9 Văn kiện Đại hội Đảng VIII (16), tr 106; Văn kiện Đại hội Đảng IX (2001), tr 113, 207;
2.1.2. Chính sách, pháp luật liên quan đến thực thi quyền SHTT
Cũng giống như các quy định pháp luật về tiêu chuẩn bảo hộ và trình tự, thủ tục xác lập quyền SHTT, trước khi có Luật SHTT, các quy định pháp luật về thực thi quyền SHTT nằm rải rác ở nhiều văn bản pháp luật khác nhau, đáng chú ý là một số văn bản quan trọng như Bộ luật Hình sự (1999), Bộ luật Tố tụng Hình sự (2003), Bộ luật Tố tụng Dân sự (2004), Luật Thương mại (1997), Luật Hải Quan (2001), Pháp lệnh Xử lý Vi phạm hành chính (2002),… Nghiên cứu các quy định pháp luật thực thi quyền SHTT trong hệ thống pháp luật Việt Nam thì thấy rằng, vị trí của pháp luật về quyền SHTT ở nước ta còn mờ nhạt, phân mảng và chưa thực sự đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn, chưa thể hiện được đầy đủ bản chất của các quan hệ phát sinh trong lĩnh vực quyền SHTT. Do quan niệm
vấn đề quyền SHTT là một bộ phận không tách rời của Bộ luật Dân sự nên hầu hết các quan hệ phát sinh trong lĩnh vực quyền SHTT đều được điều chỉnh bởi các quy định của Bộ luật Dân sự (1995 và 2005) và hệ thống các văn bản hướng dẫn thi hành. Quan điểm và việc xác định vị trí của chế định về quyền SHTT trong hệ thống pháp luật như vậy của Việt Nam đã dẫn đến những hạn chế nhất định trong quá trình xây dựng, áp dụng và thực thi pháp luật, chính sách về SHTT. Chính vì vậy mà nội dung thực thi quyền SHTT trong những năm vừa qua được coi là một trong những điểm yếu nhất của hệ thống chính sách, pháp luật về bảo hộ quyền SHTT của Việt Nam.
Điểm yếu này đã được khắc phục cơ bản khi Luật SHTT được ban hành. Luật SHTT dành toàn bộ Phần thứ năm với tiêu đề “Bảo vệ quyền SHTT” (không dùng thuật ngữ “Thực thi quyền”) gồm 22 điều để quy định về vấn đề thực thi quyền SHTT. Để quyền của chủ thể quyền SHTT được thực thi trong cuộc sống thì trước tiên phải nêu cao tính chủ động tự bảo vệ quyền của chủ thể bằng các biện pháp theo luật định, sau đó mới quy định trách nhiệm bảo vệ quyền của các cơ quan có thẩm quyền. Việc bảo vệ quyền SHTT có thể tiến hành bằng biện pháp dân sự, biện pháp hình sự và biện pháp hành chính, bao gồm cả kiểm soát hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu liên quan đến quyền SHTT, trong đó nhấn mạnh đến biện pháp dân sự là chủ yếu thông qua hình thức buộc bồi thường thiệt hại trên cơ sở các mức được ấn định trong Luật. Một trong các biện pháp nâng cao hiệu quả của công tác thực thi quyền đó là dùng các biện pháp ngăn chặn nhằm chống lại các hành vi xâm phạm quyền SHTT có tính chất tinh vi, xảo quyệt và có dấu hiệu xoá dấu vết vi phạm. Luật đã quy định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời trong xử lý dân sự và biện pháp ngăn chặn trong xử lý hành chính. Nhìn chung thì các quy định về bảo vệ quyền SHTT trong Luật SHTT đã có nhiều điểm phù hợp với các quy định về thực thi quyền SHTT trong Hiệp định TRIPs (từ Điều 41 đến Điều 61).
Nhằm nâng cao hiệu lực thực thi Luật SHTT, ngày 19/1/2006, các Bộ Khoa học và Công nghệ, Văn hoá – Thông tin, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Tài chính, Thương mại và Công an đã ký kết chương trình hành động số 168/CTHĐ/VHTT-KHCN-NN&PTNT-TC-TM-CA về hợp tác phòng và chống xâm phạm quyền SHTT giai đoạn 2006-2010 (sau đó có bổ sung thêm Bộ Bưu chính - Viễn thông). Chương trình này tập trung vào những nội dung chủ yếu như: tuyên truyền, phổ cập, hướng dẫn xã hội tôn trọng, tự giác chấp hành các quy định của pháp luật về quyền sở hữu công nghiệp, quyền tác giả và quyền liên quan, quyền đối với giống cây trồng; đẩy mạnh các hoạt động thanh tra, kiểm tra xử lý vi phạm; xây dựng và kiến nghị sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định của pháp luật về quyền sở hữu công nghiệp, quyền tác giả và quyền liên quan, quyền đối với giống cây trồng; đẩy mạnh các hoạt động trao đổi, cung cấp thông tin, đào tạo, tập huấn và hợp tác quốc tế; và hỗ trợ các địa phương trong việc nâng cao năng lực phòng và chống xâm phạm quyền SHTT.
Tóm lại, trong quá trình hơn 10 năm qua kể từ khi Việt Nam đệ đơn xin gia nhập WTO, hệ thống chính sách, pháp luật về quyền SHTT của Việt Nam đã từng bước được hoàn thiện theo hướng phù hợp với Hiệp định TRIPs. Đặc biệt, Luật SHTT được ban hành đã cơ bản đáp ứng được các chuẩn mực là tính đầy đủ và hiệu lực thực thi. Một điều rất đáng chú ý là trong những năm qua, việc Việt Nam tham gia các hiệp định song phương và các điều ước quốc tế đa phương có liên quan đến bảo hộ quyền SHTT đã góp phần đẩy mạnh sự hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật theo hướng phù hợp với Hiệp định TRIPs, điển hình là Hiệp định Thương mại song phương Việt Nam- Hoa Kỳ. Các quy định của Hiệp định TRIPs về cơ bản giống với các quy định tại Chương II của Hiệp định Thương mại song phương Việt Nam- Hoa Kỳ. Do đó, việc thực hiện Hiệp định này là bước tiến quan trọng trong hệ thống bảo hộ quyền SHTT ở Việt Nam hướng tới thích ứng với các yêu cầu của Hiệp định TRIPs. Đồng thời, theo Hiệp định TRIPs, Việt Nam có nghĩa vụ phải tham gia các điều ước quốc tế quan trọng về
quyền SHTT. Đến nay Việt Nam đã tham gia các công ước quốc tế quan trọng về vấn đề này, bao gồm: Công ước Paris về Bảo hộ sở hữu công nghiệp, Công ước Bern về Bảo hộ các tác phẩm văn học và nghệ thuật, Thoả ước Madrid về Đăng ký quốc tế các nhãn hiệu hàng hoá, Hiệp ước Hợp tác bằng sáng chế (PCT), Công ước Stokholm về thành lập Tổ chức SHTT Thế giới (WIPO), Công ước Geneva về bảo hộ các nhà sản xuất bản ghi âm chống sự sao chép trái phép, Công ước Brussels về Phân phối tín hiệu vệ tinh mang chương trình mã hoá, và Công ước UPOV về Bảo hộ giống cây trồng mới. Theo Hiệp định TRIPs, Việt Nam còn phải tham gia Công ước Rome về Bảo hộ người biểu diễn, nhà sản xuất bản ghi âm và tổ chức phát thanh, truyền hình.