Giọng điệu di chúc

Một phần của tài liệu Nhật ký chiến tranh Việt Nam qua một số tác phẩm tiêu biểu (Trang 77)

Chương 3 MỘT SỐ ĐẶC ĐIỂM NGHỆ THUẬT TIÊU BIỂU CỦA NHẬT KÝ CHIẾN TRANH

3.3. Giọng điệu di chúc

Giọng điệu cũng là một trong những yếu tố làm nên sức hấp dẫn về nghệ thuật của một tác phẩm văn chương, với nhật ký cũng vậy. Đọc Mãi mãi

tuổi hai mươi của Nguyễn Văn Thạc, chắc hẳn chúng ta đều bị lôi cuốn bởi

giọng văn mượt như nhung của anh khi tả cảnh thiên nhiên, hay những cung bậc đầy cảm xúc trong những trang viết về nỗi nhớ và tình yêu với Như Anh. Những đoạn văn như thế này quả thật đã lôi cuốn cả những người khó tính nhất: “Mùa đông chưa về đến đây(..). Cây sầu đông chưa mở ra những mối sầu cho mình an ủi. Chùm quả chín vàng lấm tấm trên nền áo xanh của bầu trời, nhắc mình nhớ về cái ngõ hẹp vào nhà. Ao cô Tơ còn mọc trên làn nước chùm hoa lau cho tụi con trai đánh trận hay không? Mấy cây hồng bì, cây nhãn bên sân hàng xóm có còn hay không, ngày trước, đấy là nơi tụi trẻ bán hàng và chơi trò đám cưới; cái dù vàng che cô dâu, chú rể, giờ tơi tả khắp bốn phương” [29, tr 89]. Nỗi nhớ nhung về những tháng ngày còn thơ trẻ với trò chơi con nít cùng với cảnh thiên nhiên đẹp đã được diễn tả trong giọng văn mượt mà, tinh tế và ngập tràn cảm xúc. Trong suốt những trang nhật ký của mình, Nguyễn Văn Thạc vẫn dẫn dắt người đọc bằng giọng điệu mềm mại cuốn hút ấy.

Còn chàng sỹ quan đặc công Phạm Thiết Kế thì lại có giọng kể rất dí dỏm, hài hước, đúng “chất” bộ đội đặc công. Có lẽ chưa ở đâu, vắt rừng, sốt rét rừng lại được ví như một “anh bạn cũ” đã từng quen biết trên dọc đường Trường Sơn, thậm chí, có đoạn tác giả còn gọi là “cái bà sốt rét” ưa gây gổ, hay một “chú vắt” tinh nghịch thích trêu đùa… Giọng văn dí dỏm hài hước, vượt qua mọi khó khăn mà vẫn cười “Cảnh bộ đội nằm võng ngủ rừng cũng

tình ghê. Chung quanh thì tiếng chim hót líu lo, bên dưới anh bộ đội đung đưa chiếc võng, mái nhà là một tấm ni lông, rất ung dung, trời mưa gió gì mặc, cứ việc duỗi chân đánh một giấc say sưa. Chỉ tội lắm muỗi và vắt, hôm nay một chú vắt đã xơi mình rồi, và một chú đu trên màn định lén xơi mình thì bị mình phát hiện và bắt quả tang khi cậu ta chưa kịp hành động” [12, tr 139]. Luôn hài hước trong những hoàn cảnh khó khăn nhất, tác giả cuốn nhật ký đã làm nổi bật ý chí của người cách mạng ngạo nghễ và kiêu hùng, tự ví mình như một “cây lim giữa rừng Trường Sơn” thách thức với gió bão và bom đạn của kẻ thù. Đi sâu vào những thử thách của người lính từ việc phải đối mặt với vắt rừng, sốt rét rừng đến việc thiếu lương thực, thuốc men… cuốn nhật ký đã cung cấp cho người đọc một cái nhìn chân thực, toàn diện về sự khắc nghiệt của chiến tranh.

Nhưng điểm khác biệt nhất về giọng điệu mà ta tìm thấy ở những trang nhật ký chiến tranh, đặc biệt là của những người ở chiến trường, đó là giọng điệu di chúc. Giọng điệu này chỉ tìm thấy khi tác giả đối mặt với cái chết, khi mà sự ra đi của họ có thể không có ngày trở về, họ có thể không còn được gặp lại những người thân yêu của mình nữa. Họ nhắn nhủ những người ở lại, đó là bố mẹ, là người anh trai thân thiết, là người bạn gái mến yêu... tất cả những gì yêu thương nhất, da diết nhất… Những lời dặn dò như thế này không thiếu trong các cuốn nhật ký: Đêm ngủ, mình với H. nằm tâm sự, dặn dò nhau. Mình dặn nó:

- Nhỡ tao có việc gì rồi thì mày cứ tìm về nhà tao mà báo lại ở H4 Nguyễn Công Trứ, chắc mày chưa quên địa chỉ ấy chứ?

Nó cũng dặn mình:

Đó là lời dặn dò đồng đội của Hoàng Thượng Lân, và chắc hẳn tất cả những người ra chiến trường đều muốn nhắn nhủ người ở lại qua những trang nhật ký thay cho di chúc của mình. Ra chiến trường, hàng ngày đối diện với sự sống và cái chết, có thể hy sinh bất cứ lúc nào… những người chiến sỹ chỉ còn cuốn sổ nhỏ để tâm sự những gì day dứt nhất còn lại. Ngay từ đầu những trang nhật ký Tài hoa ra trận, Hoàng Thượng Lân đã viết: “Ở đây, những ngày căng thẳng nhất, con đã viết nhật ký vào một tập pôluya gấp nhỏ. Con muốn kể lại những gì con đã thấy, những cảm nghĩ và lòng quyết tâm chiến đấu của con đến hơi thở cuối cùng. Cũng là bản “di chúc” dặn dò, nếu nhỡ con có hy sinh, người ta sẽ gửi ra cho ba mẹ” [15, tr 91]. Ở bìa cuốn nhật ký nào của anh cũng là lời nắn nót: “Nếu tôi có hy sinh, hoặc nhỡ có xảy ra chuyện gì, xin làm ơn chuyển giúp cuốn sổ này cho cha tôi ngoài Hà Nội theo địa chỉ: Ông Hoàng Nguyên Kỳ, nhà H4, phòng 47, khu tập thể Nguyễn Công Trứ” [15, tr 18]. Đây cũng là điều mong muốn chung của những người viết nhật ký đang ở chiến trường như Nguyễn Văn Thạc hay Đặng Thùy Trâm. Họ luôn coi nhật ký của mình thay cho lời “di chúc”, đó là những lời nhắn nhủ tâm huyết với những người ở lại, vì họ biết lúc nào cũng có thể ra đi, cái chết có thể đến bất cứ lúc nào! Nguyễn Văn Thạc cũng đã nhắn nhủ người ở lại: “ừ, nếu như tôi không trở lại, ai sẽ thay tôi viết tiếp những dòng này” [29, tr 271]. Đặng Thùy Trâm trước khi đi công tác đã gửi lại cho đứa em cuốn sổ của mình: “Chị gửi ba lô cho em, trong đó có quyển sổ… muốn nói tiếp rằng nếu chị không về nữa thì em giữ cuốn sổ đó và sau này gửi về cho gia đình. Nhưng mình không nói hết câu” [32, tr 157]. Dương Thị Xuân Quý thì luôn có những dòng nhắn nhủ với con gái Hương Ly bé bỏng: “Sau này lớn lên con sẽ đọc những dòng này và tự hào về cố gắng của mẹ”, “sau này con sẽ hiểu, sẽ yêu và kiêu hãnh về bố mẹ hơn nhé” [26, tr 90]. Phạm Thiết Kế nhắn nhủ với gia đình trước khi tham gia một trận chiến: “Ngày mai anh sẽ bước

vào cuộc chiến đấu ác liệt đầy hy sinh gian khổ. Dẫu rằng anh có mãi mãi xa em và hai con, thì anh mong em và hai con hãy đừng buồn. Em, trong cuộc sống chúng ta tuy không gần nhau nhiều nhưng cũng đã để lại cho nhau những kỷ niệm đẹp biết chừng nào, mà hai con là niềm hạnh phúc, niềm vui của chúng ta. Anh hoàn toàn tự hào và phấn khởi bước vào cuộc chiến đấu quyết liệt lần này. Anh thấy sung sướng được góp sức mình trong giai đoạn cuối cùng này của kách mạng, anh sẽ làm trọn nghĩa vụ của mình, người Đảng viên cộng sản” [12, tr 167].

Những lời tâm huyết đó là lời di chúc, có thể nói là sự “trăng trối” đầy tâm huyết của những người ra đi. Trong những trang nhật ký của mình, Nguyễn Văn Thạc luôn luôn nhớ đến Như Anh với những kỷ niệm đẹp nhất, Đặng Thùy Trâm luôn mang trong tim bóng hình những người thân yêu trong gia đình và cả mối tình đầu dang dở, Hoàng Thượng Lân luôn nhắc nhớ lại những kỷ niệm từ thuở ấu thơ… Đó cũng như là một cách “hồi cố”, ôn lại những kỷ niệm, tổng kết lại những gì đã có để sẵn sàng cho một sự ra đi không trở lại. Những trang nhật ký – di chúc không hề bi thương mà vẫn luôn tràn ngập hào sảng, tinh thần quyết tâm chiến đấu vì lý tưởng, không hề ân hận, như Đặng Thùy Trâm đã nói: “Con tự hào vì đã dâng trọn đời mình cho Tổ quốc. Dĩ nhiên, con cũng cay đắng vì không được sống tiếp cuộc sống hòa bình hạnh phúc mà mọi người trong đó có con đã đổ máu xương để giành lại. Nhưng có gì đâu, hàng triệu người như con đã ngã xuống mà chưa hề được hưởng trọn lấy một ngày hạnh phúc. Cho nên có ân hận gì đâu” [32, tr 157]. Những trang nhật ký – di chúc này đã nhắn gửi cho thế hệ trẻ Việt Nam hiểu thêm về trang sử hào hùng của dân tộc. Họ có quyền tự hào về Tổ quốc, về con người, về nền văn hoá đã thấm đẫm biết bao công sức, sự sáng tạo và với cả mồ hôi, xương máu. Đó chính là tinh hoa của dân tộc Việt Nam

KẾT LUẬN

1. Nhật ký là một thể loại thuộc loại hình ký, là một dạng biến thể của ký hiện đại; nó ghi chép những sự kiện, cảm xúc, suy nghĩ của cá nhân người viết về những gì xảy ra trong ngày hay trong thời điểm gần. Đó là lời tự bộc bạch, thổ lộ với bản thân mình những điều không thể nói với bất kỳ ai, vì thế nhật ký là thể loại ký mang tính chất riêng tư, đời thường nhiều nhất. Qua mỗi cuốn nhật ký, chúng ta sẽ tìm hiểu được về đời sống tâm hồn của một con người, những trải nghiệm và bí mật của họ mà không thể tìm thấy trong thể loại văn học nào khác.

Nhật ký là thể loại độc thoại, tự mình nói với mình, vì thế tác giả hay nhân vật của cuốn nhật ký luôn ở ngôi thứ nhất. Nếu như trong các thể loại khác như phóng sự, tùy bút, bút ký… trung tâm thông tin không phải là tác giả mà là các vấn đề xã hội thì ở nhật ký người viết luôn là trung tâm, cái tôi trần thuật bao quát toàn bộ tác phẩm.

2. Sự xuất hiện các tác phẩm nhật ký chiến tranh là một hiện tượng xã hội và văn học. Từ sau năm 2005, với sự thành công mở đường của nhật ký

Đặng Thùy TrâmMãi mãi tuổi hai mươi, một loạt cuốn nhật ký chiến tranh

ra đời đã tạo nên hiệu ứng xã hội rộng lớn và thu hút sự quan tâm của giới nghiên cứu về phương diện thể loại nhật ký.

Nhật ký chiến tranh cũng mang đầy đủ mọi nét đặc điểm của thể loại nhật ký nói chung. Tuy nhiên, do hoàn cảnh ra đời rất đặc biệt nên thể loại này có một số yếu tố riêng về nội dung phản ánh cũng như hình thức biểu hiện. Tuy là những cuốn nhật ký riêng tư, viết không nhằm quảng bá rộng rãi và không hề có ý định “làm văn”, song do được ra đời trong chiến tranh, phản

ánh được đời sống tinh thần và lý tưởng của cả một thế hệ thanh niên thời đó, cùng hướng tới sự kiện lớn là cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vĩ đại… nên những cuốn nhật ký chiến tranh đều có thể coi là nhật ký có “phẩm chất văn học”.

3. Cùng với các thể loại khác trong dòng văn học viết về chiến tranh như tiểu thuyết, truyện ngắn… nhật ký chiến tranh là bức tranh sinh động ghi lại cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vĩ đại của dân tộc một cách chân thực nhất từ hiện thực khắc nghiệt của chiến trường đến đời sống tâm hồn của những người chiến sỹ. Nhưng do đặc điểm thể loại, được viết ra như một sự thổ lộ, tâm sự với chính bản thân mình một cách trung thực nhất nên những gì được ghi chép lại trong các trang nhật ký đều vô cùng chân thực. Vì thế, có thể coi nhật ký chiến tranh là nguồn tư liệu đáng quý và chân xác nhất về chiến tranh.

4. Do được viết trong những hoàn cảnh rất khác thường nên hình thức ghi chép của nhật ký chiến tranh cũng mang những nét đặc biệt. Có những trang nhật ký rất ngắn, chỉ vội vã ghi chép lại vài dòng về sự ra đi của một người bạn, hay đơn thuần kể những sự kiện diễn ra trong ngày. Có những trang rất dài, rất tâm trạng về nỗi nhớ nhung sầu muộn về những khung cảnh thiên nhiên đẹp hay về kỷ niệm thời ấu thơ… Có trang nhật ký được ghi ngay miệng hầm, có lúc ghi sau một trận càn, khi lại ghi ngay sau khi vừa thoát chết, hoặc ghi vội giữa trận đánh hay giữa cơn đói cồn cào. Đó là sự ghi chép linh hoạt rất riêng của nhật ký chiến tranh, do bị chi phối bởi hoàn cảnh ác liệt nơi chiến trường. Sự ghi chép linh hoạt của nhật ký chiến tranh cho chúng ta cái nhìn toàn diện hơn về cuộc sống của người lính nơi chiến trường, thấm thía sâu sắc về hiện thực khốc liệt của chiến tranh và càng thêm trân trọng những dòng nhật ký ra đời trong bão lửa.

5.Những người lính ra chiến trường trong tâm thế sẵn sàng đối mặt với cái chết, vì họ hiểu rõ sự ác liệt nơi chiến trường và sẵn sàng hy sinh vì độc lập tự do của đất nước. Chính vì thế, những trang nhật ký không chỉ là lời tâm sự, là những ghi chép bình thường mà là sự dặn dò tha thiết nhất, tâm huyết nhất của người ra đi dành cho người ở lại, là sự “di chúc” cho người ở lại những gì mà người đi chưa làm được. Đây cũng là một trong những điểm làm nên sức hấp dẫn của những trang nhật ký rất bình dị này, vì qua đó, chúng ta có thể hiểu một cách sâu sắc nhất, toàn diện nhất về những khó khăn ác liệt của chiến tranh cũng như đời sống tâm hồn và lý tưởng cách mạng cao đẹp của thế hệ cha anh.

Một phần của tài liệu Nhật ký chiến tranh Việt Nam qua một số tác phẩm tiêu biểu (Trang 77)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(90 trang)