Tầm quan trọng của ngoại giao và quan hệ quốc tế

Một phần của tài liệu Tư tưởng Hồ Chí Minh về ngoại giao và sự vận dụng trong giai đoạn hiện nay (Trang 40)

Ngoại giao và quan hệ quốc tế là một trong những nhân tố quan trọng quyết định sự phát triển của mỗi quốc gia, dân tộc. Thông qua ngoại giao và quan hệ quốc tế, các quốc gia phát huy được những tiềm năng do điều kiện địa-kinh tế, địa –chính trị mang lại; đồng thời, tận dụng được thế mạnh của các khu vực, quốc gia khác phục vụ cho sự phát triển của mình và thúc đẩy giao lưu quốc tế. Do vậy, có thể nói, trình độ phát triển kinh tế-xã hội của mỗi quốc gia, khu vực phụ thuộc rất nhiều vào mức độ tham gia hợp tác cả về bề rộng lẫn chiều sâu với những quốc gia, khu vực trên thế giới.

Chủ nghĩa Mác-Lênin đã chỉ ra được vai trò của sự đoàn kết, hợp tác quốc tế bằng khẩu hiệu trong: “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản”: “Vô sản các nước đoàn kết lại”. Đồng thời chủ nghĩa Mác-Lênin đã nhấn mạnh hợp tác quốc tế vừa là nhu cầu, vừa là nghĩa vụ của mỗi quốc gia. Để giải phóng giai cấp, giải phóng xã hội tiến lên chủ nghĩa cộng sản tất yếu phải có sự hợp tác, quan hệ giữa các lực lượng cách mạng, lực lượng tiến bộ trên thế giới.

Ngoại giao và quan hệ quốc tế là một trong những nhân tố quyết định đến sự thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Trong bối cảnh chủ nghĩa đế quốc câu kết với nhau , kẻ thù của các dân tộc thuộc địa và phụ thuộc có tính chất quốc tế cao, chúng bắt tay hợp tác với nhau cùng thống trị bóc lột các dân tộc thuộc địa và lệ thuộc, đòi hỏi các dân tộc đó phải đoàn kết huy động mọi lực lượng vào cuộc đấu tranh chống kẻ thù chung, không những thế phải biết đoàn kết và có mối liên hệ với phong trào công nhân ở chính quốc. Bởi vì “chủ nghĩa tư bản là một con đỉa có một cái vòi bám vào giai cấp vô sản ở chính quốc và một cái vòi khác bám vào giai cấp vô sản ở thuộc địa. Nếu muốn giết con vật ấy, người ta phải đồng thời cắt cả hai vòi. Nếu người ta chỉ cắt một vòi thôi, thì cái vòi còn lại kia vẫn tiếp tục hút máu của giai cấp vô sản, con vật vẫn tiếp tục sống và cái vòi bị cắt đứt lại sẽ mọc ra” [45, tr.120]. Tức là phải kết hợp cách mạng vô sản ở chính quốc với cách mạng giải phóng dân tộc ở thuộc địa, phải xem cách mạng vô sản ở thuộc địa như là một trong những cái cánh của cách mạng vô sản. Nhận thức được vai trò của vũ khí đối ngoại trong giai đoạn chiến tranh hiện đại, Hồ Chí Minh cho rằng “ngày nay ngoại giao ai thuận lợi hơn thì thắng”[46, tr.514]. Thông qua hợp tác và quan hệ quốc tế, sẽ phát huy được thế mạnh, hạn chế những khó khăn, quan hệ quốc tế là phương thức để kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, phát huy sức mạnh của mỗi quốc gia.

Là một người cộng sản, Hồ Chí Minh không chỉ thấy tầm quan trọng của yếu tố đoàn kết quốc tế mà Người còn sớm nhận rõ vai trò của quan hệ quốc tế với cách mạng Việt Nam. Quan điểm Hồ Chí Minh về vấn đề hợp tác

quốc tế hình thành từ những năm 20 của thế kỷ XX và trở thành quan điểm xuyên suốt quá trình Người cùng Đảng ta lãnh đạo sự nghiệp đấu tranh bảo vệ và xây dựng đất nước. Theo chủ tịch Hồ Chí Minh, quan hệ quốc tế có vai trò hết sức quan trọng đối với sự tồn tại của mỗi quốc gia dân tộc:

Ngoại giao, quan hệ quốc tế, và rộng hơn là đoàn kết quốc tế, là một trong những nhân tố quyết định thành công của cách mạng giải phóng dân tộc. Trên hành trình tìm đường cứu nước, khảo sát thực tiễn ở nhiều nước tư

bản và thuộc địa, Người đã sớm nhận rõ, chủ nghĩa đế quốc là một hệ thống thế giới, chúng vừa tranh giành, xâu xé thuộc địa, vừa vào hùa với nhau để nô dịch các dân tộc nhỏ yếu trong hệ thống thuộc địa của chúng. Người viết: “các đế quốc chủ nghĩa liên lạc nhau, để đè nén các dân tộc hèn yếu (Pháp liên lạc Tây Ban Nha để đánh lấy An Nam, liên lạc Nhật để giữ lấy An Nam, v.v.), các tư bản liên lạc nhau để tước bác thợ thuyền (tư bản Anh, Mỹ , Pháp liên lạc tư bản Đức để tước lục thợ thuyền Đức). Thợ thuyền các nước liên lạc nhau để chống lại tư bản(như hội công nhân quốc tế). Chúng ta cách mệnh thì cũng phải liên lạc tất cả những đảng cách mệnh trong thế giới để chống lại tư bản và đế quốc chủ nghĩa”[45, tr.281]

Hồ Chí Minh hiểu rõ vai trò và tầm quan trọng của vấn đề đoàn kết, quan hệ quốc tế; tuy nhiên theo Người, sức mạnh hợp tác đó chỉ có thể có hiệu quả và được nhân lên gấp bội nếu được tổ chức và hành động thống nhất. Chính từ nhận thức đó, Người đã tuyên truyền, vận động và hoạt động tích cực cho sự ra đời của các tổ chức quốc tế khác như Quốc tế Cộng sản, Quốc tế Nông dân…Trên các diễn đàn của các tổ chức nói trên, Người luôn tuyên truyền, cổ động nhằm hiện thực hóa khẩu hiệu của Lênin vĩ đại: “Vô sản toàn thế giới và các dân tộc bị áp bức liên hiệp lại”. Người đã chỉ trích khá gay gắt thái độ chỉ nói mà không hành động của nhiều người trong các tổ chức của Quốc tế Cộng sản, như Quốc tế Nông dân. Trong bài phát biểu tại phiên họp thứ 22 Đại hội lần thứ V Quốc tế Cộng sản, tháng 7-1924, Người nhắc lại luận điểm của Lênin: “Cách mạng ở phương Tây muốn thắng lợi thì phải liên

hệ chặt chẽ với phong trào giải phóng chống chủ nghĩa đế quốc ở các nước thuộc địa và các nước bị nô dịch và vấn đề dân tộc, như Lênin đã dạy chúng ta, chỉ là một bộ phận của vấn đề chung về cách mạng vô sản và chuyên chính vô sản”.[44, tr.277]

Do nhận thức được vai trò, vị trí chiến lược của cách mạng thuộc địa, đánh giá đúng sức mạnh dân tộc, năm 1921, Nguyễn Ái Quốc cho rằng cách mạng giải phóng dân tộc ở thuộc địa có thể giành thắng lợi trước cách mạng vô sản ở chính quốc. Người viết: “Ngày mà hàng trăm triệu nhân dân châu Á bị tàn sát và áp bức thức tỉnh để gạt bỏ sự bóc lột đê tiện của bọn thực dân lòng tham không đáy, họ sẽ hình thành một lực lượng khổng lồ, và trong khi thủ tiêu một trong những điều kiện tồn tại của chủ nghĩa tư bản là chủ nghĩa đế quốc, họ có thể giúp đỡ những người anh em mình ở phương Tây trong nhiệm vụ giải phóng hoàn toàn”[45, tr.36].

Ngay trong quá trình vận động thành lập Đảng, Người cũng chỉ rõ cách mạng Việt Nam muốn thành công thì phải có sự giúp đỡ quốc tế. Người khẳng định : “Cách mệnh An Nam cũng là một bộ phận trong cách mệnh thế giới. Ai làm cách mệnh trong thế giới đều là đồng chí của dân An Nam cả. Đã là đồng chí, thì sung sướng cực khổ phải có nhau. Huống gì, dân An Nam là đương lúc tranh đấu với đế quốc chủ nghĩa Pháp, chắc là về sau sẽ có nhiều người cách mệnh phải hi sinh, phải khốn khổ, phải cần anh em trong thế giới giúp dùm”[44, tr.301]. Đó là quan điểm nhất quán chỉ đạo mọi hoạt động quốc tế của Đảng ta từ khi ra đời cho đến nay.

Ngoại giao và quan hệ quốc tế góp phần làm tăng nguồn lực của dân tộc trong sự nghiệp xây dựng đất nước . Ngay sau khi Cách mạng Tháng Tám

thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, Hồ Chí Minh đã thấy rõ muốn xây dựng lại đất nước, cải thiện đời sống nhân dân, Việt Nam cần đến sự giao lưu, hỗ trợ quốc tế về vốn, máy móc và chuyên gia kỹ thuật. Cuối năm 1946 trong Lời kêu gọi Liên Hợp quốc, Người khẳng định Chính phủ

nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa chủ trương mở cửa hợp tác quốc tế trong mọi lĩnh vực.

Hồ Chí Minh khẳng định vai trò của ngoại giao, chủ quyền ngoại giao là chuẩn mực, là biểu hiện của một nhà nước độc lập. Giai đoạn 1945-1946 trong thương lượng đàm phán với Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kiên trì phấn đấu giữ vững chủ quyền ngoại giao coi vấn đề “có ngoại giao riêng” là một nhân tố quan trọng để hoàn chỉnh nền độc lập. Theo Người thì chủ quyền ngoại giao là một bộ phận quan trọng của chủ quyền quốc gia, nó còn là một thuộc tính của một nhà nước tự do độc lập không ai có thể tước đoạt được. Chủ quyền quốc gia còn có nghĩa là nhân dân, chính phủ ta có toàn quyền điều hành nền ngoại giao và định ra chính sách đối ngoại của mình, không phụ thuộc , ràng buộc vào chính sách đối ngoại và một thể chế của nước khác. Năm 1954, hòa bình được lập lại trên một nửa đất nước, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa có quan hệ ngoại giao với nhiều nước có chế độ chính trị xã hội khác nhau. Trên cương vị là người lãnh đạo cao nhất của Nhà nước Việt Nam, Hồ Chí Minh đã đi thăm nhiều nước trên thế giới; tiếp và làm việc với nhiều tổ chức quốc tế, các chính khách, các doanh nhân, các ký giả tới thăm và làm việc tại Việt Nam. Trong những dịp này, Người luôn thể hiện quan điểm của Đảng và Nhà nước Việt Nam là sẳn sàng mở rộng quan hệ hợp tác với tất cả các nước, kể cả các nước, các chính phủ trước đây đã đưa quân sang xâm lược Việt Nam. Người khẳng định, Đảng và Nhà nước Việt Nam sẳn sàng gác lại quá khứ để thực hiện việc hội nhập, hợp tác kinh tế với mọi đối tác. Ngày 5- 10-1959, khi trả lời ông Sira Isi Bôn, cố vấn biên tập báo Asahi Simbun xuất bản ở Tôkiô (Nhật Bản), về việc Nhật Bản bồi thường chiến tranh , Người nêu rõ lập trường của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là: “Nhân dân Việt Nam và Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thấy rằng việc đòi Nhật Bản bồi thường sẽ là một gánh nặng cho nhân dân Nhật Bản. Vấn đề cốt yếu trong quan hệ giữa hai nước không phải là việc bồi thường, mà tình đoàn kết hợp tác giữa hai dân tộc Việt-Nhật đấu tranh chống chiến tranh và bảo vệ hòa bình

là quý hơn hết”[51, tr.515]. Người thông báo; “…Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa mong muốn nhân dân hai nước luôn luôn có quan hệ tốt và ngày càng phát triển. Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc cần mở rộng công nghiệp, nông nghiệp, thương nghiệp để nâng cao sức sản xuất và cải thiện đời sống của nhân dân. Chúng tôi cần nhiều dụng cụ , máy móc và hàng hóa của các nước trong đó tất nhiên kể cả nước Nhật Bản.Và chúng tôi có thể cung cấp cho những nước ấy lương thực, cây công nghiệp và khoáng sản. Quan hệ buôn bán giữa nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Nhật Bản, nếu được cải thiện, có nhiều triển vọng tốt đẹp, có lợi cho nhân dân cả hai nước chúng ta”[52, tr.516].

Ngoại giao theo Hồ Chí Minh còn là một vũ khí cách mạng tiến công. Theo Người: Ngoại giao có vai trò quan trọng trong việc chủ động vận dụng sách lược lợi dụng sự khác nhau về lợi ích để phân hóa thế lực kẻ thù, làm suy yếu từng bộ phận, đi đến cô lập và đánh thắng kẻ thù chính trong từng thời kì cách mạng. Từ 1945-1969 các đợt chỉ đạo tiến công địch của Hồ Chí Minh có rất nhiều đợt tiến công bằng ngoại giao nhằm kiềm chế xung lực địch, phân hóa kẻ thù, thể hiện thiện chí của ta muốn giải quyết cuộc xung đột thông qua hòa bình đàm phán, buộc địch phải xuống thang và luôn tạo ra một cục diện kết hợp giữa “đánh và đàm”.

Như vậy, theo Hồ Chí Minh, quan hệ quốc tế có vai trò to lớn trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, điều đó được thể hiện:

Một là, để thu hút ngoại lực bổ sung cho những mặt còn yếu và còn thiếu trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước.

Hai là, thông qua quan hệ quốc tế, tham gia giải quyết những vấn đề chung của thế giới và khu vực, góp phần tăng cường củng cố hòa bình, hữu nghị với các dân tộc khác, nhất là với các nước anh em bạn bè và các nước láng giềng.

Ba là, quan hệ quốc tế tạo điều kiện để chúng ta tiếp thu những thành quả khoa học-kỹ thuật, kinh nghiệm quản lý của các nước tiên tiến, nâng cao kinh nghiệm quản lí, trình độ của đội ngũ khoa học-kỹ thuật và người lao động. Qua đó nâng cao năng lực của nền kinh tế, từng bước cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.

Bốn là, trong điều kiện vừa xây dựng đất nước, vừa phải tiến hành cuộc đấu tranh cách mạng nhằm giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc, mở rộng quan hệ kinh tế quốc tế còn nhằm tăng cường tiềm lực quốc phòng, bảo đảm sức mạnh bảo vệ Tổ quốc, giữ gìn an ninh và trật tự xã hội.

Một phần của tài liệu Tư tưởng Hồ Chí Minh về ngoại giao và sự vận dụng trong giai đoạn hiện nay (Trang 40)