5. Bố cục luận văn
3.1. Các làng cườ iở Bắc Ninh, Bắc Giang
Hai tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang có tất cả 14 trong tổng số 16 làng cười của cả nước. Cụ thể, các làng cười này được phân bố như sau: Huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh có ba làng cười (Đồng Sài, Trúc Ổ, Can Vũ). Huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh có hai làng (Yên Từ, Đông An). Huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh có một làng (Hiên Đường – Hiên Ngang). Huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang có hai làng (Hoà Làng, Dương Sơn). Huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang có một làng (Tiên Lục). Huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang có ba làng (Đông Loan, Nội Hoàng, Phụng Pháp). Huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang có hai làng Kha Lý (Kẻ Xe), Cao Lôi (Kẻ Chối).
Mặc dù phân tách nhau về mặt địa lý hành chính nhưng khi tìm hiểu về các làng cười này, chúng tôi nhận thấy việc gộp 14 làng cười của hai tỉnh này vào một cụm làng cười để để nghiên cứu sẽ hợp lý hơn, bởi lẽ các làng cười này có sự tương đồng nhất định về văn hóa, lịch sử, địa lý của vùng đồng bằng Bắc Bộ.
Trong số 14 làng cười này, mặc dù bản thân mỗi làng đều được định danh là làng nói khoác, hoặc làng nói tức, hoặc làng nói phét, hoặc làng nói giễu... nhưng về cơ bản có thể chia các làng cười này thành hai nhóm: Nhóm thứ nhất là các làng nói khoe, nói khoác, tiếng cười thiên về hướng vui vẻ, châm biếm nhẹ nhàng, mua cười bằng nghệ thuật phóng đại. Nhóm thứ hai là các làng nói tức, nói giễu gồm có những làng cười mà tiếng cười của họ thiên về bài bác, chế giễu, hàm ý chê trách, mỉa mai nhiều hơn. Tất nhiên, sự phân loại này không hoàn toàn chính xác tuyệt đối, bởi lẽ bản chất của các tác phẩm nghệ thuật nói chung cũng như sắc thái tiếng cười trong các truyện cười nói riêng không dễ để xác định theo một công thức gò bó nào cả.