Đẩy mạnh ngành công nghiệp thép xây dựng để trong tương lai trở thành một ngành công nghiệp thế mạnh của nước nhà góp phần đưa đất nước ta cơ bản trở thành một nước công nghiệp vào năm 2020 như các đường lối, chủ trương của Đảng và Nhà nước đặt ra
Hoàn thiện môi trường pháp luật
Trong bối cảnh giai đoạn mới khi Việt Nam chính thức cam kết hội nhập WTO từ năm 2014, thuế suất thuế nhập khẩu sẽ ổn định (trung bình mặt hàng sắt thép là:
13%). Bên cạnh đó, cam kết gia nhập khu vực mậu dịch tự do trong khuôn khổ hiệp định ưu đãi thuế quan đối với việc mua- bán hàng hóa giữa các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á có hiệu lực chung (CEPR/APTA), từ năm 2015 trở đi, thuế suất nhập khẩu thép xây dựng là từ: 0%-5% với điều kiện hàng hóa phải đáp ứng yêu cầu về tỷ lệ xuất xứ hay tỷ lệ nội địa hóa đối với hàng hóa nhập khẩu, cụ thể ít nhất phải có 40% nguyên liệu dùng để sản xuất hàng hóa đó có nguồn gốc từ quốc gia nhập khẩu. Các cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp cần nghiên cứu, xem xét, sửa đổi và hoàn thiện hệ thống pháp luật cho phù hợp với giai đoạn mới.
Sửa đổi và tăng cường các chế tài để tạo cơ hội cho các DN có đủ điều kiện tham gia vào thị trường thép xây dựng các tỉnh phía Bắc đồng thời hạn chế và loại bỏ dần các DN với quy mô nhỏ, công nghệ lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường… qua đó tạo ra một thị trường thép lành mạnh, công bằng đóng góp nhiều lợi ích cho xã hội.
Để tạo sự cạnh tranh bình đẳng giữa các DN trong và ngoài nước thì các đạo luật cạnh tranh của Việt Nam cần trừng phạt nghiêm khắc hơn các công ty lợi dụng chính sách mở cửa và hội nhập của nước nhà để đầu cơ bất chính trong thị trường thép xây dựng nội địa cũng như thị trường các tỉnh phía Bắc như bán phá giá, khai man nguồn gốc xuất xứ…
Nhà nước cần có các chính sách miễn thuế một số năm và giảm số thuế thu nhập DN phải nộp trong các năm tiếp theo cho phần thu nhập tăng thêm trong giai đoạn các DN đang tiến hành đầu tư với quy mô lớn nhằm khuyến khích đầu tư cả trong và ngoài nước.
Trong thời gian qua thị trường bất động sản bị đình trệ khiến cho các DN thép xây dựng gặp khó khăn khi mà các ngân hàng cho vay quá nóng, quá mức cần thiết, cho nên nhà nước cần kiểm soát chặt chẽ hệ thống ngân hàng; bên cạnh đó cũng mở rộng khả năng tiếp cận vốn vay ưu đãi như: được giảm thuế nhập khẩu đối với máy móc thiết bị, phương tiện vận tải chuyên dùng mà trong nước chưa sản xuất được hoặc sản xuất chưa đáp ứng được yêu cầu chất lượng…cho các DN thép xây dựng để các DN này có khả năng phục hổi nhanh hơn. Ngoài ra cần đẩy mạnh thu hút vốn trong nước và nước ngoài đa dạng hóa nguồn lực cho các DN thép xây dựng.