3 Chương : Các giải pháp nhằm thu hút đầu tư và sử dụng hiệu quả nguồn vốn ODA của Nhật Bản vào phát triển cảng biển Việt Nam
3.2.1 Hoàn thiện cơ chế chính sách về quản lý nguồn vốn ODA.
Thứ nhất, phải tiến hành xây dựng chính sách tổng thể về quản lý, giám sát vay và trả nợ nước ngoài được hoạch định trong mối tương quan chặt chẽ với các chính sách và mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội ở tầm vĩ mô và vi mô, việc quản lý vay và trả nợ nước ngoài phải tính đến các chỉ tiêu cơ bản về nợ nước ngoài như: khả năng hấp thụ vốn vay nước ngoài (tổng số nợ nước ngoài/ GDP), chỉ tiêu khả năng vay thêm từng năm, chỉ tiêu khả năng hoàn trả nợ (tổng nghĩa vụ trả nợ/thu nhập xuất khẩu).
Thứ hai, phải nhanh chóng hoàn chỉnh các chính sách, chế độ về vay và quản lý vay nợ nước ngoài nói chung và nguồn vốn ODA nói riêng.
Thứ ba, rà soát lại các định mức, xoá bỏ các định mức lạc hậu, xây dựng các định mức đảm bảo tiên tiến, khoa học phù hợp với thực tiễn và xem xét lại qui trình đấu thầu, xét thầu, giao thầu để giảm sự khác biệt giữa trong và ngoài nước, tuy nhiên phải phù hợp với điều kiện của Việt Nam.
Thứ tư, quản lý vay nợ cần xác định rõ trách nhiệm của người vay và người sử dụng vốn vay, chống ỷ lại vào nhà nước. Đồng thời phải quản lý chất lượng các khoản vay ODA đặc biệt là khâu xây dựng dự án. Cụ thể:
• Ban hành các thông tư hướng dẫn thật cụ thể để thực hiện tốt các nghị định của chính phủ về quản lý vay, trả nợ nước ngoài , hoàn chỉnh hình thành quỹ tích luỹ trả nợ nước ngoài
nhằm tạo nguồn trả nợ cho chính phủ, đảm bảo trả nợ đúng hạn, không rơi vào chồng chất không có khả năng thanh toán.
• Ban hành qui chế chung cho vay lại các nguồn vốn vay nước ngoài, khuyến khích sự tham gia của các ngành, các địa phương, các cơ sở vào khai thác nguồn vốn ODA nhằm khắc phục tình trạng lộn xộn hiện nay trong xác định các điều kiện cho vay lại.
Thứ năm, Các văn bản pháp quy chi phối trực tiếp hoặc gián tiếp về quản lý và sử dụng ODA phải nhất quán và phù hợp với thông lệ quốc tế để bảo đảm tính hiệu lực của các cơ quan Chính phủ trong điều phối viện trợ, đồng thời phát huy tính chủ động, sáng tạo của các cơ quan chủ quản, chủ dự án, cũng như các đối tượng thụ hưởng. Điều này cũng thúc đẩy các nhà tài trợ phía Nhật Bản tuân thủ các hệ thống quản lý của Việt Nam, nâng cao hiệu quả viện trợ và giảm chi phí giao dịch.
Thứ sáu, thực hiện các hợp tác về cải thiện thể chế và chính sách với Chính phủ Nhật Bản, mời các chuyên gia tư vấn Nhật Bản tới các bộ ngành liên quan: Bộ Kế hoạch – Đầu tư, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tài chính…thực hiện các hợp tác chia sẻ kinh nghiệm từ Nhật Bản về các vấn đề chính sách mới của Việt Nam như cải thiện môi trường đầu tư, chiến lược công nghiệp hóa, cải cách các doanh nghiệp nhà nước- khu vực tài chính, cải cách tư pháp v.v. Đẩy mạnh hợp tác hỗ trợ trên các phương diện:
• Cải thiện môi trường đầu tư, chiến lược công nghiệp hóa.
Để cải thiện môi trường đầu tư của Việt Nam, “Sáng kiến chung Nhật Bản - Việt Nam” do chính phủ và các doanh nghiệp hai nước Nhật Bản Việt Nam thực hiện. JICA đã và đang cử chuyên gia tư vấn tới Bộ Kế hoạch và Đầu tư để hỗ trợ xúc tiến đầu tư cũng như thực hiện hỗ trợ chính sách thông qua việc phái cử các chuyên gia hỗ trợ phát triển các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Ngoài ra, Chính phủ Việt Nam tiếp nhận các dự án hợp tác kỹ thuật trong các lĩnh vực thuế, hải quan, quyền sở hữu trí tuệ, kiểm tra thực phẩm của JICA trong khuôn khổ xúc tiến thực hiện Sáng kiến chung Nhật Việt và hỗ trợ hoạch định xây dựng “Chiến lược công nghiệp hóa” của Việt Nam do Đại sứ quán Nhật Bản thực hiện điều phối chính.
• Cải cách các doanh nghiệp nhà nước, vấn đề nợ xấu.
Vấn đề kinh doanh đình trệ của các doanh nghiệp nhà nước và vấn đề nợ xấu của các ngân hàng đang có nguy cơ ảnh hưởng đến nền kinh tế vĩ mô. Nhật Bản cũng đã tiến hành xử lý nợ xấu và tái phục hồi các doanh nghiệp sau khi nền kinh tế bong bóng sụp đổ vào những năm 1990. Việt Nam cần học hỏi, tiếp thu những kinh nghiệm và bài học này của Nhật Bản thông qua tiến hành tổ chức các cuộc hội thảo và đào tạo nguồn nhân lực cho Viện Khoa học Xã hội Việt Nam (VASS), Bộ Tài Chính và Ngân hàng Nhà nước… • Hoàn thiện pháp luật và cải cách tư pháp.
Kể từ năm 1996, JICA đã bắt đầu hợp tác hỗ trợ cho Việt Nam hoàn thiện hệ thống pháp luật (Bộ luật Dân sự v.v), và cử các chuyên gia dài hạn là thẩm phán, kiểm sát viên, luật sư của Nhật Bản sang Việt Nam hỗ trợ sửa đổi, xây dựng pháp luật, đào tạo nhân lực cho Bộ Tư pháp, Viện Kiểm sát, Tòa án...
Trong năm 2012, bên cạnh việc hỗ trợ hoàn thiện hệ thống pháp luật được thực hiện từ trước đến nay, JICA còn đón Đoàn của Chính phủ Việt Nam do Phó Thủ Tướng Nguyễn Xuân Phúc dẫn đầu với hon 32 thành viên là các cán bộ lãnh đạo như Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao, Bộ trưởng Bộ Tư pháp sang thăm và làm việc tại Nhật Bản vào tháng 7 năm 2012, với mục đích trao đổi ý kiến phục vụ cho việc sửa đổi Hiến pháp hiện hành. Tiếp theo đó, vào tháng 9 năm 2012, các học giả hàng đầu về Hiến pháp của Nhật Bản đã sang Việt Nam trao đổi ý kiến về các nguyên lý cơ bản của Hiến pháp và khóa đào tạo tại Nhật Bản cho các cán bộ của Ủy ban Pháp luật của Quốc hội và Vụ Pháp luật Văn phòng Quốc hội Việt Nam đã được tổ chức vào tháng 1 năm 2013. Dự kiến sẽ có các hợp tác mới được thực hiện nhằm tăng cường chức năng lập pháp của Quốc Hội.
Dựa vào những cơ sở đó, Việt Nam cần thúc đẩy mạnh hơn nữa việc phát triển, hoàn thiện đồng đều khung thể chế pháp luật, tận dụng sự hỗ trợ của Chính phủ Nhật Bản để nâng cao khả năng thực hiện các dự án ODA vào phát triển cảng biển của mình.