Đẩy mạnh ngoại giao văn hóa

Một phần của tài liệu Tư tưởng Hồ Chí Minh về ngoại giao và sự vận dụng trong giai đoạn hiện nay (Trang 101)

Hiện nay, không một ai hoài nghi về tầm quan trọng của văn hóa đối với các mặt của đời sống cá thể cũng như cộng đồng. Tuy nhiên, cho đến nay, những nguyên nhân làm tăng ảnh hưởng của văn hóa, dường như chưa giành được sự quan tâm đúng mức. Trên phương diện ngoại giao, mỗi nhà ngoại giao luôn sử dụng yếu tố văn hóa như một công cụ theo đuổi lợi ích quốc gia một cách thông minh, thuyết phục và hiệu quả nhất. Đặc biệt trong giai đoạn hiện nay, khi mà toàn cầu hóa đã xâm nhập vào mọi ngõ ngách của mỗi quốc gia, thì “tính tuyệt đối, tối cao, tính không chuyển nhượng và chia cắt của chủ quyền quốc gia đang gặp phải nhiều vấn đề; cụ thể là trước áp lực của sự phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế, sinh thái, an ninh, và các vấn đề chung khác nữa do toàn cầu hóa mang lại, ranh giới giữa các quốc gia đang mờ đi” [69, tr.240]. Khi đó văn hóa đang nổi lên là một trong những yếu tố quan trọng để xác định “nền móng” của nhà nước dân tộc khi những dải phân cách mang tính lịch sử và nhân tạo để xác định ranh giới giữa các quốc gia. Vì vậy, việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc là một nhiệm vụ mà ngoại giao phải làm. Nhiệm vụ của ngoại giao văn hóa là “đem đến sự hiểu biết vượt ra ngoài những hình ảnh khuôn mẫu, và tạo ra những nhận thức thuận lợi của cộng đồng quốc tế về Việt Nam”[12, tr.40].

Truyền thống ngoại giao Việt Nam dựa trên bản sắc văn hóa đậm đà với nền văn hiến lâu đời. Do đó ngoại giao văn hóa Việt Nam hiện nay phải có nhiệm vụ hướng tới quốc tế dưới góc độ tuyên truyền, quảng bá về con người và đất nước, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển, an ninh, và đặc biệt là vị thế, phải thống nhất và nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của công tác ngoại giao văn hóa. Đồng thời phải biết dựa vào thế mạnh của ngoại giao văn hóa để thúc đẩy ngoại giao chính trị, ngoại giao kinh tế. Kết hợp chặt chẽ giữa ngoại giao văn hóa với ngoại giao chính trị, ngoại giao kinh tế để thu được hiệu quả cao nhất trong hoạt động ngoại giao.

đ. Yêu cầu thích nghi với sự đa dạng về đối tác trong bối cảnh hội nhập và đẩy mạnh hơn nữa các hình thức ngoại giao khác.

Trước xu hướng toàn cầu hóa mạnh mẽ như hiện nay, chúng ta chứng kiến quan hệ quốc tế ngày càng tăng của các tổ chức phi chính phủ(NGO), các tập đoàn đa quốc gia(MNC) và các tổ chức đa phương. Các quan hệ của các chủ thể phi nhà nước này ngày càng đóng vai trò to lớn trong quan hệ quốc tế, và có ảnh hưởng sâu rộng đến quan hệ ngoại giao của các quốc gia. “Nếu như các tập đoàn đa quốc gia là “đối tượng tác chiến” của ngoại giao kinh tế thì các tổ chức quốc tế đa phương gắn nhiều với ngoại giao đa phương và các tổ chức phi chính phủ là ngoại giao nhân dân”[6, tr.43]

Ngoại giao đa phương về cơ bản vẫn là hoạt động ngoại giao của các quốc gia với nhau. Tuy nhiên trước xu hướng toàn cầu hóa với nhiều vấn đề toàn cầu gia tăng; cùng với nó sự thay đổi trong so sánh tương quan lực lượng giữa các nước lớn sau khi “Chiến tranh Lạnh” kết thúc, những làn sóng phản đối tham vọng thiết lập thế giới đơn cực ngày càng cao; sự hình thành và lớn mạnh của nhiều tổ chức quốc tế khu vực, liên khu vực và quốc tế…đã làm cho ngoại giao đa phương ngày càng trở thành một quan hệ nhiều chiều giữa các chủ thể đa dạng của quan hệ quốc tế. Ngoại giao đa phương là một hoạt

động quan trọng của ngoại giao Việt Nam trong thời kỳ hội nhập, thể hiện sự hội nhập toàn diện, vượt lên trên hội nhập kinh tế quốc tế.

Ngoại giao nhân dân là một nét mới trong hoạt động ngoại giao hiện đại. Công nghệ thông tin và truyền thông đang làm thay đổi các quan niệm và chuẩn mực ứng xử của các xã hội công dân. Nhân dân biết nhiều hơn về nhà nước của mình và nhà nước bên ngoài. Từ đó, họ có sự đối chiếu và so sánh. Nói theo cách nói của Jonh Naisbitt thì: “Công nghệ, đặc biệt là viễn thông không dây, đang làm cho hầu hết những luật lệ cũ không còn tác dụng…, những sự lừa dối trong quản lý sẽ không còn đất để sống” [71, tr.103]. Các tổ chức phi chính phủ (NGO), và các tập đoàn đa quốc gia (MNC) có vai trò ngày càng gia tăng trong hệ thống chính trị nhiều nước, nhất là các nước phương Tây, tác động đến việc hoạch định chính sách của các nước này. Do đó ngoại giao hiện đại không thể phủ nhận hay không tính đến vai trò của các tổ chức này là thiếu thực tế và không hợp lý.

Ngoại giao Việt Nam đã có một truyền thống lâu dài và đạt được nhiều thành tựu về ngoại giao nhân dân nên càng cần coi trọng hoạt động này khi tham gia sâu hơn vào hệ thống quan hệ quốc tế đương đại thời kỳ toàn cầu hóa.

Một phần của tài liệu Tư tưởng Hồ Chí Minh về ngoại giao và sự vận dụng trong giai đoạn hiện nay (Trang 101)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(113 trang)