nắm được xu thế vận động và động cơ của đối tác; tạo khuôn khổ ổn định, lâu dài và ngày càng đi vào chiều sâu quan hệ với các nước lớn và các nước láng giềng chung biên giới. kết hợp giữa tư duy biện chứng với thực tiễn,
Đánh giá đúng tình hình trong nước và quốc tế là điều rất quan trọng khi làm chính trị, và điều đó càng có ý nghĩa quan trọng hơn đối với ngành ngoại giao. Vấn đề ngoại giao cũng như đường lối ngoại giao của một quốc gia cần luôn phải đặt trong bối cảnh tình hình trong nước và những vấn đề của thế giới. Khi đề ra đường lối đối ngoại cũng như khi tiến hành các hoạt động đối ngoại phải căn cứ vào tình hình trong nước cũng như phải xem xét những yếu tố tác động của bối cảnh quốc tế tới quốc gia mình, đặc biệt cần xem xét chiến lược trong quan hệ đối ngoại của các nước lớn và các nước có liên quan…Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn luôn đặt tư duy của mình trong dòng chảy của thời đại, kết hợp dân tộc với quốc tế, gắn cách mạng Việt Nam với cách mạng thế giới coi đó như là thắng lợi của cách mạng Việt Nam.
Với bất cứ một mối quan hệ quốc tế nào với các nước, các đối tác, bất cứ một thỏa thuận và đàm phán nào chúng ta phải nhận định và đánh giá đúng mục đích và động cơ của đối tác để có những cam kết, sách lược phù hợp cho mục đích và lợi ích của ta đạt được tối ưu.
Ưu tiên và chú trọng quan hệ với các nước láng giềng và các nước lớn là bài học quan trọng đối với nước ta trong nhiều năm qua, nhưng vẫn là một thách thức không nhỏ đối với ngoại giao và đối ngoại hiện nay. Quan hệ với các nước lớn có ý nghĩa đặc biệt quan trọng để tăng vị thế quốc tế, giữ môi trường hòa bình, ổn định lâu dài, tranh thủ vốn, công nghệ, kinh nghiệm quản lý, thị trường xuất khẩu, đối tác đầu tư. Quan hệ với các nước láng giềng là điều kiện giữ “nội yên, ngoại tĩnh”, có ý nghĩa quan trọng đặc biệt đối với an ninh và ổn định của Việt Nam, cũng như đối với yêu cầu tạo môi trường quốc tế hòa bình phục vụ cho mục tiêu phát triển của đất nước.
Đối với các nước lớn, thách thức muôn thủo là sự mất cân đối về lực giữa ta và các nước lớn, đòi hỏi ngoại giao phải có chiến lược và sách lược phát huy sức mạnh “tổng hợp” để lập lại thế cân bằng. Đối với các nước này chúng ta vừa phải hợp tác, vừa phải đấu tranh, đặc biệt lưu ý sự cạnh tranh chiến lược giữa bản thân các nước lớn phát triển mạnh, gây khó khăn cho ngoại giao trong việc đảm bảo hài hòa với tất cả các nước lớn. Các nước lớn luôn tìm cách để lôi kéo, tạo nên những lực lượng tập hợp đa dạng, chồng chéo, đan xen và biến chuyển rất nhanh một cách thực dụng trên cơ sở thực tế so sánh lực lượng và lợi ích quốc gia là chính, càng làm phức tạp nhiệm vụ của ngoại giao. Hơn nữa một yếu tố rất quan trọng là đa số các nước lớn có vai trò hàng đầu trên thế giới đều là những nước mà chúng ta có những vấn đề an ninh trực tiếp và phức tạp nhất.
Vì vậy, việc đánh giá đúng chiến lược, sách lược của các nước lớn, quan hệ giữa họ và tác động có thể có đối với Việt Nam; đánh giá đúng lợi ích, tính chất của mối quan hệ là đối tác hay đối tượng của từng nước lớn
trong quan hệ với ta; có chiến lược, sách lược cũng như các biện pháp, công cụ thực hiện đa dạng, linh hoạt đối với từng nước, tạo được sự đan xen lợi ích trong quan hệ của các nước lớn với ta, biết tạo dựng “con bài” và sử dụng tốt “con bài”, không bị rơi vào thế kẹp trong các cuộc mặc cả giữa các nước lớn; đồng thời giữ vững độc lập tự chủ, sự ổn định và đoàn kết, thống nhất bên trong là những điều kiện hàng đầu để cho ngoại giao Việt Nam có thể thành công trong việc xử lý quan hệ với các nước lớn.
Đối với các nước láng giềng (Lào và Campuchia) là địa bàn chiến lược quan trọng sống còn với Việt Nam trên tất cả các lĩnh vực, nhất là chính trị, an ninh, quốc phòng, đối ngoại. Lịch sử cho thấy Lào và Campuchia hòa bình, ổn định, kinh tế phát triển, có quan hệ hữu nghị, láng giềng và hợp tác toàn diện với Việt Nam là lợi ích chiến lược lâu dài của Việt Nam. Quán triệt các nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền, không can thiệp vào công việc nội bộ, nhưng chủ động tăng cường quan hệ hữu nghị, hợp tác, gắn kết và tin cậy lẫn nhau giữa ta với từng nước; giải quyết dứt điểm những tồn tại trong vấn đề biên giới lãnh thổ; xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác; thúc đẩy hợp tác kinh tế với Lào và Campuchia, coi đó là nền tảng vật chất để tăng cường sự gắn kết và củng cố quan hệ hợp tác truyền thống tốt đẹp lâu dài giữa Việt Nam với từng nước là những vấn đề có tầm quan trọng hàng đầu. Ngoại giao có thể dựa trên những thuận lợi về truyền thống lịch sử, dân tộc, quan hệ chính trị nhưng cũng phải giải quyết những khó khăn, trong đó có sự hạn chế về tiềm lực, xu hướng đa dạng hóa, đa phương hóa, đan xen ảnh hưởng đang là xu hướng chung…
Kết hợp giữa tư duy biện chứng với thực tiễn để đề ra những quyết sách kịp thời đúng đắn. Điều đó muốn nói đến mối quan hệ biện chứng giữa lý luận và thực tiễn như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định:
“Thực hành sinh ra hiểu biết Hiểu biết tiến lên lý luận
Lý luận lãnh đạo thực hành” [68, tr. 417] Lý luận ngoại giao nước ta hiện nay có vai trò to lớn trong việc hình thành tư duy chính trị quốc tế, giúp cho nhân dân ta và trước hết là những người làm công tác ngoại giao thực hiện hiệu quả đường lối và chính sách ngoại giao của Đảng và Nhà nước. Lý luận ngoại giao Việt Nam được tổng kết và khái quát từ thực tiễn ngoại giao Việt Nam và thế giới để phục vụ hoạt động thực tiễn ngoại giao, dự báo những chiều hướng phát triển mới của tình hình thế giới, đánh giá những diễn biến mới trong quan hệ quốc tế, hoạch định đường lối, chính sách đối ngoại và tổ chức thực hiện có hiệu quả. Vì vậy, lý luận ngoại giao phải được vận dụng và kiểm nghiệm trong thực tế hoạt động ngoại giao để bổ sung, làm phong phú thêm lý luận bằng những kết luận mới rút ra từ thực tiễn trong hoạt động đối ngoại của Đảng và Nhà nước.