Những trận chiến ác liệt

Một phần của tài liệu Nhật ký chiến tranh Việt Nam qua một số tác phẩm tiêu biểu (Trang 36)

Chương 2: MỘT SỐ ĐẶC ĐIỂM NỘI DUNG CỦA NHẬT KÝ CHIẾN TRANH

2.1.3.Những trận chiến ác liệt

Không như Nguyễn Văn Thạc – anh lính binh nhì làm công tác thông tin vẫn chưa được chính thức tham gia vào các trận đánh nơi chiến trường,

bác sĩ Đặng Thùy Trâm chiến đấu bằng nhiệm vụ cứu người cao cả hay nhà văn – chiến sỹ Dương Thị Xuân Quý chiến đấu trên mặt trận văn nghệ, Hoàng Thượng Lân là bộ đội đặc công, hàng ngày giáp mặt với những trận chiến hết sức ác liệt ở chiến trường, khi mà cái chết đến bất ngờ nhất, có thể cảm nhận một cách rõ ràng nhất, thậm chí có thể sờ thấy, ngửi thấy tư vị của nó. Anh là bộ đội chủ lực nên “chốt” ở nơi ác liệt nhất của chiến trường, nơi mà “những chiếc máy bay trinh sát L19 bay lượn suốt ngày tìm kiếm, những chiếc trực thăng vũ trang (chú bác quen gọi nó là "Utiti"), hình thù như con nòng nọc, nhả đại liên rốc-két suốt ngày xuống mặt đất” [15, tr 98]. Nếu như ở bệnh xá chiến trường của Đặng Thùy Trâm hay tiểu ban văn nghệ của Dương Thị Xuân Quý vẫn còn có những khoảng yên bình, thì Hoàng Thượng Lân và đơn vị của anh cũng như các đơn vị bộ đội chủ lực hầu như không có thời gian mà nghỉ ngơi, có chăng chỉ là những phút hiếm hoi được thư thái trong hầm, hút chung điếu thuốc hay tán gẫu với đồng đội. Những trận chiến đã ác liệt, đến khoảng lặng giữa các trận chiến cũng không yên bình “Dạo này, máy bay bay nhiều, mức độ đánh phá lớn. Ngày cũng như đêm, bom nổ rền suốt không lúc nào ngớt. Trời nắng ráo sáng sủa thì máy bay trinh sát đến, dò la rồi gọi bọn bổ nhào đến cắt bom, bắn rốc-két, chỉnh cho pháo biển, pháo Dốc Miếu, Cồn Tiên bắn ra, bắn vào. Trời mây mù, u ám thì từng đoàn, từng đoàn một, theo từng ô có sẵn trên bản đồ, bay tít trên cao thả bom xuống. Còn máy bay B52 thì bất kể, sáng đánh, chiều đánh, nửa đêm đánh...” [15, tr 157]

Chàng trai tài hoa Hoàng Thượng Lân đã tái hiện trong nhật ký những trận đánh ác liệt ở chiến trường Vĩnh Linh một cách rất chi tiết, từ ngày đầu tiên nổ súng cho đến trận chiến ác liệt nhất. Ngày nổ súng đầu tiên chưa có kinh nghiệm, anh quan sát để lộ mục tiêu, nhô cả người lên thành công sự: “Bên kia, một thằng xạ thủ súng máy đã ngắm vào con và nổ một loạt. May làm sao, đạn chỉ thi nhau cắm phầm phập vào ụ đất trước mặt, cát tung lên

từng cụm một. Thụp đầu xuống mãi một lúc mà vẫn chưa hẳn hoàn hồn. Lát sau, lại bị một viên bay qua, đạn đi căng quá, tai con ù lên, đinh đinh, choáng váng. Con đổ vội người xuống và nghĩ: "Chết chưa? Chết à?" [15, tr

97-98]. Từng trang nhật ký chi tiết và sống động đã mang đến cho chúng

ta cái nhìn chân xác nhất về sự ác liệt của chiến trường, ta như cũng cảm giác được nỗi bàng hoàng của anh lính trẻ Hoàng Thượng Lân khi thoát chết trong gang tấc, hay xót xa và đau đớn trước những mất mát trong trận chiến ác liệt nhất, kỷ niệm hằn sâu không thể nào quên của Hoàng Thượng Lân.

Trận chiến đấu quyết tử của đơn vị anh vào ngày 5 tháng 3 năm 1968 tại xóm Đại Độ, xã Cam Giang, huyện Cam Lộ,Vĩnh Linh (bây giờ là Quảng Trị) cả đơn vị thương vong hết, chỉ còn lại mình Hoàng Thượng Lân. Bản thân anh, bàn tay tài hoa cũng đã bị mất đi ngón cái. Trận chiến hết sức căng thẳng, diễn ra suốt từ khoảng chừng 7 giờ sáng đến tận chiều muộn, đó là trận chiến không hề cân sức. Bên phía ta, trung đội của Hoàng Thượng Lân chỉ được trang bị những vũ khí hạng nhẹ, thiếu thốn từ súng cho đến đạn dược để đối phó với các loại xe tăng, đại bác và máy bay hiện đại của kẻ thù. Lực lượng hai bên cũng không cân sức: bên ta chỉ có trung đội 2 với 19 chiến sỹ, trong khi bên địch có lính bộ binh, lại được 4-5 xe tăng yểm hộ, chưa kể những chiếc máy bay rè rè trên đầu, chỉ nhằm phóng rocket, nhả đại liên không ngớt… Địa điểm diễn ra trận đánh cũng hết sức bất lợi cho ta: đằng sau lưng là sông, không có điểm tựa mà chiến đấu; đã bị địch bao vây. Vậy là các chiến sỹ phải xé đường chạy trong tầm nhìn của giặc để vào trong xóm, nơi địa hình thuận tiện hơn cho việc tiến – lui và đánh địch. Nhưng trong xóm cũng không có công sự chiến đấu, họ phải nép mình sau những rặng tre để chống địch. Trận đánh giằng co suốt cả ngày, căng thẳng, ác liệt: “Pháo địch từ các nơi bắn về. Nổ chính xác vào đội hình của chúng con. Anh em bị

thương, lui ra sau hết. Hai trực thăng vũ trang phành phạch bay đến, nhè vào chỗ chúng con ẩn nấp bắn không ngớt. Đạn cắm chíu xuống quanh con, nghe lạnh cả xương sống. Hầm hố không có, nên ai cũng cố gắng thu người lại cho thật nhỏ” [15, tr 104]. Cuối cùng cả đơn vị đều chết và bị thương, chỉ còn trụ lại Hoàng Thượng Lân và đồng chí tiểu đội trưởng, nhưng hai đồng chí vẫn chiến đấu rất anh dũng. Nhận thấy sức chống trả yếu đi, “địch đánh lại mạnh, đạn xối vào chỗ chúng con như mưa, cả cái bao lúa đặt phía trước mặt con bị găm thủng "bùm píu" mấy lỗ. Đạn bay qua người con sát rạt, lạnh cả xương sống” [15, tr 106]. Cái chết hiện hữu ngay bên cạnh, thậm chí ngay khi Hoàng Thượng Lân bị mất ngón tay cái cũng nhanh và bất ngờ đến mức anh chỉ kịp cảm nhận “bàn tay bị hẫng, tê hẳn đi”, sau đó nhìn thấy “máu phun thành một tia nhỏ, đốt xương bị lồi bật ra, trông thấy những sợi gân nhỏ chưa đứt” [15, tr 106]. Không làm gì được, giặc bổ nhào bom vào trận địa, một xóm nhỏ như vậy mà phải chịu hơn 30 quả bom, nhà cửa và cây cối tan nát. Hoàng Thượng Lân và anh tiểu đội trưởng lạc nhau ngay loạt bom đầu tiên. Tỉnh dậy trong một căn hầm trống, đói khát và mệt vì mất nhiều máu, Lân bàng hoàng khi phát hiện ra chỉ còn một mình giữa trận địa, anh đi từng chiếc hầm, lần theo từng vết máu khô mong tìm thấy đồng đội và lại thất vọng tột cùng khi không còn ai. Trận chiến không cân sức kết thúc, toàn bộ 19 chiến sỹ đều bị thương, nhiều người đã mãi mãi nằm xuống. Máu các anh đã đổ xuống để chặn đường tiến của giặc vào trong xóm, tiêu diệt được 2 xe tăng và nhiều lính Mỹ - ngụy, và quan trọng nhất là đã phá được tàu giặc, ngăn chặn đường lấy hàng tiếp tế của chúng cho đồng bọn, cản được bộ binh địch từ Quáng Ngang xuống. Tuy đông quân, vũ khí hiện đại, lại bao vây được trung đội của Hoàng Thượng

Lân, song có thể nói trong trận chiến này, bên địch đã thua một cách thảm hại. Trong hoàn cảnh khó khăn, địch đánh phá dữ dội bên bờ Bến Hải để

đạt được những chiến công đáng tự hào: “Cách đây ba ngày, Bảo - một thằng mình chúa ghét về phong cách sinh hoạt hồi ở ngoài Bắc - đã bắn sập một lô cốt ở xóm 8. Yên - người dân tộc Thái, ở A3 B1 - trong một trường hợp ngẫu nhiên (đi lạc), qua ánh đèn pha, Yên trông thấy một xe M41 nằm lù lù ngay cạnh, và đã "oàng" cho một phát B40 rồi tháo chạy một mạch về đơn vị an toàn” [15, tr 150]. Chính tinh thần chiến đấu anh dũng của các anh đã đánh thắng được những vũ khí hiện đại và đội ngũ đông đảo Mỹ, ngụy của giặc, vì vậy mà dù “chúng đi toàn bằng tăng và đã được pháo, B52 dọn đường kỹ càng” nhưng “vẫn phải phơi sương lại 9 xe tăng”.

Ta cũng có thể bắt gặp những trận chiến dữ dội như thế trong Đường về

của Phạm Thiết Kế. Cũng là chiến sỹ đặc công, Phạm Thiết Kế và đồng đội nhiều lần đi trinh sát, làm công tác điều nghiên để chuẩn bị cho trận đánh.Có những trận đánh thành công vang dội, thu được thành quả lớn, như trận đánh tại Đồng Dù (Củ Chi): ta diệt được 1270 tên, phá huỷ 179 xe quân sự có 39 xe tăng, 125 máy bay, 12 pháo, 82 dãy nhà lính gồm 200 căn, 16 lô cốt, 29 hầm ngầm, 4 kho có 1 kho đạn rocket, 1 kho đạn pháo, 1 kho xăng, diệt chỉ huy sở sư, lữ. Ta thu 1 AR-15. (ngày 25.2.1969). Nhưng để có được thành quả đó, không biết bao nhiêu máu xương đã đổ xuống, biết bao người đã không thể trở về với gia đình.

Trong Tài hoa ra trận, Hoàng Thượng Lân đã ghi chép lại một cách thật chân thực, giúp chúng ta hiểu sâu hơn về những vất vả, nguy hiểm của người chiến sỹ chiến đấu trên chiến trường. Những trận chiến như thế vẫn hàng ngày, hàng giờ diễn ra trên khắp miền Nam máu lửa. Biết bao con người đã ngã xuống, biết bao gia đình mất người thân? Nhưng hơn hết, vượt qua tất cả, mọi người luôn hướng về miền Nam ruột thịt, không quản ngại gian khó, hy sinh để chiến đấu vì nền độc lập, thống nhất nước nhà. Những chàng trai,

cô gái như Hoàng Thượng Lân, Nguyễn Văn Thạc, Đặng Thùy Trâm… đã rời xa giảng đường, đã từ bỏ cuộc sống êm đềm và những sở thích cá nhân để dấn mình vào chiến trường, góp công sức và máu xương của mình cho miền Nam ruột thịt, cho Tổ quốc. Thật đáng trân trọng!

Một phần của tài liệu Nhật ký chiến tranh Việt Nam qua một số tác phẩm tiêu biểu (Trang 36)