Đặc điểm tâm lý của trẻ khuyết tật tại trung tâm

Một phần của tài liệu Hoạt động hỗ trợ cho trẻ khuyết tật hòa nhập cộng đồng tại Trung tâm dạy nghề người tàn tật Nghệ An (Trang 67)

Thông qua quá trình quan sát, tiếp cận và trao đổi với TKT tại trung tâm, chúng tôi nhận thấy rằng, tâm lý của nhiều TKT còn rụt rè và mặc cảm, các em tự đánh giá thấp bản thân mình so với người khác. Tuy nhiên, có một số em thì lại rất tự tin và thoải mái, tin tưởng vào một tương lai tươi sáng sau khi học xong nghề tại trung tâm.

“Em chỉ mong mau chóng học xong nghề tại trung tâm rồi sẽ về nhà tự mở tiệm may nho nhỏ, ba mẹ cũng sẽ giúp đỡ em trong thời gian ban đầu, em tin là mình sẽ làm tốt thôi” (PVS TKT khiếm thính, nữ, 17 tuổi, lớp học may)

TKT thường có tâm lý mặc cảm ngoại hình hay loại khuyết tật của mình khi quá chú trọng đến khiếm khuyết cơ thể đến nỗi gây ra sự khổ đau trong tâm lý. Dù nhiều khi các em cười nhưng đằng sau đôi mắt ấy vẫn có thể cảm nhận được sự mặc cảm hay không muốn nói về mình quá nhiều của các em.

Một số TKT có hiện tượng bị ám ảnh xã hội, nó là một kiểu trốn tránh và sợ hãi khi thực hiện các hoạt động mang tính cộng đồng như giao lưu, gặp gỡ chốn đông người. Tuy nhiên, với những trẻ đã sống tại trung tâm một thời gian thì vấn đề này ít xuất hiện hơn.

“Có những bạn vào trung tâm cũng được gần hai năm rồi mà cứ như lúc mới đến, cứ im lìm, ai nói gì cũng cứ im lặng, chả tham gia hoạt động gì nên ít người nói chuyện với các bạn ý” (PVS TKT vận động, nam, 15 tuổi, lớp văn hóa)

Nhiều TKT có tâm lý hoài nghi, thiếu tin tưởng vào tương lai khi vẫn đang tự ti về khiếm khuyết của bản thân, nhất là những trẻ có hoàn cảnh gia đình khó khăn, cộng đồng nơi các em sống vẫn còn những định kiến và kì thị người khuyết tật.

“Em vẫn hoang mang lắm chị à, mình bị dị tật thế này, làm cái gì cũng chậm hơn người bình thường. Có bạn may mắn còn được hàng xóm, láng giềng ủng hộ nên về nhà còn có thể mở tiệm may. Như ở chỗ em, người ta còn có cái nhìn định kiến lắm nên sợ mình mở tiệm người ta không thèm đến ý” (PVS trẻ đa khuyết tật, 16 tuổi, lớp hướng nghiệp may)

TKT nhiều lúc không muốn nói thật, khi hỏi đến những câu hỏi về suy nghĩ của bản thân về một vấn đề thì các em thường hay trả lời chung chung hoặc cố ý nói dối để lảng tránh vì sợ sự trả lời của mình sẽ để lại hậu quả xấu.

Với những khuyết tật của bản thân, trẻ hoang mang khi bước vào xã hội, thay đổi một hoàn cảnh mới trẻ có thể thích nghi được hay không và vấn đề việc làm sau khi học nghề cũng khiến các em lo lắng nhiều.

“Thật ra chúng em vẫn luôn lo lắng, nhất là những người sắp ra trường như chúng em, ở đây thì thầy cô và các mẹ luôn tạo cho chúng em sự thoải mái và cảm thấy mình như những người bình thường khác vậy, nhưng khi ra khỏi trung tâm thì sẽ không được như vậy, chúng em lo lắng không biết học xong thì có kiếm được việc làm không, kiếm được rồi thì có thích ứng được không nữa” (PVS TKT vận động, 18 tuổi, học may)

Như vậy, tâm lý của TKT sau khi được học tập và sinh hoạt tại trung tâm thì có những chuyển biến tích cực hơn. Bên cạnh những trẻ đã sự tự tin và cởi mở thì có nhiều trẻ vẫn chưa thích ứng được với môi trường mới. Đa số các em vẫn cảm thấy lo lắng, mặc cảm vì sự khác biệt của mình so với những người xung quanh, nhất là khi về sinh hoạt tại cộng đồng địa phương mình cư trú.

Một phần của tài liệu Hoạt động hỗ trợ cho trẻ khuyết tật hòa nhập cộng đồng tại Trung tâm dạy nghề người tàn tật Nghệ An (Trang 67)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(113 trang)