• Cải thiện cơ sở hạ tầng cảng biển.
ODA giúp Việt Nam có điều kiện tốt hơn để xây dựng những công trình đòi hỏi vốn lớn, khả năng hoàn vốn lâu, yêu cầu trình độ kĩ thuật cao. Những dự án này có ý
nghĩa kinh tế - xã hội lớn, tạo điều kiện thu hút cùng một lúc cả hai nguồn vốn ODA và vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (ODA) cho phát triển cảng biển Việt Nam.
Nhờ vào nguồn vốn ODA Nhật Bản, hệ thống hạ tầng cảng biển Việt Nam đã có những bước phát triển mạnh mẽ to lớn. Ví dụ như dự án cảng Cái Mép – Thị Vải, trong vòng vài năm tới cảng Bà Rịa-Vũng Tàu sẽ là cảng biển hiện đại của thế giới có thể tiếp nhận tàu trên 100 ngàn DWT và vận chuyển hàng đi thẳng từ Việt Nam đến Mỹ và các nước EU. Với công suất hàng chục triệu TEU/năm, khả năng Bà Rịa-Vũng Tàu lọt vào danh sách các cảng hàng đầu của thế giới là thực tế. Bà Rịa-Vũng Tàu sẽ là một trung tâm hàng hải lớn của Việt Nam. Tiếp theo cảng Bà Rịa-Vũng Tàu là cảng cửa ngõ quốc tế Lạch Huyện-Hải Phòng và cảng trung chuyển container Vân Phong-Khánh Hòa có thể tiếp nhận tàu đến 200 ngàn DWT cũng sẽ là những cảng biển hiện đại quan trọng trong hệ thống cảng biển của thế giới.
• Mở rộng hợp tác với khu vực tư nhân
Để đáp ứng nhu cầu về phát triển cơ sở hạ tầng cảng biển của Việt Nam, ngoài ODA, việc thúc đẩy liên kết giữa công và tư (PPP) huy động nguồn vốn và năng lực kỹ thuật của tư nhân cũng rất quan trọng. Dự án Xây dựng Cảng Lạch Huyện do Cơ quan hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) hỗ trợ, phần cơ sở hạ tầng gồm đường dẫn và nạo vét luồng được thực hiện bằng vốn ODA, còn thiết bị cảng và vận hành được thực hiện bằng dự án PPP với sự đầu tư của doanh nghiệp Nhật Bản. Phần cơ sở hạ tầng được sử dụng vốn ODA đã hoàn thành thiết kế chi tiết và thủ tục đấu thầu, dự kiến nửa cuối năm 2013 sẽ bắt đầu thi công.
Ngoài ra, để hỗ trợ hình thành các dự án công – tư kết hợp, từ năm 2012, dựa trên đề xuất của các doanh nghiệp Nhật Bản, JICA tiến hành hỗ trợ nghiên cứu khả thi F/S của một số dự án về cảng biển hiện đang trong giai đoạn thảo luận, lập kế hoạch. JICA sẽ hỗ trợ triển khai Dự án thông qua hình thức hỗ trợ vay vốn đầu tư nước ngoài dành cho doanh nghiệp. Trong thời gian tới, JICA sẽ tiến hành hợp tác phát triển cơ sở hạ tầng thông qua liên kết với khu vực tư nhân.
• Tiếp nhận khoa học công nghệ mới, hiện đại.
Nguồn ODA Nhật Bản cung cấp cho Việt Nam thông qua sự trợ giúp bằng vật tư, thiết bị, chuyển giao công nghệ, chuyển giao tri thức dưới các hình hức viện trợ không hoàn lại hoặc cho vay ưu đãi. Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản cũng đang thực hiện hợp tác kỹ thuật thông qua việc phái cử các chuyên gia Nhật Bản nhằm chuyển giao kỹ thuật công nghệ, phát huy kinh nghiệm, bí quyết của Nhật Bản vào các dự án cảng biển Việt Nam.
Trong quá trình thi công, thực hiện các công trình, nhiều doanh nghiệp Nhật Bản tham gia vào các dự án ODA xây dựng cảng biển và tiến hành chuyển giao kỹ thuật, kinh nghiệm của phía Nhật Bản cho Việt Nam. Thông qua đó, các doanh nghiệp khai thác cảng biển đã nhận thức và quan tâm đến việc áp dụng công nghệ thông tin và hệ thống trao đổi dữ liệu điện tử trong quản lý khai thác. Các cảng đi đầu trong việc áp dụng công nghệ thông tin như Tân Cảng, SP PSA, cảng Sài Gòn, cảng Hải Phòng, cảng Cái Lân, cảng Đà Nẵng và cảng liên doanh VICT để quản lý và khai thác container. Các cảng được đầu tư trong thời gian gần đây đều được thiết kế xây dựng đồng bộ về hạ tầng, thiết bị và áp dụng công nghệ quản lý khai thác tiên tiến của thế giới.
• Nâng cao năng lực, trình độ, phương thức quản lý của nguồn nhân lực trong lĩnh vực vận tải biển.
Với số lượng không nhỏ các dự án hỗ trợ kỹ thuật, tăng cường năng lực, thông qua đó nhiều cán bộ của ngành vận tải biển được đào tạo, đào tạo lại. Đặc biệt, trong phương thức quản lý, trước đây quản lý cảng thực hiện theo hình thức nhà nước đầu tư, giao cho các doanh nghiệp nhà nước khai thác. Năm 2004 đã lần đầu áp dụng hình thức cho thuê khai thác, áp dụng thí điểm ở cảng Cái Lân, trong thời gian tới tiếp tục áp dụng cho cảng quốc tế Cái Mép sau đó nhân rộng mô hình này cho các cảng khác được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách. Thực tế áp dụng mô hình cho thuê hạ tầng tại cảng Cái Lân giúp cho doanh nghiệp khai thác cảng chủ động trong sản xuất kinh doanh và nâng cao tính cạnh tranh, tự chịu trách nhiệm.
• Nâng cao vị thế của ngành hàng hải cũng như vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.
Cùng với những dự án cảng biển có quy mô, mang tầm chiến lược được sự hỗ trợ của nguồn vốn ODA Nhật Bản, Hội nghị Trung ương 4 khoá X đã đề ra chiến lược biển trong đó nêu bật vai trò của ngành hàng hải trong nền kinh tế quốc dân. Từ nay đến năm 2020 kinh tế hàng hải đứng ở vị trí thứ hai đứng sau khai thác dầu khí nhưng từ sau năm 2020 sẽ đóng vai trò quan trọng nhất trong các ngành kinh tế biển. Chiến lược biển là cơ sở để triển khai các chương trình hành động để đưa Việt Nam thực sự trở thành một quốc gia mạnh về hàng hải.
Việt Nam nằm trong khu vực hoạt động hàng hải trong đó có việc khai thác cảng năng động nhất thế giới. Các cảng xếp dỡ container hàng đầu thế giới nằm ở khu vực Đông Á và Đông Nam Á như cảng trung chuyển Container quốc tế Hongkong, cảng PSA của Singapore, cảng Pusan Hàn Quốc, Kaohsiung của Đài Loan… Hiện nay các nhà khai thác cảng và các hãng vận tải biển hàng đầu của thế giới đang có mặt ở Việt Nam để đầu tư và cùng các doanh nghiệp hàng hải Việt Nam kinh doanh xếp dỡ và vận chuyển hàng hoá. Đây là cơ hội để các doanh nghiệp hàng hải của chúng ta học hỏi kinh nghiệm vươn ra thị trường lớn của thế giới. Đồng thời cũng là cơ hội để thu hút hàng hoá của các nước trong khu vực trung chuyển qua Việt Nam.
Bờ biển Việt Nam dài có nhiều vị trí thuận lợi đặc biệt có nhiều vũng vịnh kín sóng gió, nước sâu, gần tuyến đường hàng hải quốc tế có nhiều cửa sông lớn thuận tiện cho xây dựng cảng biển hiện đại và khai thác vận tải biển. Trên thực tế hiện nay, nhờ vào sự hỗ trợ của nguồn vốn ODA đặc biệt từ phía Nhật Bản, chúng ta đã xây dựng được nhiều cảng biển hiện đại đạt tiêu chuẩn quốc tế, đó là cơ sở để phát triển toàn bộ hệ thống cảng biển Việt Nam.