Những mối tình đẹp qua các trang viết

Một phần của tài liệu Nhật ký chiến tranh Việt Nam qua một số tác phẩm tiêu biểu (Trang 55 - 58)

Tình yêu luôn là một đề tài bất tận với văn học, là nguồn cảm hứng bao la cho những bài thơ, những tiểu thuyết dài hay những truyện ngắn. Bên cạnh giá trị phản ánh chân thực đời sống và con người Việt Nam qua các vùng miền nơi các chiến sỹ đã đi qua, bên cạnh sự tố cáo chiến tranh một cách sâu sắc nhất… những cuốn nhật ký còn mang đến cho chúng ta bài học về tình yêu, không chỉ đơn thuần là tình yêu nam nữ mà rộng hơn, đó còn là tình yêu thương của những người ruột thịt, niềm yêu mến của bạn bè dành cho nhau và cả tình yêu đối với những địa danh, những con người cùng chung lý tưởng trên khắp đất nước. Từng trang viết đều thấm đẫm yêu thương và nhung nhớ. Tình yêu thương là động lực tinh thần giúp những chiến sỹ vượt qua được sự khắc nghiệt của chiến trường.

Trải dài trong từng trang viết Mãi mãi tuổi hai mươi là nỗi nhớ nhung tha thiết của anh lính binh nhì Nguyễn Văn Thạc dành cho Như Anh – người bạn gái mà anh yêu thương. Anh nhớ đến Như Anh bất cứ lúc nào, khi ngồi trên tàu hành quân đến khi rảnh rỗi trong đêm, khi không ngủ được hay khi thấy một ánh trăng đẹp, khi tâm hồn ngân lên những nốt nhạc tinh tế trước cảnh thiên nhiên đẹp. Nghe một bài hát cũng khiến anh chiến sỹ trẻ nhớ đến bạn gái và lần hẹn hò đi chơi của hai người với đầy ắp kỷ niệm, với nỗi nhớ đến quay quắt: “Ao ước lắm, một lần gặp bạn, một lần nữa thôi…”, “Chao ôi, là nhớ…Mình tưởng tượng thấy bóng dáng yêu dấu đang nép sau thân bạch đàn ứ nhựa” [29, tr 44], “Khuôn mặt dịu dàng ấy, sao hôm nay im lặng thế, xôn xao trong lòng ta”, “Ôi, giọng nói ấy, cứ làm ta rạo rực, giọng nói đánh

thức trong ta những niềm xao xuyến đã chết lặng và làm cho hồn ta, trái tim ta tràn đầy hạnh phúc” [29, tr 45]. Anh luôn khao khát đến ngày hòa bình để được gặp lại người bạn gái yêu dấu của mình “Luôn luôn ta mơ ước, ta khao khát, một buổi sáng đẹp trời, nhớ một màu xanh kỳ dị, ta thức giấc trong hạnh phúc. Một người đang chờ ta, đang đợi ta. Đó là P, đó là P yêu dấu”, “ta khao khát một sớm mùa hạ, cùng nắm tay P trong phòng đọc sách” [29, tr 45]… Anh vẽ ra viễn cảnh được gặp gỡ người yêu, khi đó anh sẽ kể cho cô nghe mọi chuyện, từ những con đường hành quân đầy gian lao, về những con người, những đồi phi lao, những mảnh trăng cong nỗi nhớ, về nỗi sợ hãi khi nghĩ đến việc phải xa cô vĩnh viễn… Có những khi, anh “trò chuyện cùng tấm ảnh, thổi vào tấm ảnh một linh hồn”, để có thể tâm sự với Như Anh tất cả những nỗi niềm trong lòng mình.

Khác với mối tình nồng thắm của Nguyễn Văn Thạc, Đặng Thùy Trâm lại luôn luôn khắc khoải trong từng trang viết khi nhớ về M, về mối tình dài chín năm nhưng cuối cùng lại không có cái kết có hậu. Chị luôn nhớ về tình yêu của mình, nhưng đó không phải là nỗi nhớ nồng nàn của một người đang yêu say đắm phải cách xa người yêu như Nguyễn Văn Thạc, mà nỗi nhớ luôn mang chút day dứt, dằn vặt và hoài niệm, tiếc nhớ. “M ơi, hãy đi đi, đừng gieo đau buồn lên con tim rớm máu của Th nữa. Giữa chúng ta không thể nào có một hạnh phúc vĩnh viễn dù cả hai chúng ta còn sống sau cuộc chiến tranh này” [32, tr 57]. Bên cạnh đó, với chị, nỗi nhớ gia đình không lúc nào nguôi: “Ba năm qua, trên từng chặng đường con bước, trong muôn vàn âm thanh hỗn hợp của chiến trường, bao giờ cũng có một âm thanh dịu dàng tha thiết mà sao có một âm lượng cao hơn tất cả mọi đạn bom sấm sét vang lên trong lòng con. Đó là tiếng nói của miền Bắc yêu thương, của mẹ, của ba, của em, của tất cả. Từ hàng lim xào xạc trên đường Đại La, từ tiếng sóng sông Hồng dào dạt vỗ đến cả âm thanh hỗn tạp của cuộc sống thủ đô vẫn vang vọng trong con

không một phút nào nguôi cả” [32, tr 243] Chị mong muốn được quay trở về căn nhà yêu dấu để được sống trong tình yêu thương vô bờ bến của cha mẹ và các em…

Dương Thị Xuân Quý thì không lúc nào nguôi được nỗi nhớ đứa con gái mới mười mấy tháng tuổi. Nhìn thấy vầng trăng chị cũng tưởng tượng đó là đôi mắt Ly đang dõi theo mẹ, trong từng trang nhật ký chị luôn kể với con những công việc hàng ngày của mình, rồi hứa với con sẽ cố gắng đạt được mục tiêu, viết được những tác phẩm hay để con tự hào. Lúc nào chị cũng “thèm hôn lên má con và nói chuyện với con quá. Mình thì thầm hát bài Ru con và mình bật khóc. Ly ơi, chắc hôm nay Ly đã quên mẹ rồi” [26, tr 28]. Trên đường hành quân chị không kìm nổi nước mắt khi nhớ đến đứa con gái bé bỏng: “Con ơi, sáng nay mẹ đã vừa đi vừa khóc vì thương con. Mẹ khóc giữa hàng quân, người đi trước không nhìn thấy mẹ khóc, người đi sau không nhìn thấy mẹ khóc” [26, tr 34], “Nhớ Ly tê tái. Ly ơi, hôm nay mẹ xa Ly chẵn 5 tháng rồi đấy” [26, tr 112], “Ôi! Thương Ly vô hạn. Cứ nghĩ vậy là mình lại khóc. Khổ thân con quá. Đời nó có cái mốc thật lạ. Đẻ ra vừa biết cười là bom đạn. Vừa biết gọi mẹ là xa mẹ, vừa biết nói ba là tiếng nói “đi Nam”” [26, tr 51]. Có ai hiểu được nỗi lòng đau đớn như cắt từng khúc ruột khi phải xa đứa con bé bỏng của mình, có lúc xót xa quá chị lại thấy ân hận vì đã vào chiến trường: “Khổ thân con tôi. Một nỗi hối hận vò xé lòng tôi. Biết thế này tôi không đi nữa, hoặc chờ Ly lớn một chút, gửi vào trại đã. Tôi vội vàng quá” [26, tr 86]

Với Hoàng Thượng Lân, anh không nói với ai câu “Đợi anh về” như phần lớn các chàng trai ra trận thời đó đều bày tỏ với người yêu. Cho dù có tình cảm với người bạn gái tên Thủy, nhưng Hoàng Thượng Lân không dám bày tỏ, cũng không dám chấp nhận tình cảm của Thủy. Tưởng chừng điều đó rất vô lý, nhưng hàng ngày hàng giờ đối diện với bom đạn, chết chóc, anh lo

sợ chiến trường ác liệt sẽ níu chân anh, sẽ là nơi anh nằm xuống. Nếu anh không trở về, người bạn gái của anh sẽ đau khổ biết nhường nào, anh thà hy sinh tình cảm của riêng mình để người con gái thanh thản mà quên anh cùng tình cảm của cô ấy. “Thời gian giúp chúng ta xa nhau và quên nhau. Đó là sự hy sinh của anh. Anh sẽ thắng những gì yếu đuối nhất trong tâm hồn. Xa em, từ chối tình yêu của em có nghĩa là anh yêu em, thương em. Chính anh là kẻ phân vân nhiều nhất: làm sao để em có thể hiểu được tâm trạng của anh? Không bao giờ anh về với em đâu, anh sẽ tránh gặp em, tránh để em khỏi nhìn thấy anh và... em biết không, càng như thế, anh càng yêu em tha thiết trong một tâm trạng rối bời: sự kết thúc!” [15, tr 263 - 264]. Anh cũng luôn thường trực nỗi nhớ nhà, nhớ ba mẹ đến phát khóc: “Giờ mẹ có biết không? Con thèm được thấy mặt mẹ, hình ảnh của một buổi sáng mẹ tiễn con đi. Con muốn được mẹ vỗ về chăm sóc, an ủi con trong những ngày này” [15, tr 89].

Một phần của tài liệu Nhật ký chiến tranh Việt Nam qua một số tác phẩm tiêu biểu (Trang 55 - 58)