Yếu tố cá nhân của các em

Một phần của tài liệu Hoạt động hỗ trợ cho trẻ khuyết tật hòa nhập cộng đồng tại Trung tâm dạy nghề người tàn tật Nghệ An (Trang 88)

Quan điểm, tính cách cá nhân của TKT là một trong những yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến khả năng hòa nhập cộng đồng của trẻ. Điều đó được thể hiện thông qua thái độ, tính cách và suy nghĩ của trẻ trước và sau khi tiến vào học tập tại trung tâm.

Thông qua quan sát và thu thập thông tin, chúng tôi thấy rằng hầu hết TKT khi vừa bước vào trung tâm đều có sự bỡ ngỡ và rụt rè do chưa quen thuộc và phải mất một thời gian để làm quen với môi trường mới, thời gian thích ứng thì dài, ngắn khác nhau tùy thuộc vào sự thích ứng của trẻ. Chỉ có

một số rất ít trẻ có thể nhanh chóng làm quen được với môi trường mới và chủ động tiếp cận trong các hoạt động tại trung tâm.

Sự khác biệt đó một phần xuất phát từ quan điểm nhận thức của các em. Từ kết quả thu thập được, TKT có ba xu hướng trong cách suy nghĩ về bản thân, về việc học và về tương lai của bản thân. Đó là xu hướng buồn chán và cảm thấy khó có thể thích ứng với môi trường mới. Xu hướng vui vẻ và chỉ muốn ở lại trung tâm không muốn về nhà đối mặt với cha mẹ và cộng đồng. Xu hướng lạc quan, chăm chỉ học tập, thích ứng nhanh chóng và muốn mau chóng đượcc đi làm.

Đối với nhóm trẻ có tâm lý buồn chán và cảm thấy khó thích nghi với môi trường mới có hai luồng lý do khác nhau. Một bên là do môi trường mới khác lạ so với khi ở nhà và ở nhà trẻ dựa dẫm quá nhiều vào cha mẹ nhưng khi đến trung tâm thì phải tự lập trong nhiều hoạt động khiến trẻ trở nên hụt hẫng và khó nắm bắt nhịp sống mới. Hơn nữa, vốn dĩ những trẻ này lại thường ít nói, khó bộc lộ cảm xúc nên khiến việc kết bạn, giao lưu và học hỏi trở nên khó khăn hơn. Những trẻ này thường mờ nhạt trong các hoạt động học tập và ngoại khóa tại trung tâm.

“Em không thích tham gia vào các hoạt động giao lưu, em chả biết nói gì với các anh chị ấy cả. Nhiều lúc cũng muốn được nói chuyện và giao lưu nhiều hơn, nhưng đứng trước các bạn và các anh chị thì em lại không biết nói gì” (PVS TKT vận động, nữ, 15 tuổi, học văn hóa)

Khác với nguyên nhân này, một số trẻ có tâm lý tự ti và chán nản lại là do cảm thấy bản thân học không tốt, tiếp thu chậm hơn những bạn cùng lớp khiến các em cảm thấy xấu hổ và dằn vặt bản thân.

“Em học kém hơn các bạn khác, nhiều khi buồn lắm chị à, em cũng cố gắng lắm nhưng vẫn cảm thấy thật khó khăn, e rất buồn” (PVS TKT câm điếc, nam, 13 tuổi, học văn hóa)

Trẻ có xu hướng vui vẻ và chỉ muốn ở lại trung tâm không muốn về nhà đối mặt với cha mẹ và cộng đồng thì lại có suy nghĩ khác. Nhóm trẻ này có những suy nghĩ tích cực về bản thân nhưng gặp rào cản về định kiến và kì thị đối với khuyết tật.

“Lúc trước em nghĩ bản thân là kẻ có tội nên mới bị trừng phạt như vậy. Khi đến ở trung tâm, được tiếp xúc và nói chuyện với thầy cô, với các anh chị tình nguyện viên, em mới biết hóa ra tật nguyền không phải lỗi do bản thân. Từ đó em suy nghĩ lạc quan hơn rất nhiều”… “Dù rằng gia đình đã hiểu cho em nhưng hàng xóm thì lại không được như vậy, mỗi lần về quê em cũng cố gắng bắt chuyện với hàng xóm, trước mặt thì họ vẫn trả lời nhưng sau lưng thì lại xì xầm và dặn con họ không được lại gần em”(PVS trẻ đa khuyết tật, 16 tuổi, học may)

Gặp rào cản về định kiến trong cộng đồng khiến những em đã thay đổi về quan điểm khuyết tật của mình vẫn còn chán nản khi nỗ lực thay đổi của các em chưa được hồi đáp.

Điều này đã khiến một số em có suy nghĩ chỉ muốn mãi ở lại trong trung tâm để luôn được cảm thấy thoải mái. Khi nhắc đến công việc tương lai, các em cho biết bản thân vẫn chưa xác định được cụ thể. Các em cảm thấy rằng bản thân về nhà làm việc thì khó có nơi nhận làm, còn tìm việc ở thành phố hay vùng khác thì bất tiện về nơi ăn chốn ở và đi lại.

Nhóm trẻ có xu hướng lạc quan, chăm chỉ học tập, thích ứng nhanh và muốn mau chóng được đi làm là nhóm nhận được sự hỗ trợ của gia đình và cộng đồng. Đây cũng là nhóm trẻ đã có định hướng tương lai cho bản thân về nghề nghiệp.

“Em dự định sau khi học xong sẽ về nhà mở một cửa tiệm nhỏ, may quần áo cho mọi người, cũng có nói qua với bố mẹ rồi, bố mẹ bảo cố gắng học nghề cho giỏi thì không sợ gì hết, hàng xóm cũng bảo sẽ ủng hộ, giới thiệu

khách cho em nên em thấy tự tin hơn” (PVS TKT khiếm thính, 17 tuổi, nữ, học may)

Bên cạnh đó, không may mắn như một số em nhận được sự ủng hộ và hỗ trợ của gia đình và cộng đồng, TKT cũng gặp bế tắc khi nghĩ đến vấn đề ra trường xin việc làm, làm ở đâu và hình thức làm việc như thế nào khi các em không muốn quay về nhà sau khi học nghề xong. Những em may mắn được trung tâm giới thiệu cho các cơ sở doanh nghiệp và được nhận vào làm thì có động lực để nỗ lực hơn. Nhiều trẻ có tâm lý buông xuôi và mặc kệ, thụ động trong việc tìm hiểu các cơ hội việc làm.

“Em cũng chưa nghĩ gì cả, học thì cứ học thôi, đến khi nào sắp ra trường, đợi xem thầy cô có giới thiệu được nơi làm việc cho không, đến lúc đó em sẽ tính tiếp” (PVS TKT vận động, 16 tuổi, lớp tin học)

Như vậy, yếu tố cá nhân là một trong những yếu tố cơ bản trong quá trình giúp đỡ trẻ ổn định tâm lý kết hợp với các yếu tố tác nhân khác. Với những trẻ nhận được sự giúp đỡ, hỗ trợ từ gia đình và cộng đồng thì khả năng trẻ tham gia các hoạt động tại trung tâm sẽ tích cực và lạc quan hơn.

Một phần của tài liệu Hoạt động hỗ trợ cho trẻ khuyết tật hòa nhập cộng đồng tại Trung tâm dạy nghề người tàn tật Nghệ An (Trang 88)