Các làng nói khoác, nói khoe

Một phần của tài liệu Nghiên cứu hiện tượng làng cười dưới góc độ nhân học văn hóa (trường hợp làng cười Văn Lang, Phú Thọ) (Trang 66)

5. Bố cục luận văn

3.1.1. Các làng nói khoác, nói khoe

Phần lớn các làng cười xứ Bắc này đều thiên về hướng nói khoác, nói khoe và có tới 10 làng có thể xếp vào nhóm này. Cụ thể là những làng cười sau đây: làng Đồng Sài, làng Trúc Ổ, làng Đông An, làng Hòa Làng, làng Dương Sơn, làng Tiên Lục, làng Nội Hoàng, lại Hiên Ngang – Hiên Đường, làng Kẻ Chối, làng Cua.

Thứ nhất là làng Đồng Sài, thuộc huyện Quế Dương cũ, nay thuộc xã Phù Lãng, huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh. Làng Đồng Sài có vị trí khá đẹp, làng nằm cạnh sông Cầu, tựa lưng trải dài theo dòng sông chảy còn mặt thì ngoảnh ra phía đồng Chiêm mênh mông. Đất đai ở đây được phù sa bồi đắp nên màu mỡ, chính vì vậy mà làng Đồng Sài dân cư đông đúc. Tuy nhiên trước đây do nằm ở hạ lưu sông cái nên hay bị lũ, vì thế mà người Đồng Sài chỉ cấy được một vụ, vụ còn lại hay bị mất mùa. Vì lẽ đó mà cây khoai lang lại đóng vai trò quan trọng trong đời sống của người Đồng Sài, đến độ họ còn tự nhắc nhau rằng:

Đói thì chớ có bỏ làng mà đi.

Nghiên cứu những truyện cười của làng Đồng Sài, ta dễ dàng thấy được đề tài chủ yếu của các truyện cười xoay quanh củ khoai lang Chủng Chiu đặc sản của họ. Những truyện nói khoác của họ giống như lời mời chào mua khoai rất tự nhiên của những người bán hàng Đồng Sài, nó mang nhiều tính chất hồn nhiên, mộc mạc, vui vẻ hơn là sự lèo lá, dối trá. Cả người mua cũng coi đó như những câu đùa vui vẻ, hóm hỉnh. Những câu nói đùa, những truyện hài hước hỏm hỉnh của làng Đồng Sài hầu hết đều gắn liền với sinh hoạt đời sống rất đặc trưng này của làng.

Trong số 24 truyện cười của làng Đồng Sài được tác giả Trần Quốc Thịnh sưu tầm trong cuốn Truyện cười xứ Bắc thì có tới 15 truyện có đề tài về củ khoai lang đặc sản của làng. Củ khoai được người dân ở đây đưa thành đối tượng nghệ thuật mang lại cảm hứng sáng tạo dồi dào cho họ. Họ kể tất cả những câu chuyện có liên quan đến cây khoai, từ củ khoai (trong các truyện Củ ngọt hơn chuối, Vần củ suốt đêm, Củ làm đứt quai bị, Củ làm câu đầu nhà, Vấp củ gãy lưỡi cày, Củ đưa võng...), lá khoai (trong các truyện Quạt cò chứ sao, Bơi thuyền trên lá củ, Lá củ to như quạt thóc...), hoa khoai (trong các truyện Hoa củ bằng gầu giai), cho đến cả dây khoai lang (trong các truyện Dây củ trói trâu). Hầu hết những truyện cười này đều chủ yếu sử dụng nghệ thuật phóng đại và nội dung chính để nói về chuyện củ khoai, lá khoai, dây khoai to lạ thường thế nào, ruộng khoai sai tốt phi thường ra sao...

Những truyện còn lại của làng Đồng Sài cũng chủ yếu về các đề tài gằn liền với cuộc sống hàng ngày và sử dụng nghệ thuật phóng đại để gây cười. Như vậy, tiếng cười của làng Đồng Sài tương đối đơn giản, không lắt léo, sâu cay mà hồn nhiên, chất phác.

Cũng đậm tính chất phác, hồn nhiên như truyện cười Đồng Sài, chúng ta có thể kể đến làng cười Tiên Lục thuộc tổng Đào Quán, huyện Bảo

Lộc, phủ Lạng Giang xưa và nay thuộc huyện Lạng Giang tỉnh Bắc Giang. Dân Tiên Lục nghèo, cần cù chịu khó, cuốc bẫm cầy sâu và đời sống tinh thần của họ phản ánh qua các truyện cười cũng là một thứ tâm lý giản đơn, hồn hậu. Điểm đặc biệt của truyện cười Tiên Lục là các truyện đều tương đối ngắn và hình thức kể chuyện cũng vô cùng đơn giản, hầu hết đều chỉ là những lời khoe vui phóng đại, không có yếu tố đối đáp bất ngờ hay nghệ thuật gây cười gì thâm thúy, độc đáo. Những đề tài mà truyện cười làng Tiên Lục nhắm vào cũng thường quanh quẩn trong nghề nuôi tằm dệt vải đặc trưng của làng mình. 80% số lượng truyện cười Tiên Lục là nói về cây dâu cây tằm và nghề dệt vải, như Quả bông lớn, Cây dâu to, Lá dâu to, Vải bền, Tấm vải quý, Tấm vải dài, Ăn mãi không hết, Lụa dai...

Xét về sự phát triển của nghệ thuật gây cười kế tiếp ta có thể kể đến làng cười Đông An thuộc huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh. Truyện cười Đông An cũng khá đơn điệu về mặt thủ pháp tuy nhiên đề tài thì lại đa dạng và phong phú hơn rất nhiều so với làng Tiên Lục hay Đồng Sài.

Làng Đông An có một nét sinh hoạt rất đặc sắc, đó là các hội thi kể truyện cười. Người Đông An vẫn truyền nhau câu nói “Đất Đông An dựng cầu nói phét”. Cầu ở đây không phải cầu quán, không phải cầu đi, đó là loại nhà có mái không tường, kéo dài nhiều gian để người dân tới nghỉ ngơi và hàng năm làng chọn nơi đây là nơi để tổ chức hội thi nói khoác truyền thống. Hội thi nói khoác có từ năm nào và mất đi năm nào chưa xác định được, song có nhà nghiên cứu đã đưa giả thuyết đây có thể là thái ấp của các quý tộc phong kiến từ thời Bắc thuộc và các hội thi nói khoác này có thể liên quan đến những trò vui bách hý tại các chốn gia phủ.

Trong các truyện cười ở làng Đông An, ngoài những chủ đề quen thuộc về cây cối, vật nuôi và cuộc sống lao động sinh hoạt như ở nơi khác, chúng ta có thể thấy có một nhóm truyện riêng nói về những hội thi nói

khoác bậc thầy, Con thi đấy chứ... Điều toát lên ở tất cả những truyện này là niềm tự hào rất hồn hậu của cộng đồng cư dân Đông An về truyền thống “dựng cầu nói khoác” của mình.

Chúng ta cũng có thể dễ dàng nhận thấy tâm thức tự hào về truyền thống nói khoác của làng mình rất phổ biến ở những làng nói khoác, nói khoe khác. Chẳng hạn như làng Hòa Làng, xã Phúc Hòa, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang, tức vùng Yên Thế hạ xưa. Về tài nói khoác của làng Hòa Làng, dân gian thường nói “Muốn nói khoác thì về Hòa Làng mà nói”. Ở Hòa Làng thỉnh thoảng cũng mở những cuộc thi nói khoác nhưng không thành lệ và không tranh lèo giật giải như ở làng Đông An.

Đất Hòa Làng là đất xấu, bạc màu nên người dân ở đây cũng thuộc dạng nghèo đói. Ở đây còn lưu lại câu ví von “Hòa Làng ăn cơm rang nói phét” nhưng cơm rang ở đây không phải cơm rang với mỡ mà là cơm nguội phơi khô rồi rang với muối, ăn vào uống với nước cho no. Thật là một câu ví von hài hước.

Về mặt nghệ thuật của truyện cười Hòa Làng, chúng tôi nhận thấy tư duy sáng tạo của người Hòa Làng phát triển hơn so với các làng cười vừa kể trên. Thứ nhất là ở mảng đề tài về các sản vật, nếu như ở ba làng cười trên, chúng ta thường chỉ thấy motif quen thuộc là phóng đại kích cỡ, số lượng của các loại sản vật đó để gây cười thì trong các truyện cười Hòa Làng, họ đã sử dụng nhiều cách thức phóng đại phong phú và thú vị hơn.

Mặt khác, các truyện cười Hòa Làng cũng có cấu trúc phức tạp hơn, mang dáng dấp của những câu đối đáp hài hước thông minh. Từ câu chuyện bình thường, họ có thể biến thành câu chuyện đại ngôn đến mức giật gân rồi từ câu chuyện giật gân ấy, họ lại giảng giải ra thành một chuyện rất đỗi bình thường. Chính cái bẫy logic này đã làm nên những nét đặc sắc của truyện cười Hòa Làng. Ta có thể lấy một ví dụ tiêu biểu với truyện cười Bắn một được ba:

- Bố tao đi bắn hươu mày ạ, ông cụ bắn giỏi lắm, một phát tên mà trúng ba con.

- Mày nói phét, bắn thế nào mà tài thế?

- Thật đấy, bắn trúng bụng con hươu cái, trúng dái con hươu đực, trúng ức con hươu con, ba con chết nằm tròn một đống.

- Nói phét, tên dài đến đâu mà xuyên mạnh thế?

- Này nhé, nó là con hươu đang có mang, mổ ra có hai con hươu nằm giở đầu đuôi, bị xuyên suốt.

Nói đến làng cười Hòa Làng, chúng ta phải nhắc đến một làng nằm ngay cạnh đó, đó là làng Dương Sơn. Làng Dương Sơn nằm cách làng Hòa Làng chỉ mấy quả đồi, lại chung đồng với nhau và cùng thuộc huyện Yên Thế. Hai làng cười tuy gần gũi với nhau về mặt địa lý nhưng nghệ thuật gây cười lại không hoàn toàn giống nhau.

Vậy sợi dây gì liên kết hai làng cười này với nhau? Đó là một câu chuyện hết sức thú vị. Chuyện là làng Dương Sơn, dù cũng là làng nghèo nhưng có phần khá hơn làng Hòa Làng, lại là đất có học, trong làng có nhà “Dương Sơn học quán” nổi tiếng. Do vậy mà người Dương Sơn rất tự hào về truyền thống của làng mình, họ không muốn kém Hòa Làng ở điểm nào, kể cả tài nói khoác. Cho nên khi dân Hòa Làng được mệnh danh “Hòa Làng nói khoác có ca” thì dân Dương Sơn lại vỗ ngực tự hào rằng mình đây hơn hẳn “Dương Sơn nói khoác bằng ba Hòa Làng”.

Cũng vì muốn trội hơn Hòa Làng cho nên truyện cười Dương Sơn chủ yếu chỉ là những chuyện nói khoác bốc giời như truyện cười Đồng Sài và không cần lý lẽ, lý giải gì cả, cốt sao chỉ để mua vui, để thật hài hước. Và một bộ phận rất độc đáo của truyện cười Dương Sơn là để “hạ” Hòa Làng. Chẳng hạn như những truyện Nói khoác về tên đình, Nói khoác về thánh,

Xét về khía cạnh sáng tác truyện tiếu lâm hài hước, đây có thể coi như một màn đối đáp của hai làng, thay vì đối đáp bằng những câu hát họ đối đáp nhau bằng những truyện cười. Nhưng ẩn sâu dưới sự đối đáp ấy, cũng là một nét tâm lý hay bị đưa ra để châm biếm, đả kích ở các làng xã Việt Nam, đó là tâm lý “con gà tức nhau tiếng gáy”.

Ngoài cặp làng cười có tính chất “đối địch” nhau như trên, thì trong số các làng cười này còn có một cặp làng cười mang tính “đối đáp” cũng rất thú vị, đó là làng Kẻ Chối và làng Kẻ Xe. Kẻ Xe là tên cổ của làng Kha Lý. Làng Kha Lý thuộc huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang. Đồng Kha Lý ruộng tốt, lúa lắm màu nhiều nên dân tình khá giả. Nói về sự giàu có của Kẻ Xe, dân gian còn lưu truyền câu nói: “Rủ nhau đi cấy đồng Xe/ Tương ngọt như chè gạo trắng như bông”. Tuy dân giàu có nhưng lại thờ ông Đỗ Đồng Duy là nhà nho người Thanh Hóa về đây dạy học nên họ cũng trọng luôn lối làm ăn kiểu nho kiết, tằn tiện, xe xắt, vì thế mà gọi là Kẻ Xe.

Ngược lại, làng bên cạnh là làng Cao Lôi, hay còn gọi là Kẻ Chối, thì lại ít dân, đất xấu, bạc mầu nên cuộc sống vô cùng kham khổ. Nhưng chính trong cuộc sống vất vả đó, họ lại cất lên những tiếng cười vui vẻ. Người Kẻ Chối nghèo hay phải đi làm thuê làm mướn, tính tình xởi lởi, nói năng bộc trực, lại hay phóng đại lên thành những chuyện nói khoác, nói khoe vui vẻ.

Người Kẻ Xe trọng sự tằn tiện nên thường hay nói giễu lại sự khoe khoang phúng túng của người Kẻ Chối, vì vậy mà dân gian có câu “Nói giễu kẻ Xe, nói khoe Kẻ Chối”. Nói giễu là nói chê, nói bài bác còn nói khoe là nói phô trương. Cả hai nghệ thuật gây hài này đều hóm hỉnh và đặc biệt thú vị vì có sự đối đáp lại nhau một cách khá duyên dáng. Đặc biệt, tất cả các truyện cười của hai làng này đều đi theo motif đối đáp này. Các câu đối đáp cũng không quá sâu cay, châm biếm mà chủ yếu là hài hước, phê phán nhẹ nhàng lấy vui là chính. Nghệ thuật đối đáp chưa hẳn đã là quá đặc sắc

nhưng xét về phương diện nhân học văn hóa của hai làng cười thì đây là một hiện tượng hết sức thú vị.

Bên cạnh các làng nói khoác, nói khoe, trong nhóm này còn có các làng nói ngang. Đó là làng Cua, tức làng Phụng Pháp, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang và làng Hiên Ngang – Hiên Đường, và hiện nay là hai thôn Dọc và thôn Hiên Ngang thuộc huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh. Nói ngang là nghệ thuật nói lưu đôi, nói nước đôi để hiểu cách nào cũng được. Nghệ thuật gây cười vì thế cũng rất ý nhị, tự nhiên.

Đặc sắc hơn cả trong nhóm các làng cười này là tiếng cười làng Trúc Ổ, huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh. Người ta có câu “Trúc Ổ tổ nói phét” để nói về cái tài nói khoác của người làng Trúc Ổ. Thậm chí, tài nói khoác ấy còn được lưu truyền thành thơ ca cổ như sau:

Đại ngôn nhất thốn đáo thiên đình Tự cổ ngô hương xuất hữu danh Tứ phương lộng thiệt hàm kinh khẩu Thiên hạ giao đầu úy hồn khinh (Nghĩa là: Nói khoác một tấc lên đến giời

Từ xưa đã nổi tiếng rồi quê ta Bốn phương múa lưỡi nói ra Ai ai nghe thấy ắt là hồn bay)

Chính vì tự hào như vậy cho nên trong kho tàng truyện cười Trúc Ổ ta cũng bắt gặp một nhóm truyện cười có nội dung ca ngợi tài nói khoác nổi danh của làng mình như Ông Tổ họ Đào, Ai nói khoác, Không phải đâu, Cả

làng phải sợ, Phải xuống ngựa hết...

Điểm đặc sắc của truyện cười Trúc Ổ là vừa có tính đại ngôn lại vừa có tính lý sự, nghĩa là vừa có kiểu nói khoe khoang một tấc đến giời lại vừa có tính thâm thúy, lắt léo. Nói khoác cực kỳ vô lý rồi lại giải thích cực kỳ

Ở các truyện cười Trúc Ổ, ta còn thấy cả sự thi tài, đấu trí rất căng thẳng, chẳng hạn như ở truyện Da trắng, hoặc hiện tượng đối đáp chơi chữ rất lắt léo như trong truyện Làm lâm nghiệp. Điều này chứng tỏ, tư duy của người làng Trúc Ổ rất sắc sảo, thâm thúy. Nó vẫn mang sự hồn nhiên như những làng cười khác nhưng bên cạnh đó còn có tầng sâu tư duy rất sắc nhọn của trí tuệ.

Một phần của tài liệu Nghiên cứu hiện tượng làng cười dưới góc độ nhân học văn hóa (trường hợp làng cười Văn Lang, Phú Thọ) (Trang 66)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(101 trang)