g. Ngoại giao là một mặt trận
2.1.1 Xu thế, đặc điểm tình hình thế giới
Sự sụp đổ của Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu là một tổn thất vô cùng to lớn của phong trào cách mạng thế giới và ảnh hưởng sâu sắc đến cuộc đấu tranh của nhân dân thế giới vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội. Phong trào cộng sản và công nhân quốc tế mất đi một chỗ dựa quan trọng. Những tiếng nói tiến bộ, mạnh mẽ, ít nhiều chú ý đến nguyện vọng của các nước nhỏ tại các diễn đàn quốc tế cũng suy giảm. Từ đây chủ nghĩa đế quốc không còn đối trọng, do đó chúng càng trở nên ngang ngược, hiếu chiến, trắng trợn can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia có chủ quyền, bất chấp dư luận và luật pháp quốc tế.
Chiến tranh Lạnh kết thúc đã chấm dứt sự căng thẳng, gay gắt trong quan hệ giữa các nước tư bản chủ nghĩa- đứng đầu là Mỹ, và các nước xã hội chủ nghĩa- đứng đầu là Liên Xô. Mặc dù không bùng nổ chiến tranh thế giới một lần nữa, nhưng “Chiến tranh Lạnh” đã gây ra các cuộc chiến tranh cục bộ và khiến các nước kể cả tư bản chủ nghĩa và xã hội chủ nghĩa, nhất là Mỹ và Liên Xô phải lao vào cuộc chạy đua vũ trang vô cùng tốn kém và nguy hiểm, đồng thời làm cho tình hình quốc tế luôn căng thẳng. Sau nhiều tổn thất, mất mát đau thương vì chiến tranh, vì cuộc chạy đua vũ trang tốn kém, nguy hiểm, hơn bao giờ hết nhân loại đang khát khao hòa bình, ổn định và hợp tác để cùng phát triển. Trong quan niệm chung của cộng đồng quốc tế, sức mạnh của một quốc gia không chỉ còn là sức mạnh quân sự mà trước hết và quan trọng hơn cả là sức mạnh kinh tế. Vì vậy, muốn tập trung các nguồn lực để phát triển kinh tế, các nước không thể không cần đến môi trường hòa bình, hợp tác. Chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô và Đông Âu sụp đổ đã làm cho trật tự thế giới có sự thay đổi căn bản. Từ một trật tự thế giới hai cực, sau thất bại tạm
thời của hệ thống xã hội chủ nghĩa thì thế giới đã chuyển dần đến xu thế hình thành một trật tự “một cực nhiều trung tâm”, “nhất thể siêu cường”, có thể là trật tự “đơn cực” hay “đa cực”. Nhưng trong tình hình và biểu hiện thực tế quan hệ quốc tế hiện nay thì Mỹ vẫn là nước khống chế và chi phối không nhỏ tới trật tự thế giới. Lợi dụng vị thế cường quốc kinh tế, quân sự và sở hữu khoa học kỹ thuật- công nghệ tiên tiến, Mỹ đã từ âm mưu thực hiện chiến lược “răn đe, vuợt trên ngăn chặn” đến chỗ tự cho phép thực hiện chiến lược “đánh đòn phủ đầu”đối với các quốc gia nào không theo sự chỉ huy của Mỹ. Mỹ đã lôi kéo một số quốc gia thân Mỹ, các lực lượng chống chủ nghĩa xã hội và chống Đảng Cộng sản, chống phong trào cách mạng thế giới gây mất ổn định ở nhiều quốc gia, khu vực. Lợi dụng chiêu bài cái gọi là chính sách ngoại giao “tự do, dân chủ, nhân quyền”, Mỹ đã trực tiếp hoặc gián tiếp can thiệp vào khắp nơi trên thế giới, tiếp tục dưới chiêu bài chống khủng bố, Mỹ không chỉ tiêu diệt bọn khủng bố Ankêđa mà còn lật đổ cả những quốc gia độc lập có chủ quyền, thành viên của Liên Hợp quốc.
Chủ nghĩa tư bản hiện đại luôn biết điều chỉnh để thích nghi với tình hình mới và phát triển mạnh mẽ đã trở thành chủ nghĩa tư bản lũng đoạn toàn cầu. Các tập đoàn tư bản đa quốc gia và xuyên quốc gia ngày một gia tăng cả về chiều rộng và chiều sâu đang từng bước chi phối, khống chế nền kinh tế thế giới theo sự lũng đoạn về chính trị của các tập đoàn tư bản lớn đối với mỗi quốc gia và trên toàn thế giới. Trên thế giới đã hình thành nhiều tập đoàn, nhiều thương hiệu tư bản đa quốc gia và xuyên quốc gia như: tập đoàn Sony, Toyota của Nhật, Microsoft, Telocom của Mỹ có số vốn lên tới hàng ngàn tỷ USD và sản phẩm của họ có ở khắp mọi nơi trên thế giới; không những thế các tập đoàn này lại giữ vị trí trọng yếu trong nền kinh tế thế giới như công nghệ thông tin, phần mềm và viễn thông. Các tập đoàn tư bản công nghiệp và tài chính xuyên quốc gia liên kết lại với nhau lũng đoạn thị trường thế giới, chi phối nền kinh tế thế giới, tiến tới “thống trị” thế giới. Qua việc khủng hoảng tài chính tiền tệ châu Á (1997-1998) và mới đây nhất
là khủng hoảng tài chính, tiền tệ thế giới năm 2008 kéo dài tới năm 2011, cùng với khủng hoảng nợ công ở châu Âu cho thấy sức mạnh ghê ghớm của các tập đoàn này. Một số các giao dịch cho vay của IMF và ADB có nhiều biểu hiện áp đặt, thậm chí buộc các nước vay tiền trong lúc khó khăn phải chấp nhận những điều kiện do họ đưa ra kể cả việc thay đổi đường lối chính trị của quốc gia mình.
Khu vực châu Á – Thái Bình Dương và Đông Nam Á đã trở thành khu vực tiềm năng, trở thành tiêu điểm cho các nước phát triển, các nước lớn tiếp tục hợp tác đẩy mạnh quan hệ quốc tế tới khu vực này. Hiện nay châu Á, đặc biệt là ASEAN được coi là khu vực kinh tế phát triển năng động, có nhiều tiềm năng và thị trường thu hút các nhà đầu tư, các tập đoàn kinh tế. Châu Á theo dự báo trong vài thập niên tới sẽ tiếp tục giữ vững được nhịp độ tăng trưởng cao và phát triển năng động, ASEAN hiện nay vẫn tiếp tục là khu vực có địa thế chiến lược quan trọng đặc biệt cho mọi tiến trình hợp tác và tranh giành ảnh hưởng giữa các nước trong và ngoài khu vự trên thế giới.
Mặc dù thế giới hiện nay vẫn còn chiến tranh, xung đột cục bộ nhưng xu thế chủ đạo vẫn là hòa bình, hợp tác, cùng phát triển. Đúng như Đảng ta đã nhận đinh “Đấu tranh dân tộc và đấu tranh giai cấp tiếp tục diễn ra gay gắt”[15, tr.83; 84]. “Trong một vài thập kỷ tới, ít có khả năng xảy ra chiến tranh thế giới. Nhưng chiến tranh cục bộ, xung đột vũ trang, xung đột dân tộc, tôn giáo, chạy đua vũ trang, hoạt động can thiệp lật đổ, khủng bố còn xảy ra ở nhiều nơi với tính chất phức tạp ngày càng tăng. Hòa bình, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế lớn, phản ánh đòi hỏi bức xúc của các quốc gia, dân tộc. Cuộc đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ, dân sinh, tiến bộ và công bằng xã hội sẽ có những bước tiến mới” [15, tr.83].
Sự phát triển như vũ bão của khoa học – công nghệ và sự ra đời của kinh tế tri thức. Đúng như C. Mác đã từng dự đoán, khoa học đã thực sự trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp, tạo ra khối lượng lớn của cải toàn xã hội. Tỉ trọng chất xám kết tinh trong sản phẩm lao động ngày càng cao. Ở các
nước phát triển, đối với một số loại sản phẩm, hàm lượng trí tuệ có thể đạt 80-90% tổng giá trị sản phẩm. Cùng với sự phát triển của khoa học kỹ thuật, thời gian nghiên cứu cơ bản đến ứng dụng vào thực tiễn được rút ngắn, sự gắn kết giữa các ngành khác nhau, giữa các lĩnh vực khác nhau ngày càng được tăng cường. Khoa học và công nghệ mất dần giới hạn quốc gia cả trong nghiên cứu và ứng dụng. Một số loại công nghệ cao mở ra nhiều tiềm năng mới cho tăng trưởng kinh tế, giải quyết các vấn đề toàn cầu và nâng cao chất lượng đời sống con người, nhưng đồng thời cũng có thể bị lạm dụng vào những mục đích và ý đồ riêng của một số quốc gia và thế lực nhằm tạo lợi thế, sức ép trong cạnh tranh, áp đặt bất lợi cho số đông các nước khác.
Với vai trò vô cùng quan trọng của khoa học trong sản xuất, khái niệm “kinh tế tri thức” ra đời. Trong nền kinh tế tri thức, đặc điểm nổi bật là lao động cơ bắp từng bước được thay thế bằng lao động trí tuệ. Trí tuệ trở thành nguồn nguyên liệu, nguồn tài sản quý giá nhất, hơn bất cứ nguồn nguyên liệu nào có trong tự nhiên. Để không bị chậm chân trong cuộc đua kinh tế toàn cầu, các quốc gia phải xây dựng chiến lược nhằm nhanh chóng nắm bắt, áp dụng các thành tựu khoa học – công nghệ tiên tiến của thế giới và xây dựng nền kinh tế tri thức.
Do thành tựu phát triển mạnh mẽ của khoa học – công nghệ, việc liên hệ, thông tin giữa các quốc gia, các khu vực trở nên thuận tiện và nhanh chóng hơn. Thế giới dường như được thu nhỏ lại. Mặt khác do sự phát triển nhanh chóng của các lực lượng sản xuất, sự phân công, chuyên môn hóa trong nền sản xuất thế giới ngày càng trở nên sâu sắc; tính chất xã hội hóa của lực lượng sản xuất ngày càng cao; sự liên hệ , gắn kết và phụ thuộc lẫn nhau giữa các quốc gia ngày càng trở nên mạnh mẽ hơn. Toàn cầu hóa, trong đó cốt lõi là toàn cầu hóa kinh tế, trở thành xu thế khách quan của thế giới kể từ cuối thế kỷ XX đến nay. Cùng với toàn cầu hóa là xu thế khu vực hóa giữa các quốc gia trong cùng một khu vực nhằm tăng cường khả năng cạnh tranh và đối phó với sức ép của các quốc gia, các khu vực khác trong quan hệ quốc tế.
Đồng thời, sự va chạm, cọ xát lợi ích và các giá trị tinh thần, văn hóa… giữa những bên tham gia vào các quá trình toàn cầu cũng tăng lên. Phản ứng chống lại các mặt tiêu cực của toàn cầu hóa cũng nảy sinh. Việc chủ động hội nhập quốc tế có thể tận dụng được các cơ hội và lợi thế từ quá trình ấy cho từng quốc gia và giảm thiểu được nhiều tác động tiêu cực.
Hiện nay, nhân loại cũng đang phải đương đầu trước những vấn đề lớn mà muốn giải quyết phải có sự hợp tác của tất cả các nước trên thế giới. Đó là môi trường sinh thái đang bị xuống cấp nghiêm trọng; dịch bệnh nguy hiểm như HIV/AIDS, SARS, cúm A/H5N1, cúm A/H1N1…; nguy cơ vũ khí hạt nhân; sự bùng nổ dân số thế giới; đói nghèo và sự phân cực giàu- nghèo ngày một thêm sâu sắc; tội phạm; khủng bố và chống khủng bố, vv…Việc giải quyết những vấn đề mang tính toàn cầu này đòi hỏi sự nỗ lực và phối hợp đồng bộ không chỉ của một quốc gia dân tộc nào mà là sự chung sức của tất cả các nước, các dân tộc trên thế giới, vì tương lai chung của toàn nhân loại.