Công tá cở chiến trường

Một phần của tài liệu Nhật ký chiến tranh Việt Nam qua một số tác phẩm tiêu biểu (Trang 31 - 36)

Chương 2: MỘT SỐ ĐẶC ĐIỂM NỘI DUNG CỦA NHẬT KÝ CHIẾN TRANH

2.1.2Công tá cở chiến trường

Qua những trang nhật ký, Nguyễn Văn Thạc đã cho chúng ta cái nhìn chân thực nhất về những gian khổ, thiếu thốn của quá trình huấn luyện tân binh chuẩn bị ra chiến trường. Đó chỉ là một phần rất nhỏ so với những khó khăn của người đang trực tiếp ở chiến trường như Đặng Thùy Trâm hay Dương Thị Xuân Quý, Hoàng Thượng Lân… Nữ bác sĩ Đặng Thùy Trâm đã chấp nhận xa Hà Nội, xa gia đình và sẵn sàng từ bỏ một công việc tốt để vào tuyến lửa phục vụ Tổ quốc. Một mình chị phải phụ trách bệnh xá dã chiến ở Đức Phổ (Quảng Ngãi) - một trong những chiến trường ác liệt nhất thời kỳ đó, thiếu thốn đủ mọi trang thiết bị, thiếu cán bộ… và nguy hiểm luôn cận kề, cái chết có thể đến bất cứ lúc nào. Cuốn nhật ký đã trở thành người bạn tâm giao để chị tâm sự tất cả những suy nghĩ của mình, từ khó khăn thiếu thốn về vật chất, đến sự day dứt khi không cứu được một anh thương binh, hay những ngày bận rộn công tác dồn dập, người thì ít mà thương binh thì nhiều, bác sỹ Trâm phải làm việc từ sáng sớm đến đêm khuya: vừa phụ trách bệnh xá, vừa điều trị, vừa lo giảng dạy đào tạo y sĩ phục vụ… Qua những trang viết, chúng ta cũng thấy chiến trường hiện lên rõ nét nhất đến từng chi tiết, với những cuộc chạy càn cấp tập, khi những người thương binh còn mang nặng bệnh tật “mồ hôi lấm tấm trên gương mặt còn xanh mướt” phải gắng gượng di chuyển; với những lần ném bom tàn phá tất cả mọi thứ, hay những khi tưởng chừng cái chết đã đến tìm…

Đức Phổ, Quảng Ngãi được đánh giá là một trong những địa bàn bị đánh phá ác liệt nhất những năm 1968, 1969. Vì thế, bệnh xá của chị Trâm luôn luôn ở trong tình trạng quá tải, khi thương binh thì nhiều mà cán bộ bệnh xá thì ít, điều kiện trang thiết bị còn đơn sơ. Không những phải làm tốt nhiệm vụ chuyên môn trong điều kiện đó, bệnh xá còn luôn phải đối diện với những trận bom, trận càn của địch. Có những ngày bệnh xá ở trong tình trạng căng thẳng đến tột bậc, khi giặc tiến đến sát: “suốt đêm ngày không gian náo động vì tiếng bom pháo, tiếng phản lực gào thét, tiếng tàu rọ, HU-1A quần lượn trên đầu. Khu rừng đầy những vết bom đạn, những cây còn lại bị úa vàng vì chất độc. Cả người cũng đã bị ảnh hưởng chất độc, toàn thể cán bộ đều mệt mỏi bơ phờ tay chân rũ rượi ăn uống không nổi” [32, tr 157]. Có khi bệnh xá trở thành cái bia để giặc nã đạn: “Địch uy hiếp khu vực bệnh xá một cách nghiêm trọng. Những chiếc HU-1A và rọ quần sát trên ngọn cây phóng lựu đạn, hỏa tiễn tầm ngắn và xổ từng tràng đại liên nghe đến điếc tai. Pháo từ núi Chóp bắn vào nổ sát bên hầm, một mảnh pháo to chẻ nát một thân cây lát hầm ngay giữa phòng mổ” [32, tr 235]. Bệnh xá luôn trong tình trạng căng thẳng, nguy hiểm, có thể bị bom bất cứ lúc nào, những cuộc chạy càn diễn ra thường xuyên. Có những lần, thương binh thì đông, yếu, có người vừa trải qua phẫu thuật, không thể di chuyển được; bệnh xá chỉ còn vài cán bộ nữ sức yếu, chưa quen với việc khiêng thương: “Một cuộc di chuyển cực khổ vô cùng, chắc nó cũng như những lần mà bệnh xá bị oanh tạc hoặc tập kích khác, nhưng có khổ hơn vì không biết nhờ cậy vào ai, mấy đứa xưa nay không khiêng thương vì ốm yếu bây giờ cũng phải lãnh một ca thương, trèo đèo lội suối đi về địa điểm mới” [32, tr 147]. Bác sỹ Trâm lo đến thắt lòng: làm sao có thể đảm bảo tính mạng cho anh em thương binh, làm sao có thể giữ an toàn cho bệnh xá… Hay khi vừa qua một cuộc chạy càn, tạm ổn định bệnh xá thì lại bị bom rơi trúng phòng bệnh, giết chết năm người. “Ôi cái cảnh điêu tàn

làm sao! Khu rừng trơ trọi cây đổ ngổn ngang, những mảnh quần áo bay tơi tả dính trên các cành cây, mấy nếp nhà xiêu vẹo” [32, tr 246]. Có khi, anh chị em cán bộ bệnh xá mười hai ngày chỉ được ăn một bữa cơm hơi no, bộ quần áo cứ khô rồi lại ướt không thay được, mấy lần bị bom suýt chết… Trong điều kiện ác liệt và thiếu thốn như vậy, Đặng Thùy Trâm là một tấm gương sáng về lòng nhiệt thành, quả cảm. Nữ bác sỹ người Hà Nội chưa từng ra chiến trường vẫn vượt qua mọi khó khăn nguy hiểm để duy trì được bệnh xá, làm tròn nhiệm vụ được giao, cứu chữa thương binh và cả chữa bệnh cho nhân dân địa phương.

Qua những trang nhật ký của chị, chúng ta không chỉ thấy sự ác liệt của chiến tranh thể hiện qua những trận bom, những cuộc chạy càn mà đôi khi còn hiển hiện ở cả khung cảnh tĩnh lặng, sự tĩnh lặng mà tưởng chừng như bình yên lắm. Thùy Trâm đã phải thốt lên rằng: Có lẽ không gì buồn hơn cái cảnh chạy càn để lại những ngôi nhà hoang vắng, đồ đạc đã dọn sạch trơn và vắng lạnh không một bóng người. Có lẽ không ai tưởng tượng được “nơi làm việc và nghỉ ngơi của một nhóm người có trách nhiệm quan trọng bậc nhất trong huyện” lại là “một căn nhà dột nát bỏ hoang, căn nhà còn một hầm pháo nguyên vẹn. Vì sợ lộ nên không dám quét dọn vẫn phải để nguyên rác rưởi” [32, tr 192]. Trong nhật ký của chị, tội ác của chiến tranh không chỉ được lột tả trong những trận chiến ác liệt, bằng những khó khăn thiếu thốn trên đường hành quân hay sự chết chóc luôn rình rập nơi bệnh xá hoặc trên chiến trường. Đôi khi, chính những chi tiết nhỏ nhoi, bình lặng mà lại có sức lột tả và ám ảnh ghê gớm. Hình ảnh nồi cơm sôi yếu lửa dần rồi tắt bếp vì nước mưa nhỏ vào nồi cơm và bếp lửa gầy vội trong căn nhà bị bom Mỹ đốt cháy “chỉ còn vẻn vẹn một tấm tôn che”; hay chi tiết mâm cơm cúng tổ tiên ngày Tết cổ truyền được dọn lên trên cánh cửa cháy kê giữa nền nhà trơ trụi chính là những điều ám ảnh người ta mãi. Sự ác liệt nơi chiến trường hiển hiện trong

những chi tiết tưởng chừng nhỏ nhặt nhất! Chi tiết Dương Thị Xuân Quý hành quân trong những ngày “thấy tháng” của phụ nữ cũng thật đến trần trụi: “Em đang qua những ngày mệt mỏi ghê gớm của cuộc hành quân. Em bị hành kinh từ sáng sớm hôm qua, mà hôm qua là một trong những ngày hành quân dài nhất. 7hgsáng đi, 5g chiều mới tới trạm 5. Em phải leo một cái núi cao 820m và lão giao liên rất tệ đã bắt đi hai thôi liền mà không cho nghỉ giải lao” [26, tr 39]. Những chặng đường hành quân vất vả, những thiếu thốn vật chất, đói khát và bệnh tật liên tục đã lấy đi của chị những gì nữ tính nhất của một người đàn bà, bầu ngực lép kẹp, mấy tháng liền không còn “thấy tháng” nữa… Đó là những chi tiết thật vô cùng mà chúng ta không thể tìm thấy ở một thể loại nào khác ngoài nhật ký, đặc biệt là những cuốn nhật ký được viết từ chiến trường máu lửa.

Cũng giống như Đặng Thùy Trâm, Dương Thị Xuân Quý và Chu Cẩm Phong không trực tiếp cầm súng chiến đấu, họ lăn lộn ở chiến trường để tìm vốn sống, cho ra đời những tác phẩm hay phục vụ nền văn nghệ nước nhà. Họ là những nhà văn – chiến sỹ. Hai cuốn nhật ký của Chu Cẩm Phong và Dương Thị Xuân Quý cho ta cái nhìn bao quát và đầy đủ hơn về công tác ở chiến trường của những người làm văn nghệ: cũng đói khát, thiếu thốn và nguy hiểm, thường trực tiếng súng đạn và những trận càn, là thương vong và chết chóc. Dương Thị Xuân Quý tâm sự với nhật ký: Ngày hôm nay mình đã qua một chặng đường nguy hiểm. Vừa đi được 15 phút thì máy bay đến, chặng đường mình đi bị chúng thả bom bi. Bom bi vào đúng trạm trú quân mình vừa ra khỏi và bom bi đánh vào đội hình đoàn bộ đội đi trước mình. Máu chảy đỏ lòm đường đi, những chiếc cáng đè lên vai anh em bộ đội. Nhìn vào cáng, thấy anh em máu đẫm chân tay, kinh quá. Một đồng chí đại đội phó hy sinh, cáng đi ngay rồi. Một đồng chí trung đội phó bị thương nặng có thể hôm nay hy sinh và 6 đồng chí khác bị thương. Ôi, cái chết đến sao đột ngột và dễ dàng

thế” [26, tr 29]. Nhưng thương vong và chết chóc, nguy hiểm thường xuyên đến mức quen và lì ra rồi, có đêm nghe bom chị không còn muốn xuống hầm tránh nữa: “Lì ra rồi. Căng thẳng quá rồi, con người trơ ra và chẳng còn nghĩ đến cái chết” để đến sáng hôm sau mới thấy liều vì đã có “4 đợt với 12 lần B52 giã xuống trong một đêm. Kinh khủng quá” [26, tr 60].

Cái đói là “kẻ thù” chung của hầu hết những người ở chiến trường. Ban Văn nghệ của Dương Thị Xuân Quý và Chu Cẩm Phong cũng giống như bất cứ đơn vị nào trên chiến trường, thường xuyên bị cái đói dày vò. Có khi, ốm mà cả tuần không được ăn gạo, phải nhai ngô và sắn; có lúc sắn cũng trở thành một món ngon để mà thèm thuồng… Trong những trang nhật ký, chúng ta thường xuyên bắt gặp những mong muốn hết sức bình dị như được ăn một bữa rau muống luộc, một đĩa rau lang xào của Hà Nội, thậm chí chỉ thèm một bữa cơm ngon… Đói đến mức Dương Thị Xuân Quý có lúc phải kêu lên: “Đói! Lúc nào cũng đói” [26, tr 45] hay “Ăn đói và thiếu thốn. Trưa hôm qua mỗi người chỉ được một bát bắp hầm (…) ăn xong về nằm lịm đi trên võng. Đói quá (…) Mình đứng lên người muốn chao đi, lảo đảo. Đói quá” [26, tr 73]. Chu Cẩm Phong cũng phải đấu tranh gay gắt với bản thân mình khi muốn ăn thêm cơm: “Sáng, ăn 1/3 khẩu phần, thấy thòm thèm quá. Muốn ăn thêm. Này, hãy tự kiềm chế đi, ăn thêm 1 thìa thôi nhé. Trưa, chiều lấy gì ăn nếu hết từ sáng? Đến trưa lại phải đấu tranh dữ dội nữa. Bụng đói cồn cào, đầu gối bủn rủn” [24, tr 83]. Phạm Việt Long cũng kể về những ngày đói triền miên của đơn vị mình ở chiến trường: “Thật đã đói thì một cọng rau cũng quý. Cái thứ môn dóc ấy nấu lên bay mùi hôi như cám lợn, song lúc nào cũng quý như rau muống vậy” [17, tr 72]. Thật chua xót làm sao! Đói khát, bệnh tật với những cơn sốt rét rừng liên miên, những chặng đường hành quân dài miên man với nắng gắt, muỗi, vắt vô kể đã quật ngã không ít chiến sỹ.

Có khi, những vất vả thiếu thốn về vật chất, những ác liệt ở chiến trường không làm người ta sợ hãi, không làm người ta đau đớn bằng chính nỗi đau tinh thần. Có những nỗi đau không thể nói nên lời, Dương Thị Xuân Quý đã lặng đi khi được nghe kể về hoàn cảnh của anh Văn Cận – một đồng nghiệp mà chồng chị rất quý mến: Anh đã tập kết được 14 năm, vợ chồng xa cách 14 năm nhưng vẫn luôn tình cảm, vậy mà khi vào gần đến quê hương, nhắn vợ lên gặp thì cũng là lúc hy sinh. Ngần ấy năm trời xa nhau đằng đẵng, người vợ sắp được gặp mặt chồng thì hay tin chồng hy sinh, còn nỗi đau nào hơn thế? Hay khi vợ chồng Dương Thị Xuân Quý may mắn được gặp gỡ nơi chiến trường ác liệt, song thay bằng sự vui mừng, hạnh phúc của vợ chồng khi đoàn tụ thì đó lại là nỗi e ngại, vì “sống giữa một tập thể toàn những người độc thân và cô đơn thì sự đoàn tụ của những cặp vợ chồng lại trở nên cô độc” [26, tr 56]. Chị cảm thấy “lòng nặng trĩu” khi “phải” nằm bên chồng, “thật là một hình phạt”. Những cuộc hành quân vất vả, những bữa ăn luôn đói, sự nguy hiểm và cái chết luôn cận kề… Có lẽ những điều đó cũng không làm người ta mệt mỏi như khi được bên cạnh người thương yêu mà lại cảm thấy “lạc điệu”. Vì sao ư? Vì những người đồng đội xung quanh đều cô đơn hay đều đau khổ vì đã mất đi người thân: anh Phan Huỳnh Điểu xa vợ từ 3 năm nay, Trần Hữu Chất đã vào được nửa năm mà mong mãi không có thư vợ, Chu Cẩm Phong thì người yêu mới hy sinh, anh Thu thì vợ đã bị địch giết từ năm 1963 rồi… Cảnh đoàn tụ mà không hề vui vẻ, sự chia ly len lỏi vào cả những cuộc đoàn tụ tưởng chừng hạnh phúc nhất! Thế mới biết, chiến tranh đã lấy đi của con người những thứ quý giá biết nhường nào!

Một phần của tài liệu Nhật ký chiến tranh Việt Nam qua một số tác phẩm tiêu biểu (Trang 31 - 36)