quốc tế
Tư tưởng về độc lập tự chủ, tự lực, tự cường gắn liền với đoàn kết và hợp tác quốc tế là một bộ phận cốt lõi trong tư tưởng Hồ Chí Minh về ngoại giao. Nguyên lý chủ yếu của tư tưởng đó là “Muốn người ta giúp cho, thì trước hết mình phải tự giúp lấy mình đã”.[45, tr.293]
Tháng 5 năm 1947, khi trả lời ông Vaxiđép Rao, thông tín viên của hãng Roitơ, về quan niệm độc lập của nước Việt Nam, Hồ Chí Minh giải thích: “Độc lập nghĩa là chúng tôi điều khiển lấy mọi công việc của chúng tôi, không có sự can thiệp ở ngoài vào”[48, tr.136]. Độc lập tự chủ theo tư tưởng Hồ Chí Minh thể hiện ở tính chủ động, sáng tạo, trong tư duy và hành động- không rập khuôn, máy móc, không thụ động hoặc ỷ lại. Cũng có nghĩa là dân tộc Việt Nam phải tự mình hoạch định đường lối, chính sách đối nội và đối ngoại; phải vạch rõ những phương pháp và những biện pháp của riêng mình. Đường lối đó phải phục vụ lợi ích quốc gia như độc lập dân tộc, chủ quyền quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ, thống nhất đất nước, tự do, hạnh phúc cho nhân dân.
Từ quan điểm mácxit về vai trò quyết định của nhân tố bên trong khi giải quyết mâu thuẫn, Hồ Chí Minh chủ trương tận lực phát huy sức mạnh của dân tộc, sức mạnh của chủ nghĩa yêu nước, đại đoàn kết dân tộc, chủ động xây dựng lực lượng cách mạng đón bắt thời cơ… Đó là cơ sở để thực hiện hợp tác quốc tế và tranh thủ sự giúp đở bên ngoài. Trong thời đại Hồ Chí Minh, kế thừa và phát huy truyền thống yêu nước Việt Nam nâng lên tầm cao mới, được đúc kết nổi bật thành chân lý: Không có gì quý hơn độc lập tự do; Chúng ta thà hi sinh tất cả, chứ Nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ. Tuy nhiên, xuất phát từ quan điểm: “Nước ta là một bộ
phận của thế giới. Tình hình của nước ta có ảnh hưởng đến thế giới, mà tình hình thế giới cũng có quan hệ đến nước ta.”[50, tr.173], Hồ Chí Minh đồng thời chỉ ra rằng, không thể hạn chế những hoạt động kháng chiến kiến quốc trong khuôn khổ dân tộc thuần túy, bởi những hoạt động đó “có muôn ngàn sợi dây liên hệ” với cuộc đấu tranh chung của thế giới tiến bộ.
Điều đặc biệt quan trọng là, trong khi nhấn mạnh độc lập tự chủ về hoạch định đường lối phát triển của dân tộc, Hồ Chí Minh cũng cảnh báo hai khuynh hướng cần phải tránh:
Thứ nhất, nếu “Không chú trọng đến đặc điểm của dân tộc mình trong khi học tập kinh nghiệm của các nước anh em, là sai lầm nghiêm trọng, là phạm chủ nghĩa giáo điều”;
Thứ hai “Nhưng nếu quá nhấn mạnh đặc điểm dân tộc để phủ nhận giá trị phổ biến của những kinh nghiệm lớn, cơ bản của các nước anh em, thì sẽ mắc sai lầm nghiêm trọng của chủ nghĩa xét lại”[51, tr.499].
Độc lập tự chủ, tự lực, tự cường nhằm đảm bảo lợi ích dân tộc chính đáng, thực hiện các quyền dân tộc cơ bản trong điều kiện lợi ích của các dân tộc đan xen, chồng chéo. Nhưng độc lập tự chủ và tự lực tự cường xa lạ với sự biệt lập và chủ nghĩa biệt phái. Để chiến thắng những kẻ thù mạnh hơn mình gấp nhiều lần trong bối cảnh thời đại mới, Hồ Chí Minh luôn chủ trương tăng cường đoàn kết và tranh thủ sự hợp tác quốc tế và coi đây là một vấn đề có tầm chiến lược hàng đầu trong đường lối cách mạng Việt Nam. Khi nói chuyện trong Hội nghị ngoại giao lần thứ 3 năm 1964, Người căn dặn: “Các chú cũng cần nắm cái gốc, các điểm mấu chốt về chính trị, quân sự, kinh tế, nội chính, ngoại giao của ta là tự lực cánh sinh. Phải hiểu thấu đáo vấn đề này, không thì sẽ xiêu vẹo đấy”. [1, tr.14]
Hồ Chí Minh là người Việt Nam đầu tiên nêu lên quan điểm gắn cách mạng Việt Nam với phong trào cách mạng thế giới “Cách mệnh An Nam cũng là một bộ phận trong cách mạng thế giới. Ai làm cách mệnh trong thế
giới đều là đồng chí của nhân dân An Nam cả” [44, tr.301]. Những hoạt động của Hồ Chí Minh trong quá trình tìm đường cứu nước, đặc biệt là thời gian ở Pháp đã đóng góp to lớn trên phương diện nhận thức và thực tiễn về ý nghĩa của đoàn kết quốc tế trong phong trào cách mạng thế giới, đồng thời góp phần liên hiệp các dân tộc bị áp bức nói chung, đặc biệt ở phương Đông nói riêng trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc.
Trên cơ sở phương châm “thêm bạn bớt thù”, tránh đối đầu, “không gây thù oán với một ai”, tìm ra những điểm tương đồng, khai thác mọi khả năng có thể, nhằm tập hợp lực lượng, hình thành mặt trận đoàn kết quốc tế theo quan điểm “Chủ nghĩa Mác-Lênin dạy chúng ta rằng: muốn làm cách mạng thắng lợi thì phải phân biệt rõ ai là bạn ai là thù, phải thực hiện thêm bầu bạn, bớt kẻ thù. Mọi người yêu nước và tiến bộ là bạn của ta”[53, tr.605] “Làm bạn với tất cả mọi nước dân chủ và không gây thù oán với một ai”[48, tr.220]. Thực tế cho thấy, quan điểm đoàn kết quốc tế trong tư tưởng Hồ Chí Minh dựa trên nguyên tắc: sự nghiệp cách mạng ở mỗi nước là nhiệm vụ của bản thân các quốc gia dân tộc, nhưng để tăng cường sức mạnh nội lực bảo đảm cho thắng lợi thì phải gắn cách mạng của mỗi nước vào trào lưu cách mạng thế giới, kết hợp chặt chẽ dân tộc với quốc tế, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, để tranh thủ cao nhất sự đồng tình ủng hộ của bên ngoài, tạo sức mạnh tổng hợp cho đất nước. Muốn đoàn kết, hợp tác quốc tế có hiệu quả, bền vững phải có thực lực làm cơ sở, do đó việc xây dựng thực lực về chính trị, kinh tế, quân sự của đất nước-sức mạnh nội lực là nhân tố quyết định sự thành công của đoàn kết, hợp tác quốc tế. Hồ Chí Minh từng nói: “Phải trông ở thực lực. Thực lực mạnh, ngoại giao sẽ thắng lợi. Thực lực là cái chiêng mà ngoại giao là cái tiếng. Chiêng có to tiếng mới lớn”[47, tr.126].
Mặt khác, đoàn kết quốc tế không phải là lệ thuộc và con đường một chiều. Được đặt trong mối quan hệ toàn cầu, cách mạng Việt Nam không những cần thiết mà còn có thể tranh thủ hợp tác quốc tế, tăng cường nội lực và sức mạnh tổng hợp để thực hiện các nhiệm vụ chiến lược của mình. Đồng
thời, nhân dân Việt Nam có nghĩa vụ đóng góp vào sự nghiệp đấu tranh của nhân dân thế giới, theo tinh thần “Người cùng một hội một thuyền, phải giúp đỡ lẫn nhau. Việt Nam ta lại có vinh dự to lớn, là đã được giải phóng trước, được độc lập trước.“Người đến trước phải rước người đến sau”. Cho nên chúng ta càng có nghĩa vụ giúp đỡ các dân tộc anh em đó…” [53, tr. 624]. Mối quan hệ giữa việc tiếp nhận và đóng góp trong quan hệ quốc tế đã được Hồ Chí Minh đề cập ngay từ năm 1946 khi bàn về văn hóa: “Mình đã hưởng cái hay của người thì phải có cái hay cho người ta hưởng. Mình đừng chịu vay mà không chịu trả”[63, tr. 25]
Theo quan quan điểm của Hồ Chí Minh, trong đoàn kết quốc tế cần nắm vững phương châm kiên trì về nguyên tắc, giữ vững chiến lược, nhưng mềm dẻo, linh hoạt về sách lược theo tinh thần “dĩ bất biến ứng vạn biến”. Người nói: “Mục đích bất di bất dịch của ta vẫn là hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ. Nguyên tắc của ta thì phải vững chắc, nhưng sách lược của ta thì linh hoạt. Các công tác phải phối hợp và liên hệ với nhau, bộ phận phải phối hợp với toàn cục”[50, tr.319]. Để tăng cường đoàn kết phải thông qua đấu tranh. Người nói: “Mục đích của ta là vì đoàn kết, vì đoàn kết mà phải đấu tranh. Tranh đấu để đi đến đoàn kết chứ không nói xấu ai”; phải nhìn cho rộng suy cho kỹ để biết người, biết mình, luôn làm chủ tình thế. Phải “thấy trước, chuẩn bị trước”. Người nói: “Muốn thành công thì phải biết trước mọi việc”; phải dự báo đúng tình hình, thời cuộc; phải tích cực chuẩn bị các điều kiện và nắm chắc thời cơ để giành thắng lợi từng bước, giành thắng lợi từng bộ phận.
Tư tưởng Hồ Chí Minh về độc lập tự chủ, tự cường gắn với đoàn kết và hợp tác quốc tế là hệ thống quan điểm thể hiện các nội dung về kết hợp sức mạnh trong nước với sức mạnh quốc tế; về mối quan hệ giữa nội lực và ngoại lực và các phương châm, phương pháp nhằm phát huy hiệu quả của kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại phục vụ cho sự nghiệp cách mạng nước ta.