính thức kết quả tranh tụng tại phiên tòa HSST của các bên về vụ án cụ thể được HĐXX thể hiện bằng phán quyết dưới dạng bản án hay quyết định.

Bản án hay quyết định của HĐXX chính là văn bản pháp lý ghi nhận kết quả tranh tụng giữa các bên về vụ án được xét xử sơ thẩm. Phán quyết này là nhân danh Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, được Thẩm phán chủ tọa phiên tòa tuyên đọc công khai kể cả trong những trường hợp xét xử kín.

31

- Khi Chủ tọa phiên tòa đọc bản án, KSV phải chú ý ghi lại những nhận định quan trọng và nội dung quyết định của bản án sơ thẩm để làm căn cứ kiểm tra biên bản phiên tòa, bản án sơ thẩm và chuẩn bị nội dung kháng nghị, nếu cần thiết.

- Ngay sau khi HĐXX tuyên án, KSV phải kiểm sát việc HĐXX trả tự do cho bị cáo hoặc bắt tạm giam bị cáo theo quy định tại Điều 227 và 228 BLTTHS.

- Sau khi kết thúc phiên tòa, KSV phải kiểm tra biên bản phiên tòa, nếu phát hiện biên bản phiên tòa ghi không đầy đủ hoặc không chính xác thì yêu cầu HĐXX ghi những sửa chữa bổ sung vào biên bản phiên tòa.

- Kiểm sát viên phải kiểm tra bản án hoặc quyết định của Tòa án nhằm phát hiện những sai sót và vi phạm của Tòa án trong việc ra bản án hoặc quyết định, đồng thời phải kiểm sát việc giao bản án, các quyết định của Tòa án và việc gửi hồ sơ vụ án có kháng cáo, kháng nghị theo đúng quy định của các Điều 229 và 237 BLTTHS.

- Khi phát hiện bản án hoặc quyết định sơ thẩm của Tòa án có vi phạm pháp luật, KSV phải báo cáo ngay với lãnh đạo VKS cấp mình để kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm.

Một phần của tài liệu Thực trạng và giải pháp nâng cao chất lượng tranh tụng của Kiểm sát viên tại phiên tòa hình sự sơ thẩm trên địa bàn thành phố Hải Phòng (Trang 27)