Chiến tranh với đầy đủ sự khốc liệt của nó, có thể nói như một sự sàng lọc ghê gớm nhất. Có rất nhiều chiến sỹ hăm hở vào chiến trường với mong muốn góp sức mình cho cách mạng, nhưng những chặng đường hành quân dài dằng dặc với ốm đau liên miên, đói khát thường trực và cái chết cận kề đôi lúc đã làm con người quên đi cái hăm hở, cái tốt đẹp ban đầu. Thay vào đó, họ bộc lộ những nét bản chất nhất, những nét chân thực nhất, đôi khi là sự tàn nhẫn, nhỏ nhen, ích kỷ. Nhật ký chiến tranh khắc họa rõ nét nhất điều này – điều mà ta rất khó để tìm thấy trong các tác phẩm văn học kháng chiến - khi việc xây dựng hình tượng anh bộ đội Cụ Hồ là một chiều, luôn luôn tốt đẹp, luôn luôn sáng ngời lý tưởng. Nhật ký là sự nhìn nhận thật nhất, sắc nét nhất những thói hư tật xấu, những phút bản thể của con người, khiến hình tượng anh bộ đội cụ Hồ cũng như hình ảnh con người trong chiến tranh hiện lên đa chiều, đa diện.
Dù vất vả đến mức không chịu nổi trong các cuộc hành quân, song sự mệt mỏi về thể xác đó không làm Nguyễn Văn Thạc đau đớn bằng sự thờ ơ của quần chúng. Hành quân đến một xóm đồi, bộ đội ta bắt gặp những cặp mắt nghi ngờ, xa lạ, những cái nhìn lạnh lẽo và thụt vội vào nhà sau khi đóng vội cánh cửa tre. “Vào nhà nào họ cũng đuổi. Lắm lý do đến thế, nào là đợi ông ấy về… Tệ hơn, có gia đình không thèm tiếp và trả lời: gia đình tôi chưa có ai đi bộ đội nên không biết đối xử với các chú như thế nào” [29, tr 82]. Thạc cũng đau khổ khi chứng kiến người bạn gần gũi của mình đảo ngũ do không chịu đựng nổi những khó khăn vất vả của công tác, cầm tờ giấy truy nã bạn trong tay mà anh xót xa, rồi lại thầm trách mình sao không gần gũi bạn hơn nữa, sao không yêu quý và hiểu bạn hơn nữa để động viên bạn luôn đứng trong hàng ngũ. Có khi, anh động viên mình hãy cao thượng, nhường nhịn
đồng đội để có tình bạn tốt, nhưng lại không thể nào làm được với người cùng tổ mà Thạc “ghét như xúc đất đổ đi”. Với những đố kỵ, kèn cựa trong hàng ngũ, Thạc thấy mệt mỏi: “Mình cảm thấy cuộc sống này thế nào ấy. Người ta sống chưa thật lòng với nhau. Còn kèn cựa, còn ghen tỵ và chưa thương yêu nhau như mình mong muốn” [29, tr 134]. Anh thất vọng khi về một nơi mới mà chứng kiến cảnh đồng đội “sống không thật lòng với nhau. Mọi người còn ham chuộng thành tích và khen thưởng lắm”. Anh buồn và suy nghĩ khi mình không được anh em tín nhiệm nữa, anh buồn khi thấy đồng đội so kè thiệt hơn ở nơi lẽ ra phải đoàn kết, và nên “cao thượng và khiêm nhường hơn”. Sống ở nơi chiến trường đầy nguy hiểm, cái chết luôn luôn rình rập, lẽ ra mọi người nên sống thật chân thành, nhưng điều đó dường như vẫn chưa thực hiện được. Chàng lính binh nhì bức xúc ghi lại suy nghĩ của mình trong một buổi họp toàn A: “Mình không thể chịu đựng được cái thái độ giả dối, bợ đỡ cấp trên và lấy lòng cấp dưới – Không thể chịu đựng được thái độ lên mặt kẻ cả, phát biểu với giọng khề khà, nhạo báng của Đ” [29, tr 196].
Với Đặng Thùy Trâm, nhiều lúc chị buồn khi trong hàng ngũ của Đảng vẫn còn những con người chỉ bon chen cho quyền lợi cá nhân của mình, vì ganh ghét mà không cho chị đứng trong hàng ngũ cao quý ấy. Dù đã dặn lòng cuộc đời luôn luôn có hai mặt, luôn có người tốt kẻ xấu, nhưng Thùy Trâm vẫn không nguôi cay đắng và day dứt với câu hỏi: “Tại sao khi ta là kẻ đúng, khi ta là số đông mà không đấu tranh được với một số nhỏ, để số người đó gây khó khăn trở ngại cho tập thể” [32, tr 50]. Đặng Thùy Trâm cũng giống như Nguyễn Văn Thạc đều có những lúc dao động và buồn nản khi chưa được đứng trong hàng ngũ của Đảng, vì có một số trở ngại mang tính giai cấp, và gặp phải sự phản đối, ganh ghét của những người không chung quan điểm, đến mức như khi Thùy Trâm viết đơn vào Đảng mà chị cảm thấy “niềm vui thì ít mà bực dọc thì nhiều.” Đã có lúc chị bi quan khi nghĩ về tình người, tình
đồng đội: “Dù anh có chân thực bao nhiêu đi chăng nữa rồi vẫn có lúc anh đau xót thấy rằng vẫn có những kẻ dùng mánh lới khôn khéo, lừa đảo để giành cướp với anh từng chút uy tín, từng chút quyền lợi, có khi chỉ là những chuyện vô cùng nhỏ nhặt như miếng ăn, đồ vật” [32, tr 53]. Thùy Trâm lo lắng, sợ hãi vì đôi khi “kẻ thù phi nghĩa không sợ, mà sợ những nọc độc của kẻ thù còn rớt lại trong đồng chí của mình” [32, tr 55].
Trong cuốn nhật ký nào chúng ta cũng bắt gặp sự phản ánh chân xác nhất những mặt trái của đồng đội, của con người trong chiến tranh. Dương Thị Xuân Quý đã nhận xét một cách chua xót về hiện tượng đảo ngũ: “Cuộc sống đúng là một sự sàng lọc ghê gớm. Chặng nào cũng thấy lính đảo ngũ. Họ sợ chết, sợ gian khổ… ” [26, tr 31] hay chị thấy thất vọng trước người đồng đội bấy lâu của mình: “Nếu ông Ch cũng cố như mình, anh và Thông thì số tài liệu được mang hết cả rồi. Mình ghét ông ấy quá. Ba lô của ông ấy nhẹ, nhẹ hơn cả của mình, nhưng lúc anh bảo bỏ bớt tài liệu lại, ông ấy bèn đòi trút sang gùi của mình bao gạo đầy của ông ấy. Tồi quá” [26, tr 65]. Rồi những suy nghĩ về việc lãnh đạo kém nhanh nhạy để tiểu ban văn nghệ bị đói hoành hành: “Tiểu ban mình thì cái gì cũng chậm chạp vì nhiều khó khăn quá. Mình cho rằng lỗi chính là ở lãnh đạo. Ông V.L lờ khờ. Ông Đ. thì cả nể tắc trách. Trần Tiến thì không bao quát được cả và cũng chả có sức nặng trong tiếng nói với cấp trên” [26, tr 119]… Hoàng Thượng Lân cũng thấy đau xót khi “Chỉ vài ba cá nhân còn rớt lại là làm hại đơn vị: T. - một thằng ba hoa, lắm mồm nhất - vào đây hóa ra nhát như một con gián. P. cảm tình Đảng, ở ngoài Bắc ai cũng phục về tài nói, tài làm; nhưng khi vào đây, ranh giới giữa cái chết và sự sống xích lại, P. đã nằm lì, kêu đau và xin ra Bắc...” [15, tr 150]