Nỗi lo âu, đau đớn trước cái chết

Một phần của tài liệu Nhật ký chiến tranh Việt Nam qua một số tác phẩm tiêu biểu (Trang 41 - 46)

Chương 2: MỘT SỐ ĐẶC ĐIỂM NỘI DUNG CỦA NHẬT KÝ CHIẾN TRANH

2.2.1Nỗi lo âu, đau đớn trước cái chết

Có một thời các tác phẩm văn chương kháng chiến của chúng ta tránh không nói đến cái chết, đến sự chia ly, đến nỗi buồn và sự yếu đuối mà chỉ có những cái đầu ngẩng cao đầy khí thế, sự ra đi hiên ngang không quay đầu lại để tạo tâm thế phấn khởi cho những người ra đi… Đó chính là thời gian mà những cuốn nhật ký ra đời. Thế nhưng, trong những cuốn nhật ký chiến tranh

này, một trong những hình ảnh xuất hiện với tần số dày đặc nhất chính là cái chết. Cái chết muôn hình muôn vẻ, khi hiện lên ở tử thi không nguyên vẹn của những chiến sỹ đã hy sinh, có khi lại hiện hữu trong một cánh tay trong khóm cỏ nơi ngã ba đường, có khi lại xuất hiện ở hình ảnh chiếc quan tài của các cụ già chuẩn bị trước cho ngày về với đất mẹ… Cái chết hiện hữu ở khắp nơi, bắt gặp trong hầu hết các trang nhật ký. Có cái chết do những cơn sốt rét ác tính kéo dài, trong điều kiện thiếu thốn thuốc men, đói ăn: “Nghe tin anh Ngô Hữu Trí sốt rét ác tính chết, mình rụng rời cả người” [26, tr 142], “Ở miền Nam không phải chỉ chết vì bom đạn mà còn chết vì bệnh tật” [26, tr 137]; “Hôm nay mình đi đến trạm 36, nơi đây sẽ tách là 2 đường: đi Bắc Âu và đi Hải Yến. Đến đây mà các đoàn đã ốm kha khá, đoàn A để lại 3 người, đoàn anh Quốc tính cả anh là 12 người. Cái chứng sốt rét đã đánh ngã anh ta, mới mấy hôm trước đây trông anh ta còn khoẻ thế mà giờ đã ngã rồi.” [12, tr 28]. Nhưng chủ yếu cái chết hiện lên trong các cuốn nhật ký là do bom đạn của kẻ thù, do tội ác chồng chất của chúng. Chúng trút hàng đống bom đạn xuống những cánh đồng, những ngôi nhà và cướp đi sinh mạng của biết bao chiến sỹ cũng như người dân dọc các nẻo chiến trường.

Xa gia đình và Như Anh yêu thương, có lúc tưởng chừng đã đối diện với cái chết, Nguyễn Văn Thạc đã phải thốt lên lo âu và tiếc nuối, rằng: “Thật ghê sợ khi phải vĩnh viễn xa gia đình. Kể ra, bây giờ mà chết thì thật đáng tiếc(…) Khó gì đâu – cái chết – chỉ một viên đạn lạc hay một hơi bom – sự thật bi đát đó không trừ một ai cả” [29, tr 113]. Những hình ảnh như “Anh Phúc bị bom tiện đứt chân tay, nằm trong chiếc quan tài đỏ”, “em bé miền Nam đập tay lên vũng máu” [29, tr 52] đã không còn xa lạ nữa, thương vong và chết chóc luôn rình rập bất cứ lúc nào, “cái chết luôn đi bên cạnh” cuộc đời những anh lính chiến. Khi chia tay một người đồng đội đi nhận công tác mới, ai cũng bịn rịn và chuẩn bị tinh thần vì đó rất có thể là lần gặp gỡ cuối cùng:

“Ngày mai ra trận, dễ một đi không trở lại lắm” [29, tr 102]. Có khi, anh lính tân binh Nguyễn Văn Thạc nghĩ đến viễn cảnh phải xa người yêu mà sợ hãi: “Tới đây, ta mới hiểu thế nào là sự sợ hãi khi phải vĩnh viễn xa P. Đừng, lạy Chúa, viễn cảnh ấy đừng bao giờ xảy ra cả…” [29, tr 46].

Trong lời giới thiệu cuốn Nhật ký Đặng Thùy Trâm, nhà nghiên cứu Vương Trí Nhàn đã có đoạn nhận xét về cái chết: “Tuy cái chết không được miêu tả nhiều trong nhật ký, nhưng trong tâm trí Thùy Trâm, nó luôn luôn có mặt. Nó đứng thấp thoáng đằng sau các sự kiện, và cuộc đối diện với cái chết làm nên một phần nội dung của cuộc sống, tức cũng là làm nên vẻ đẹp cao thượng của con người lúc đó mới có 27 tuổi này” [32, tr 10-11]. Dù hàng ngày luôn phải đối diện với thương vong và chết chóc nhưng trong những trang viết của mình, bác sỹ Trâm không thường xuyên nhắc đến cái chết, ta chỉ thấy nó ẩn hiện thấp thoáng đằng sau những sự kiện, những trận càn hay những lời tâm sự đầy yêu thương khi chị hay tin một người đồng đội của mình nằm xuống. Cái chết luôn luôn rình rập những người chiến sỹ và có thể đến bất cứ lúc nào: anh thương binh tên San may mắn thoát chết, nhưng 15 người đồng đội của anh đã hy sinh, người bạn gái thân thiết tên Hường đã ra đi một cách đột ngột, hay một cánh thư gửi chưa đến tay người nhận thì đã phải nằm lại cùng với đồng chí liên lạc, hai người đồng đội mới cùng trò chuyện buổi tối mà đến đêm chỉ còn là hai cái xác… Nữ bác sĩ đã phải thốt lên đầy cay đắng: “Chiến tranh còn tiếp diễn, chết chóc vẫn diễn ra hàng ngày, từng giờ từng phút, dễ như trở bàn tay vậy(…) Chết quá dễ dàng, không có cách nào đề phòng được những tổn thất ấy cả. Buồn làm sao!” [32, tr 48]. Nhắc đến cái chết, chị dùng những hình ảnh rất ám ảnh: “những cái chết chảy máu trong lòng người sống”, “chết chóc hy sinh còn dễ dàng hơn ăn một bữa cơm”, “cái chết gần một bên”, “cái chết tưởng như sờ thấy được”… Quả thật, chiến tranh là mất mát, là hy sinh, đặc biệt ở những mảnh đất nóng bỏng lửa

khói như Đức Phổ thì hầu như 100% các gia đình đều có tang tóc. Chết chóc hy sinh đè nặng trên đầu mỗi người dân. Nhưng không vì thế mà họ lùi bước, những cái chết của người thân chỉ làm những người dân quật cường thêm căm thù giặc và nung nấu quyết tâm đánh đuổi lũ xâm lược để trả lại bình yên cho quê hương, để không còn phải chứng kiến những cuộc chia ly mãi mãi nữa. Với bác sĩ Thùy Trâm, dù cái chết luôn hiện hữu bên cạnh nhưng chị không hề thấy sợ hãi, mỗi người bạn ngã xuống là một lần chị đau thấu tâm can, song thêm một lần chị quyết tâm chiến đấu để trả thù cho bạn của mình.

Trong Tài hoa ra trận, chứng kiến những người đồng đội của mình ngã xuống, cái chết quá dễ dàng đến với mọi người, Hoàng Thượng Lân trải qua đủ mọi cung bậc cảm xúc: từ bàng hoàng đến hoảng sợ, đau đớn… Trong lá thư gửi về cho cha mẹ, Hoàng Thượng Lân đã kể về nơi “hậu cứ an toàn” của đơn vị anh với những loạt máy bay lượn vè vè và bom tọa độ cắt liên tục, với thương vong và cái chết gần sát.: “Cái chết đến nhanh và bất ngờ vô cùng, không làm sao mà có thể biết nó sẽ đến lúc nào cả” và anh kể về cảm giác của mình khi chứng kiến sự ra đi của những người đồng đội thân thiết của mình:

Ba mẹ ạ. Thú thật, ngày đầu con đã hoảng sợ một cách ghê gớm khi thấy đồng chí Du nằm chết, đầu óc vỡ toang. Mới hôm nào, khi hành quân qua đất Hà Tĩnh, trên đò sông La, anh ấy nói: "Tao chấm cho đất Hà Tĩnh của mày được 10 điểm!". Thế mà bây giờ anh ấy đã chết rồi đấy! Đồng chí Thám cũng vậy, 8 giờ sáng anh ấy chết nhưng cách 2 giờ trước đó, con còn gọi anh ấy bò sang hầm cùng hút chung điếu thuốc lá!” [15, tr 91]. Cái chết hiện lên muôn hình muôn vẻ: Du chết rồi nhưng không được yên, bị nó gài cho một quả lựu đạn dưới đầu, đến tối anh em ra lấy xác, lựu đạn nổ, phá thêm vào khuôn mặt ấy những hố sâu hoắm, không còn thấy đúng hình dạng của Du nữa. Đồng chí Thám khi bị thương còn ngoắc ngoải, bị địch lấy lưỡi lê đâm cho nát cổ.” [15, tr 98]. Đọc những dòng này chúng ta lại nhớ đến cái chết của người đồng chí

trẻ trong Nắng đồng bằng của nhà văn Chu Lai, anh hy sinh nhưng giặc giữ xác anh và cắm cọc, đặt bom, đến khi bộ đội ta lấy được xác về thì không còn lại gì cả… Thật đau đớn trước những cái chết tức tưởi như vậy!

Có những chi tiết rất ám ảnh về cái chết trong các cuốn nhật ký. Hoàng Thượng Lân đã có những ấn tượng không thể nào quên khi bắt gặp một bộ xương người trắng mốc bên gốc đa ven đường hay thấy một cánh tay đã teo khô nằm trong bụi cỏ nơi ngã ba đường, khi đi lấy xác đồng đội: “Làm sao mà quên được cái ngày chính tự tay con đi lấy xác đồng đội. Đồng chí đó bị một quả pháo rót trúng ngay vào hầm, bị vùi lấp hết, còn hở hai cái chân. Máu của người chết dính cả vào quần áo con, một mùi tanh không bao giờ quên vị nó được. Chiều đó, nghĩ đến lúc đào tử sĩ, con không nuốt nổi cơm, người run như sốt rét” [15, tr 99]. Trong Mùa hè cháy chúng ta cũng bắt gặp những chi tiết rất ám ảnh và sợ hãi, lột tả một cách thật nhất sự khủng khiếp của chiến tranh: “Một quả mìn đang xòe cánh treo trên một cành cây khô. Vừa lùi lại đi vòng để tránh, lại gặp ngay một bộ xương người nửa đen thui, nửa còn trắng” [8, tr 114]. Rất nhiều người chết mà không toàn thây, đã chết rồi còn bị hành hạ rất dã man: “ra khỏi hầm chúng tôi sững lại khi thấy một cái đùi của đồng đội máu me treo trên cành cây gãy” [8, tr 172]. B trọc của Phạm Việt Long cũng mang đến những hình ảnh đau đớn về cái chết và sự ác liệt của chiến trường: “Tại đó có 2 xác bộ đội nghĩa vụ bị biệt kích bắn chết cách đây đã lâu. Không ai chôn cả, giờ đây hai xác chỉ còn là hai bộ xương, lồng trong hai bộ quân phục mục nát” [17, tr 99]… Quả thật, chỉ với những cái chết tức tưởi trong các cuốn nhật ký cũng đủ cho ta hình dung được chiến trường khốc liệt đến nhường nào.

Sự ác liệt nơi chiến trường với cái chết cận kề có thể làm cho người chiến sỹ có cảm giác hoang mang, hoảng sợ. Đó là những cảm giác rất thật, rất bản thể của con người mà chúng ta chỉ bắt gặp trong những trang nhật ký

chứ không dễ dàng tìm được trong nền văn học viết về chiến tranh. Những trang nhật ký là lời tâm sự với chính bản thân mình nên các tác giả không có gì phải giấu giếm, họ trải lòng mình qua nhật ký với đủ mọi cung bậc tình cảm, kể cả những lúc thấy yếu đuối và hoang mang nhất khi chứng kiến cái chết đến quá dễ dàng với đồng đội của mình. Nhưng đó chỉ là những cảm giác, cảm nhận về cái chết chứ không phải là những suy nghĩ bi quan, không làm những chiến sỹ trẻ chùn bước. Nguyễn Văn Thạc có ước mơ rất lãng mạn rằng, nếu được chết xin hãy chôn anh dưới gốc cây bạch đàn, để luôn được nghe tiếng gió, tiếng lá vi vu, và nếu còn được nghĩ thì sẽ làm toán, làm thơ… Hoàng Thượng Lân thì đối diện với cái chết với tâm trạng khá bình thản: “Lâm còn sống, đang và đã quen với bom đạn lắm rồi. Trúng thì chết thôi! Chẳng sao cả!” [15, tr 150]

Một phần của tài liệu Nhật ký chiến tranh Việt Nam qua một số tác phẩm tiêu biểu (Trang 41 - 46)