Khái niệm tự đánh giá

Một phần của tài liệu Tự đánh giá về tính cách của người cao tuổi ở Hà Nội (Trang 32)

Về nội hàm, khái niệm tự đánh giá hiện này còn tồn tại nhiều quan niệm khác nhau. Sau đây là một số quan điểm được biết đến rộng rãi:

- Quan điểm của I.A.Polosova cho rằng “có thể hiểu tự đánh giá ở hai nghĩa: trước tiên là biểu tượng của con người về chính mình đã được hình thành một cách bền vững. Thứ hai, đó là quá trình tự đánh giá mình ở biểu tượng của nhân cách của mình được nảy sinh và được kiểm tra, được cải biên”.

- V.P.Levcovich quan niệm: “Tự đánh giá là giai đoạn phát triển cao của tự ý thức. Nó bao gồm không những nhận thức của bản thân mà còn có sự đánh giá đúng mức lực và khả năng của mình, thái độ phê phán đối với bản thân”

Như vậy, chúng ta có thể thấy hai tác giả trên coi sự tự đánh giá là giai đoạn phát triển cao của tự ý thức và bao gồm sự nhận biết đúng đắn cụ thể, chính xác về sức lực và năng lực của mình và từ đó có thái độ với bản thân mình.

- Quan điểm của A.I.Lipkina và L.A. Rưbak khẳng định rằng tự đánh giá là: “hình thức phát triển cao của tự ý thức”, “là thành phần không thể tách rời của tự ý thức, của sự phản ánh chính bản thân mình cũng như mối quan hệ của mình với người khác, với thực tế xung quanh”. Từ đó các tác giả này đã đưa ra khái niệm về tự đánh giá: “Tự đánh giá là thái độ của con người đối với những năng lực, khả năng, phẩm chất của nhân cách cũng như đối với bộ mặt bên ngoài của mình” (dẫn theo Lê Ngọc Lan, Cơ sở tâm lý của giáo dục và tự giáo dục – bài giảng dành cho sinh viên cao học, 2004). Như vậy, Lipkina đã đưa ra thành phần của tự đánh giá khá rộng, nhưng về cơ bản là thái độ của con người với chính mình.

- Quan điểm của S.Franz: “Tự đánh giá là phát biểu của cá nhân về mức độ biểu hiện của các hiện tượng tâm lý và cơ thể, của phương thức, thái độ,… đang tồn tại ở bản thân. Thông qua tự đánh giá chúng ta có thể biết được khả năng của cá nhân trong việc nhận thức những đặc điểm riêng của bản thân và cũng có thể nhận xét về đặc điểm riêng của cá nhân đó”. (dẫn theo Đỗ Ngọc Khanh, luận án tiến sĩ). Vì vậy, bà đã khẳng định tự đánh giá là một dạng hoạt động đặc biệt của tự nhận thức của nhân cách.

Tóm lại, cơ chế và bản chất của tự đánh giá ở đây được thể hiện rõ nét. Nó có vai trò quan trọng trong công tác nghiên cứu sau này.

- Quan điểm của Susan Harter: “Tự đánh giá là sự đánh giá tổng thể về giá trị của bản thân với tư cách là con người”. Trong công trình nghiên cứu của bà quan tâm tới sự phát triển tự đánh giá của tuổi thiếu niên. Bà đã cụ thể hóa quá trình thông qua nó các cá nhân tiếp nhận các ý kiến của những người quan trọng khác. Sau này, bà đã đưa ra một cách cụ thể hơn các “giá trị” của bản thân thanh thiếu niên là gì. Đó là khả năng nhận thức, khả năng giao tiếp, khả năng thể thao, và trạng thái cảm xúc

Quan điểm của S. Harter có ý nghĩa thực tiễn rất lớn. Bà đã xác định rõ được bản chất, nội dung và những yếu tố cụ thể cấu thành tự đánh giá.

Tóm lại, mỗi một tác giả đã đưa ra những quan điểm về tự đánh giá phù hợp với mục tiêu nghiên cứu của họ. Tiếp thu những điểm mạnh nêu trên và dựa trên nền tảng tâm lý học hoạt động, chúng tôi xây dựng một khái niệm dùng cho việc nghiên cứu đặc điểm tự đánh giá của người cao tuổi ở Việt Nam. Theo chúng tôi,

“Tự đánh giá là một hình thức phát triển cao của sự tự ý thức, là sự đánh giá của một cá nhân về các giá trị bản thân với tư cách là một con người trong hoạt động, giao lưu với người khác”

Một phần của tài liệu Tự đánh giá về tính cách của người cao tuổi ở Hà Nội (Trang 32)