Từ trước đến nay đã có không ít các công trình nghiên cứu về tự đánh giá ở Việt Nam. Có thể kể đến như:
* Nghiên cứu của Lê Ngọc Lan về “Mối quan hệ giữa khả năng tự đánh giá phù hợp của học sinh đối với thái độ học tập và động cơ học tập”. Tác giả đã làm sáng tỏ những vấn đề lí luân chung về sự tự đánh giá, mối quan hệ khăng khít giữa sự tự đánh giá và các phẩm chất tâm lý khác mà đặc biệt là giữa sự tự đánh giá với thái độ và động cơ học tập.
* Luận văn tốt nghiệp thạc sĩ của các tác giả: Đinh Thị Tứ, Lê Sỹ Tiến (khoa Tâm lý giáo dục – ĐH Sư phạm Hà Nội, 1983) đã đưa ra được những kết luận ban đầu về việc tìm hiểu đặc điểm tự đánh giá vê thái độ đối với tập thể của sinh viên; Lê Tràng Định và Đặng Quang Khải (khoa Tâm lý giáo dục – ĐH Sư phạm Hà Nội, 1983) nghiên cứu về sự tự đánh giá của sinh viên về thái độ đối với học tập; Hay như luận văn của Nguyễn Văn Vũ tìm hiểu về mối quan hệ giữa sự tự đánh giá và khả năng biểu đạt của sinh viên coi tự đánh giá là thành phần cơ bản của nhân cách, là thành phần không thể tách rời của ý thức, là giai đoạn phát triển cao của tự ý thức, là kết quả của việc con người nhận thức chính mình, là thái độ đối với bản thân mình.
* Nghiên cứu “Sự tự đánh giá thái độ học tập môn Toán của sinh viên cao đẳng Sư phạm Hà Nội” – luận án tiến sĩ tâm lý học (năm 2000) của tác giả Đào Lan Hương đã đưa ra các kết luận như sau:
- Khả năng tự đánh giá thái độ học tập môn toán của sinh viên phát triển không đồng đêu với các mức độ khác nhau
- Có sự khác biệt về khả năng tự đánh giá thái độ học toán ở những sinh vien khác nhau về kết quả học tập, thái độ học tập, vị thế trong tập thể, hoạt động nghề và môi trường học tập
- Tính không đồng đều ảnh hưởng rõ nét trong tự đánh giá các nội dung khác nhau của thái độ học tập.
- Nâng cao khả năng tự đánh giá thái độ học tập của sinh viên có ảnh hưởng tích cực với sự phát triển học tập
* Kết quả nghiên cứu của tác giả Đỗ Ngọc Khanh trong luận án tiến sĩ tâm lý học năm 2005 về: “Nghiên cứu sự tự đánh giá của học sinh Trung học cơ sở ở Hà Nội”: Mức độ tự đánh giá tổng thể của học sinh trung học cơ sở ở Hà Nội ở mức độ trung bình. Đa số các em có mức độ tự đánh giá phù hợp với đánh giá của cha mẹ. Trong số học sinh có mức độ tự đánh giá không phù hợp thì số học sinh có mức độ tự đánh giá thấp hơn so với đánh giá của cha mẹ nhiều hơn gấp đôi số học sinh có mức độ tự đánh giá cao hơn.
Kết luận: Thông qua nghiên cứu nhiều tài liệu trên cơ sở có được, chúng tôi chưa thấy có một tài liệu chính thống nào đi sâu nghiên cứu tự đánh giá của người cao tuổi. Các công trình nghiên cứu trên đây mà chúng tôi thu thập được có liên quan đến tự đánh giá chủ yếu là của lứa tuổi học sinh, sinh viên,…Mảng đề tài tự đánh giá nói chung còn rất ít và tự đánh giá của người cao tuổi còn chưa được tiếp tục nghiên cứu.