Sự tồn tại của hoạt động bảo lãnh ngân hàng là một khách quan đối với nền kinh tế, đáp ứng yêu cầu làm cho nền kinh tế ngày một phát triển. Sự ra đời của dịch vụ này đóng vai trò như một chất xúc tác làm điều hoà, xúc tiến hàng loạt các quan hệ trong hợp đồng kinh tế. Với tính tất yếu và nhu cầu của thị trường đối với dịch vụ bảo lãnh ngân hàng đòi hỏi hệ thống pháp luật cũng không ngừng phải hoàn thiện và đổi mới.
Trong đề tài nghiên cứu này, học viên tập trung nghiên cứu hợp đồng bảo lãnh ngân hàng giữa bên bảo lãnh (các NHTM) và bên nhận bảo lãnh, mà theo đó bên bảo lãnh phải thanh toán tiền cho bên nhận bảo lãnh khi đến hạn. Sau quá trình nghiên cứu, học viên đưa ra một số kết luận sau:
Thứ nhất, về mặt lý luận, đề tài đã làm rõ những vấn đề cơ bản liên quan đến hoạt động bảo lãnh ngân hàng, các quy định pháp lý liên quan đến hợp đồng bảo lãnh ngân hàng như chủ thể, nội dung, hình thức hợp đồng bảo lãnh, nghĩa vụ thực hiện hợp đồng và thời hạn hợp đồng.
Thứ hai, về mặt thực tiễn, học viên tập trung nghiên cứu việc ký kết các cam kết bảo lãnh, các tranh chấp liên quan đến quá trình ký kết. Ngoài ra, đề tài cũng tập trung phân tích những điểm được và chưa được của Quy chế bảo lãnh ngân hàng hiện nay, mà cụ thể là Thông tư 28/2012/TT-NHNN. Trên cơ sở đó, đề xuất các giải pháp và kiến nghị nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật về hợp đồng bảo lãnh ngân hàng.
Mặc dù đã cố gắng trong quá trình nghiên cứu, nhưng luận văn không thể tránh khỏi những thiếu sót, do đó học viên rất mong nhận được sự đóng góp ý kiến từ phía các thầy cô giáo để luận văn được hoàn thiện hơn.