Khái lược về tình hình kinh tế, văn hóa xã hội của huyện Đông Anh

Một phần của tài liệu Giáo dục nhân cách cho học sinh trung học phổ thông trên địa bàn huyện Đông Anh hiện nay (Trang 50)

2.1. Khái lược về tình hình kinh tế, văn hóa xã hội của huyện Đông Anh Anh

Đông Anh là một huyện ngoại thành, nằm ở phía Bắc của Thủ đô Hà Nội, giáp với huyện Sóc Sơn (ở phía Bắc), Sông Hồng (phía Nam), huyện Tiền Phong - tỉnh Vĩnh Phúc (phía Tây), huyện Từ Sơn - tỉnh Bắc Ninh (phía Đông). Tên Đông Anh mới có từ năm 1903, đây là vùng đất thuộc huyện Đông Ngàn, trấn Kinh Bắc cũ. Cổ xưa Đông Anh thuộc đất Phong Khê, nơi Thục Phán An Dương Vương xây Loa thành làm kinh đô nước Âu Lạc.

Hiện nay Đông Anh là một huyện có diện tích tự nhiên là 184,2km2 , dân số khoảng 320.000 người, gồm 24 xã và thị trấn. Trong “Quy hoạch chung Thành phố Hà Nội đến năm 2020” theo Quyết định số 108/1998/QĐ.TTg của Thủ tướng Chính phủ thì Đông Anh là địa phương được “ưu tiên đầu tư phát triển” để trở thành một huyện công nghiệp . Chính vì vậy, tốc độ đô thị hóa và công nghiệp hóa diễn ra ở Đông Anh với tốc độ rất nhanh. Tính đến năm 2005 trên địa bàn huyên Đông Anh đã có 2 khu công nghiệp. Khu công nghiệp Bắc Thăng Long đã có 44 nhà đầu tư nước ngoài với số vốn khoảng 667 triệu USD, thu hút gần 1 vạn lao động, trong đó có khoảng 6000 lao động là nười Đông Anh. Khu công nghiệp vừa và nhỏ Nguyên Khê với diện tích 18 ha đã thu hút được 9 nhà đầu tư. Chỉ trong 5 năm (từ năm 2000 - 2005) diện tích đất nông nghiệp của huyện đã bị thu hồi 575,85 ha. Đến nay trên địa bàn của huyện có 16 doanh nghiệp nhà nước, 761 doanh nghiệp ngoài quốc doanh, 6000 hộ kinh doanh cá thể. Tổng giá trị công nghiệp và dịch vụ tăng trung bình 28,05% trong 5 năm

gần đây, đầu tư nước ngoài tăng 10,7 lần so với năm 2001. Như vậy, Đông Anh đã cơ bản trở thành một huyện công nghiệp. Nhờ có sự phát triển mạnh mẽ của quá trình công nghiệp hóa và hiện đại hóa, đời sống của nhân dân và bộ mặt xã hội của huyện Đông Anh đã được cải thiện một cách đáng kể. Giá trị sản xuất của các ngành kinh tế trên địa bàn năm 2005 tăng gấp 2,77 lần so với năm 2000, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 1%.

Cơ sở hạ tầng trên địa bàn huyện Đông Anh cũng ngày càng phát triển mạnh. Chương trình “Điện , Đường, Trường, Trạm” cơ bản được hoàn thành. Hiện nay 24/24 xã, thị trấn có trường học cao tầng,trạm y tế, trong đó có 13 trường (8 trường tiểu học, 4 trường THCS, 1 trường THPT), 19 trạm y tế đã đạt chuẩn quốc gia. Hầu hết đường giao thông nông thôn được bê tông hóa hoặc nhựa hóa.Toàn huyện có 85 cơ sở giáo dục và dạy nghề trong đó khối THPT có 9 trường (4 trường công lập và 5 trường dân lập). Với mạng lưới giáo dục như vậy, Đông Anh có nhiều thuận lợi trong công tác giáo dục nhân cách cho thế hệ trẻ nói chung và học sinh trung học phổ thông nói riêng.

Tính đến năm 2005, số trẻ từ 3 đến 5 tuổi được huy động vào các lớp mẫu giáo đạt tỷ lệ 91,8%, trong đó trẻ 5 tuổi ra lớp đạt tỷ lệ 99,5%và tỷ lệ trẻ đến nhà trẻ là 34%, nhưng tỷ lệ này không đều, tập trung chủ yếu ở các vùng thuận lợi. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến chất lượng giáo dục không đồng đều giữa các vùng trong huyện, ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục toàn diện ngay từ khi còn nhỏ. Trong năm học 2005 - 2006 số trẻ đến độ tuổi đi học tiểu học đạt tỷ lệ 99,7% và đã có 8/24 trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia. Số học sinh trung học cơ sở ổn định, số học sinh trung học phổ thông hàng năm tăng khoảng 8%. Trong khi đó số giáo viên ở cấp này tăng rất ít. Năm học 2005 - 2006 toàn địa bàn thiếu khoảng 30 giáo viên trung học phổ thông.

Hiện nay trên địa bàn huyện Đông anh chỉ có 4 trường trung học phổ thông công lập đáp ứng như cầu học tập của 23 xã và 1 thị trấn với dân số 326.000 người. Đó là một sự quá tải.

Điều đáng chú ý là trong những năm qua số trường trung học phổ thông dân lập có xu hướng ngày càng tăng, nếu như năm 2000 trên địa bàn huyện chỉ có 2 trường trung học phổ thông dân lập thì năm 2005 đã có 5 trường. Nếu các trường này được quản lý tốt thì sẽ góp phần tích cực vào việc nâng cao dân trí của địa phương và giảm bớt gánh nặng cho các trường công lập. Kết quả trong những năm qua tỉ lệ phổ cập trung học phổ thông và tương đương đạt 75%.

Do tính chất của một huyện đang có tốc độ đô thị hóa và công nghệp hóa cao nên tâm lý bằng cấp trở nên ngày càng bức xúc, hàng năm tỷ lệ học sinh trung học phổ thông đăng ký thi vào các trường cao đẳng, đại học rất lớn. Số học sinh thi vào các trường trung học chuyên nghệp và dạy nghề rất ít chỉ chiếm khoảng 3% mặc dù tại địa bàn huyện Đông anh có 1 trung tâm dạy nghề và 3 trường trung học chuyên nghiệp, chưa kể Đông Anh chỉ cách Thủ đô Hà Nội khoảng 25km nơi có rất nhiều các trung tâm dạy nghề và các trường trung học chuyên nghiệp. Tuy nhiên trên thực tế số học sinh trung học phổ thông đỗ vào các trường đại học, cao đẳng hàng năm rất it (chỉ khoảng 10%) . Số các em còn lại đi vào lao động không nghề hoặc chờ năm sau thi tiếp. Đây cũng là một trong những nguyên nhân gây bức xúc cho gia đình và chính quyền địa phương đối với khối giáo dục trung học phổ thông trên địa bàn huyện. Nguyên nhân này dẫn đến tình trạng dạy thêm học thêm ngày càng tràn lan. Tâm lý phụ huynh học sinh và học sinh chỉ tập trung vào học các môn thi đại học, còn các hoạt động khác hầu như các em không quan tâm, đặc biệt về công tác giáo dục lý tưởng, đạo đức và các hoạt động tập thể.

Do đời sống vật chất ngày càng được cải thiện cho nên cơ sở vật chất trang thiết bị dạy học được các cấp chính quyền ưu tiên và phát triển đồng bộ. Năm học 2005 - 2006 , 100% số xã có trường tiểu học và mầm non với 544 phòng học đạt tiêu chuẩn, không có phòng học 3 ca, 100% các trường trung học phổ thông có nhà cao tầng với trang thiết bị hiện đại, năm học 2005 - 2006 các trường trung học phổ thông của Đông anh đã được thành phố đầu tư khoảng 20 tỷ đồng cho việc xây dựng và hàng trăm triệu đồng cho công tác mua sắm đồ dùng dạy học.

Công tác nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo đặc biệt được quan tâm 100% giáo viên trung học phổ thông đạt chuẩn, tỷ lệ giáo viên trên chuẩn đều tăng hàng năm. Hiện nay tỷ lệ này đạt khoảng 7,5% chủ yếu của các trường công lập.

Bảng 2.1. Số lượng giáo viên trung học phổ thông huyện Đông Anh

TT Tên trường Số CBGV Số CBGV trên chuẩn

1 THPT Vân Nội 91 7

2 THPT Cổ Loa 74 6

3 THPT Liên Hà 84 7

4 THPT Đông Anh 65 5

Công tác xã hội hoá giáo dục được đẩy mạnh phong trào khuyến học được phát triển sâu rộng, từng bước xây dựng một xã hội học tập.

Trong những năm qua được sự chỉ đạo của Sở giáo dục và đào tạo Hà Nội, chính quyền huyện Đông Anh, ngành giáo dục Đông Anh đã từng bước phát triển về qui mô và chất lượng đào tạo đáp ứng được yêu cầu về nguồn nhân lực của địa phương và của đất nước.

Về văn hóa Đông Anh là một huyện giầu truyền thống văn hóa. Di tích văn hóa cổ nhất ở Đông Anh là thành Cổ Loa, từ lòng đất Cổ Loa - một

di chỉ khảo cổ học người ta đã khai quật được nhiều hiện vật quý giá như: lưỡi cày đồng, trống đồng, mũi tên đồng... phản ánh trạng thái sinh hoạt của người Việt cổ thời kỳ đồng thau cách đay hơn 20 thế kỷ. Trong sinh hoạt văn hóa tinh thần Đông Anh có hát của đình (ca trù) ở làng Lỗ Khê, múa rối nước Đào Thục ở Thụy Lâm, tuồng cổ ở Cổ Loa, làng chèo Nam Hồng, làng nghề chạm khảm gỗ mỹ nghệ Vân Hà...

Đông Anh là vùng đất giầu truyền thống văn học, nhiều danh nhân đã sinh ra và trưởng thành từ vùng đất này. Làng Thiết ứng có Nguyễn Thiên Túng người chú giải Dư địa chí của Nguyễn Trãi, làng Vân Điềm có Nguyễn Thực đậu tiến sỹ năm 1595, Thụy Lôi có tiến sỹ Chu Doãn Lệ đời Lê, Chu Doãn Sỹ danh sỹ thời Tây Sơn, làng Cổ Dương có nhà văn cách mạng Nguyễn Huy Tưởng, làng Mai Lâm có nhà văn hiện thực phê phán Ngô Tất Tố... Phát huy truyền thống hiếu học của cha ông, trong thời kỳ đổi mới nhân dân Đông Anh đã ra sức phấn đấu học tập, kết quả, tính đến năm 2005 trên địa bàn huyện đã có 27 làng được công nhận là “Làng văn hóa”, 90% gia đình dạt tiêu chuẩn gia đình văn hóa. Đó là những tấm gương sáng cho các thế hệ trẻ của huyện Đông Anh noi theo và là môi trường thuận lợi cho quá trình giáo dục nhân cách cho thế hệ trẻ.

Bên cạnh những truyền thống văn hóa, con người Đông Anh cũng giầu truyền thống yêu nước. Khi thực dân Pháp xâ lược nước ta, Đông Anh có Đốc Biểu, người làng Nhạn Tái là một tướng giỏi trong nghĩa quân Đề Thám, ông đã cùng nhân dân làng Đông Đồ và Đại Độ anh dũng chiến đấu chống quân xâm lược và anh dũng hy sinh. Trước cách mạng tháng Tám, các làng Võng La, Hải Bối, Xuân Trạch, Cổ Loa, Viên Nội đã trở thành an toàn khu cho Trung ương Đảng. Đông Anh đã từng là của ngõ nối liền Hà Nội với thủ đô kháng chiến Việt Bắc. Cổ Loa, Viên Nội đã là nơi đặt cơ sở in báo “Cờ giải phóng” cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Việt Nam năm 1939-1945. Trong kháng chiến chống Pháp, làng chiến đấu Nam Hồng,

tiêu biểu cho ý chí bám trụ đánh giặc, đã dương đầu với hơn 300 trận càn lớn nhỏ của kẻ thù.

Ghi nhận những công lao đóng góp cho sự nghiệp giành độc lập dân tộc của Đảng bộ và nhân dân huyện Đông Anh, năm 2000 Đông Anh đã được Nhà nước tặng danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang”, 17/24 xã thị trấn cũng được tặng danh hiệu cao quý ấy. Chính những truyền thống tốt đẹp này đã là cơ sở vững chắc cho công tác giáo dục nhân cách cho thế hệ trẻ nói chung và công tác giáo dục truyền thống nói riêng.

Ngày nay, đứng trước sự thay đổi của các điều kiện kinh tế - xã hội, đòi hỏi sự nghiệp giáo dục của huyện Đông Anh phải có những bước đổi mới, phải xây dững những giải pháp cụ thể để một mặt phát huy được truyền thống quý báu của cha ông, một mặt đáp ứng được với yêu cầu của thời đại. Trong 20 năm đổi mới dưới sự lãng đạo của Đảng, ngành giáo dục huyện Đông Anh đã thu được nhiều thành tựu. Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng bộc lộ nhiều hạn chế đòi hỏi cần khắc phục.

2.2. Thực trạng giáo dục nhân cách cho học sinh trung học phổ thông ở Đông Anh hiện nay

Một phần của tài liệu Giáo dục nhân cách cho học sinh trung học phổ thông trên địa bàn huyện Đông Anh hiện nay (Trang 50)