5. Bố cục luận văn
3.1.2. Các làng nói tức, nói giễu
So với các làng nói khoác, nói khoe thì số lượng các làng nói tức, nói giễu ít hơn, gồm có làng Đông Loan (huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang), làng Can Vũ (huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh), làng Nội Hoàng (huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang). Ngoài ra còn có làng Yên Từ, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh tuy dân gian xếp là làng nói phét “Ăn mặn Kẻ Nét, nói phét Yên Từ”, nhưng vì tính chất có phần châm biếm nặng nề khiến cho các truyện cười mang tính đả kích nhiều hơn, do vậy nên chúng tôi quyết định xếp làng Yên Từ vào nhóm này.
Đầu tiên là làng Đông Loan, đây là một làng có đời sống kinh tế khá giả, ngoài việc trồng cấy còn có thêm nghề buôn bán phát đạt. Con gái Đông Loan lại nổi tiếng mỏng mày hay hạt, nhanh nhẹn mà cũng đáo để, hay đùa cợt. Nguồn gốc những câu “nói tức” châm biếm của làng cười Đông Loan cũng từ những cô gái này mà ra.
Đề tài nói tức ở làng Đông Loan rất phong phú, nói tức từ các thế lực phong kiến bề trên như quan lại (trong các truyện Nói láo, Còn thử gì
nữa, Xem chuột lột, Vải ô...) đến nói tức những người cùng làng cùng xã
(trong các truyện Cõng sân, Áo quan, Không lo xa, Nói tức vợ – vợ nói tức –
nói tức vợ...) và thậm chí còn nói tức cả đồ vật con vật nữa (trong các truyện
Qua các truyện nói tức Đông Loan, chúng ta có thể nhận thấy người làng Đông Loan có tâm lý phản kháng rất mạnh, đôi khi có cảm giác họ nhất định không chịu thua kém dù chỉ là câu đối đáp vui vẻ. Điều này có lẽ cũng xuất phát từ môi trường làm ăn buôn bán của những con người nơi đây. Chẳng hạn như trong truyện Chủ nói tức chó, khách nói tức chủ, ta có thể thấy rất rõ tính chất “ đôi co” có phần khá “ghê gớm” của cả chủ và khách trong câu chuyện của họ.
Tuy nhiên, nhìn trên bình diện chung, sự mỉa mai, nói tức của tiếng cười Đông Loan, dù mang sắc thái đả đích, châm biếm nhưng vẫn không đến mức cay độc và ít nhiều vẫn giữ được nét hồn nhiên của người nông dân. Trong số những truyện nói tức ấy, hầu hết các truyện đều nhằm gây tiếng cười, để mọi người cười vui với nhau, mặc dù sau tiếng cười ấy cũng không ít người phải đỏ mặt vì cay cú hoặc vì xấu hổ.
Có phần “hiền lành” hơn làng cười Đông Loan, làng cười Can Vũ cũng được xếp là làng nói tức nhưng cái nói tức của họ chủ yếu mang tính chất nói đùa, nói giỡn chứ không phải nói mỉa, nói móc. Cũng như làng cười Đông Loan, chủ thể để nói tức ở Can Vũ cũng rất phong phú, từ con người đến sự vật. Họ nói tức chàng rể, nói tức con dâu, nói tức vợ, nói tức chồng, nói tức bạn bè... rồi nói tức cả chó, cả bò... Những câu nói tức này thể hiện thái độ phê phán của người Can Vũ với những thứ chướng tai gai mắt trong cuộc sống, chỉ ra cho người đối diện thấy khuyết điểm của mình để họ phải thấy ngượng mà sửa chữa.
Những lời nói tức của người Can Vũ mang tính chất nói giỡn, đùa vui khôi hài, chủ yếu cũng để thể hiện tài năng hài hước hóm hỉnh của họ chứ không “đánh” ai, móc mỉa ai. Điều này đã phản ánh bản chất của con người Can Vũ, rất sắc sảo, hài hước, có tinh thần phê phán nhưng vẫn giữ được những nét hồn nhiên, chất phác của người dân quê.
Tương tự như làng cười Can Vũ, các truyện cười của làng Nội Hoàng cũng khá hiền lành nhưng có phần thâm thúy hơn. Dân gian vẫn có câu “đất Nội Hoàng cả làng nói tức” để khẳng định tài nói tức của người dân nơi đây. Đọc các truyện cười Nội Hoàng, giống như một số làng cười mà chúng tôi đã phân tích ở trên, cũng có một bộ phận truyện cười khá lớn để nói về niềm tự hào của người dân ở đây về truyền thống nói tức gây cười của dân làng mình, chẳng hạn như trong các truyện Ngõ muối nói tức, Quan chó, Khiêng thịt, Lợn hơn quan, Nghe ra mũi...
Trong các truyện cười Nội Hoàng có hai đối tượng chính bị nói tức là các thế lực quan lại bề trên và những người xóm giềng bằng hữu. Ở những truyện nói tức quan lại thì thái độ mỉa mai có vẻ sâu cay, đả kích hơn. Chẳng hạn như trong truyện Khiêng thịt hay Quan chó..., các ông quan đã bị người Nội Hoàng ví với chó, với lợn khiến cho quan tức giận vô cùng nhưng cũng chẳng làm gì được vì lối chơi chữ sắc sảo của người dân làng cười này. Ở những truyện còn lại, thái độ chủ yếu là chọc tức cho vui, cho thấy mà sửa sai nhưng cũng không kém phần thâm thúy. Như vậy, có thể thấy, tư duy của người dân Nội Hoàng rất sắc sảo, có tinh thần phản kháng mạnh nhưng cũng chất phác, hồn nhiên như người làng Can Vũ.
Cuối cùng, chúng tôi muốn nói đến làng nói phét Yên Từ mà dân gian hay nói “Ăn mặn Kẻ Nét, nói phét Yên Từ”. Kẻ Nét là tên Nôm của làng Thọ Khê, thuộc huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh. Dân Kẻ Nét hay lam hay làm nhưng ruộng xấu đất bạc màu nên quanh năm phải đi cày thuê cuốc mướn, vì vậy mà toàn dân lực điền làm khỏe ăn khỏe, cứ “cáy cả con, cà cắn đôi” kiểu chém to kho mặn nên mới có câu “ăn mặn Kẻ Nét”. Yên Từ nằm cạnh Kẻ Nét, về mặt hành chính thì khác tổng khác huyện với Kẻ Nét nhưng địa dư thì lại gần nhau và đất đai ở đây còn xấu hơn, bạc màu hơn cả đất ở Kẻ Nét. Do vậy mà Yên Từ có phần còn nghèo khổ hơn cả Kẻ Nét.
Chính từ cái nghèo cái khổ này mà những câu truyện cười đã ra đời như một niềm an ủi mua vui cho cuộc sống hàng ngày của họ. Tuy vậy, trong những câu chuyện cười của họ, lại phảng phất một cái gì rất chua xót, cay đắng, chứ không hiền lành, lạc quan chất phác như những câu chuyện một tấc lên giời ở các làng cười khác. Dường như trong tâm thức người Yên Từ, họ bị ám ảnh bởi cái sự nghèo, ám ảnh như một sự mặc cảm cho nên tiếng cười của họ mang cả nỗi phẫn uất, chua xót đến mức nhiều khi ta thấy các nhân vật bị đưa ra để châm biếm một cách rất gay gắt đến mức đáng thương.
Nội dung nói phét chủ yếu của truyện cười Yên Từ là nói khoe giàu, một điều thật nghịch lý so với hoàn cảnh sống của họ. Nhưng nếu như ở các làng cười khác, những truyện khoe giàu thế này chỉ bị đưa ra để mua vui, để giễu cợt nhẹ nhàng thì dường như trong truyện cười Yên Từ, những chuyện khoe giàu này lại bị kể lại thành ra rất lố bịch và bị chì chiết nặng nề. Ta có thể thấy rõ điều này qua các truyện như Gánh dưa gang bằng làng dưa bở, Ăn Tết cả con lợn, Ăn cơm không...