Khái quát tình hình KT-XH tỉnh Kiên Giang năm 2013:

Một phần của tài liệu nghiên cứu khả năng tiếp cận vốn của các doanh nghiệp vừa và nhỏ trên địa bàn thành phố rạch giá tỉnh kiên giang (Trang 40)

Nằm trong vùng Đồng bằng Sông Cửu Long như là một Việt Nam thu nhỏ, được thiên nhiên ưu đãi cho Kiên Giang có đầy đủ các loại hình : sông nước, núi rừng, đồng bằng và biển cả... Thời tiết khí hậu của Kiên Giang có những thuận lợi cơ bản: ít thiên tai, không có bão đổ bộ trực tiếp, không có rét (nhiệt độ trung bình từ 27-27.50C), ánh sáng và nhiệt lượng dồi dào rất thuận lợi cho cây trồng và vật nuôi sinh trưởng. Đồng thời vị trí địa lý của tỉnh cũng rất thuận lợi cho việc phát triển kinh tế mở cửa, hướng ngoại do có cảng biển, sân bay và có khoảng cách tới các nước ASEAN tương đối ngắn.

Tài nguyên đất: Tổng diện tích đất tự nhiên của Kiên Giang là 629,905 ha, trong đó đất nông nghiệp 411.974 ha chiếm 65,72% đất tự nhiên, riêng đất lúa 317.019 ha chiếm 76,95% đất nông nghiệp, bình quân một hộ hơn 1 ha đất trồng lúa. Đất lâm nghiệp có 120.027 ha chiếm 19,15% diện tích đất tự nhiên. Đồng thời toàn tỉnh còn quỹ đất chưa sử dụng gần 50.000 ha. Nhìn chung đất đai ở Kiên Giang phù hợp cho việc phát triển nông lâm nghiệp và nuôi trồng thủy sản.

Tài nguyên biển: Kiên Giang có 200 km bờ biển với ngư trường khai thác thủy sản rộng 63.000km2. Theo điều tra của Viện nghiên cứu biển Việt Nam thì trữ lượng tôm cá ở đây khoảng 464.660 tấn trong đó vùng ven bờ có độ sâu 20-50 m có trữ lượng chiếm 56% và trữ lượng cá tôm ở tầng nổi chiếm 51,5%, khả năng khai thác cho phép bằng 44% trữ lượng, tức là hàng năm có thể khai thác trên 200.000 tấn. Ngoài ra tỉnh đã và đang thực hiện dự án đánh bắt xa bờ tại vùng biển Đông Nam bộ có trữ lượng trên 611.000 tấn với sản lượng cho phép khai thác 243.660 tấn chiếm 40% trữ lượng.

Tài nguyên khoáng sản: Có thể nói Kiên Giang là tỉnh có nguồn khoáng sản dồi dào bậc nhất ở vùng Đồng bằng Sông Cửu Long. Qua thăm dò điều tra địa chất tuy chưa đầy đủ nhưng đã xác định được 152 điểm quặng và mỏ của 23 loại khoáng sản thuộc các nhóm như: Nhóm nhiên liệu (than bùn), nhóm không kim loại (đá vôi, đá xây dựng, đất sét…), nhóm kim loại (sắt, Laterit sắt…), nhóm đá bán quý (huyền thạch anh - opal…), trong đó chiếm chủ yếu là khoáng sản không kim loại dùng sản xuất vật liệu xây dựng, xi măng. Riêng về đá vôi có hơn 20 ngọn núi với trữ lượng khoảng hơn 440 triệu tấn, có một số núi đá vôi cần giữ lại di tích lịch sử, thắng cảnh và yêu cầu quân sự, nên trữ lượng để dùng cho sản xuất vật liệu xây dựng là hơn 245 triệu tấn, với nguyên liệu này đủ để sản xuất 2,8-3 triệu tấn Clinker/năm trong thời gian trên 50 năm.

Tiềm năng du lịch: Kiên Giang có nhiều thắng cảnh và di tích lịch sử nổi tiếng như: Hòn Chông, Hòn Trẹm, Hòn Phụ Tử, núi Mo So, bãi biển Mũi Nai, hang Thạch Động, Lăng Mạc Cửu, Đông Hồ, Khu du lịch Hòn Đất, rừng U Minh thượng, đảo Phú Quốc… Kiên Giang còn hướng tới phát triển du lịch sinh thái vùng U Minh thượng lịch sử, có hương của rừng tràm và vườn chim thiên nhiên, với những món ăn đặc sản rừng U Minh.

Dân số, số người trong độ tuổi lao động, thu nhập bình quân: Năm 2013 dân số tỉnh Kiên Giang theo thống kê là 1.750.466 người, tăng 0,81% so với năm 2012, bao

gồm: dân số nam 880.443 người, chiếm 50,30% dân số của tỉnh, dân số nữ 870.023 người, chiếm 49,70%. Dân số trong khu vực thành thị là 478.674 người chiếm 27,34% dân số của tỉnh; dân số khu vực nông thôn là 1.271.792 người chiếm 72,66%.

Lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên là 1.314.298 người, tăng 0,82% so năm trước. Cơ cấu lao động trong khu vực nông lâm thuỷ sản năm 2013 là 56,37% giảm 2,55% so với năm trước; Khu vực công nghiệp – xây dựng là 12,74% tăng 0,68%; Khu vực dịch vụ là 30,89% tăng 1,87%. Giải quyết việc làm cho 33.100 lượt lao động, trong đó, trong tỉnh là 15.643 người; ngoài tỉnh 17.427 lượt người; lao động nước ngoài là 30 người, góp phần giảm tỷ lệ thất nghiệp chung là 2,55%.

Thu nhập bình quân một người một tháng của lao động trong khu vực nhà nước là 1.803 nghìn đồng; trong khu vực nhà nước do Trung ương quản lý là 2,985 nghìn đồng, trong khu vực nhà nước do địa phương quản lý là 1,322 nghìn đồng.

Về mặt kinh tế : Năm 2013, tổng sản phẩm ước tính đạt 59.788 tỷ đồng, mức tăng trưởng đạt 9,4% có thấp hơn mục tiêu tăng trưởng của tỉnh đề ra và thấp hơn mức tăng trưởng của năm trước (2012 tăng 11,82%) nhưng vẫn ở mức tăng cao so với bình quân chung của cả nước (cả nước tăng 5,4%) và cũng là mức tăng khá cao so với các tỉnh trong khu vực Đồng bằng sông Cửu long (An Giang 6,58%; Đồng Tháp 7,68%; Cà Mau 6,2%; Vĩnh Long 5,99%; Trà Vinh 8,5%; Sóc Trăng 9,84%; Hậu Giang 12,05%; Long An 8,11%; Tiền Giang 9,4%; Bạc Liêu 12,03%).

Bảng 2.1 : Tổng sản phẩm trên địa bàn Kiên Giang Ngành nghề Tổng sản phẩm năm 2013 (tỷ đồng) Tốc độ tăng so năm 2012 (%) Tỷ trọng (%)

1. Nông lâm thuỷ sản 30.433,535 5,77 38,82

- Nông lâm nghiệp 20.188,825 4,49 25,75

- Thuỷ sản 10.244,710 8,75 13,07

2. Công nghiệp, xây dựng 18.842,555 10,93 24,03

3. Dịch vụ 29.130,672 12,40 37,15

Tổng số 78.406,762 9,40 100

(Nguồn : Cục Thống kê Kiên Giang – Tình hình kinh tế xã hội tỉnh Kiên Giang năm 2013)

Trong lĩnh vực nông nghiệp, tốc độ tăng trưởng năm 2013 đạt 4,51% thì năm 2012 tăng 7,03%. Sản xuất nông nghiệp của tỉnh vẫn còn phụ thuộc rất nhiều vào điều kiện tự nhiên, thời tiết, khí hậu. Thời tiết năm 2013 không được thuận lợi, nhất là ở vụ hè thu do lúc lúa trổ gặp mưa lớn làm gãy đổ nhiều, ảnh hưởng đến năng suất. Diện tích gieo trồng năm 2013 tăng hơn năm trước trên 45 ngàn ha nhưng năng suất bình quân lại giảm 1,07 tạ/ha nên sản lượng lúa năm nay chỉ tăng 184,6 ngàn tấn (năm 2012 tăng 366 ngàn tấn). Giá lúa bình quân giảm từ 7-10% so với năm trước; thị trường xuất khẩu gạo cạnh tranh gay gắt, giá xuất khẩu lại giảm 36,04 USD/tấn so với năm trước làm tổng kim ngạnh xuất khẩu nông sản năm nay giảm 35 triệu USD.

Trên lĩnh vực công nghiệp, sản xuất chưa mở rộng qui mô, thị trường và sức tiêu thụ sản phẩm chậm, chi phí đầu vào thiếu ổn định, một số sản phẩm công nghiệp chế biến chủ yếu chưa đạt kế hoạch năm như : xi măng (tính cả Trung ương và địa phương) thấp hơn 180 ngàn tấn so kế hoạch năm; thuỷ sản đông lạnh thấp hơn kế hoạch 7,1 ngàn tấn, trong đó sản phẩm mực đông lạnh giảm 3,5 ngàn tấn so với kế hoạch và giảm gần 1 ngàn tấn so cùng kỳ năm trước…

Năm 2013 khu vực dịch vụ chỉ đạt mức tăng 12,4% (năm 2012 tăng 15,83%) trong đó ngành buôn bán, bán lẻ, sửa chửa ô tô, mô tô xe máy và xe có động cơ chiếm tỷ trọng 35,02% chỉ tăng 12,03%; kế đến ngành hoạt động kinh doanh bất động sản chiếm tỷ trọng 18,84% tăng 12,5%.

* Tình hình thu chi ngân sách :

Tổng thu ngân sách nhà nước năm 2013 ước thực hiện 4.720 tỷ đồng, bằng 99,87% dự toán hội đồng nhân dân giao và tăng 4,91% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó thu nội địa đạt 3.335 tỷ đồng bằng 97,09% dự toán. Một số khoản thu vượt và đạt dự toán năm 2013 như : Thu phí và lệ phí 50 tỷ đồng, vượt 13, 64%; Thuế bảo vệ môi trường 165 tỷ đồng vượt 3,13%; thu từ doanh nghiệp nhà nước trung ương 205 tỷ đồng vượt 2,5%; thu từ doanh nghiệp nhà nước địa phương 190 tỷ đồng đạt dự toán; thu thuế công thương nghiệp 1.210 tỷ đồng đạt mức dự toán; thu từ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài 195 tỷ đồng đạy mức dự toán; thu tiền sử dụng đất 785 tỷ đồng đạt dự toán. Bên cạnh đó một số khoản thu chưa đạt dự toán năm như : thuế thu nhập cá nhân 300 tỷ đồng, bằng 72,29% dự toán; tiền cho thuê mặt đất, mặt nước 29,7 tỷ đồng bằng 82,5% dự toán; thuế xuất khẩu, tiêu thụ đặc biệt, VAT hàng nhận khẩu gần 55 tỷ đồng bằng 90,16%; thu phí trước bạ 118 tỷ đồng bằng 97,52%.

Tổng chi ngân sách địa phương : Ước chi 8.953 tỷ đồng, vượt 7,73% so dự toán năm và tăng 7,78% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó chi thường xuyên là 5.161,2 tỷ đồng vượt 10,84% dự toán năm và tăng 9,82% so với cùng kỳ; Chi đầu tư phát triển 2.075,5 tỷ đồng vượt 3,76% dự toán và tăng 0,76% so cùng kỳ năm 2013.

Hoạt động ngân hàng : Ước tính năm 2013 tổng nguồn vốn hoạt động đạt 39.442 tỷ đồng, đạt 97,93% kế hoạch và tăng 12,43% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, vốn huy động tại địa phương ước đạt 20.810 tỷ đồng, đạt 99,1% kế hoạch và tăng 13,25%, chiếm 52,76% trong tổng nguồn vốn huy động (vốn huy động tại địa phương tăng chủ yếu do tiền gửi thanh toán tăng 18,01% và tiền gửi tiết kiệm tăng 16%); vốn vay 12.260 tỷ đồng đạt 103,9% kế hoạch, tăng 23,78% so với năm 2012 chiếm 31,08% trong tổng nguồn vốn huy động.

Doanh số cho vay ước năm 2013 đạt 56.937 tỷ đồng (91% doanh số cho vay phục vụ sản xuất kinh doanh) bằng 94,9% kế hoạch, tăng 10,41% so với cùng kỳ. Trong đó khu vực I (nông lâm thuỷ sản) doanh số cho vay 9.236 tỷ đồng, giảm 2,22% so cùng kỳ; Khu vực II (công nghiệp – xây dựng) là 18.601 tỷ đồng tăng 38,78% và khu vực III (thương mại dịch vụ) là 29.100 tỷ đồng tăng 1,32%.

Dư nợ cho vay 30.025 tỷ đồng, vượt 4,62% kế hoạch, tăng 12,03% so cùng kỳ. Trong đó khu vực I số dư là 9.116 tỷ đồng tăng 9,37%; Khu vực II số dư là 7.658 tỷ đồng, tăng 21,49% và Khu vực III số dư 13.251 tỷ đồng, tăng 8,95%.

Dư nợ xấu ước cả năm 615 tỷ đồng, chiếm 2,04% tổng dư nớ, tăng 37,89%.

Tổng thu tiền mặt qua quỹ ngân hàng ước đạt 143.100 tỷ đồng, bằng 81,31% kế hoạch, giảm 0,03% so cùng kỳ. Tổng chi tiền mặt qua quỹ ngân hàng đạt 141.600 tỷ đồng, bằng 83,29% kế hoạch, tăng 2.01% so với cùng kỳ; bội thu tiền mặt 1.500 tỷ đồng.

Một phần của tài liệu nghiên cứu khả năng tiếp cận vốn của các doanh nghiệp vừa và nhỏ trên địa bàn thành phố rạch giá tỉnh kiên giang (Trang 40)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(115 trang)