Vai trò của cán bộ, nhân viên tại trung tâm

Một phần của tài liệu Hoạt động hỗ trợ cho trẻ khuyết tật hòa nhập cộng đồng tại Trung tâm dạy nghề người tàn tật Nghệ An (Trang 95)

Khi tiến hành thực địa và thu thập thông tin chúng tôi nhận thấy rằng hầu hết CB, NV trong trung tâm đều đảm nhận và kiêm nhiệm nhiều vai trò khác nhau, có người vừa là giáo viên nhưng cũng là người hoạt động kiêm nhiệm thêm vai trò là người chăm sóc…

Hầu hết các CB, NV khi được hỏi về tầm quan trọng của NVXH thì đều cho rằng vai trò của NVXH trong trung tâm là cần thiết và cảm thấy rằng, một phần công việc mà mình đang đảm nhiệm cũng có những nét tương tự của người NVXH.

“Công việc mà các thầy, các cô đang làm cũng đâu có khác so với người làm công tác xã hội đâu. Cũng phải chăm sóc, quan tâm đến các em khi các

em học tại trung tâm đấy thôi, chú ý đến vấn đề dinh dưỡng, việc học của các em, khi các em có vấn đề thì người làm thầy, làm cô phải quan tâm đến tâm lý của các em, giúp các em bày tỏ vướng mắc của mình”(PVS nữ, 39 tuổi, giáo viên dạy văn hóa – Phục hồi chức năng)

“Các em đều rất nhạy cảm, nếu chúng ta không quan tâm, chú ý đến hành động, lời nói, cử chỉ thì rất dễ khiến các em cảm thấy tự ti. Vì vậy, khi các em có vướng mắc gì thì các thầy, cô rất sẵn sàng nghe các em tâm sự và đưa ra lời khuyên cho các em, nhiều khi thấy các em có biểu hiện khác với bình thường thì thầy, cô cũng phải chủ động hỏi thăm để biết xem các em có chuyện gì không”(PVS nam, 30 tuổi, giáo viên mộc dân dụng)

Tuy nhiên, cũng có ý kiến khác nhau về sự cần thiết có NVXH chuyên nghiệp trong trung tâm. Một luồng ý kiến cho rằng, cần có NVXH chuyên nghiệp trong trung tâm nhằm giảm bớt gánh nặng cho các CB, NV khác và họ có thể tập trung vào nhiệm vụ chuyên môn hơn. Hơn nữa, khi có NVXH chuyên nghiệp thì hoạt động kỹ năng sống hay tư vấn tâm lý cho trẻ sẽ có hiệu quả hơn. Luồng ý kiến khác cho rằng, không cần thiết phải có NVXH chuyên nghiệp mà chính những CB, NV tại trung tâm sẽ học nâng cao và đảm nhiệm vai trò đó.

“Vì đây là trung tâm Nhà nước, trực tiếp chịu sự quản lý của Tỉnh, hàng năm chỉ tiêu đều là do Tỉnh đề ra, trung tâm không có quyền tự ý kí hợp dồng hay mời người nào về dạy tại trung tâm mà không có sự đồng ý từ Tỉnh. Trung tâm hiểu, nhân viên xã hội là cần thiết nhằm hoàn thiện các hoạt động hỗ trợ TKT tại trung tâm hiện nay. Tuy nhiên, khả năng là trung tâm sẽ cử CB, NV đi tập huấn nghiệp vụ và trở về ứng dụng tại trung tâm” (PVS Ban lãnh đạo trung tâm, nam, 45 tuổi)

“ Anh nghĩ rằng nếu có một NVXH chuyên nghiệp thì sẽ rất tốt cho các em khuyết tật và cũng giảm bớt gánh nặng công việc cho các giáo viên khác”(PVS nam, 27 tuổi, giáo viên dạy tin)

Vấn đề nên có một người được đào tạo đúng chuyên ngành về Công tác xã hội làm việc trong trung tâm hay cử CB, NV đi tập huấn và trở về ứng dụng trong trung tâm cũng đã nhận được những ý kiến trái chiều trong buổi thảo luận nhóm CB, NV.

“Các thầy cô, người thì nghĩ nên mời một chuyên viên, người thì nghĩ nên cử đi tập huấn rồi về thực hành luôn. Nhưng theo tôi thấy, cái này phải để ban lãnh đạo quyết định dựa trên tình hình của trung tâm” (Thảo luận nhóm CB, NV)

Như vậy, Hiện tại các CB, NV trong trung tâm đã và đang “làm hộ, làm thay” một số vai trò của NVXH. Vậy vai trò của NVXH được hiểu như thế nào và nó bao gồm những vai trò gì?

Theo quan điểm của Mc Pheeters và Ryan[16] và Betty J Piccard[4], NVXH có 8 vai trò, cụ thể gồm có: Người đi trước vấn đề; người môi giới; biện hộ; lượng giá vấn đề; trung gian; giáo dục; tác nhân thay đổi hành vi; tư vấn và cuối cùng là người lập kế hoạch cho cộng đồng. Tuy nhiên, đối với TKT tại Trung tâm dạy nghề người tàn tật Nghệ An thì vai trò là người giáo dục, lượng giá, trung gian và tư vấn của NVXH tỏ ra khá phù hợp.

Vai trò là người giáo dục: Vai trò này của các CB, NV được thể hiện rõ nhất thông qua nhiệm vụ dạy học và dạy nghề tại trung tâm. Họ là những người giáo viên dạy cho TKT nắm được những kiến thức cơ bản và những kỹ năng cơ bản trong chương trình bổ túc văn hóa, trong nghề nghiệp và trong đời sống sinh hoạt. Đây được coi là công việc rất khó khăn, vất vả vì dạy nghề cho người bình thường đã khó mà dạy nghề cho TKT lại càng khó hơn

rất nhiều. Nó đòi hỏi sự kiên nhẫn, uốn nắn, chú ý, tỉ mỉ và đặc biệt là cái tâm đối với nghề, với các em khuyết tật.

Vai trò là người lượng giá: Vai trò này được thể hiện thông qua một số yếu tố sau: Thứ nhất, đó là việc tuyển sinh và lựa chọn những đối tượng được vào trung tâm. Bên cạnh những đối tượng đúng tiêu chí được tuyển vào, một số trường hợp dù không đủ tiêu chí nhưng do hoàn cảnh gia đình quá khó khăn thì lúc đó, trung tâm sẽ xem xét, đánh giá hoàn cảnh trẻ và bổ sung trẻ vào trung tâm theo diện nội trú. Thứ hai, Trong quá trình học tập, các giáo viên sẽ theo dõi trình độ nhận thức và hạnh kiểm của các em để xem xét có thể cho các em lên lớp hoặc chuyển qua học nghề được hay không. Khi chuyển qua học nghề thì lại lượng giá năng khiếu, khả năng thích hợp của các em với từng loại nghề đào tạo trong trung tâm như thế nào. Trong trường hợp trẻ có nhu cầu muốn học một ngành nghề khác với nghề mà giáo viên hướng cho trẻ thì họ lại phải bàn bạc và trao đổi, kiểm tra khả năng của trẻ một lần nữa và sẽ trao đổi với trẻ và gia đình rồi mới có quyết định chính thức về việc dạy nghề cho trẻ.

Vai trò là người tư vấn: Các CB, NV ngoài việc nuôi dưỡng, dạy học, dạy nghề, cho trẻ thì thường xuyên đóng vai trò là người tư vấn tâm lý khi trẻ có nhu cầu và khi cảm thấy trẻ cần được tư vấn kịp thời. CB, NV tư vấn về những áp lực hay khó khăn khi trẻ chưa quen với môi trường mới hay khi trẻ phải thay đổi hành vi cho phù hợp với nội quy trong trung tâm. Nhiều em cảm thấy ngỡ ngàng và hụt hẫng khi phải xa gia đình, chuyển đến nơi ở mới xa lạ, khi đó rất cần sự động viên và quan tâm của người nuôi dưỡng và thầy cô. Nhiều trẻ gặp khó khăn tâm lý khi đến tuổi dậy thì, các em có tâm tư tình cảm với người khác giới và khi chia sẻ với giáo viên, các thầy cô có thể giúp em điều chỉnh hành vi cho phù hợp vớ tình cảm đó, giúp các em biết đặt tình cảm đúng nơi và cần quan tâm đến cái gì trước nhất. Ngoài ra, khi các em gặp khó

khăn trong vấn đề lựa chọn ngành nghề thì thầy, cô giáo cũng sẽ trao đổi với các em, giúp các em tìm ra nghề phù hợp nhất với bản thân.

Vai trò là người trung gian kết nối: Vai trò này được thể hiện thông qua hoạt động tìm kiếm và giới thiệu TKT đã hoàn thành các khóa học nghề tại trung tâm với các doanh nghiệp, cơ sở có nhu cầu tuyển dụng lao động phù hợp với nghành nghề của các em. Các nhân viên cố gắng kết nối đối tượng với những công việc phù hợp về hoàn cảnh và điều kiện sức khỏe cũng như nhu cầu của người lao động. Họ cũng là người đứng giữa trung gian giải quyết nhưng vấn đề liên quan đến hợp đồng lao động giữa người lao động (TKT) với người thuê lao động.

Như đã nói ở trên, hầu hết các CB, NV tại trung tâm đều đảm nhiệm nhiều vai trò khác nhau trên cùng một người. Có người đảm nhiệm 3 đến 4 vai trò là chuyện bình thường tại trung tâm. Một CB, NV có thể vừa là một giáo viên dạy văn hóa, vừa là một quản sinh, vừa đảm nhiệm vai trò là người tư vấn. Trong khi đó, dù đảm nhiệm nhiều vai trò khác nhau nhưng hầu hết các CB, NV đều chỉ được nhận một mức lương trong công việc chính, còn những công việc kiêm nhiệm khác thì không được tính lương, hoặc nếu được tính thì cũng chỉ mang tính chất bồi dưỡng tinh thần cho họ.

Một phần của tài liệu Hoạt động hỗ trợ cho trẻ khuyết tật hòa nhập cộng đồng tại Trung tâm dạy nghề người tàn tật Nghệ An (Trang 95)