Nội dung và phương thức giáo dục nhân cách cho học sinh trung học phổ thông

Một phần của tài liệu Giáo dục nhân cách cho học sinh trung học phổ thông trên địa bàn huyện Đông Anh hiện nay (Trang 42)

trung học phổ thông

ở nước ta, từ rất sớm cha ông ta đã rất quan tâm đến giáo dục và đặc biệt là giáo dục nhân cách cho thế hệ trẻ. Chính vì vậy mà mặc dù nền kinh tế có khó khăn đến đâu thì các bậc cha mẹ luôn luôn muốn cho con "học dăm ba chữ làm người" " học làm người" là mục tiêu tối cao của giáo dục nước nhà.

Dưới chế độ phong kiến, nền giáo dục nước ta bị ảnh hưởng bởi tư tưởng Nho giáo. Đó là tư tưởng coi giáo hoá con người bằng đức là phương tiện, là biện pháp hiệu quả nhất để đào tạo con người, hoàn thiện con người từ đó ổn định, hoàn thiện xã hội. Nho giáo đánh giá cao vai trò của giáo dục đối với sự phát triển nhân cách con người. Quan niệm của Nho giáo cho rằng bằng giáo dục, giáo dục có thể thay đổi được bản tính vốn có của con người. Để có con người thánh thiện phải có giáo dục, giáo hoá con người hướng về cái thiện, làm theo điều thiện. Do đó, Nho giáo rất thành công

trong việc khắc hoạ một mẫu người trung tâm của xã hội đó là kẻ sĩ, người quân tử. Nhân cách của người quân tử thể hiện sự hết lòng chuyên tâm “học đạo và hành đạo”. Chính vì vậy, nội dung giáo dục của Nho giáo là dạy đạo làm người, đạo cương thường. Những nội dung cụ thể của nó hướng con người vào mối quan hệ, nghĩa vụ, trách nhiệm đối với bản thân, gia đình và xã hội."Tu thân, tế gia, trị quốc, bình thiên hạ".

Từ giữa thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, kể từ khi thực dân Pháp chính thức đặt ách thống trị trên đất nước ta, nền giáo dục nước ta có nhiều biến đổi. Nội dung giáo dục lúc bấy giờ rất coi nhẹ lịch sử dân tộc Việt Nam, tiếng việt không được coi trọng và chỉ dạy như một ngoại ngữ.Việc làm này của thực dân Pháp nhằm mục đích xoá bỏ ý thức dân tộc trong học sinh, sinh viên Việt Nam từ đó đào tạo ra những con người trung thành với chế độ thực dân, làm tay sai cho chúng. Kết quả năm 1945, Việt Nam có hơn 95% dân số mù chữ 3% dân số được đi học số này được đào tạo chủ yếu phục vụ cho bộ máy cai trị của thực dân Pháp.

Sau cách mạng tháng 8 - 1945 chúng ta có "một nền giáo dục hoàn toàn Việt Nam" để tạo ra những con người mới đó là những con người có lòng yêu nước nồng nàn trung với nước hiếu với dân, tuyệt đối trung thành với chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, có đạo đức cách mạng trong sáng, có ý thức hăng hái vươn lên, không sợ hy sinh gian khổ, có tinh thần gan dạ, dũng cảm khiêm tốn, thật thà, cần cù tiết kiệm, trong sạch, giản dị có trí thức và có sức khoẻ để trở thành người chủ tương lai của đất nước vừa "hồng" vừa "chuyên". Do đó nền giáo dục Việt Nam phải là nền giáo dục toàn diện. “Học không chỉ để làm việc, làm cán bộ mà còn học để làm người. Mục đích cao nhất của giáo dục nước nhà là tạo ra nhưng công dân có ích. Muốn vậy phải hướng các em "Thành những người dân xứng đáng với nước độc lập tự do" [27, tr.32]. Các em phải là những học sinh, sinh

viên có lòng yêu nước nồng nàn, có tư tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.

Từ khi Đảng ta thực hiện chính sách đổi mới, nên kinh tế hàng hoá nhiều thành phần vận động theo cơ chế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa, giáo dục nước nhà nhiều thay đổi đặc biệt là giáo dục nhân cách.

Như chúng ta đều biết khi áp dụng nền kinh tế thị trường, tính 2 mặt của kinh tế thị trường là một đặc điểm vốn có của nó một mặt kinh tế thị trường thúc đẩy nền kinh tế phát triển thì nó cũng tạo ra những con người mới, của cơ chế thị trường đó là những con người đặc biệt là thế hệ trẻ năng động phấn đấu vươn lên vượt qua mọi thử thách, đua tranh quyết liệt tự chịu trách nhiệm bản thân, lao vào học tập làm chủ tri thức nhân loại. Mặt khác, kinh tế thị trường cũng tạo ra những con người suy thoái về mặt đạo đức, mờ nhạt về lý tưởng, có lối sống thực dụng, thiếu hoài bão lập thân lập nghiệp vì tương lai của bản thân và đất nước.

áp dụng nền kinh tế thị trường chúng ta phải chấp nhận nhiều thay đổi trong quan niệm trong cách nhìn, cách đánh giá, chấp nhận sự thay đổi trật tự nấc thang giá trị trong phần lớn nhân dân đặc biệt là lớp trẻ. Do đó rất nhiều vấn đề được đặt ra trong giáo dục nhân cách cho thế hệ trẻ hiện nay. Trong những năm gần đây rất nhiều công trình nghiên cứu nhân cách đều cho thấy giáo dục thế hệ trẻ hiện nay thiên về dạy "chữ" - dạy kiến thức hơn là dạy người, coi nặng các giá trị vật chất, kinh tế, coi nhẹ các giá trị đạo đức, tinh thần. Học sinh có thể có kiến thức rất sâu về khoa học tự nhiên nhưng lại rất mơ hồ về lịch sử và truyền thống dân tộc, ít quan tâm đến các chuẩn mực đạo đức xã hội. Sự giáo dục ấy dẫn đến các "sản phẩm" của nhà trường - theo giáo sư tiến sĩ Hoàng Đức Nhuận, chủ nhiệm đề tài KX07-08 đã bộc lộ 5 nhược điểm sau đây.

- Thiếu linh hoạt và năng động trong giai đoạn đất nước có nhiều chuyển đổi.

- Chưa có phương pháp và kỹ năng cần thiết để tự học, tự nghiên cứu. - Chưa có kiến thức và kỹ năng cần thiết về dân số môi trường pháp luật để nhanh chóng tổ chức sản xuất và tham gia sản xuất.

- Lúng túng trong việc giải quyết mối quan hệ giữa cá nhân và xã hội từ đó lúng túng trong định hướng các giá trị xã hội và giá trị nhân cách [4, tr.219].

Chính vì vậy, mục tiêu giáo dục - đào tạo trong giai đoạn hiện nay là đào tạo những con người có khả năng thích ứng nhanh chóng với những biến đổi của môi trường, đáp ứng tốt nhất yêu cầu của nền kinh tế - xã hội với cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đào tạo những chủ thể lao động tương lai có đủ phẩm chất và năng lực thực hiện thành công sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Đó là những con người, như nguyên Tổng bí thư Đỗ Mười khẳng định tại Hội nghị Ban chấp hành Trung ương lần thứ 4 (khoá7) "có kiến thức văn hoá, khoa học và kỹ thuật, giàu lòng nhân ái, yêu nước, yêu CNXH, sống lành mạnh".

Để đạt được mục tiêu đó giáo dục trong giai đoạn hiện nay cần tập trung và giáo dục và hình thành những phẩm chất nhân cách cơ bản sau cho thế hệ trẻ Việt Nam.

Một là: Giáo dục thế giới quan Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và đạo đức cho thế hệ trẻ.

Trong mọi thời đại, ở bất kỳ nền kinh tế nào, sự phát triển về trí tuệ của con người luôn gắn liền với một thế giới quan nhất định. Chỉ sau khi trau dồi được một thế giới quan khoa học, con người mới có thể tự khẳng định mình trong cuộc sống. Ngày nay, trong cuộc sống xã hội đầy biến động, do thế giới quan thiếu vững vàng cùng với sự hiểu biết hạn chế nhiều người đã vội vàng phủ nhận những thành quả tốt đẹp của quá khứ, chạy theo

những lợi ích trước mắt đã dẫn đến không ít sai lầm khuyết điểm. Do đó, giáo dục thế giới quan Mác-Lênin tư tưởng Hồ Chí Minh cho thế hệ trẻ sẽ giúp họ vững vàng trước mọi thử thách của cuộc sống, có niềm tin vững chắc và sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc. Đó cũng là một nhiệm vụ quan trọng của giáo dục hiện nay.

Đạo đức, nhất là đạo đức của lứa tuổi học sinh THPT được hình thành chủ yếu bằng con đường giáo dục. Giáo dục đạo đức góp phần chuyển các quan niệm đạo đức từ tự phát sang tự giác, từ bị động sang chủ động, không ngừng nâng cao trình độ nhận thức các giá trị đạo đức cho mỗi người. Giáo dục đạo đức góp phần to lớn, tích cực trong việc truyền lại cho thế hệ đang trưởng thành những giá trị đạo đức mà thế hệ trước đã tạo ra. Trên cơ sở đó giúp cho các em nhận ra chân giá trị của các giá trị đạo đức, từ đó khắc phục những quan điểm đạo đức lạc hậu, sự lệch chuẩn cá giá trị nhân cách. Hiện nay, trước nhiều biến động phức tạp của đạo đức trong xã hội, trước sự suy thoái về đạo đức của một bộ phận học sinh trong các trường học, Đảng ta khẳng định “cùng với đổi mới nội dung giáo dục theo hướng cơ bản, hiện đại phải tăng cường giáo dục công dân, giáo dục thế giới quan khoa học, lòng yêu nước, ý chí vươn lên vì tương lai bản thân và tiến độ của đất nước” [8, tr.137].

Hai là: Giáo dục và bồi dưỡng năng lực sáng tạo cho thế hệ trẻ.

Ngày nay thế hệ trẻ nói chung và các em học sinh nói riêng được sống trong hoà bình có đủ điều kiện để học tập và rèn luyện. Các em được sống trong cơ chế thị trường, một môi trường đầy năng động và sáng tạo. Trong cơ chế ấy các em phải biết vươn lên, phải đổi mới tư duy, cách nghĩ. Do đó giáo dục cho các em một năng lực sáng tạo, một tư duy tổng hợp, xu thế tư duy biện chứng khả năng khái quát cao để nhìn xa trông rộng tạo bước chuẩn bị cần thiết cho thế hệ trẻ bước vào cuộc sống đầy thách thức của cơ chế thị trường.

Trong nền kinh tế thị trường, mọi hoạt động kinh tế - xã hội đều biến đổi nhanh chóng, đòi hỏi con người trong xã hội ấy phải có khả năng thích ứng cao để bắt kịp với sự thay đổi của xã hội. Do đó giáo dục khả năng thích ứng cao để xử lý tình huống, linh hoạt trong hoạt động là một đòi hỏi của sự giáo dục nhân cách cho thế hệ trẻ hiện nay. Đối với thanh niên học sinh khả năng thích ứng cao là một đặc điểm của tâm lý lứa tuổi. Họ luôn có khả năng bắt kịp với sự biến đổi của xã hội. Nhưng họ dễ sa vào những cạm bẫy của cuộc đời do vòng xoáy tiêu cực của cơ chế thị trường. Chính vì vậy giáo dục nhân cách trong điều kiện hiện nay không chỉ giáo dục khả năng thích ứng cao để xử lý tình huống mà còn tạo ra khả năng phải luôn tỉnh táo, đứng vững trước mọi sự thay đổi của xã hội cho thế hệ trẻ.

Bốn là: Giáo dục khả năng giải quyết tốt mối quan hệ giữa cá nhân và xã hội, hình thành ý thức trách nhiệm cho các em học sinh THPT

Nền kinh tế thị trường có ưu điểm là giải phóng mọi năng lực sản xuất xã hội làm cho kinh tế phát triển, cùng với sự cải thiện đời sống vật chất của nhân dân, nhiều nấc thang có giá trị cũng thay đổi làm cho con người thay đổi các quan điểm và cách nhìn nhận đánh giá cuộc đời.

Có một thực tế là hiện nay con người đã chuyển từ con người hướng các giá trị vào xã hội sang con người hướng các giá trị vào cá nhân. Con người trong nền kinh tế thị trường trở nên ích kỷ, hẹp hòi hơn. Do đó, giáo dục nhân cách trong điều kiện hiện nay phải định hướng giá trị vào xã hội, hướng đến những giá trị lâu dài và bền vững, những giá trị có tính nhân loại như: tự do, bình đẳng, bác ái... Muốn vậy phải giáo dục được ý thức và tinh thần tự giác gắn kết lợi ích cá nhân với lợi ích xã hội cho thế hệ trẻ làm cho họ hiểu rằng lợi ích cá nhân chỉ có thể đạt được khi lợi ích của xã hội đạt được. Từ đó trong sự phát triển nhân cách con người sẽ tự điều chỉnh các hành vi của mình phù hợp với lợi ích của xã hội.

Phương thức giáo dục là các thức tổ chức hoạt động giáo dục để đạt đến mục tiêu và yêu cầu giáo dục. Phương thức giáo dục mà thực chất là phương thức giáo dục nhân cách được tiến hành bằng nhiều hình thức và phương pháp khác nhau. Đối với học sinh THPT, các em đã ở lứa tuổi có đặc điểm tâm lý và điều kiện bản thân đặc biệt các em là những con người hiếu động ham tìm tòi, thích mới lạ, có điều kiện kinh tế phụ thuộc gia đình, tiếp thu chủ yếu bằng hoạt động ghi nhớ. Do đó phức thức giáo dục nhân cách đối với học sinh hơn lúc nào hết phải tuân theo nguyên lý học phải đi đôi với hành, giáo dục nhà trường phải gắn liền với gia đình và xã hội, gắn liền giáo dục với tự giáo dục. Giáo dục và tự giáo dục là hai hình thức khác nhau song luôn thống nhất với nhau. Quá trình giáo dục nhân cách của con người một mặt chịu ảnh hưởng của sự tác động có mục đích của giáo dục, một mặt là kết quả của quá trình tự giáo dục. Do đó tự giáo dục có ý nghĩa quyết định trong việc hoàn thiện nhân cách. Không có quá trình tự giáo dục thì không có quá trình giáo dục nào cả. Tự giáo dục là hình thức giáo dục cao nhất. Tự giáo dục tạo ra cho chủ thể giáo dục tính nhu cầu, hứng thú, niềm tin để chuyển những nội dung các mối quan hệ xã hội thành những phẩm chất nhân cách của mình. Và chỉ khi ấy quá trình giáo dục nhân cách mới có ý nghĩa.

Mục đích của học là để hành, để phát triển để sống. “Hành” có rất nhiều nghĩa ; từ lời nói, hành vi trong ứng xử đến lao động sản xuất. Do đó trong quá trình giáo dục nhân cách không chỉ dừng lại ở việc giáo dục tri thức nhân cách mà phải làm sao để chuyển những trí thức ấy thành hành vi tự giác của hoạt động hàng ngày. Muốn vậy, tăng cường hoạt động thực tế, giáo dục làm gương để cho các em một mặt tiếp nhận được các giá trị xã hội, một mặt đánh giá được giá trị nhân cách của mình.

Giáo dục nhân cách cho học sinh THPT phải gắn nhà trường với gia đình và xã hội. Mặc dù nhà trường là thiết chế xã hội có chức năng chuyên

trách về giáo dục, có công cụ và con người mang tính giáo dục chuyên nghiệp. Nhưng giáo dục nhà trường sẽ không có kết quả nếu như không kết hợp chặt chẽ với giáo dục gia đình và xã hội.

Gia đình là nơi đem đến cho các em những bài học đầu tiên thường xuyên và liên tục từ lúc mới sinh đến lúc trưởng thành, những tình thương, tấm gương, lời khuyên, sự răn đe của ông bà, cha mẹ, anh chị có tác dụng rất lớn trong quá trình hình thành và phát triển nhân cách của các em. Xã hội là nơi để các em thể hiện kết quả của giáo dục gia đình và giáo dục nhà trường. Bằng các tổ chức của mình và thông qua những tổ chức này như: đoàn, đội, hội mà các em tham gia, cộng đồng mà các em sinh sống... xã hội cùng có nội dung và hình thức giáo dục nhân cách riêng có ảnh hưởng đáng kể tới các em.

Chương 2

Thực trạng và những vấn đề đặt ra của việc giáo dục nhân cách cho học sinh

Một phần của tài liệu Giáo dục nhân cách cho học sinh trung học phổ thông trên địa bàn huyện Đông Anh hiện nay (Trang 42)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(120 trang)