Công tác huấn luyện gian khổ

Một phần của tài liệu Nhật ký chiến tranh Việt Nam qua một số tác phẩm tiêu biểu (Trang 27 - 31)

Chương 2: MỘT SỐ ĐẶC ĐIỂM NỘI DUNG CỦA NHẬT KÝ CHIẾN TRANH

2.1.1.Công tác huấn luyện gian khổ

Sau những hào hứng ban đầu của người được đứng trong hàng ngũ bộ đội theo đúng nguyện vọng, sau những bịn rịn tiễn đưa của người thân, sau những giờ phút ngồi ô tô đến điểm tập kết… cuộc đời bộ đội đã chính thức bắt đầu với những anh tân binh như Nguyễn Văn Thạc. Anh bắt đầu công tác huấn luyện để chuẩn bị sức khỏe, tâm lý và kỹ năng cho cuộc đời bộ đội chiến trường đầy gian khổ. Những chặng đường hành quân bất chợt giữa đêm, đi hàng chục cây số giữa trời nắng chang chang với ba lô nặng trĩu trên vai quả thật là một thử nghiệm mới mẻ. Thạc đã kể về những lần hành quân của mình với nhật ký một cách thật tỉ mỉ, những khó khăn vất vả cũng hiện lên rất chi tiết qua từng con chữ. Có lẽ vất vả nhất là khi phải hành quân dưới cái nắng chang chang như đổ lửa: “Hôm nay, đi bên sông dưới cái nắng chang chang, trên vai là ba lô con cóc của Trường Sơn. Không thể nói là nhẹ được. Quai đeo thít vào vai, ép lồng ngực lại. Đau và bỏng rát, rất khó thở. Đè lên hông, ép vào lưng, ướt đầm đìa là mồ hôi ta đấy” [29, tr 34]. Hay lần hành quân ngày 26.11.1971: “Tiến về phía đó, 600 con người gò lưng và bước. 30 kg trên lưng, đường bụi… Phải, lần nào hành quân cũng vậy. Không còn nghĩ ngợi được gì nữa. Thiên nhiên thu hẹp bằng nắp vung dưới gót người đi trước. Không gian như co, như dồn, như ép, ép mạnh vào khắp cơ thể, vào cổ, vào vai, vào lưng, vào chân. Mệt lắm, nặng lắm. Sự thật gồ ghề biết chừng nào” [29, tr 67]. Hành quân dưới cái nắng chang chang thế này thì quả thật không còn sức lực: “Nắng rất gắt và choáng… Nắng Hà Tĩnh, nhất là khoảng 3,4 giờ chiều, nắng gắt kinh khủng, như thiêu như đốt, hoa cả mắt và đầu thì cứ ong ong” [29, tr 222]. Vừa rời ghế giảng đường, vai sinh viên thơi thới gánh thơ, văn khó mà quen được với “sự thật gồ ghề” là những ba lô nặng trĩu trên lưng luôn muốn níu người xuống mỗi khi lên dốc, là những giọt mồ hôi thi nhau rơi trên những chặng đường nắng như đổ lửa… Anh đã thốt lên đầy thất vọng

và mệt mỏi: “Sao con đường dài thế, dài mãi. Mất hết cảm giác về vai và chân bước hoàn toàn theo cảm tính”, cổ họng khát khô… “Rèn, chao ôi, cái chữ đáng ghét thế” [29, tr 80]. Hình ảnh những con người gò lưng dưới cái nắng gay gắt thế này chúng ta có thể dễ dàng tìm thấy trong các cuốn nhật ký khác. Đó là khi hành quân qua nước bạn Lào, Đặng Sĩ Ngọc cũng cảm nhận: “Nắng như thiêu đốt đã mấy ngày (…) những tia nắng vàng như hàng triệu mũi tên lửa mỏng manh lao xuống, bao trùm trên mặt đất. Đến cả những con vật như lợn, gà… cũng phải há miệng ra mà thở” [20, tr 37]

Cũng giống như Nguyễn Văn Thạc, trong cuốn nhật ký Trở về trong

giấc mơ còn lưu giữ lại được của liệt sỹ Trần Minh Tiến, cảnh tập luyện vất

vả và gian khổ ở Tam Đảo với những dốc núi cao, dốc thẳng đứng càng khiến chúng ta thêm cảm phục về ý chí và quyết tâm của những người chiến sỹ chuẩn bị ra mặt trận. Họ phải tập luyện trước, đeo ba lô nặng cho quen, tập đánh trận để sau leo Trường Sơn khỏi bỡ ngỡ: “Leo qua một con dốc lớn, mồm, mũi, tai tranh nhau thở (…). Đường dốc ghê quá, suốt từ 11 giờ đến 4 giờ chiều đôi chân vẫn cuốc đều trên những bậc đá cao chênh vênh. Chỉ sảy chân là gieo người xuống hai bên sườn núi. Trời ngày càng nhiều mây. Những đám mây mù dày đặc nhìn ra khoảng trống bầu trời mù mịt. Lên tới đỉnh đầu tiên của dãy núi cao trên ngàn mét, dừng chân làm lán” [31, tr 29]. Luyện tập vất vả như vậy để tạo cho bộ đội ta tinh thần kiên quyết, sắt đá, vượt qua mọi khó khăn gian khổ khi vào chiến trường. Vì khi ở chiến trường, không chỉ phải trải qua những vất vả khi hành quân mà còn phải chiến đấu, nên sức ép chắc chắn sẽ nặng nề hơn với các chiến sỹ. Ta có thể tìm thấy những đoạn nhật ký miêu tả chặng đường vượt dốc, san rừng thật sự ở Trường Sơn vất vả như thế nào qua cảm nhận của Hoàng Thượng Lân trong Tài hoa ra trận hay trong Đường về của Phạm Thiết Kế, khi phải vượt cơn sốt rét ác tính và miên

man với những con đường: “vừa dài lại vừa dốc, dốc mẹ dốc con dốc chi là dốc. Lúc đầu còn đếm được cuối cùng thì thở cũng không kịp nữa” [12, tr 31] Trong nhật ký của Nguyễn Ngọc Tấn, ta cũng bắt gặp những chặng đường hành quân đầy gian lao, vất vả của các chiến sỹ. Tuy thế, các chiến sỹ vẫn luôn hoàn thành nhiệm vụ, quên bản thân mình để bảo vệ vũ khí: “Những anh lính không áo mưa, cởi trần, cởi truồng, gửi áo, gửi quần cho các lính có áo mưa, người co lại, đi khúm núm. Võ khí được bảo vệ triệt để, họ che nhứt định không cho ướt, nhứt định không để ảnh hưởng tới chiến đấu” [28, tr 28]. Đó là một hành động rất nhỏ, nhưng lại có sức chuyển tải lớn, thể hiện được nét đẹp vô cùng của anh bộ đội cụ Hồ. Họ có thể nhận khó khăn về mình chứ không để ảnh hưởng đến chiến dịch, nhất định phải bảo vệ vũ khí để chiến đấu với giặc, nhất là khi vũ khí của chúng ta thiếu thốn đủ bề.

Tuy chưa quen với những vất vả trên đường hành quân, tuy có lúc mệt mỏi mà than thở, nhưng vượt trên tất cả, anh sinh viên Nguyễn Văn Thạc vẫn luôn lạc quan, cười trên hoàn cảnh: “Ta đặt ba lô, và cười luôn được. Ừ, cuộc đời ta là thế. Phải cười và phải vui… Vai sinh viên, mặc dù tâm hồn luôn bay bổng, nhưng nên thơ hơn cả những vần thơ là cái nghiến điếng người trên vai, là cái nóng bàng hoàng, dữ dội” [29, tr 34]. Nguyễn Văn Thạc cũng giống như biết bao sinh viên thời đó, náo nức được đóng góp sức lực của mình cho cách mạng, hồ hởi vào chiến trường với tâm thế của người yêu nước, mang lý tưởng quên mình vì Tổ quốc. Những khó khăn đầu tiên gặp phải tuy có làm họ mệt mỏi, song không làm họ chùn bước, vì họ hiểu rằng đó chỉ là những gian lao rất nhỏ so với ở chiến trường. Họ luôn cười vui, lạc quan, vượt qua mọi khó khăn.

Thiếu thốn đồ ăn, nước uống… có lẽ là một trong những điều thường gặp nhất trên những chặng đường hành quân, vì cả dân tộc phải căng mình ra chiến đấu, địa phương nào cũng khó khăn, gia đình nào cũng vất vả, luôn phải

sơ tán, tăng gia sản xuất kết hợp với đào hầm và đánh địch… Thế nên cho dù hậu phương “tất cả cho tiền tuyến” và đã chuẩn bị thật chu đáo, song không thể tránh khỏi thiếu thốn. Nguyễn Văn Thạc cũng gặp những khó khăn này trên đường hành quân. Những ba lô nặng trĩu, những chặng đường dài lê thê dưới trời nắng gắt hay những đêm lạnh không làm anh thấy kinh sợ bằng việc phải dùng thứ nước bẩn: “Vậy là rửa mặt, rửa tay chân, tắm giặt, nước ăn, tất cả đều ở trên một cái ao nhỏ xíu, cỏ đầy trên mặt nước. Nước cứ mờ mờ xanh, và chỉ khẽ khua lên là lầm đục. Đứng trên bờ thấy lợm giọng vì một mùi tanh. Ôi chao, kinh sợ quá đi mất” [29, tr 156]. Trong cuốn nhật ký Trời xanh

không biên giới của Đặng Sĩ Ngọc – có lẽ cuốn nhật ký duy nhất được in là

của một người hiện vẫn đang còn sống, ông cũng đã kể về những thiếu thốn mà mình và đơn vị đã gặp phải. Thiếu thốn cái ăn, phải ăn lương khô liên tục đến nỗi miệng sưng lên. Thiếu nước uống: “nước bẩn ơi là bẩn, chắt từng hạt nước đục như nước trầu mà rửa, mà nấu. Vậy mà có đủ đâu, anh nuôi phải khoác AK, gánh thùng đi xa hàng mấy cây số rồi chờ nước cả buổi mới đầy”. Khổ sở nhất có lẽ là cái cảnh không được tắm trong khí trời nóng nực như thiêu đốt: “Đã mười ngày rồi mình không tắm giặt, áo dính một lớp đất đen, dày cộp, người thì lấy tay chà một cái nhè nhẹ lên da là đất cứ lăn ra như những con nhộng đen sì. Mặt mũi cảm thấy khô quắt queo, mồ hôi dầu nhễ nhại, hôi hắc lên. Cũng may thỉnh thoảng có cơn gió thổi lộng mát vào lòng vào ruột. Lấy gió mà rửa mà tắm cho bớt nóng trong người” [20, tr 51]

Nguyễn Văn Thạc đã ghi lại hết sức chân thực những khó khăn thiếu thốn mà một anh tân binh gặp phải. Đó mới chỉ là những khó khăn ban đầu trong công tác huấn luyện, khi các anh chưa thật sự đi vào chiến trường ác liệt nhất. Chính trên những chặng đường hành quân đầy vất vả và gian khổ, thiếu thốn như thế, tình đồng đội càng bền chặt hơn: các anh thương nhau, san sẻ cho nhau một chút nước trong bi đông, đeo hộ nhau một chút nặng nhọc,

nhường cho nhau một chỗ nghỉ tốt, một mảnh chăn, một tấm tăng lành, dành cho nhau một chiếc hầm đào dở… Phải chăng chính những gắn bó như thế, tình đồng đội keo sơn như thế, tình quân dân cá nước một lòng như thế đã làm nên động lực lớn đưa Việt Nam chúng ta vượt qua biết bao nhiêu khó khăn để vượt qua hai cuộc kháng chiến trường kỳ, tiến dần đến chiến thắng.

Một phần của tài liệu Nhật ký chiến tranh Việt Nam qua một số tác phẩm tiêu biểu (Trang 27 - 31)