Chương 3 MỘT SỐ ĐẶC ĐIỂM NGHỆ THUẬT TIÊU BIỂU CỦA NHẬT KÝ CHIẾN TRANH
3.1. Ngôn ngữ quy ước
Trong những cuốn nhật ký chúng ta đều bắt gặp mật độ khá dày đặc của những tên viết tắt như M, N.A, A, P, T, V.L, C… Đó cũng có thể là tên của chính mình được quy ước thành một chữ cái, hay đó cũng có thể là tên của người yêu, tên của một người đồng đội… là cách để tác giả tự nói với
mình cũng như người thương trong lòng, hình dung ra người yêu quý đang ở bên cạnh để tâm sự, nói với lòng mình cũng là nói với một ai đó. Ta thường bắt gặp loại ngôn ngữ quy ước này trong nhật ký chứ ít gặp trong những thể loại khác, và đặc biệt trong nhật ký chiến tranh ta mới thấy được sự xuất hiện dày đặc.
Như chúng ta đã biết, ngôn ngữ có vai trò vô cùng quan trọng trong việc cấu thành nên tác phẩm văn học, vì văn học được coi là “nghệ thuật của ngôn từ”. Nhật ký cũng không nằm ngoài quan niệm đó. Vì là thể tài mang tính chất riêng tư nên ngôn ngữ trong nhật ký cũng có sự quy ước riêng, đồng thời còn có sự kết hợp linh hoạt giữa ngôn ngữ đời thường và ngôn ngữ trữ tình. Có những trang nhật ký chỉ đơn thuần dùng ngôn ngữ đời thường như một cách ghi việc, kể lại những gì xảy ra với mình. “Sáng ra kho lĩnh gạo. Kho ở một khu rừng non, đồng chí giữ kho dễ tính mà lại sàng sẩy đàng hoàng, lúc đó mới đóng gùi” [6, tr 72]; “Đại hội huyện đoàn thanh niên, sống giữa niềm vui của lớp thanh niên lớn lên trong chiến đấu. Được gặp và nghe các em thiếu nhi báo cáo điển hình” [22, tr 83]… Cũng có những trang viết đầy chất văn, mượt mà như của Nguyễn Văn Thạc: “Mùa đông chưa về đến đây(..). Cây sầu đông chưa mở ra những mối sầu cho mình an ủi. Chùm quả chín vàng lấm tấm trên nền áo xanh của bầu trời, nhắc mình nhớ về cái ngõ hẹp vào nhà. Ao cô Tơ còn mọc trên làn nước chùm hoa lau cho tụi con trai đánh trận hay không? Mấy cây hồng bì, cây nhãn bên sân hàng xóm có còn hay không, ngày trước, đấy là nơi tụi trẻ bán hàng và chơi trò đám cưới; cái dù vàng che cô dâu, chú rể, giờ tơi tả khắp bốn phương” [29, tr 89].
Trong các cuốn nhật ký, tác giả sử dụng ngôn ngữ quy ước có khi như một cách thể hiện tình yêu của Nguyễn Văn Thạc và Như Anh, đó cũng là cách thể hiện những suy nghĩ một cách kín đáo. Đây là những suy nghĩ riêng tư nên các tác giả thường dùng ngôn ngữ quy ước để có thể bộc lộ tình cảm,
đánh giá của mình một cách khách quan nhất, cũng như một hình thức nhấn mạnh với bản thân mình về những người được quy ước bằng tên viết tắt.
Trong những trang nhật ký Mãi mãi tuổi hai mươi tràn ngập nỗi nhớ Như Anh, Thạc thay thế tên Như Anh bằng các quy ước N.A, A, P… Mỗi cái tên quy ước như tự nhắc nhở với lòng mình về nỗi nhớ Như Anh, có sự quy ước như P và T chỉ có riêng hai người hiểu, như thế những trang nhật ký chỉ để viết cho bản thân, nhấn mạnh tình yêu của anh dành cho bạn gái, vì chỉ có chị đọc mới hiểu hết được những tâm sự của anh muốn nói đến những gì. Hình ảnh của chị tràn ngập trên những chặng đường hành quân vất vả, khiến anh quên đi mệt mỏi; những lúc cảm nhận được một khung cảnh thiên nhiên đẹp, Thạc cũng nhắc nhớ Như Anh với lòng mình. Ngay cả những khi anh mệt mỏi, thất vọng và chán nản khi chưa được đứng trong hàng ngũ của Đảng anh cũng tâm sự với chị. Có lúc anh tự nói với lòng mình, có lúc tưởng tượng ra Như Anh đang ở trước mặt để trò chuyện cho vơi đi nỗi nhớ: “ta gục đầu xuống bàn… Rồi sau đó thì sao, P. không biết nữa, P. không muốn biết nữa, vì khi đó T. gần quá, đến nỗi không chấp nhận được câu trả lời ấy” [29, tr 41] Có những lúc anh tự hỏi rồi lại giải thích ngay vì sao mình chậm trễ việc viết thư: “Hay P. giận vì lá thư cuối tháng 6 không được trả lời? Không viết nổi P. ạ, không sao viết nổi, vì nỗi thương cảm sâu xa bóp nghẹt trái tim T…” [29, tr 44]. Anh tưởng tượng Như Anh ở nơi xa: “P. có khỏe không, có nhức đầu và mệt mỏi hay không? Những đêm khuya như thế này, P. đã đi ngủ hay chưa? Bài chắc nhiều và khó, có lúc nào P. phải nhíu mày, tập trung suy nghĩ về một bài toán? Ước gì giúp được P. phần nào, đỡ cho P. một phần khó khăn trong học tập” [29, tr 58]. Có lúc anh gọi tên chị mà không dùng quy ước: “Mới đó đã 4 tháng trời… Bốn tháng, biết mấy thương yêu, buồn khổ và nhớ nhung. Niềm vui chỉ là lòng yêu đất nước và những lá thư âu yếm của Như Anh.
Niềm sung sướng chỉ là được Như Anh nhớ nhung, chỉ là những giờ phút nhớ về dáng người mà ta yêu quý” [29, tr 78 – 79]
Trong Nhật ký Đặng Thuỳ Trâm, chị cũng thường xuyên nhắc đến người yêu tên M. với chín năm yêu thương và chờ đợi, có khi là lời gọi đầu thảng thốt: “M. ơi”, cũng có khi là những lời hỏi đầy day dứt không hiểu thái độ của M. như thế nào, suy nghĩ của M. thế nào mà lại viết những lời thư như thế. Từ đầu đến cuối trang nhật ký, chúng ta vẫn không thể biết gì thêm về người chiến sỹ tên M. trong suy nghĩ của Thuỳ Trâm. Chị muốn bí mật với cả bản thân mình, không muốn nhắc đầy đủ tên người đã từng làm chị đau đớn và tiếc nuối chăng? “M. ơi, biết nói gì với M. đây? Vẫn thương yêu M. vô hạn nhưng tình thương trộn lẫn sự giận hờn trách móc. M. nói Th không hiểu M. ư? Đâu có, Th. hiểu M., nhưng hiểu hết chưa thì quả thật là chưa” [32, tr 45], “Không! M. ơi, hãy đi đi, đừng gieo đau buồn lên con tim rớm máu của Th nữa…” [32, tr 57]
Có khi, ngôn ngữ quy ước là cách thể hiện những đánh giá khách quan nhất về những người đồng đội xung quanh mình. Nguyễn Văn Thạc thấy khó chịu khi một người đồng đội tên S tự động lục lọi đồ đạc của mình và dùng mà không hỏi trước, hay anh thấy: “Mình không thể chịu đựng được cái thái độ giả dối, bợ đỡ cấp trên và lấy lòng cấp dưới – Không thể chịu đựng được thái độ lên mặt kẻ cả, phát biểu với giọng khề khà, nhạo báng của Đ” [29, tr 196]. Trong Nhật ký chiến trường, ta cũng thấy những lúc Dương Thị Xuân Quý dùng ngôn ngữ quy ước là khi chị thấy khó chịu với những người đồng đội bên cạnh mình, như ông Ch trong lúc tải gạo không nhiệt tình, chỉ lo cho bản thân mình mà không đỡ đồng đội khi bị ốm; hay như anh V.L có những khi chỉ đạo không sát sao, không có tiếng nói để cải thiện tình hình cho anh em trong tiểu ban Văn nghệ… “Nếu ông Ch cũng cố như mình, anh và Thông thì số tài liệu được mang hết cả rồi. Mình ghét ông ấy quá. Ba lô của ông ấy
nhẹ, nhẹ hơn cả của mình, nhưng lúc anh bảo bỏ bớt tài liệu lại, ông ấy bèn đòi trút sang gùi của mình bao gạo đầy của ông ấy. Tồi quá” [26, tr 65] Rồi những suy nghĩ về việc lãnh đạo kém nhanh nhạy để tiểu ban văn nghệ bị đói hoành hành: “Tiểu ban mình thì cái gì cũng chậm chạp vì nhiều khó khăn quá. Mình cho rằng lỗi chính là ở lãnh đạo. Ông V.L lờ khờ. Ông Đ. thì cả nể tắc trách. Trần Tiến thì không bao quát được cả và cũng chả có sức nặng trong tiếng nói với cấp trên” [26, tr 119]… Hoàng Thượng Lân cũng thấy đau xót khi “Chỉ vài ba cá nhân còn rớt lại là làm hại đơn vị: T. - một thằng ba hoa, lắm mồm nhất - vào đây hóa ra nhát như một con gián. P. cảm tình Đảng, ở ngoài Bắc ai cũng phục về tài nói, tài làm; nhưng khi vào đây, ranh giới giữa cái chết và sự sống xích lại, P. đã nằm lì, kêu đau và xin ra Bắc...” [15, tr 150]. Phải chăng dùng ngôn ngữ quy ước để có thể giữ bí mật và nhận xét khách quan nhất của mình về mặt trái của những người đồng đội, đồng chí?