5. Bố cục luận văn
2.2. Hiện tượng làng cười trên thế giới và ở Việt Nam
Truyện cười là một thể loại văn học dân gian phổ biến ở khắp nơi trên thế giới. Hầu như dân tộc nào, tôn giáo nào, cộng đồng người nào cũng chứa đựng trong kho tàng văn hóa dân gian của mình một kho truyện cười phong phú, bởi lẽ cuộc sống dù ở thời đại nào cũng cần những tiếng cười, những cái nhìn hài hước. Nhà triết học cổ đại Aristot từng định nghĩa “Bi kịch để thanh lọc tâm hồn” nhưng ở một khía cạnh khác, tiếng cười cũng giúp con người thanh lọc tâm hồn, những tiếng cười mỉa mai châm biếm sẽ giúp thanh lọc những cái xấu, cái chưa đẹp của cuộc sống còn những tiếng cười hóm hỉnh hài hước sẽ giúp con người sống lạc quan, yêu đời hơn. Cũng vì lẽ đó mà người ta vẫn nói hài hước cũng là một tố chất của thiên tài.
Trong kho tàng tiếng cười của nhân loại có một hiện tượng văn hóa dân gian tương đối độc đáo và vô cùng thú vị là làng cười. Về khái niệm làng, Đại từ điển tiếng Việt của Nhà xuất bản Văn hóa thông tin (1998) dưa ra định nghĩa: “Làng là đơn vị tổ chức nông thôn theo địa bàn cư trú, là nơi
sinh sống và làm ăn lâu đời của người nông dân vùng đồng bằng, trung du, thường có phạm vi và đặc trưng riêng biệt” [13, 619]. Làng và văn hóa làng là một nét đặc trưng rất quen thuộc đối với văn hóa Việt.
Làng thì có nhiều và chắc hẳn trong đời sống văn hóa dân gian của mỗi làng đều ít nhiều ghi lại những truyện cười, truyện nói khoác hay những lời đùa vui tếu táo nhưng không phải làng nào cũng được gọi là làng cười? Giải thích về điều này, tác giả Nghiêm Đa Văn cho rằng: “Những truyện cười và những nhân vật hài hước điển hình phải được khai sinh từ một làng quê nào đó, trong xã hội tiểu nông cấy lúa nước khép kín trong vòng lũy tre làng nằm chơ vơ như những hòn đảo nhỏ độc lập và cách biệt giữa biển lúa mênh mông. Chúng ta tạm gọi những làng đó là những làng cười” [22, 19]. Tuy nhiên, theo ý kiến của chúng tôi, để hiểu một cách khái quát thì làng chỉ được gọi là làng cười khi những truyện cười của làng tập hợp lại vừa phải đồ sộ và phong phú về số lượng lại vừa phải có những nét đặc trưng, đặc sắc về nội dung, nghệ thuật gây cười.
Khái niệm “làng” và “làng cười” trên thế giới cũng có thể hiểu theo cách định nghĩa tương tự. Trên thế giới có làng cười nổi tiếng Gabrovo của Bungari. Cư dân ở Gabrovo nổi tiếng vì khiếu hài hước đặc biệt. Điểm đặc trưng trong tiếng cười của Gabrovo là những câu chuyện hài hước của họ liên quan tới tính keo kiệt và tới thành phố đối thủ Sevlievo. Gabrovo vốn là một trong những trung tâm kinh tế lâu đời nhất của Bulgaria và những cư dân trong làng Gabrovo vừa giỏi trong việc tiết kiệm, vừa giỏi mặc cả, và tính tiết kiệm ở đó được coi là di truyền. Họ luôn tìm cách tận dụng mọi thứ, một bài học vô giá đã được tổ tiên truyền lại. Hầu hết các truyện cười Gabrovo đều liên quan tới tiền bạc.
Tự trào phúng về tính tiết kiệm của mình, có lúc người dân Gabrovo sáng tác ra những truyện cười mang tính hài hước nhẹ nhàng. Chẳng hạn
mẹ vợ. Anh ta tìm đến cửa hàng bán bia mộ và hỏi có cái bia nào thật đẹp mà hạ giá không. Chủ cửa hàng mới chỉ cho anh ta một cái bia rất đẹp đã khắc tên người khác. Anh ta liền mừng húm nói vội “Không sao, cứ bán cho tôi cái bia đó với giá đồ cũ cũng được, vì mẹ vợ tôi khi còn sống bà cũng có biết chữ đâu mà lo”. Những câu chuyện tương tự về sự tiết kiệm một cách quá đáng của người Gabrovo có thể tìm thấy vô số trong kho tàng truyện cười của làng cười Gabrovo.
Bên cạnh đó, sự trào phúng có lúc lại mang tính châm biếm mỉa mai sâu cay khi nói về tính bủn xỉn, keo kiệt theo kiểu “vắt cổ chày ra nước” đến mức ngu ngốc. Chẳng hạn chuyện về hai anh sinh viên Gabrovo rủ nhau lên phố mua mỗi anh một cái mũ cát két. Lúc trở về, đang đi giữa đường thì gặp trận mưa rào, hai người ghé vào trú mưa dưới một mái hiên vì sợ mũ ướt. Sau một hồi nghĩ ngợi hai người đồng ý đổi mũ cho nhau rồi tiếp tục đi dưới trời mưa vì người nào trong bụng cũng thấy yên trí vì mũ trên đầu mình đội là mũ của người khác. Hoặc thói keo kiệt đến nhẫn tâm, phi lý của một anh chồng nhà giàu khi vợ đột ngột cảm lạnh. Anh ta vội đi mời bác sỹ nhưng đi đế nửa đường, nghĩ ra điều gì anh ta lại chạy về dù đã đi được khá xa. Hóa ra, anh ta về chỉ để dặn vợ “Em thân yêu, nếu em cảm thấy khó lòng qua khỏi trước khi anh về thì em nhớ gắng thổi tắt đèn cho đỡ tốn dầu em nhé”.
Nhưng nhiều khi, người Gabrovo cũng kể những chuyện cười tự hào về sự thông minh đáo để khi tiết kiệm của người dân làng mình. Chẳng hạn như chuyện kể về một anh chàng làng Gabrovo đi ăn hàng cùng với một anh ở làng Êcốt bên cạnh. Khi bồi bàn mang ra đĩa cá và đặt đầu cá về phía anh chàng Gabrovo còn đuôi cá về phía anh chàng Êcốt thì anh chàng Êcốt liền gợi chuyện:
- Anh hiểu thế nào là một nhà triết học không? - Không, anh chàng Gabrovo đáp.
- Nhà triết học là một người có thể làm xoay chuyển thế giới như tôi xoay cái đĩa cá như thế này vậy.
Vừa nói, anh chàng Ê cốt vừa xoay đĩa cá để phần đầu cá về phía mình còn phần đuôi về phía anh chàng Gabrovo. Anh chàng Gabrovo thấy vậy liền đáp lại bằng giọng ngọt xớt:
- Tuyệt lắm, vậy anh có phải là một nhà triết học không? - Ồ, không, chàng trai Ê cốt hồn nhiên trả lời.
- Vậy thì chúng ta cứ việc để cho thế giới nằm yên như cũ nhé. Anh chàng Gabrovo vừa nói vừa xoay đĩa cá trở về vị trí cũ có lợi cho mình.
Như vậy là, truyện cười của làng Gabrovo vừa phong phú, đa dạng nhưng cũng có nét đặc trưng riêng biệt, tạo thành dấu ấn riêng của tiếng cười Gabrovo. Đặc biệt, những câu truyện cười Gabrovo đã trở nên phổ biến nhờ Bảo tàng nghệ thuật trào phúng Gabrovo. Ngoài ra, hàng năm tại làng Gabrovo còn tổ chức những cuộc thi kể chuyện cười và đây chính là nơi gặp gỡ của các bậc thầy hài hước ở Bungari và cả trên thế giới. Vì những lẽ đó, thật dễ hiểu khi có người cho rằng Gabrovo là thủ đô tiếng cười của thế giới. Khái quát về hiện tượng làng cười Gabrovo cũng như những làng cười trên thế giới, tác giả Trần Quốc Thịnh cho rằng: “Chúng ta biết rằng Gabrovo là niềm tự hào không chỉ của riêng đất nước Hoa Hồng. Gabrovo thuộc về nhân loại, Nhưng chúng ta đều tin rằng mỗi dân tộc đều có những Gabrovo nho nhỏ của mình, có thể là nho nhỏ thôi nhưng vô cùng thân thiết với trái tim họ” [18, 5].
Còn ở Việt Nam cũng có nhiều làng cười nổi tiếng. Điều này cũng không khó lý giải bởi lẽ đặc trưng của nền văn hóa nông nghiệp Việt Nam là văn hóa làng xã. Nói về vai trò của văn hóa làng đối với nền văn hóa Việt, GS. Phan Đại Doãn đã nhận định “Nước là họp các làng mà thành. Từ làng đến nước, dạy dân nên tục, vương chính lấy làng làm trước. (...) Làng Việt
tìm hiểu lịch sử hình thành dân tộc Việt Nam thì phải tìm hiểu cộng đồng làng xã và muốn xây dựng lại đất nước Việt Nam thì cũng phải bắt đầu từ việc xây dựng lại cộng đồng làng xã, vì không có làng xã Việt Nam thì không có quốc gia Việt Nam” [15, 32].
Theo sự thu thập, thống kê của tác giả Trần Quốc Thịnh trong cuốn
Những làng cười Việt Nam thì ở hai tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh hiện nay
có 14 làng cười nổi tiếng và được phân bố như sau: Huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh có ba làng cười (Đồng Sài, Trúc Ổ, Can Vũ). Huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh có hai làng (Yên Từ, Đông An). Huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh có một làng (Hiên Đường – Hiên Ngang). Huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang có hai làng (Hoà Làng, Dương Sơn). Huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang có một làng (Tiên Lục). Huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang có ba làng (Đông Loan, Nội Hoàng, Phụng Pháp). Huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang có hai làng Kha Lý (Kẻ Xe), Cao Lôi (Kẻ Chối)... Ngoài ra còn có làng cười Văn Lang ở huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ và làng trạng Vĩnh Hoàng ở huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị...
Các truyện làng cười này đã được định danh về mặt phương thức gây cười ngay từ trong tâm thức dân gian, như: “Về Triện còn biết vặn quang, về Đông Khang chỉ tài nói khoác”, “Trúc Ổ tổ nói phét”, “Ăn mặn Kẻ Nét, nói phét Yên Từ”, “Hòa Làng nói phét có ca, Dương Sơn nói phét bằng ba Hòa Làng”, “Đất Nội Hoàng cả làng nói phét”, “Can Vũ ăn cơm cũ, nói tức mới”, “Nói giễu Kẻ Xe, nói khoe Kẻ Chối”, “Nói dối Mật Ninh, nói khinh Sen Hồ”... Từ sự định danh hóa về tên gọi các làng cười cho thấy có các loại làng cười như sau: Làng nói khoác, làng nói phét, làng nối dối, làng nói tức, làng nói ngang, làng nói khoe, làng nói giễu, làng nói ngông, làng nói khinh... Nghĩa là mỗi làng đều hình thành được một nét độc đáo, đặc sắc trong nghệ thuật gây cười của mình. Đúng như tác giả Nguyễn Huy Bỉnh đã đưa ra nhận xét “Các câu chuyện làng cười mang đậm dấu ấn của phương
thức nghệ thuật gây cười và cả những nét văn hóa truyền thống quen thuộc của những ngôi làng cười ấy” [29, 183] và “Việc sử dụng hình ảnh quen thuộc trong cuộc sống hàng ngày vào trong các truyện làng cười phản ánh thế giới quan, nhân sinh quan của người dân nơi đây” [29, 193].
Qua việc xuất hiện số lượng các làng cười khá lớn như vậy, lại có những đặc điểm riêng để khu biệt chúng, chúng ta có thể thấy một điều rõ ràng là thấy hiện tượng làng cười là một hiện tượng đặc sắc và phổ biến trong kho tàng văn hóa dân gian Việt Nam.
2.3. Nghiên cứu hiện tượng làng cười Văn Lang dưới góc độ Nhân học văn hóa.