phát huy tính chủ động, tích cực và năng lực thực hành của học sinh
Sự phát triển mạnh mẽ của khoa học kỹ thuật thể kỷ XX đã làm tăng vọt khối lượng tri thức nhân loại. Để đáp ứng được yêu cầu đó nội dung chương trình giảng dạy ở các cấp học phải được thường xuyên bổ sung, điều chỉnh nếu không nhà trường trở thành nơi truyền bá tri thức cũ.
Do khoa học phát triển, yếu tố con người trở thành yếu tố có vai trò quyết định đối với sự phát triển của mỗi quốc gia. Nguồn lực có chất lượng cao là lợi thế không nhỏ của những quốc gia đang phát triển. Bước vào thế kỷ XXI sự nghiệp phát triển giáo dục trở thành nhiệm vụ chiến lược hàng đầu của nhiều quốc gia. Giáo dục - đào tạo ngày càng gắn bó chặt chẽ hơn đối với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Với những yêu cầu đó, giáo dục ngày nay tất yếu phải đổi mới cả nội dung lẫn phương thức giáo dục. Trong đó có nội dung và phương thức giáo dục nhân cách.
Nội dung và phương thức giáo dục là những khâu trong quá trình giáo dục và đào tạo, chúng có sự quan hệ chặt chẽ với nhau cùng tác động đến sự hình thành nhân cách của con người. Phương thức giáo dục là cách thức tổ chức các hoạt động giáo dục nhằm thực hiện thành công mục tiêu của nội dung giáo dục. Do đó, nội dung giáo dục là khâu quan trọng nhất nhằm phát triển toàn diện nhân cách của đối tượng được giáo dục. Nếu nội dung phù hợp sẽ góp phần hình thành nhân cách toàn diện cho học sinh. Ngược lại, nếu nội dung có những vấn đề bất cập thì sẽ hình thành nhân cách bất cập, không đáp ứng được yêu cầu của sự phát triển xã hội.
Đối với thanh niên học sinh, thời gian học tập và rèn luyện ở nhà trường trung học phổ thông là thời gian cực kỳ quan trọng trong quá trình
hình thành và phát triển nhân cách của các em. Đây là khoảng thời gian chuẩn bị mọi điều kiện để các em bước vào cuộc sống, vươn tới tương lai của mình và trở thành chủ thể của xã hội. Nhưng những năm qua việc trang bị kiến thức, những phẩm chất nhân cách cần thiết còn nhiều vấn đề đáng phải suy nghĩ.
Trong những năm học trung học phổ thông, nhà trường hầu như chỉ tập trung trang bị cho các em những kiến thức để các em thi tốt nghiệp và thi đại học, ít quan tâm đến trang bị cho các em những kiến thức khác để các em bước vào cuộc sống. Trong khi đó, hàng năm chúng ta chỉ có khoảng "10% học sinh trung học phổ thông trúng tuyển vào các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp. Và như thế là sau 3 năm học trung học phổ thôngmà khi vào lao động học sinh vẫn không biết làm nghề gì" [37]. Đó là hậu quả của sự bất hợp lý trong nội dung giáo dục, lẽ ra trong giáo dục trung học phổ thông nội dung giáo dục phải được xác định: vừa chuẩn bị kiến thức cho các em tiếp tục học cao hơn, vừa chuẩn bị cho các em những kiến thức, những kỹ năng để các em sẵn sàng bước vào lao động.
Việc nội dung giảng dạy hiện nay quá đồ sộ, cùng với tâm lý nghề nghiệp trong tương lai đã tác động đến nhận thức của người học, của giáo viên và của cha mẹ học sinh. Họ chỉ quan tâm đến những môn học để thi đại học mà không quan tâm đến những môn học khác. Thực trạng ấy đã đặt nền móng cho sự phát triển nhân cách không hài hoà cho học sinh.
Đối với việc giáo dục lập trường, tư tưởng chính trị, đạo đức trong nhà trường trung học phổ thông hiện nay được xác định tập trung chủ yếu ở môn giáo dục công dân nhưng chúng ta phải thú nhận rằng có sự bất cập giữa nội dung và thời lượng thực hiện chương trình. Cả một nội dung đồ sộ bao gồm cả triết học, kinh tế chính trị, đạo đức học và những chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước ta, chưa kể các nội dung khác như giáo dục an toàn giao thông, giáo dục phòng chống ma tuý, giáo dục sức khoẻ sinh sản vị thành niên, tất cả được "nhét" vào môn GDCD. Thế mà
chỉ được phân phối giảng dạy 45 phút (1 tiết) một tuần. Với nội dung và thời lượng ấy có giáo viên và học sinh chỉ dạy và học lướt qua thôi, chứ không có thời gian để dạy sâu kiến thức.
Ngay ở nội dung môn GDCD cũng có nhiều điều bất hợp lý. Chúng ta dành phần lớn thời gian cho việc giảng dạy những kiến thức "hàn lâm" cho các em mà dành nội dung cho việc giảng dạy truyền thống dân tộc, lý tưởng thanh niên, đạo đức con người còn rất ít. Kiến thức không cập nhật, không có nội dung thực hành, ngoại khoá.
Để hình thành nhân cách hài hoà cho học sinh trung học phổ thông, theo tôi điều kiện đầu tiên phải đổi mới nội dung theo hướng cơ bản vững chắc và phát huy tính tích cực của học sinh, gắn liền với giáo dục truyền thống dân tộc, lịch sử địa phương, lý tưởng, đạo đức... cho thanh niên.
Chúng ta đang sống ở thời đại chuyên môn hoá cao, chúng đã cần có một số kiến thức cơ bản cơ sở cho việc hành nghề và để hiểu biết những chân lý khái quát, chứ không cần phải nhồi nhét hết tất cả các kiến thức cần có trong thời gian học ở nhà trường vì một số kiến thức cần dùng không nhất thiết phải nhớ vì đã có những công cụ tra cứu giúp đỡ (từ điển, sổ tay, sách bách khoa, bộ nhớ điện tử...). Quan trọng là nhà trường trung học phổ thông phải vun đắp cho các em tính năng động, sáng tạo vận dụng những kiến thức đã học để giải quyết những vấn đề thực tế của cuộc sống.
Mặt khác, tính chất của nền giáo dục Việt Nam được Luật Giáo dục ghi rõ "nền giáo dục Việt Nam là nền giáo dục xã hội chủ nghĩa có tính nhân dân, dân tộc, khoa học, hiện đại. Lấy chủ nghĩa Mác-Lê nin tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng”. Do đó, nội dung giáo dục nói chung và nội dung giáo dục ở nhà trường trung học phổ thông nói riêng phải gắn liền với truyền thống dân tộc, lịch sử địa phương và lý tưởng, đạo đức của người Việt Nam. Có như vậy mới tạo cho các em một nhân cách toàn vẹn.
Nội dung giáo dục được đổi mới tất yếu dẫn đến đổi mới phương thức giáo dục. Đổi mới phương thức giáo dục tức là chúng ta phải đổi mới hình thức giáo dục và phương pháp giáo dục.
Hình thức giáo dục là các loại hình tổ chức thực hiện quá trình giáo dục một cách có hiệu quả. Hình thức giáo dục của chúng ta hiện nay chủ yếu là hình thức dạy - học, ít quan tâm đến "hành", đến hoạt động ngoài giờ lên lớp.
Thực tế trong những năm qua chúng ta chủ yếu thực hiện nội dung giáo dục bằng hình thức học “chay”, học lý thuyết, ít có điều kiện liên hệ thực tế hay thí nghiệm chứng minh. Điều này làm nảy sinh lối học vẹt, thậm chí các em nghi ngờ một số kiến thức. Muốn các em có kiến thức và khả năng thực hành kiến thức thì chúng ta phải gắn chặt học với hành, đặc biệt là phải quan tâm đến hình thức giáo dục chứng minh. Có như vậy các em mới chuyển các tất yếu thành cái cho ta được.
Thông qua mỗi hình thức giáo dục mà các phương pháp giáo dục được thực hiện. Đổi mới hình thức giáo dục phải đổi mới cả phương pháp giáo dục. Phương pháp giáo dục mới đòi hỏi thầy và trò cùng khám phá kiến thức. Do đó người thầy phải làm chủ được tri thức, làm chủ được các thiết bị dạy học hiện đại, người thầy phải thường xuyên nâng cao trình độ chuyên môn mới phát huy được tính tích cực của người học.
Phương pháp giáo dục truyền thống là phương pháp thầy truyền đạt, áp đặt cho học trò tiếp thu một cách thụ động. Phương pháp giáo dục cũ nhấn mạnh biện pháp ghi nhớ nhiều hơn là rèn luyện phương pháp tư duy. Phương pháp giáo dục mới phải phát huy được tính năng động, chủ động của học trò, có chủ động mới có tự giác, vì chủ động bao giờ cũng xuất phát từ hứng thú và nhu cầu bản thân. Phương pháp giáo dục mới phải chú ý rèn luyện phương pháp tư duy hơn là hoạt động ghi nhớ.
Như vậy nhất thiết phải dành thời gian, tạo điều kiện cho mỗi học sinh hoặc nhóm học sinh, hoặc cả lớp phải suy nghĩ trước một vấn đề cụ thể
để tìm cách đặt vấn đề, quan sát, tra cứu, thí nghiệm, đặt giả thiết, tìm cách xác minh giả thiết, trao đổi tranh luận với nhau để cuối cùng tìm ra một chân lý. Nếu trong quá trình học tập, được nhiều lần làm như vậy thì các em sẽ có một lối tư duy để có khả năng giải quyết nhiều vấn đề của cuộc sống.
Học sinh trung học phổ thông đang ở độ tuổi sôi nổi, ham tìm hiểu. Do đó nhà trường cần phát huy tối đa đặc điểm tâm lý này trong việc áp dụng các biện pháp học tập. Có như vậy mới tạo ra được phẩm chất năng động sáng tạo trong nhân cách của người học sinh.
Do vậy việc đổi mới phương pháp giáo dục không chỉ xuất phát từ nội dung giáo dục mà còn xuất phát từ quy luật hình thành nhân cách con người, trong đó hoạt động của các quan hệ xã hội, của các hoạt động giao lưu, đặc biệt là tác động của nhu cầu. Bất cứ hoạt động nào của con người cũng nhằm đạt nhu cầu nhất định. Không có giáo dục nhu cầu thì không có sự giáo dục nào cả.