7. Đóng góp của luận văn
2.1.3. Tiềm năng phát triển du lịch tại Cù lao An Bình
Đánh giá tiềm năng phát triển du lịch tại Cù lao An Bình dựa trên tài nguyên du lịch tự nhiên và tài nguyên du lịch nhân văn.
- Về tài nguyên du lịch tự nhiênbao gồm các yếu tố:
+ Địa hình: Địa hình của Cù lao này phần nào quyết định sự hấp dẫn đối với
du khách. Nằm sát với thành phố Vĩnh Long, cụm Cù lao An Bình xanh tươi, trù phú nổi lên giữa một vùng sông nước mênh mông, tạo nên vị thế độc đáo. Với địa hình bằng phẳng, không có sự hấp dẫn như đồi, núi, biển... nhưng Cù lao An Bình
như một đảo ngọc xanh biếc, hút hồn du khách bởi vẻ đẹp mộc mạc, dịu dàng, gần gũi.
Dựa vào thế mạnh của vùng đồng bằng sông nước, sông ngòi chằng chịt, không bị ảnh hưởng của lũ lụt do được bảo vệ bởi hệ thống đê bao vững chắc, Cù
lao An Bình đã và đang khai thác loại hình du lịch sông nước miệt vườn (tham
quan, nghỉ dưỡng...) khá hiệu quả. Hiện có khoảng 20 điểm nhà vườn và khu du lịch đang hoạt động cũng như rất nhiều nhà vườn nhỏ tự phát đáp ứng cho nhu cầu của du lịch của khách lẻ hay mùa cao điểm của du lịch.
+ Khí hậu: Khí hậu thuộc loại hình khí hậu nhiệt đới gió mùa cận xích đạo, ít
chịu ảnh hưởng của biển. Cấp độ gió thường là cấp 2, 3 và 4, ít có bão nhưng đôi khi ảnh hưởng bão của biển Đông nên có mưa, gió lớn kéo dài, có dông và gió xoáy. Chế độ thời tiết có hai mùa rõ rệt: mùa mưa và mùa khô. Mùa mưa bắt đầu cuối tháng 4 và đầu tháng 5 và chấm dứt vào cuối tháng 11, lượng mưa trung bình là 1500mm; độ ẩm mùa mưa là 85% - 89% và mùa khô là 77% - 84%, nhiệt độ tương đối điều hòa, nhưng những năm gần đây do ảnh hưởng chung của sự nóng lên
toàn cầu nên nhiệt độ tăng từ 26 - 270C lên 370C. Khí hậu nơi đây là điều kiện tốt để
trồng trọt, chăn nuôi và cũng là nơi dễ thích nghi, không quá nóng cũng không quá lạnh đối với du khách.
+ Thủy văn: Chế độ thủy triều của Cù lao An Bình chịu sự chi phối bởi thủy
triều biển Đông, nguồn nước nhận từ thượng nguồn sông Mekong chảy về qua sông Tiền, sông Cổ Chiên và từ nguồn nước mưa. Đặc điểm thủy văn có ý nghĩa tích cực đối với sinh hoạt của cư dân địa phương, có nhiều sông rạch nên thuận lợi cho di chuyển bằng thuyền, ghe, xuồng..., có lợi cho canh tác nông nghiệp, chăn nuôi, đánh bắt thủy sản. Diện tích mặt nước sông hiện nay được khai thác du lịch hiệu quả như nhà thủy tạ ven sông, du thuyền trên sông tham quan cầu Mỹ Thuận. Thủy văn tại Cù lao An Bình chưa phát hiện những điểm có nước khoáng hay suối nước nóng, tuy nhiên bề mặt nước và các bờ ven sông khá rộng, phong cảnh hữu tình, tươi đẹp là điều kiện tốt để khai thác du lịch.
+ Sinh vật: Do điều kiện tự nhiên của vùng đất này là Cù lao, được bồi đắp phù sa nên là môi trường lý tưởng cho quá trình sinh trưởng của nhiều giống loài động thực vật. Vĩnh Long xưa nói chung và Cù lao An Bình nói riêng là vùng rừng rậm, hoang vu, ẩm ướt. Quần thể thực vật có nhiều tầng, nhiều loại động vật cũng không kém phần phong phú. Nhưng hiện nay một số giống loài tự nhiên không còn nữa, thay vào đó là các giống vật nuôi được thuần hóa. Du lịch Cù lao An Bình là sự kết hợp giữa hoạt động du lịch với kinh tế nông nghiệp – công nghiệp: vườn cây ăn trái đặc sản, đánh bắt, nuôi trồng thủy sản.
- Về tài nguyên du lịch nhân văn bao gồm các yếu tố sau:
+ Các di tích lịch sử văn hóa:
Chùa Tiên Châu: Đã được Bộ Văn hóa Thông tin công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia năm 1994, theo quyết định số 3211/QĐ ngày 12/12/1994. Theo Đại
Nam nhất thống chí, chùa Tiên Châu do Hòa Thượng Huỳnh Đức Hội “khai sơn”.
Hòa thượng Đức Hội có pháp danh là Tánh Minh, đời thứ 39 phái Lâm Tế dòng liễu quán, là đệ tử của Hòa thượng Đạo Thành, người đã khai sáng chùa Khánh Long (Biên Hòa) và chùa Hội Sơn (Thủ Đức). Tên chính của chùa Tiên Châu là Di Đà Tự vì chùa này thờ phật Di Đà, giáo chủ cõi Tây phương cực lạc. Trước đây, chùa
Tiên Châu ở Cù lao sông Tiền thuộc làng Bình Lương và An Thành (nay là ấp Bình
Lương, xã An Bình, huyện Long Hồ) cách thành phố Vĩnh Long khoảng 1km nhưng phải qua sông Cổ Chiên. Theo truyền thuyết hai làng Bình Lương và An Thành mặc dù cách nơi đô hội không xa nhưng không gian tĩnh mịch, cây cối tốt tươi. Tại đây có xóm chài lưới, nhà cửa thưa thớt. Những đêm trăng thanh gió mát, thỉnh thoảng có tiên nữ xuống trần tắm gội và đùa giỡn. Do đó bãi sông này được gọi là Bãi Tiên (Tiên Châu) hay bãi Bích Trân. Chùa Di Đà thắng cảnh đẹp như xứ lụa Tô Châu nên còn có tên là chùa Tô Châu. Chùa Tiên Châu hiện nay giữ được như quy mô
năm Kỷ Hợi (1899) gồm bốn nóc: tiền đường, chánh điện, trung đường và hậu tổ.
Các khu vực vừa kể thường làm theo kiểu tứ trụ, được nới rộng theo chiều ngang dọc nhờ các kèo dầm, kèo quyết. Bộ giàn trò bằng gỗ quý, mái ngói âm dương, xung quanh đóng vách bổ kho. Nội điện chùa Tiên Châu được trang trí đẹp đẽ. Giữa
tứ trụ là một khánh thờ, bên trong tôn trí một pho tượng phật Di Đà bằng đất sét khổng lồ. Hai bên khánh thờ có câu đối sơn mài, khắc dòng chữ:
“Phật nhật tăng huy vĩnh thùy vạn cổ Pháp luân thường chuyển biến thập phương”
Chùa Tiên Châu được sửa đổi nhiều lần, lần sửa đổi quan trọng nhất là xây dựng mặt tiền vào năm 1960 như hình dáng hiện nay và dùng những vật liệu hiện đại. Giữa là một căn nhà lầu có năm ngọn tháp bên trong tôn trí tượng phật Thích
Ca, phía trước có 3 chữ “Tiên Châu Tự” và một câu đối ca tụng. Hai gian hai bên
làm theo kiểu cổ lầu, bên trong tôn trí tượng Thiện Hữu và Ác Hữu, có hoành phi và câu đối ca tụng.
Đình Hòa Ninh: Di tích tọa lạc cạnh ngã ba đình thuộc ấp Hòa Thuận, xã
Hòa Ninh, huyện Long Hồ. Đình thần xưa được xây dựng vào năm Kỷ Dậu (1849), và đã trải qua nhiều thời kỳ thay đổi theo dòng lịch sử. Năm Tự Đức ngũ niên
(1852) đình Hòa Ninh được sắc phong Thành Hoàng Bổn Cảnh. Năm 1902 đình bị
sụp đổ, hư dột, dân làng Hòa Ninh hợp sức đóng góp sức người, sức của dựng lại ngôi đình mới tên nền đình cũ. Trong cuộc kháng chiến chống Pháp, do yêu cầu tiêu thổ kháng chiến, Hội hương đình Hòa Ninh đồng ý phá hủy ngôi đình vào tháng 8 năm 1948. Năm 1949, do nhu cầu tín ngưỡng của nhân dân, Hội hương đình đã dựng tạm ngôi đình đơn sơ trên nền cũ. Năm 1970, đình được tôn tạo lại lần nữa. Ngày 8/8/1995 dân làng Hòa Ninh khởi công trùng kiến ngôi đình đến ngày 16/11/1995 hoàn tất công trình.
Theo lời kể của một số bô lão địa phương, đình Hòa Ninh gắn liền với những sự kiện lịch sử: khoảng năm 1868 – 1870, khu vực đình Hòa Ninh cây cối rậm rạp,
nghĩa quân của cụ Võ Minh Chơn, hậu duệ của cụ Võ Duy Dương (Thiên Hộ
Dương) tụ hợp nơi để đánh Tây. Cụ Chơn khởi nghĩa ở Đồng Tháp Mười, vì bị bệnh nên tạm lánh về Hòa Ninh nuôi dưỡng lực lượng chống Tây lâu dài. Thực dân Pháp phát hiện lực lượng nghĩa quân nên ruồng bố ráo riết. Chúng bắt được cụ Võ Minh Chơn và ông Xã Sĩ. Thực dân Pháp dụ hàng nhưng hai cụ cương quyết không
chịu, chúng đem hai cụ ra hành quyết tại ngôi đình Hòa Ninh nhằm đàn áp và khủng bố tinh thần của nhân dân.
Trong thời kỳ Đảng cộng sản Việt Nam hoạt động còn bí mật, dù địch kiểm
soát gắt gao nhưng năm 1938, đồng chí Trịnh Quốc Thành (sinh năm 1920, quê
quán ở Long An, nay đã mất) là một cán bộ được cấp trên đưa xuống để tìm cách gây dựng cơ sở cách mạng. Chi bộ đảng đầu tiên ở bốn xã Cù lao được thành lập
dưới gốc cây đa của đình làng Hòa Ninh. Đồng chí Phạm Văn Tung (Năm Tung)
được bầu làm bí thư. Đình còn là địa điểm hoạt động của Thanh niên Tiền phong từ tháng 10 năm 1945. Ngoài ra đình còn là nơi an táng 12 đồng chí hy sinh trong chiến dịch Xuân Mậu Thân 1968, trong đó có những người là dân địa phương như Nguyễn Văn A, Hồ Văn Thuận,... nay các đồng chí này đã được đưa về nghĩa trang liệt sĩ.
Đình thần Hòa Ninh có các lễ cúng: Lễ hạ điền (mùng 10/3 âm lịch), lễ
Thượng Điền (15 – 16/10 âm lịch), ba năm đáo lệ Kỳ Yên một lần. Đình Hòa Ninh
được UBND tỉnh ra quyết định số 3101/QĐ-UBT, ngày 17/9/2003 công nhận di tích
cấp tỉnh. (xem thêm Bảng 2.1. Danh sách các di tích trên Cù lao An Bình, phần
phụ lục 1).
+ Các làng nghề:
Làng mai vàng Phước Định: Làng mai vàng Phước Định thuộc ấp Phước Định, xã Bình Hòa Phước, huyện Long Hồ. Ở đây, nghề chơi kiểng cổ đặc biệt là kiểng mai vàng chưng Tết, có trên 55 năm và được truyền qua nhiều thế hệ. Tháng
8/2009, UBND tỉnh Vĩnh Long đã công nhận làng nghề truyền thống “hoa kiểng –
cây giống”. Tổ hợp làng nghề Phước Định cũng đã làm thủ tục đăng kí thương hiệu cho làng nghề kiểng mai vàng. Phước Định có khoảng 360 hộ thì đến 330 hộ đã trồng mai, hộ ít thì cũng có vài chục cây kiểng mai vàng. Riêng tổ làng nghề, trên 160 hộ thành viên, bình quân mỗi hộ có khoảng từ 400 tới 1.000 cây mai các loại. Nếu tính tuổi mai, nhiều nhà vườn còn giữ được những cây kiểng cổ từ vài chục năm đến cả 100 năm. Mai nguyên liệu được mua từ các tỉnh Bến Tre, Tiền Giang, Đồng Tháp, những nghệ nhân làng mai chỉ trồng, chăm sóc lại để tạo thành kiểng cổ.
Làng gốm cổ: Bên bờ Bắc dòng Cổ Chiên đỏ nặng phù sa từ lâu đã tồn tại
một làng nghề làm gốm độc đáo được mệnh danh là “vương quốc gốm đỏ”. Cách
đây hơn một thế kỷ, người dân Vĩnh Long đã khai thác mỏ đất sét bên bờ sông Cổ Chiên để hình thành nên những làng nghề làm gạch ngói lớn nhất vùng ĐBSCL. Vào khoảng những năm 80 của thế kỉ trước, người dân bắt đầu chuyển sang làm gốm dân dụng và gốm mĩ thuật. Từ cầu Mỹ Thuận, nơi con sông Cổ Chiên tách dòng khỏi sông Tiền, kéo dài 30km đến vàm sông Mang Thít có hơn 1.000 lò gốm
mọc san sát trông như một thành phố cổ, thu hút hàng chục ngàn lao động.
Làng gốm Cổ Chiên tuy không nằm trên địa phận các xã Cù lao An Bình nhưng có vị trí đối diện với Cù lao, được ngăn cách bởi con sông Cổ Chiên nên đây cũng là điều kiện tốt để khai thác tuyến điểm du lịch khi đến Cù lao An Bình. Từ bên bờ sông của Cù lao An Bình phóng tầm mắt nhìn những lò nung nối tiếp nhau thật lạ mắt và hấp dẫn như một thành phố cổ thôi thúc con người khám phá.
Và các nghề thủ công truyền thống khác: Chầm lá, đan lục bình, nghề mộc, làm các sản phẩm lưu niệm từ dừa và đặc sản kẹo dừa... Các làng nghề này vẫn tồn tại nhưng nhỏ lẻ theo kiểu hộ gia đình, ít tập trung thành làng nghề nên chưa phát huy hết tiềm năng hiện có.
+ Văn hóa ẩm thực: Mang đậm chất miền Tây thể hiện bản chất phóng
khoáng, bình dị, nhưng không kém phần hấp dẫn, thơm ngon với các món cá lóc nướng trui, canh chua bông điên điển cá rô đồng, chuột đồng chiên, gỏi cuốn gói ốc dừa, bánh xèo, chả giò, ... Một vài điểm nhà vườn ngoài phục vụ du khách các món ăn còn hướng dẫn du khách tham gia thực hiện các món như học gói chả giò, học gói bánh tét...
Đặc sản trái cây thì Cù lao An Bình có rất nhiều chủng loại: chôm chôm, mận, xoài, sầu riêng, nhãn, dâu, cam, bưởi... mùa nào quả đó. Tuy nhiên, nhờ vào kỹ thuật trồng trọt tiến bộ mà ngay cả mùa nghịch cũng có thể ăn những loại trái cây ngon.
- Cơ sở vật chất kỹ thuật: Cơ sở lưu trú tại Cù lao An Bình dựa vào điều kiện
với cuộc sống dân cư địa phương. Các phòng nghỉ được nâng cấp, cải tạo từ nhà
dân (những chủ vườn trái cây), một số nơi xây cất mới nhưng vẫn giữ được nét mộc
mạc từ nguyên vật liệu đến kiến trúc. Chính sự hấp dẫn của việc nghỉ tại nhà dân, trực tiếp tiếp xúc với gia chủ, tìm hiểu những sinh hoạt đời thường trong một gia đình Nam Bộ đã và đang thu hút rất nhiều du khách đến Cù lao An Bình. Hiện tại
Cù lao An Bình có 22 điểm du lịch nhà vườn và khu du lịch (xem Bảng 2.2. Danh
sách các điểm vườn, khu du lịch trên Cù lao An Bình, phần phụ lục 1).
- Cơ sở hạ tầng:
+ Giao thông vận tải: Đường bộ giữa các ấp, xã được nối với nhau bởi đường dal rộng từ 2m – 3m, những con đường chính liên xã được trải nhựa, rộng khoảng 6m. Do diện tích mặt đường hẹp nên việc vận chuyển hàng hóa hay du khách chủ yếu bằng phương tiện đường thủy, nhờ vào hệ sống sông, rạch chằng chịt của Cù lao.
+ Thông tin liên lạc: Những năm gần đây nhờ vào kỹ thuật tiên tiến mà các mạng điện thoại, internet đã bao phủ Cù lao An Bình, phục vụ nhu cầu thông tin liên lạc của cư dân địa phương và du khách.
+ Điện và nước sinh hoạt: Theo số liệu thống kê của Phòng Công thương huyện Long Hồ thì đến năm 2010 tỷ lệ hộ dân toàn huyện sử dụng điện đạt tỷ lệ 99,72%. Đối với điện sinh hoạt và phục vụ du lịch trên Cù lao An Bình được cung cấp từ 02 nguồn, một là từ công ty điện lực Vĩnh Long đối với các địa điểm gần với Vĩnh Long hơn, hai là từ công ty điện lực Bến Tre đối với các địa điểm tiếp giáp với tỉnh Bến Tre [41,tr 22].
Hiện nay, 15/15 xã thị trấn Long Hồ có nhà máy cấp nước sinh hoạt với công
suất trên dưới 100m3 ngày/đêm; có 50% hộ sử dụng nước từ hệ thống cung cấp
nước tập trung, số hộ còn lại sử dụng nước sinh hoạt từ giếng khoan, nước mưa nước sông rạch. Tại một số nhà vườn hoạt động du lịchtrên cụm Cù lao, do điều kiện phát triển hệ thống nước chưa đến được nên các chủ nhà vườn đã khoan nước và tự xây dựng cây nước với các bước xử lý nước sạch đảm bảo an toàn vệ sinh. [43,tr22]